Hải Dương hiện có khoảng 100 di tích đình, đền, chùa, miếu... thờ hoặc kết hợp thờ các nhân vật thời Hùng Vương. Trong đó có nhiều di tích lịch sử đặc sắc, mang dâu ấn sâu nặng của tín ngưỡng Lạc Việt nghìn năm giữ nước và dựng nước.
5 di tích thờ nhân vật thời Hùng Vương tiêu biểu ở Hải Dương.
Đình Lễ Quán
Đình Lễ Quán ở phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) là một di tích hiếm hoi trong tỉnh thờ An Dương Vương - vị vua lập nên nước Âu Lạc, tiếp nối nhà nước Văn Lang. Đình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Ngôi đình khá bề thế với bờ nóc được đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, đầu rồng dữ tợn, thân rồng cuộn 5 khúc. Hai đầu nhà gắn lạc long, đầu đao đắp nổi rồng chầu, phượng mớm. Trong đình treo 6 bức đại tự và 6 đôi câu đối ca ngợi công lao của An Dương Vương đối với đất nước.
Đình Lễ Quán được xây dựng vào khoảng thời Nguyễn, xây lại vào năm 2005. Mỗi năm đình mở hội vào ngày mất của ngài (25.11 âm lịch). Dịp đó, nhân dân trong làng, du khách thập phương về trảy hội rất đông. Ngoài lễ rước độc đáo, lễ hội có nhiều trò chơi dân gian như đi cầu kiều, bắt vịt, cờ tướng, hát chèo… Dịp Giỗ Tổ 10.3 hằng năm, các bậc cao tuổi trong làng đều tổ chức dâng hương, nhân dân mang lễ đến đình cúng tế.
Đền Bảo Sài
Ngôi đền có tên tự là Thanh Hư Động ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), thờ công chúa Tiên Dung - con gái Hùng Vương thứ 18. Đây là di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đền xây theo kiểu chữ đinh, được trùng tu vào thời Nguyễn. Ở gian giữa tiền đường có bức cửa võng sơn son thiếp vàng, chạm thủng các tích mai-điểu, đường nét tinh tế. Hậu cung ngôi đền có kiến trúc đặc biệt, được trang trí vòm cuốn tam sơn, cấu tạo như bức cửa võng. Chính giữa hậu cung đặt tượng Tiên Dung công chúa ở tư thế ngồi, vẻ mặt đôn hậu, vui tươi...
Đình Thủ Pháp
Đình Thủ Pháp ở thôn Thủ Pháp, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) là nơi hiếm hoi ở Hải Dương thờ Tản Viên Sơn Thánh - người có công đánh tan quân Thục xâm lược, được Vua Hùng Duệ Vương gả cho con gái Ngọc Hoa xinh đẹp. Ngôi đình tọa lạc trên khuôn viên rộng rãi, cổ kính, thoáng đãng, phía trước còn có ao hồ tạo phong cảnh hữu tình. Bên trái ngôi đình có đền thờ Ma Thị Cao Sơn thần nữ (mẹ nuôi của ngài Tản Viên Sơn Thánh). Đình được xây dựng vào thời Lê, trùng tu lần đầu vào thời Nguyễn (năm Nhâm Tuất 1922) với quy mô rất lớn gồm 5 gian tiền bái, 5 gian thiêu hương, 3 gian hậu cung, hai bên có 2 giải vũ (mỗi giải vũ gồm 5 gian). Trải qua thời gian và do chiến tranh tàn phá nên ngôi đền chỉ còn 3 gian. Các cột, xà, bẩy, kẻ trong đình đều làm bằng gỗ lim và được chạm trổ tứ linh, tứ quý, hoa lá cách điệu tinh tế... Ở hậu cung, chính giữa có ngai thờ Tản Viên Sơn Thánh. Hiện nay, trong di tích còn các hiện vật như: Bản thần tích bằng chữ Hán nói về sự tích Sơn Thánh Tản Viên, sắc phong triều Khải Định...
Xưa kia nhân dân địa phương thường mở lễ tế vào các tiết trong năm: 15 tháng giêng (ngày Sơn Thánh hóa về trời), 12.3 âm lịch (tương truyền là ngày Sơn Thánh đi qua làng Thủ Pháp), 25.7 âm lịch (ngày giỗ Ma Thị Cao Sơn thần nữ). Ngày nay, lễ hội đình Thủ Pháp chỉ diễn ra từ ngày 12 - 14.3 âm lịch hằng năm. Dân làng tổ chức rước kiệu Tản Viên Sơn Thánh và Ma Thị Cao Sơn thần nữ từ đình Thủ Pháp ra nền đất xây dựng nghè Vắp để tế lễ. Các hộ dân sinh sống hai bên đường kiệu thánh đi qua đều sắm hoa, quả, trà, rượu, bánh kẹo bày ra trước cửa nhà để thắp hương tưởng niệm công đức. Người dân trong làng từ già tới trẻ lần lượt chui qua gầm kiệu Tản Viên Sơn Thánh với mong muốn được ngài che chở, ban cho sức khỏe, may mắn và tài lộc trong suốt một năm…
Đình Ngọc Lâm
Đình Ngọc Lâm ở xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) là di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, thờ Cao Sơn Đại Vương - một danh tướng có công giúp Vua Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục. Ngôi đình khởi nguồn từ ngôi miếu thờ thần Cao Sơn, đến thế kỷ XVII (thời Hậu Lê) được xây dựng to lớn. Đình Ngọc Lâm hiện nay có kiến trúc khá đồng bộ gồm tam quan, tường bao, sân đình, đại bái và hậu cung. Hệ thống cửa của đình còn nguyên gốc kiểu thượng sơ hạ mật chắc chắn với hệ thống ngưỡng chồng. Hậu cung 2 gian cũng bằng gỗ lim chắc chắn. Các mảng chạm khắc trong đình còn lại đạt trình độ cao với các đề tài rồng, mây, cúc, trúc hóa long. Tại gian trung tâm có chạm long, ly, quy, phượng với trình độ cao, tạo cho di tích một giá trị nghệ thuật đặc sắc. Trong tòa hậu cung có tượng Cao Sơn Đại Vương đặt trong khám sơn son thếp vàng cùng nhiều đồ thờ tự quý. Di tích còn lưu giữ được 15 đạo sắc phong của các triều đại. Mỗi năm, đình Ngọc Lâm diễn ra 3 kỳ lễ hội vào các ngày 8.2 âm lịch (lễ tưởng niệm ngày sinh của Cao Sơn Đại Vương), 8.3 âm lịch (lễ khánh hạ mừng ngày thắng trận) và 12.11 âm lịch (kỷ niệm ngày mất)...
Đền Cậy
Đền Cậy ở xã Long Xuyên (Bình Giang) là di tích được xếp hạng cấp quốc gia, thờ Bảo Phúc Đại Vương - một người con của quê hương có công giúp Vua Hùng đánh giặc Thục. Ngôi đền được xây dựng lại từ năm 1998 trên vị trí nghè cũ, theo kiểu kiến trúc chữ đinh. Phần ngoài gồm 3 gian, hồi và hậu cung được xây theo hình quai chảo và đắp nổi hình hổ phù. Phía trong cùng hậu cung đặt tượng Bảo Phúc Đại Vương cao 1,4 m bằng gỗ.
Trước đây, mỗi năm nhân dân địa phương 4 lần mở hội đền Cậy vào các ngày: 10.2 âm lịch (kỷ niệm ngày sinh), 9.3 (lễ hội thi bơi chải), 22.9 (kỷ niệm ngày mất), mùng 2 tháng chạp (kỷ niệm ngày ăn mừng chiến thắng của Bảo Phúc Đại Vương). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các lễ hội không còn được duy trì. Sau này, các ngày lễ hội truyền thống gắn liền với di tích lại được khôi phục, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng cho nhân dân...
Quy mô, giá trị mỗi di tích thờ các nhân vật thời Hùng Vương ở Hải Dương dù khác nhau nhưng đều là những minh chứng lịch sử rõ nét về thời Hùng Vương. Những di tích này cần được quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị.