TTO - GS. Đặng Huy Huỳnh, Phó chủ tịch Hôi bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN, Chủ tịch Hội động vật VN, nói rằng cách bảo tồn và phát triển hiện nay không nhất quán, không thực hiện theo đúng luật
Sau đây là những trao đổi của ông GS Huỳnh với Tuổi Trẻ xung quanh quy hoạch phát triển du lịch quần đảo Cát Bà.
Chỉ còn 70 voọc Cát Bà
Vườn quốc gia Cát Bà nằm trong hệ thống vườn quốc gia của VN,
thuộc khu di sản của Cát Bà. Trong vườn quốc gia Cát Bà có loài động vật
quý hiếm là voọc Cát Bà, là loài đặc hữu của VN, giờ chỉ còn ở vườn
quốc gia Cát Bà.
Rất ít người biết trước đây vườn quốc gia Cát Bà cũng chỉ có hơn 80
con, đến nay giảm còn 70 con. Sự suy giảm đó khiến quốc tế cũng lo ngại
không biết quần thể này có đủ đảm bảo cho loài voọc phát triển nữa
không.
Vậy thì tại sao chúng ta lại tiếp tục đưa các công trình vào đây.
Không chỉ voọc, ngay loài sơn dương ở Cát Bà cũng không còn mấy con.
Vì thế, thay vì cần giữ và bảo tồn môi trường sinh thái cho các loài
phục hồi nguồn gen quý hiếm thì chúng ta lại xâm phạm đến môi trường
sinh thái.
Diện tích của vườn quốc gia Cát Bà hiện nay có hơn 15.000ha, trong đó
chỉ có gần 7.000ha ở trên đất liền, còn lại là diện tích mặt biển.
Vì thế liên quan đến rừng Cát Bà cũng là liên quan đến môi trường biển.
Nếu sinh cảnh ở đó bị ảnh hưởng, hoặc mất đi, chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường biển.
Du khách đến vì vẻ đẹp tự nhiên
Vườn quốc gia Cát Bà vốn dĩ đông du khách đến bởi vẻ đẹp tự nhiên.
Việc cho làm các công trình tại đây là chưa đánh giá hết các tác động.
Giữ cho được môi trường sinh thái rồi thụ hưởng từ đó chứ không phải
tăng nguồn thu bằng cách đưa các công trình vào xâm hại đến diện tích,
xâm lấn đến nơi sinh sống của các động vật, đặc biệt là động vật quý
hiếm.
Khi còn môi trường, còn cảnh quan thì du khách mới đến du lịch. Không
còn những cái đó du khách sẽ bỏ đi. Vì vậy, có được thêm công trình,
nhưng không đánh giá được mất, khi đó tưởng là được nhưng thành ra là
mất.
Đừng lấy lý do đã nghiên cứu và đưa ra các đánh giá không ảnh hưởng
hoặc ảnh hưởng không đáng kể để thực hiện bằng được các công trình kinh
tế. Nếu có nghiên cứu, phải làm rõ được cái được cái mất từ những công
trình này. Tôi cho rằng chắc chắn mất nhiều hơn được.
Luật pháp đã được Quốc hội thông qua về việc phải bảo tồn. Tôi nghĩ
bây giờ phải bảo vệ cho tốt các vườn quốc gia. Phải giữ các vườn quốc
gia, hệ sinh thái, các di sản thiên nhiên để thế hệ hôm nay, mai sau còn
có cơ hội thấy được vẻ đẹp quý hiếm của thiên thiên ban tặng.
Tôi cũng không đồng ý việc cứ bảo tồn một cách máy móc, con người
không được can thiệp gì. Khi bảo tồn không có nghĩa là con người không
tham gia; kỹ thuật, công nghệ phải được dùng vào việc bảo tồn, nhưng
bằng cách phù hợp với sinh thái tự nhiên.
Cam kết một đằng thực hiện một nẻo
Khi cho làm những công trình như cáp treo, đồi vọng cảnh, sau này là
sân golf, đó thuần là những công trình vì mục đích kinh tế, chắc chắn
ảnh hưởng đến cảnh quan, hệ sinh thái vườn quốc gia, ảnh hưởng đến nguồn
gen của các loài động vật quý hiếm.
Không những ảnh hưởng đến đa dạng sinh học mà nó còn ảnh hưởng đến uy
tín của VN, khi chúng ta đã cam kết với quốc tế về việc bảo vệ các di
sản thiên thiên.
Chúng ta cam kết một đằng nhưng lại thực hiện một kiểu, quốc tế sẽ
đánh giá các cam kết về bảo vệ di sản thiên nhiên qua việc cho thực hiện
các công trình ở vườn quốc gia Cát Bà.