Ngũ vị đại vương vùng Tế Giang có công phù giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp sứ quân Lã Đường. Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đổi tên làng Gềnh thành làng Phù Liệt. Ngũ vị được phong thần làng Phù Liệt là Trung vương Hoàng đế, Nam phương Xích Đế, Đông phương Thanh đế, Tây phương Bạch đế, Bắc phương Hắc đế.
Nơi đây còn lưu giữ những di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa
cùng những di vật có niên đại hàng nghìn năm tuổi gắn liền với truyền thuyết về
Vua Ðinh Bộ Lĩnh - người anh hùng dẹp loạn 12 sứ quân, mang lại thái bình cho đất
nước. Ðó là Ðình làng Phù Liệt ở xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Tương truyền, vào khoảng đầu năm 967, khi dẹp loạn 12 sứ
quân, đoàn quân của vua Ðinh Bộ Lĩnh đi đến đầu làng Gềnh bến Phủ thì gặp nước
chảy xiết, trời nắng rất to, đoàn thuyền phải xếp thành hàng để đợi lệnh vượt
lên.
Bỗng nhiên trên bầu trời có một vùng mây kéo đến bao phủ, kỳ
lạ thay đám mây lại có năm mầu sắc rất sặc sỡ.Vua Ðinh Bộ Lĩnh nhìn lên bầu trời
thấy cùng lúc đó xuất hiện một lùm cây lớn, gồm có bốn gốc đại thụ, ở giữa có
bát hương hình gốc cây bương bốc khói đang cuộn tỏa. Thấy điềm lành, vua Ðinh Bộ
Lĩnh liền cho lập đàn tế lễ trời đất, xin phụ trợ dẹp loạn 12 sứ quân thu giang
sơn về một mối. Ngài nguyện rằng, nếu chiến thắng được loạn, lập nghiệp đế vương,
sẽ xin trở lại đây đền ơn, xây đền phụng thờ đời đời.
Lời nguyện cầu đã thấu trời xanh, được phù trợ vào năm 968,
khi đã dẹp xong loạn 12 sứ quân và lên ngôi Hoàng đế, vua Ðinh Bộ Lĩnh đã về lại
đây xây đền thờ Ngũ vị đế vương. Biết ơn dân làng Gềnh đã tham gia giúp đỡ
nghĩa quân và xả thân chiến đấu vì đất nước, Vua Ðinh Bộ Lĩnh đã cho đổi tên
làng Gềnh thành làng Phù Liệt với ý nghĩa là làng phù quốc giúp vua và chiến đấu
oanh liệt với kẻ thù.
Ðình làng Phù Liệt ở xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên
Ðình làng Phù Liệt hiện diện một cách uy nghi gồm năm tòa với
kiến trúc hình chữ "Công", quay mặt hướng Ðông Nam trên thế đất
"long chầu". Ðình thờ ngũ vị đại vương là Trung vương Hoàng đế, Nam
phương Xích Ðế, Ðông phương Thanh đế, Tây phương Bạch đế và Bắc phương Hắc đế đại
diện cho Ngũ hành.
Trải qua thời gian và biến cố của lịch sử, ngôi đình hiện
nay đã có nhiều thay đổi, năm tòa trước kia nay chỉ còn lại ba tòa: Tiền tế,
Trung từ và Hậu cung. Ði từ ngoài vào là
Nghi môn với hai cột trụ biểu, trên đỉnh đắp nổi bốn đuôi công chụm vào nhau,
phía dưới có bốn ô vuông phía trong đắp nổi tứ linh, tứ quý.
Bước qua con đường lát gạch là vào đến sân đình và khu Ðại
bái. Tại gian trung tâm đặt một nhang án thờ bằng gỗ từ thời Nguyễn được trạm
trổ khá cầu kỳ: ba mặt nhang trạm đầu hổ phù, tứ quý, hoa dây, bao lên trạm
hình rồng. Trên nhang án để đồ thờ tự như bát nhang, chân nến, hạc, phía trên
treo bức đại tự bằng chữ Hán "Ngũ đế linh từ", hai bên đặt hai bàn thờ
Hậu. Tòa trung có một gian kết cấu kiểu chồng diêm hai tầng đầu hồi bít đốc. Hậu
cung gồm ba gian kiến trúc kiểu vì kèo trụ rốn, vì được làm kiểu cụm rường đấu
kê, có ba lối đi, cửa đi là cửa chính ở giữa, hai bên là hai cửa phụ.
Trên phía nóc hiện còn giữ lại nhiều kiểu kiến trúc trạm khắc
tinh xảo theo dạng đòn bẩy hiện mai hóa rồng rất mềm mại, uyển chuyển. Gian
trung tâm tòa hậu cung đặt một khám thờ sơn son thếp vàng, mặt ngoài trang trí
tứ quý, cuốn thư, diềm trên trang trí lưỡng long chầu nhật.
Trong khám đặt năm pho tượng đất thờ Ngũ đế ở tư thế ngồi đầu
đội mũ. Theo lời các cụ phụ lão trong làng thì đây là những pho tượng đất có
niên đại trên một nghìn năm tuổi được luyện theo kiểu đặc biệt với kỹ thuật luyện
tinh sảo mà ngày nay đã bị thất truyền.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngôi đình
này từng là nơi hoạt động cách mạng của cán bộ Việt Minh và các bô lão trong
làng bày binh bố trận đánh giặc Pháp đi càn bằng tàu chiến trên sông Hồng.
Kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đình làng Phù Liệt cũng là nơi quân đội
ta cất giấu súng đạn, lương thực quân trang, quân dụng phục vụ cho chiến trường
miền nam.
Trước kia đình có năm gian lớn, từng là nơi huấn luyện của bộ
đội đặc công sư đoàn 305. Mặc dù quy mô của ngôi đình không còn như cũ nữa
nhưng trong tâm thức dân gian của bà con nơi đây vẫn đề cao vai trò của người
có công với đất nước, với nhân dân Phù Liệt.
Ðình Phù Liệt không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa
lịch sử lâu đời của một vùng đất oanh liệt, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín
ngưỡng lành mạnh, nơi hội họp của các cụ cao niên trong làng.
Hằng năm vào các dịp lễ, Tết, hội hè nhất là ngày hội chính
của đền (ngày bốn tháng tư âm lịch), bà con trong vùng lại tập trung tại đây để
ôn lại thuần phong, mỹ tục, truyền thống yêu nước của cha ông ta, tuyên truyền
giáo dục cho con cháu về lòng yêu quê hương đất nước.
Ðó là một truyền thống tốt đẹp cần được gìn giữ và phát huy
để góp phần giáo dục cho con cháu và thế hệ trẻ hôm nay. Ðình Phù Liệt đã được
công nhận di tích lịch sử và không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng mà
nó đã trở thành một danh thắng, một điểm đến đầy lý thú cho du khách thập
phương xa gần hội tụ.