Hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, vừa qua tại Thanh Hoá, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với huyện Nga Sơn long trọng tổ chức lễ hội Mai An Tiêm. Cùng với lễ hội là lễ khởi công tôn tạo đền thờ Mai An Tiêm.
Đền thờ Mai An Tiêm được đầu tư tôn tạo trên nền móng cũ, kết cấu hình chữ Đinh gồm 5 gian Tiền Bái và 4 gian Hậu cung phỏng theo kiến trúc đình, đền Việt Nam; cổng tứ trụ gồm 4 cột kiểu cổng tứ trụ truyền thống, tổng trị giá đầu tư giai đoạn 1 trên 10 tỷ đồng.
Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm là người có công khai phá, xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn, cũng là người “khai sinh” ra quả dưa hấu đỏ. Mai An Tiêm - nhân vật huyền sử của nước Văn Lang ở vào cuối thời Hùng Vương, một biểu tượng về tinh thần vượt khó, cần cù, sáng tạo trong lao động .
Tương truyền, chính lúc cùng gia đình bị đày ra sống ở trên hòn đảo xa ngoài khơi (nay thuộc vùng biển huyện Nga Sơn), nhờ loài chim biển từ phương Tây bay tới đảo ăn trái nhả hạt, Mai An Tiêm đã tìm ra giống dưa quý. Hiện chỗ gia đình ông sống nơi đảo xa người ta vẫn còn gọi là bãi An Tiêm. Giống dưa quý ruột đỏ ấy gọi là dưa đỏ, sau này gọi là dưa hấu. Hàng năm, vào ngày 12 đến 15 tháng 3 âm lịch, tại đền thờ Mai An Tiêm, chính quyền và nhân dân địa phương thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ, tri ân Mai An Tiêm, người có công khai phá, mở mang bờ cõi, thủy tổ của nghề canh nông cho dân trong vùng. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước.
Nghe chuyện sự tích dưa hấu
Nguồn: CPV