Những ngày qua, câu chuyện thu phí khách du lịch vào tham quan Di sản Hội An bỗng trở nên… ồn ào. Nhiều người cho rằng, Hội An không phải là… bảo tàng để thu phí. Thế nhưng, suốt gần 30 năm qua, việc thu phí vào "vùng lõi" di sản vẫn được thực hiện với mô hình “lấy di tích nuôi di tích” được UNESCO đánh giá cao. Hơn lúc nào hết, đã đến lúc cần hiểu đúng và đầy đủ về cách làm không hề “cá biệt” so với thế giới từ nhiều năm qua.
HỘI AN CHỈ BÁN VÉ VÀO "VÙNG LÕI" DI SẢN
Khu phố cổ Hội An nằm trọn trong phường Minh An, thành phố Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 4/12/1999.
Trước đó, sau 10 năm được xếp hạng Di sản Văn hóa Quốc gia năm 1985, năm 1995, thành phố Hội An (khi đó là thị trấn Hội An) đã quyết định phát hành “Vé tham quan Khu phố cổ Hội An”, nay là “Vé tham quan Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An” để phục vụ du khách quốc tế và trong nước tham quan. Khu vực thu phí tham quan là vùng lõi của di sản - khu vực bảo vệ 1 theo Điều 32 Chương 4 của Luật Di sản.
Điều 60, Chương 5 của Luật Di sản quy định: “Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích, sưu tập, bảo tàng được thu phí tham quan và lệ phí sử dụng di tích, sưu tập, bảo tàng theo quy định của pháp luật”.
Ngay từ những ngày đầu phát hành, vé tham quan Khu phố cổ Hội An được niêm yết công khai trên các trang thông tin chính thức của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam để cho du khách trong nước và quốc tế tiện theo dõi. Năm 2011, giá vé tham quan Khu phố cổ Hội An được điều chỉnh lên mức 45.000 đồng/vé/3 công trình văn hóa với khách trong nước, 90.000 đồng/vé/6 công trình văn hóa với khách quốc tế. Năm 2013 đến nay, giá vé tham quan Khu phố cổ Hội An lần lượt là 80.000 đồng và 120.000 đồng với khách trong nước và quốc tế.
Thông tin giá vé vào Khu phố cổ Hội An năm 2015. (Ảnh chụp màn hình)
Ông Rainer Gigeler (quốc tịch Đức), người đã quay trở lại thăm Hội An nhiều lần từ lần đầu vào 2013 bày tỏ: “So với nhiều điểm di sản tôi đã tới thăm, giá vé vào phố cổ Hội An chưa tới 5 USD là quá rẻ, có lẽ là rẻ nhất trong những nơi tôi đã đến. Năm 2019, gia đình tôi tới Angkor Wat, mua vé có giá trị 2 ngày là 37 USD. Tôi nhớ là năm 2014 tới Hội An giá vé cũng như hiện nay. Chi phí rẻ, cảnh đẹp, đồ ăn ngon nên lần nào sang Việt Nam, gia đình chúng tôi cũng tới Hội An”.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân sáng 8/4, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An khẳng định, việc bán vé tham quan Di sản UNESCO của thành phố Hội An từ năm 1995 đến nay phù hợp với các quy định của chính phủ và xu thế chung của thế giới trong việc bảo tồn di sản UNESCO.
“Hội An thu phí không phải tự đặt ra là được, mà phải theo luật. Luật Di sản đã quy định phí tham quan là một nguồn thu quan trọng để trùng tu di tích, Nghị định 109, Luật Du lịch đã quy định khách tham quan tới khu vực di sản, khu vực có bán vé thì phải chấp hành việc đó. Nghị quyết 33 của HĐND Tỉnh về việc bán vé có cụ thể hết rồi”, ông Sơn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND Thành phố Hội An nói thêm: “Cả thành phố Hội An có diện tích 64km2 mà trong đó khu phố cổ bán vé chỉ có 1km2 thôi. Hội An chỉ bán vé khu di sản đó chứ có bán vé vào thành phố đâu”.
Cả thành phố Hội An có diện tích 64km2 mà trong đó khu phố cổ bán vé chỉ có 1km2 thôi. Hội An chỉ bán vé khu di sản đó chứ có bán vé vào thành phố đâu.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An
Trên thế giới, Hội An không phải là “di sản sống” duy nhất thu phí vào cửa để bảo tồn và duy trì hoạt động để tạo sinh kế cho người dân sống với các quy định khắt khe để bảo tồn hiện trạng di sản. Theo UNESCO, toàn thế giới hiện có 300 thành phố tham gia vào Chương trình thành phố di sản thế giới, rất nhiều trong số đó có các điểm di sản thế giới bao gồm cả cộng đồng dân cư sinh sống.
Thông tin bán vé vào cổng ngôi làng di sản Tây Đệ. (Ảnh chụp màn hình)
Tại Trung Quốc, 2 ngôi làng cổ Tây Đệ và Hoành Thôn tại tỉnh An Huy, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 2000. Giống như phố cổ Hội An, ngoài những công trình kiến trúc hàng trăm năm được bảo tồn nguyên vẹn, 2 ngôi làng này vẫn là nơi sinh sống của các cộng đồng dân cư sống từ nhiều đời nay. Để phục vụ công tác bảo tồn, cải thiện đời sống người dân, du khách đến tham quan 1 trong 2 ngôi làng phải trả phí 104 nhân dân tệ (khoảng 355.000 đồng), vé có giá trị 3 ngày và du khách phải giữ cuống vé trong suốt hành trình.
Trên trang thông tin chính thức của UNESCO, nói về di sản Hội An, UNESCO nhấn mạnh: “Nguồn thu từ vé vào cổng được đầu tư trực tiếp vào việc quản lý, bảo quản và phát huy giá trị di sản. Công tác quản lý và bảo tồn được tăng cường hơn nữa thông qua quy hoạch tổng thể và kế hoạch hành động ở cấp địa phương. Ngoài ra còn có các chương trình phục hồi và bảo tồn thường xuyên”.
Việc phát hành vé tham quan trọn gói dành cho du khách đã nhận được sự quan tâm đặc biệt và đánh giá cao của UNESCO. Không chỉ công khai trên trang web chính thức của tổ chức, tại Hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát triển du lịch di sản văn hóa tổ chức tại thành phố Lệ Giang (Trung Quốc) năm 2000, ông Richard Engelhardt - Cố vấn văn hóa UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương khi đó đã đánh giá việc phát hành vé tham quan trọn gói Khu phố cổ Hội An là “một mô hình tiêu biểu của việc “Lấy di tích nuôi di tích” và “Mang giá trị và cái đẹp của di tích đến cho mọi người””.
“Mới đây nhất, Thành phố họp với Tổ chức UNESCO và Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam thì họ rất hoan nghênh mô hình của Hội An. Bởi vì nguồn thu từ việc bán vé được đầu tư trở lại cộng đồng hết. Thứ nhất là đầu tư cho hạ tầng chung (giữ gìn vệ sinh khu phố cổ, phòng chống cháy nổ, nạo vét sông Hoài,…), thứ hai là hỗ trợ cho di tích trùng tu của tư nhân, có những công trình sắp đổ sập phải hỗ trợ 100% tiền tu bổ”, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.
"LẤY DI TÍCH NUÔI DI TÍCH"
Được công nhận là Di sản UNESCO đã khó, nhưng để duy trì được danh hiệu này càng khó hơn gấp rất nhiều lần, đặc biệt di sản có đặc thù là “quần thể di tích sống” như Khu phố cổ Hội An. Ngoài các công trình có tuổi đời qua nhiều thế kỷ, Khu phố cổ Hội An vẫn là nơi người dân sinh sống, kinh doanh và duy trì văn hóa đặc trưng của khu di sản.
Việc bán vé trọn gói cho du khách tham quan Khu phố cổ Hội An đã được thực hiện gần 30 năm qua đã chứng minh tính hiệu quả của mô hình “lấy di tích nuôi di tích”, giúp Khu phố cổ Hội An giữ vững danh hiệu Di sản văn hóa thế giới của UNESCO trong gần 24 năm qua (theo điều 29 của Công ước Di sản thế giới, cứ 6 năm một lần các quốc gia thành viên phải đệ trình Báo cáo định kỳ về thực trạng bảo toàn các khu Di sản thế giới).
Vùng lõi của khu phố cổ Hội An là khu vực I - khu vực bảo vệ nguyên trạng theo công ước của UNESCO với tổng cộng 1.107 di tích kiến trúc. Trong đó có 932 di tích (84,18%) sở hữu tư nhân và tập thể, 175 (15,80%) di tích sở hữu nhà nước.
Một góc phố cổ Hội An. (Ảnh: DUY HẬU)
Trải qua hàng trăm năm, trước tác động của tự nhiên (như mối mọt, hỏa hoạn, lũ lụt hằng năm) và các hoạt động của con người, phố cổ Hội An luôn phải đối diện với các mối đe dọa gây hư hại, xuống cấp. Thống kê của thành phố Hội An cho thấy, bình quân mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt người ra vào phố cổ, hiện lượng khách tới phố cổ tiếp tục tăng, nhất là trong ngày rằm, lễ hội.
Do vậy, cũng như với bất cứ di sản UNESCO nào trên thế giới, bài toán đặt ra với Khu phố cổ Hội An không chỉ đơn giản ở việc bảo tồn nguyên vẹn các di tích có giá trị tiêu biểu đã được xếp vào danh mục điểm tham quan, mà vấn đề nan giải là phải giảm áp lực lên di sản nhưng vẫn giữ gìn được sinh kế cho người dân sống trong vùng lõi, giữ gìn cho được cả “quần thể di tích sống”.
Theo báo cáo của thành phố Hội An, hàng trăm di tích đã xuống cấp phải chống đỡ, che chắn có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão. “Vùng đó thấp, hay bị lụt lội khiến các công trình mau hư hỏng, mối mọt gỗ. Hội An và Huế tương đương với nhau về kiến trúc gỗ đòi hỏi trùng tu rất tốn kém”, Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho hay.
Do ở khu vực trũng, đô thị cổ Hội An thường xuyên bị ngập lụt. (Ảnh: DUY HẬU)
Mới đây nhất, dù đã trải qua 7 lần trùng tu lớn nhỏ nhưng trước tình trạng xuống cấp nguy hiểm của Chùa Cầu, ngày 22/12/2022, di tích biểu tượng này đã chính thức được tu bổ. Dự án có kinh phí hơn 20 tỷ đồng thực hiện trong 360 ngày, do UBND Thành phố Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An quản lý. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản cử chuyên gia hỗ trợ tu bổ.
UBND Thành phố Hội An cho biết, với những di tích nhỏ hơn, bình quân cho việc trùng tu 1 di tích hiện vào khoảng 5 tỷ đồng. Nếu lấy toàn bộ tiền vé tham quan để trùng tu các di tích thì mỗi năm chỉ có từ 7 đến 10 di tích được sửa chữa.
Qua 7 lần trùng tu lớn nhỏ nhưng trước tình trạng xuống cấp nguy hiểm của Chùa Cầu, ngày 22/12/2022, di tích biểu tượng này đã chính thức được tu bổ. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử thành phố Hội An)
Trong khi đó hiện Hội An có khoảng 155 (14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, che chắn ở nhiều mức độ khác nhau. Trong số này có 65 di tích đang chờ huy động vốn để tu bổ và có hơn 20/65 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão.
Gần 30 năm qua, nguồn thu từ vé tham quan là nguồn thu ngân sách chủ yếu của thành phố. Tùy vào kết quả nguồn thu và theo từng giai đoạn cân đối ngân sách, từ 50 đến 70% dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân; 10-12% chi cho 23 điểm di tích có trong ô vé, 10-30% cho bộ máy tổ chức hướng dẫn tham quan, nghiên cứu về di sản, lễ hội, các sản phẩm du lịch-văn hóa nghệ thuật trong khu phố cổ phục vụ du khách.
Đối với di tích thuộc sở hữu tư nhân, tùy theo từng loại di tích được xếp hạng mà mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để trùng tu từ 30-75%, thậm chí có trường hợp 100%.
Nguồn thu từ việc bán vé cũng góp phần vào việc tạo ra các sản phẩm du lịch-văn hóa nghệ thuật trong khu phố cổ phục vụ du khách. (Ảnh: DUY HẬU)
Cũng nhờ nguồn thu từ vé tham quan, Hội An mới đủ năng lực tài chính để thực hiện và duy trì các dự án “Đêm phố cổ” (từ tháng 8/1998), “Phố cổ không có tiếng động cơ” (từ cuối tháng 7/2004), “Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ”, “Thử nghiệm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan khu phố cổ Hội An vào ban đêm”, “Giờ tắt điện”, các sự kiện văn hóa - du lịch, chăm lo môi trường vệ sinh, cảnh quan, trật tự và hàng loạt những vấn đề dân sinh của cư dân phố cổ.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: “Không phải đơn giản mà giữ được di sản từ bên bờ sụp đổ giờ thành như vậy đâu. Mọi người cứ nghĩ là đương nhiên phải giữ di sản như vậy để vào xem. Điều này rất vô lý với Hội An. Trong khi ở Việt Nam hay nước ngoài, không có di sản văn hóa thế giới nào miễn phí hết”.
SIẾT CHẶT THU PHÍ: BẢO ĐẢM CÔNG BẰNG, GIẢM TẢI CHO DI SẢN
“Việc bán vé tham quan đã áp dụng từ lâu nhưng do dịch nên việc này bị buông lỏng. Đợt vừa rồi khách đi theo tour đổ xô vào Hội An, nhưng có nhiều công ty du lịch trốn vé, tầm 7-8 giờ tối mới đưa khách vào phố cổ nhưng vẫn lấy tiền mua vé của khách (đã bao gồm trong tiền tour). Vì thế, đợt này thành phố quy định bắt buộc mua vé vào phố cổ là muốn siết chặt các công ty lữ hành làm ăn kiểu đó”. Duy Hậu - một người dân của Hội An và cũng là một phóng viên ảnh tự do chia sẻ.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền thành phố Hội An quyết định siết chặt lại việc bán vé tham quan khu phố cổ từ ngày 15/5 tới.
Theo khảo sát của UBND thành phố Hội An, mặc dù việc bán vé tham quan vào Di sản UNESCO Hội An được thực hiện từ hàng chục năm qua, nhưng tỷ lệ khách mua vé tham quan so với lượng khách vào phố cổ chỉ đạt khoảng 40%. Nguyên nhân của tỷ lệ này được chỉ ra một phần là do dịch Covid-19, phần khác là do ý thức của nhiều cá nhân, doanh nghiệp lữ hành khi vẫn tính phí tham quan trong tổng chi phí tour nhưng khi đến nơi lại không mua vé, để khách tự tham quan mà không có thuyết minh, hướng dẫn.
Du khách nước ngoài mua vé tại quầy bán vé trước khi vào Khu phố cổ. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử thành phố Hội An).
“Trước đây cũng du di vì lượng người không có nhiều lắm, chỉ thuyết phục ai mua thì mua, chủ yếu tập trung khách du lịch đến bằng đường tàu biển. Đến bây giờ sau dịch Covid-19, 1 số tour cạnh tranh nhau lại đưa vé tham quan ra ngoài, biến Hội An thành 1 điểm miễn phí nên hạ giá tour, khiến những công ty lữ hành chân chính bị thiệt thòi cho nên chúng tôi phải làm rõ cái này để tạo sự công bằng”, Chủ tịch UBND thành phố Hội An giải thích.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An nói thêm, mục đích chính của việc siết chặt bán vé còn là kiểm soát lượng người vào phố cổ để bảo tồn di sản. Theo ông Sơn, sau dịch Covid-19, thành phố Hội An có nhiều chính sách kích cầu du lịch nên từ khi du lịch mở lại, có những thời điểm khu phố di sản nhỏ bé phải "gánh" vài chục ngàn du khách.
“Vào ngày rằm, sau 22 giờ là hoa đăng tràn ngập trên sông Hoài. Chúng tôi phải đi vớt, đi dọn. Rác ngập các tuyến phố anh em nhân viên môi trường phải làm tới 2,3 giờ sáng mới xong”, Chủ tịch UBND thành phố Hội An nói về thực trạng di tích quá tải du khách hiện nay.
Phố cổ Hội An luôn bị quá tải vào những tối ngày lễ, ngày rằm. (Ảnh: DUY HẬU)
Là một người dân sống tại Hội An, yêu Hội An với những bức ảnh muôn vẻ của thành phố, Duy Hậu bày tỏ lo lắng cho khu phố cổ khi lượng khách tới Hội An đang ngày một đông đúc khiến “Hội An giờ quá tải. Vào tầm 7-8 giờ tối những ngày như 14, 15 âm lịch hằng tháng, đường phố không còn chỗ đứng”.
Tình trạng quá tải khách du lịch đang gây nên áp lực về vấn đề hạ tầng của đô thị cổ nhỏ bé, đồng nghĩa với việc làm cho các công trình nhà cổ mau xuống cấp và làm giảm chất lượng các sản phẩm dịch vụ.
“Có nhiều giải pháp, bán vé là một cách để kiểm soát lượng người vào, không để di sản bị quá tải. Hội An đâu chỉ có đô thị cổ Hội An, còn có rất nhiều điểm khác như Cù Lao Chàm, làng gốm Thanh Hà, show diễn thực cảnh,... Vì thế thành phố mong muốn mọi người có thể giãn ra các điểm tham quan khác của Hội An, giảm áp lực cho khu vực di sản. Không phải thành phố làm để thu tiền, nói thật là như vậy!”, ông Sơn nói.
HỘI AN SẼ ĐỐI THOẠI, THÔNG TIN CỤ THỂ HƠN VỚI NGƯỜI DÂN VÀ CÁC HÃNG LỮ HÀNH
“Hội An là văn hóa, đi lên từ văn hóa nên làm gì cũng sẽ văn hóa, không như họ nói là cái gì cũng cứng nhắc đâu”, Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn khẳng định khi nói về phương án siết chặt thu phí vào khu phố cổ Hội An.
Giải thích tại sao không áp dụng chung 1 mức vé với người nước ngoài và người trong nước, ông Sơn cho biết, “mức chia vé thành 2 loại có từ năm 2012, khi đó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Sự đã tính toán có sự hợp lý để phân chia như vậy”. Theo đó, người nước ngoài muốn tìm hiểu nhiều hơn, sâu hơn về các di tích nên vé có 6 ô tương đương với 5 ô tham quan công trình và 1 ô tham quan chung.
Ngược lại, một số công trình đối với người Việt rất bình thường rồi nên chỉ cần tham quan 3 điểm, tương đương với 3/4 ô trong vé là đủ. Trong đó cả 2 loại vé đều có 1 ô tham quan chung bởi khu phố cổ Hội An là 1 quần thể, nên dù khách vào khu phố, không vào di tích thì cũng là tham quan rồi thì vẫn phải mua vé.
Lượng khách vào phố cổ Hội An tăng cao sau đại dịch Covid-19 (Ảnh: DUY HẬU)
“Từ trước đến nay Hội An vẫn bán vé nhưng ai mua thì mua, không mua thì thôi, cũng không có ai đón tiếp hướng dẫn. Sắp tới chúng tôi sẽ đưa một số hướng dẫn viên ra hướng dẫn cho du khách, mời mua vé. Còn người dân sống trong phố, khách đến vào đó ăn uống thì vẫn đi vào ra bình thường. Chỉ là cố gắng kiểm soát các đoàn khách, vận động doanh nghiệp khi làm sản phẩm du lịch thì có trách nhiệm bảo tồn di sản bằng việc mua vé”, ông Sơn nói rõ.
Ngày 8/4, thông tin với phóng viên Báo Nhân Dân, người đứng đầu thành phố Hội An khẳng định, “không có việc thành phố dừng siết chặt thu phí như phương án đã đề ra. Quan trọng là thành phố sẽ họp với người dân, với doanh nghiệp, báo chí để thông tin lại cụ thể”.
Khách nước ngoài tại một quán cà phê đặc trưng của Hội An. (Ảnh: DUY HẬU)
Bắt đầu từ thứ 2 (ngày 10/4), thành phố sẽ dành nguyên 1 tuần để đối thoại, gặp gỡ bà con, chủ nhân trong di tích trong khu phố cổ để lấy ý kiến tham vấn của bà con về phương án này. Tiếp đó, từ ngày 15-30/4, địa phương sẽ họp với các đơn vị lữ hành và tổ chức họp báo trong quãng thời gian từ ngày 1-15/5 để công bố phương án trước khi thực hiện.
Ông Sơn cho hay, “qua khảo sát, nói chuyện với bà con, cho đến nay, cũng có nhiều ý kiến bởi vì nó gắn với lợi ích của họ. Những người sống ở ngoài mặt tiền có cửa hàng buôn bán có chút lo lắng bởi họ sợ nếu làm căng quá thì khách ít vào. Đa số bà con sống trong hẻm, kiệt không có hưởng lợi gì từ hoạt động buôn bán mà việc sửa chữa nhà của họ phần lớn được thành phố hỗ trợ thì đồng ý rất cao”.
“Nếu trên 50% bà con đồng ý thì thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và triển khai”, ông Sơn nói.
Nếu trên 50% bà con đồng ý thì thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện phương án và triển khai.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An
Đánh giá về phương án tăng cường thu phí vào Di sản Hội An, ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Theo tôi việc này khá nhạy cảm, nó gắn với di tích, di sản, gắn với lợi ích của rất nhiều bên. Chính quyền thu để bảo tồn, tạo được không gian công bằng hơn cho du khách, công ty lữ hành, cộng đồng doanh nghiệp, khách kinh doanh buôn bán. Vì thế nên có trao đổi, bàn bạc, tranh luận trước khi đưa ra chính sách, mời các chuyên gia, doanh nghiệp, người dân, cộng đồng đến để có bức tranh nhiều chiều về việc này”.
Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam lưu ý, hiện nay cấu trúc khách, cấu trúc thị trường đã thay đổi: Du khách đi theo đoàn không còn nhiều, khách đi lẻ tương đối lớn, tăng nhanh, nhiều. Do đó, “cần có cách ứng xử để kiểm soát được việc này, vừa cung cấp đủ thông tin, vừa bảo tồn di sản, vừa tăng được ngân sách, bảo đảm nhu cầu khách đến”, ông Cao Chí Dũng nói.
Hiện nay cấu trúc khách, cấu trúc thị trường đã thay đổi: Du khách đi theo đoàn không còn nhiều, khách đi lẻ tương đối lớn, tăng nhanh, nhiều. Do đó, “cần có cách ứng xử để kiểm soát được việc này, vừa cung cấp đủ thông tin, vừa bảo tồn di sản, vừa tăng được ngân sách, bảo đảm nhu cầu khách đến”.
Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam
Ông Dũng đề xuất, Hội An nên có cơ chế nhiều loại vé: 1 là vẫn duy trì 2 loại vé cho khách vào tham quan thực sự như lâu nay vẫn làm. 2 là vé cho khách chỉ vào phố cổ để vãn cảnh, mua sắm ăn uống, giải trí và có thời gian sử dụng lâu dài. “Vì có thể những người này đã tới Hội An nhiều lần, đã tới các điểm tham quan trước đó, lần tới tiếp theo họ chỉ có nhu cầu ngắm cảnh, ăn uống mà vẫn mua vé có bao gồm điểm tham quan thì không công bằng”, ông Cao Chí Dũng giải thích.
Việc thu phí vào di sản để giảm quá tải cho di sản, điểm đến là một cách làm đã được nhiều nơi trên thế giới thực hiện.
- Trước nguy cơ có thể bị tước danh hiệu Di sản UNESCO do quá tải du khách, chính quyền thành phố Venice đã lên kế hoạch thu phí vào cửa của các du khách tham quan trong ngày với mức giá từ 3-10 euro tùy thuộc vào mùa thấp điểm hay cao điểm của du lịch. (Quy định này không áp dụng với khách ở lại Venice qua đêm do khách đã phải chịu thuế du lịch). Quyết định thu thêm phí vào thành phố với khách đi trong ngày nhằm hạn chế lượng khách đến Venice (Italia) trong khoảng từ 40.000 đến 50.000 khách mỗi ngày.
Khách khi trả phí vào Venice sẽ được giảm giá khi mua vé tham quan bảo tàng và các điểm có bán vé khác trong thành phố. Ban đầu kế hoạch này được dự định áp dụng từ tháng 1/2023, song chính quyền Venice đã lùi thời điểm áp dụng quy định thu phí.
- Tại Indonesia, để hạn chế không quá 1.200 du khách mỗi ngày leo lên đền Borobudur - Di sản UNESCO ở cố đô Yogyakarta, chính phủ Indonesia dự định sẽ tăng thêm 100 USD trên giá vé 25 USD vào di tích với du khách nước ngoài; tăng thêm 750.000 Rp với khách trong nước lên tổng là 800.000 Rp/khách.
- Tại Ấn Độ, các điểm tham quan tại thành phố Japur - Di sản UNESCO cũng áp dụng giá vé khác nhau với khách nước ngoài và khách trong nước. Thí dụ, pháo đài Amber quy định: Vé cho khách trong nước là 100 INR, khách nước ngoài là 500 INR, và thêm mức 20 INR, 100 INR lần lượt cho sinh viên trong nước và sinh viên ngoại quốc.
* Tăng giá các khoản phí, thay đổi giá vé, là một phần của các biện pháp làm giảm hoặc phân tán lượng khách đến một khu vực di sản. (Trang 88, Tài liệu hướng dẫn về Di sản thế giới, Trung tâm Di sản Thế giới của UNESCO xuất bản năm 2002).
Bài: NGUYỄN TRANG, Ảnh: DUY HẬU