LĐO - Ngày 15.9, tại Hưng Yên đã diễn ra Hội thảo phát triển du lịch làng nghề Hưng Yên năm 2017. Nhiều vấn đề liên quan đến người lao động, hướng đi và các chiến lược phát triển du lịch làng nghề được các sở, ngành cùng các chuyên gia trao đổi một cách thẳng thắn.
Phát triển du lịch gắn với làng nghề
Theo Sở NNPTNT Hưng Yên, hiện tỉnh có 49 làng nghề, trong đó có 36 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có các làng nghề đang có xu hướng phát triển như làng nghề chạm bạc Huệ Lai, làng nghề mây tre đan, làng nghề đan đó - giọ, nghề làm mành, làm hương xạ Cao Thôn…
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên - khẳng định, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay thì du lịch làng nghề đang là một loại hình hấp dẫn du khách. Phát triển du lịch làng nghề tạo ra quá trình sản xuất tại chỗ thông qua việc cung ứng các sản phẩm hàng hóa của các làng nghề cũng như các dịch vụ phục vụ hoạt động du lịch, đồng thời tạo nên việc làm cho bộ phận dân cư, làng xã.
Phơi hương tại làng nghề làm hương xạ Cao Thôn. Ảnh: TRẦN VƯƠNG
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận, không phải tất cả các làng nghề trên địa bàn đều có tiềm lực cũng như điều kiện để phát triển theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa. Để các làng nghề tồn tại và phát triển bền vững, ngoài yếu tố nội tại của mỗi làng nghề trong việc tự thay đổi thì một yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng là phải gắn kết với phát triển với du lịch. Điều này tuy không mới nhưng không phải làng nghề nào cũng thành công.
Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho rằng, nên có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về loại hình du lịch làng nghề. Nó là một trong những tài nguyên quan trọng của nước ta. Tuy nhiên, nhiều nghề ở nước ta hiện còn manh mún và tự phát, yếu về nhiều mặt. Do đó cần phải có những điều phải bàn để phát triển làng nghề. Đó là những vấn đề về đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực cho làng nghề, chính sách đối với nghệ nhân, xây dựng và nhận diện thương hiệu, tạo được sản phẩm chất lượng cao, bao bì bắt mắt, giá cả phù hợp... mới tạo được niềm tin cho du khách. Bên cạnh đó là việc quảng bá sản phẩm, giới thiệu làng nghề truyền thống…
Cần một lối đi đúng đắn và tầm nhìn dài hạn
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng đưa ra đề xuất: “Cần phải tìm được một lối đi cụ thể, có hoạch định. Cần có sự phối hợp giữa chính quyền sở tại và các hội nghề nghiệp, hội du lịch, lữ hành… để cùng phối hợp phát triển du lịch làng nghề. Đồng thời phải tạo được những cơ sở dịch vụ phục vụ khách thuận lợi, hấp dẫn để khách đến ngày một đông, đến nhiều lượt, mua nhiều hàng lưu niệm, có ấn tượng tốt đẹp. Bên cạnh đó, việc phong tặng các danh hiệu và nghệ nhân về lĩnh vực làng nghề rất quan trọng. Phong cách dịch vụ tại đây cũng cần phải được cải thiện. Từ cách thưa, gửi… cũng cần làm để tô đậm lên được cách xử sự văn hóa tại các làng nghề”.
Còn TS Dương Văn Sáu - Khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thì cho rằng cần phải có những chú ý và công việc cần phải làm khi tổ chức làng nghề: “Với mỗi đối tượng khác nhau như khách nội địa, khách nước ngoài… thì sẽ có nhu cầu khác nhau. Các làng nghề cũng cần có những lộ trình và chu trình tham quan khác nhau, tránh đơn điệu, nhàm chán. Các hướng dẫn viên cần được tập huấn một cách chuyên nghiệp và thông tin phải được cung cấp một cách chuẩn xác. Cần chú ý trong xây dựng trung tâm điều phối, hướng dẫn du lịch, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, kết nối các tour du lịch, liên kết để phát triển du lịch nội vùng.
Mặt khác, du khách đến làng nghề thì có thể mua sắm trực tiếp, không qua trung gian, đó là hàng thật và người ta tin tưởng vào điều đó nên các sản phẩm cần phải đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó cần phải giữ được các giá trị đặc trưng mới có thể thu hút khách được. Giữ cái cũ thì mới có người mới tới được”.
Cũng tại hội thảo, đại diện các trung tâm, đơn vị du lịch lữ hành cũng đưa ra các ý kiến thẳng thắn về quy hoạch xây dựng làng nghề để phát triển du lịch: Tại đó cần xác định rõ không gian văn hóa hướng tới đối tượng khách hàng nào, du khách được hưởng gì từ điều đó, những sản phẩm đặc sắc của làng nghề để níu chân du khách. Chất lượng dịch vụ từ những vấn đề như khi đến làng nghề du lịch thì liên hệ với ai, số điện thoại hotline… đến chỗ vệ sinh, nơi ăn, chốn ở, ứng xử đối với du khách của làng nghề... cũng rất quan trọng. Bên cạnh đó, muốn phát triển làng nghề cũng rất cần chú ý tới nguyên bản của nó.
Phát triển du lịch làng nghề chính là du lịch cộng đồng
Đó là ý kiến của ông Vũ Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục du lịch) trong cuộc trao đổi với PV Lao Động. Theo ông Phương: Người tham gia tổ chức và được hưởng lợi chính là cộng đồng. Như vậy mới có thể khuyến khích được sự phát triển. Những vấn đề đặt ra là các chính sách của địa phương ưu đãi như thế nào cho bà con tham gia. Các chính sách, chủ trương đã có, điều quan trọng là Hưng Yên cũng như các địa phương phát triển du lịch làng nghề phải làm như thế nào để tạo ra được sự khác biệt và thu hút du khách, tận dụng được những tiềm năng và lợi thế của mình.
VƯƠNG TRẦN