(Dân trí) - Nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan “miền giếng cổ”, UBND tỉnh Quảng Trị vừa có quyết định cấp nguồn kinh phí 2,5 tỉ đồng cho UBND huyện Gio Linh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch hệ thống giếng cổ Gio An, đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.
Những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng tôn tạo, phục hồi hệ thống giếng cổ thời Chăm để quảng bá, giới thiệu nhằm thúc đẩy phát triển du lịch.
Từ năm 2015, địa phương đã tu bổ 7 trong hệ thống 14 giếng cổ có niên đại 2.000 năm ở xã này.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị khảo sát giếng cổ Gio An.
Hệ thống giếng cổ Gio An đã được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp Quốc gia, với 14 giếng cổ: Giếng Côi, Giếng Dưới, Giếng Búng, Giếng Trạng, Giếng Đào ở thôn An Nha; Giếng Gái 1, Giếng Gái 2, Giếng Nậy thôn An Hướng; Giếng Tép, Giếng Ông, Giếng Bà, Giếng Gai thôn Hảo Sơn; Giếng Máng thôn Long Sơn; Giếng Pheo thôn Tân Văn.
Hệ thống giếng cổ với niên đại hàng ngàn năm, cùng vẻ đẹp đặc trưng thích hợp để phát triển du lịch.
Nét độc đáo của hệ thống giếng cổ là tên gọi và địa điểm nằm ở chân sườn các quả đồi đất đỏ bazan, được tạo thành nhờ kỹ thuật lắp ghép, kè đá để khai thác các mạch nước ngầm trong lòng đất phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Hàng ngàn năm qua, các giếng cổ chưa bị cạn nước.
Từ trước đến nay, dù thời tiết khô hạn đến đâu, nước trong hệ thống giếng cổ vẫn không bao giờ cạn, luôn trong xanh và mát lạnh.
Hệ thống giếng cổ ngàn năm được xem là di sản “có một không hai” thuộc xã Gio An, miền tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị - nơi có nhiều lợi thế phát triển du lịch cộng đồng với cảnh quan thiên nhiên độc đáo.
Nhiều du khách và người dân địa phương bị cuốn hút trước vẻ đẹp của giếng cổ.
Nhiều du khách trong và ngoài nước đã tìm về Gio An và thực sự bị cuốn hút bởi vẻ đẹp các điểm du lịch nơi đây.
Đăng Đức