Không chỉ là sản phẩm được lựa chọn trong thời điểm dịch bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe (tên tiếng Anh là Wellness Tourism) là sản phẩm mới được nhiều chuyên gia đánh giá có tiềm năng, thích hợp để công ty lữ hành và cơ sở lưu trú khai thác.
“Wellness Tourism” đang được một số điểm nghỉ dưỡng tập trung khai thác
Xu hướng
“Wellness
Tourism” là mô hình có sự kết hợp giữa “healthy” và “spiritual” (sức
khỏe thể chất và tinh thần), nhằm mang đến cho du khách những dịch vụ
chăm sóc sức khỏe tối ưu và toàn diện nhất; cân bằng và duy trì, phục
hồi cảm xúc trong tâm hồn; hình thành lối sống lành mạnh, mang lại niềm
vui, suy nghĩ tích cực sau chuyến trải nghiệm thông qua các hoạt động
thể chất, tâm lý hoặc tâm linh, bằng cách thúc đẩy sự tham gia tích cực
giữa con người, văn hóa và thiên nhiên.
Ông
Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng, thời
gian qua, nhiều nghiên cứu và thực tiễn đều đã chứng minh, dịch bệnh làm
thay đổi nhu cầu của du khách, kể cả khách nội tỉnh. Du khách chú trọng
chăm sóc sức khỏe trong mùa dịch nhiều hơn, trở thành xu hướng mới của
du lịch trong tỉnh và trong cả nước. Với xu hướng này, nhiều điểm đến,
khu nghỉ dưỡng thời gian qua đã chủ động khai thác nhiều dịch vụ mới,
tập trung vào gói “Wellness” (chăm sóc sức khỏe). Chính gói sản phẩm này
quyết định khả năng thu hút khách của các điểm nghỉ dưỡng suốt một năm
rưỡi bị tác động bởi dịch bệnh vừa qua.
Dòng
khách du lịch “Wellness Tourism” khá rộng và đa dạng, vượt ra khỏi đối
tượng du khách tiềm năng của ngành du lịch nói chung. Không chỉ là dân
văn phòng, giới kinh doanh, người lớn tuổi, phụ nữ trung niên, mà kể cả
giới trẻ cũng lựa chọn, chú trọng để duy trì, phục hồi, cải thiện sức
khỏe toàn diện, hướng đến lối sống tích cực.
Ông
Hylton Lipkin, Tổng quản lý Alba Wellness Resort cho biết, từ năm 2017
đến nay, vào tháng 9 tại Alba Wellness Resort (Phong Sơn, Phong Điền)
đều có tổ chức chương trình sức khỏe toàn cầu nhằm kích cầu du lịch gắn
với loại hình “Wellness Tourism” và thu hút lượng du khách đáng kể cùng
tham gia. Không chỉ hướng đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất,
các dụng cụ làm từ nhựa như ống hút, chai, cốc… đều dần đang được thay
thế bằng các sản phẩm làm từ vật liệu thân thiện với môi trường, như ống
hút cỏ, tre, cốc giấy…
Không chỉ ở các điểm nghỉ dưỡng
Đối
với dòng sản phẩm “Wellness Tourism”, lợi ích đầu tiên dễ thấy nhất
chính là tạo cơ hội khai thác một thị trường khách tiềm năng, những
người giàu điều kiện kinh tế và thời gian nhàn rỗi, có nhu cầu đi du
lịch để cải thiện sức khỏe. Điều này giúp doanh nghiệp, đơn vị cung cấp
dịch vụ liên quan đa dạng dịch vụ, tăng nguồn khách và doanh thu đáng
kể.
Loại
hình du lịch này cũng có thể giúp các điểm đến giảm thiểu những tác
động tiêu cực so với du lịch đại chúng, vốn luôn trong tình trạng quá
tải, tác động đến hệ thống tài nguyên du lịch, nhất là hệ thống di sản
như Cố đố Huế. Bởi khách du lịch chăm sóc sức khỏe ưa thích những trải
nghiệm lành mạnh, chân thực và độc đáo, được dẫn dắt bởi chủ doanh
nghiệp là những người am hiểu tường tận về bản sắc du lịch địa phương và
văn hóa bản địa. Nếu khai thác tốt còn bảo tồn và phát huy giá trị
truyền thống, như vận dụng y học cổ truyền.
Lãnh
đạo ngành du lịch đánh giá, một tác động tích cực nữa mà du lịch
“Wellness Tourism” có thể mang đến là cơ hội giảm tính thời vụ của ngành
du lịch Huế, điều được thể hiện rất rõ, nhất là vào mùa mưa. Du khách
có thể tìm kiếm một môi trường, không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi mà
không bị thời tiết chi phối.
Ông
Nguyễn Văn Phúc cho biết, với “Wellness Tourism” không chỉ gắn với các
điểm nghỉ dưỡng mà sông Hương, với tuyến đường đi bộ hai bên bờ, hoạt
động tắm sông, phong trào chèo SUP, đi bộ, đạp xe kết hợp với khám phá
điểm văn hóa, cảnh quan xung quanh TP. Huế gắn với chăm sóc sức khỏe ở
những khách sạn cao sao là sự kết hợp được hướng đến để tạo nhiều sản
phẩm hấp dẫn, dễ tiếp cận đối với cộng đồng địa phương. Thêm điều kiện
cho các cơ sở lưu trú ở thành phố có giải pháp thu hút khách.
Ông
Hylton Lipkin cho rằng, “Wellness Tourism” còn liên quan mật thiết đến
chế độ ăn uống lành mạnh và thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn. Trong
khi đó, Huế lại có thể lợi thế ẩm thực đa dạng, bổ dưỡng. Nếu có sự
nghiên cứu nghiêm túc, kết hợp tốt, dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe này
rất được yêu chuộng đối với Huế trong tương lai.
Riêng
trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Phúc cho rằng, khi các giải
pháp kiểm soát chặt chẽ vòng ngoài để nới lỏng bên trong được triển
khai, “Wellness Tourism” tiếp tục là dòng sản phẩm khuyến khích được đẩy
mạnh nhằm thu hút khách nội tỉnh. Xa hơn là tập trung giải pháp để Huế
trở thành điểm đến “Wellness Tourism” đối với khách nội địa và quốc tế.
Bài, ảnh: Quang Sang
Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế