Thời gian qua, hoạt động du lịch cộng
đồng ở Quảng Trị dần phát triển nở rộ, thu hút được lượng lớn khách nội
địa, nội tỉnh đến tham quan, trải nghiệm, góp phần tạo việc làm, tiêu
thụ nông sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã chú trọng
phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp để
sản xuất các mặt hàng lưu niệm, phát triển sản phẩm OCOP đặc sản nông
nghiệp chất lượng cao phục vụ khách du lịch.
Một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội
chợ đình Bích La, A Riêu Ping (bốc mã), Lễ mừng lúa mới, Lễ hội cồng
chiêng... cũng được các địa phương phục hồi, phát triển để thu hút du
khách. Đặc biệt, các mô hình dịch vụ du lịch chuyển đổi từ canh tác nông
nghiệp do các cá nhân, hộ gia đình triển khai như các vườn hoa: Miền
Viên Thảo, Chân trời, Tà Cơn; Khe Sanh Valleyfam, Bungalow 5 mùa (huyện
Hướng Hóa); các khu du lịch cộng đồng Klu (Đakrông), Chênh Vênh (xã
Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa); Giếng cổ Gio An (xã Gio An, huyện Gio
Linh); khu du lịch Trằm Trà Lộc (xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng)... hoạt
động có hiệu quả, mang lại màu sắc tươi mới cho du lịch Quảng Trị.
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình
dịch vụ du lịch chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp một cách tự phát,
chưa được cấp phép ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời
gian qua đang đặt ra nhiều thách thức cho du lịch cộng đồng phát triển
bền vững.
Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng
không được quản lý tốt sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường tự nhiên do khai
thác quá tải tài nguyên du lịch và nguy cơ thương mại hóa, tầm thường
hóa văn hóa bản địa để kiếm tiền nhanh, từ đó sớm hay muộn sẽ suy giảm
lòng mến khách và sự phát triển bền vững của du lịch. Vì vậy, trong du
lịch cộng đồng, sự lựa chọn bắt buộc là phải sử dụng có trách nhiệm các
tài nguyên du lịch cả về thiên nhiên lẫn văn hóa.
Du lịch cộng đồng được tỉnh Quảng Trị
xác định là một trong những giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản
xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn; góp phần phát
triển du lịch bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu
kinh tế của tỉnh.
Chính vì vậy, mới đây, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam đã ký ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND triển
khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch trên với mục tiêu cụ thể, tại
các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Quảng Trị, cơ bản các giá
trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn
và phát huy; 30% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu
lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Có ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch cung
ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản
lý du lịch; 80% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và
nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó có ít nhất
50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 1 người có khả
năng giao tiếp được một ngoại ngữ.
Quảng Trị phấn đấu mỗi huyện nông thôn
mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du
lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 10% làng nghề
truyền thống mỗi huyện nông thôn mới có sản phẩm OCOP gắn với phát triển
du lịch cộng đồng. Phấn đấu 80% điểm du lịch cộng đồng được tuyên
truyền, quảng bá, có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du
lịch; tiến tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa bản đồ số
các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc.
Tĩnh này sẽ từng bước xây dựng cơ sở dữ
liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng được công nhận trên toàn
quốc. Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch
cộng đồng tại các địa bàn trọng điểm, tập trung đông khách du lịch.
Hàng năm, Quảng Trị sẽ tổ chức đánh giá
các điểm du lịch cộng đồng theo Tiêu chuẩn quốc gia về Du lịch cộng
đồng. Yêu cầu về chất lượng dịch vụ, phấn đấu có từ 10% - 20% điểm du
lịch cộng đồng có mức hài lòng của khách du lịch đạt mức loại khá tốt.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quảng Trị
sẽ đánh giá thực trạng tình hình phát triển du lịch cộng đồng để phát
hiện những vấn đề cần giải quyết trong khôi phục, bảo tồn, phát huy giá
trị văn hóa truyền thống. Tỉnh này sẽ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, người
lao động; khảo sát, đánh giá và đưa ra phương án hỗ trợ cơ sở vật chất,
trang thiết bị để người dân triển khai các hoạt động, trong đó ưu tiên
đồng bào dân tộc; nghiên cứu, đánh giá để xây dựng căn cứ pháp lý, cơ
chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng
đồng, cơ chế quản lý, phối hợp giữa các bên liên quan tham gia trong
hoạt động du lịch cộng đồng.
Đồng thời, Quảng Trị sẽ huy động, lồng
ghép chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và lồng
ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Quy hoạch, đầu tư hạ tầng và cơ
sở vật chất kỹ thuật cho phát triển du lịch cộng đồng. Phát triển thị
trường, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm. Bảo
tồn và phát triển giá trị văn hóa nhằm phát triển du lịch cộng đồng. Đào
tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cộng đồng, quản
lý.