Danh tướng Ả Tú, Ả Huyền, Ả Cát là 3 chi em kết nghĩa cùng quê, cùng tham gia đạo quân khởi nghĩa của Nhị vua Hai Bà Trưng, chấn giữ cửa sông Hát bảo vệ Mê Linh, tam nữ tướng hy sinh anh dũng trong cuộc chiến bảo vệ Cẩm Khê
Thần tích thờ phụng kể rằng, ở trang Vân Thủy xưa có ông
Phùng Liệt và bà Phạm Thị Tự sinh được hai người con gái cách nhau ba năm. Người
chị sinh ngày 6 tháng giêng, tên là Ả Tú, cô em sinh ngày 15 tháng 8, tên gọi Ả
Huyền.
Trang Nhật Chiêu gần đấy có ông Hoàng Xuân Hy và bà Phạm Thị
Chỉ cũng sinh hạ một người con gái đẹp, tên là Ả Cát. Sinh thời, Ả Tú, Ả Huyền,
Ả Cát tươi duyên, mạnh giỏi, văn võ song toàn. Cha mẹ mát lòng, dân thôn quý trọng.
Bấy giờ, giặc Đông Hán bạo ngược, Hai Bà Trưng lập đàn thề ở
cửa sông Hát, phất cờ khởi nghĩa. Nghĩa binh khắp nơi nô nức kéo về tụ hội, ba
cô gái tài sắc ấy chiêu mộ được 52 nghĩa sĩ, bí mật luyện võ nghệ, rồi ra nhập
đại quân của Hai Bà Trưng.
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà Trưng lên ngôi hoàng đế,
gánh vác sơn hà. Ba vị nữ tướng tiếp tục chỉ huy đạo quân trấn giữ cửa sông
Hát, bảo vệ kinh thành Mê Linh. Ba năm sau, Mã Viện lại kéo sang xâm lược. Thế
cùng lực kiệt, Hai Bà tuẫn tiết, ba nữ tướng tiếp tục chiến đấu quyết liệt
trong những trận đánh cuối cùng ở căn cứ Cấm Khê, rồi mới chịu hy sinh. Ngày
đau thương ấy là 11 tháng 3 âm lịch.
Đời sau, nhân dân kính phục, nhớ ơn, đã lập đền thờ phụng
ngay trên mảnh đất sinh thành, cũng là đồn sở chống giặc của ba vị nữ tướng.
Các vương triều thời quân chủ phong sắc, tôn vinh là thượng đẳng phúc thần. Hiện
còn đạo sắc của triều Lê có niên hiệu Cảnh Trị bát niên (1670) phong cho Ả Tú
là đệ nhất, Ả Huyền là đệ nhị và Ả Cát là đệ tam thượng đẳng phúc thần.
Đình Hữu Trung, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng thơi thờ phụng thượng đẳng phúc thần Ả Tú, Ả Huyền, Ả Cát
Qua bao đời hưng phế, đình Hưu Trưng đã nhiều lần di chuyển
mỗi lần chạy làng, vì sông sâu lũ lớn, nhân dân dựng lại ngôi đình thể hiện sự
ơn nhờ tiên tổ và anh linh của các vị phúc thần phù trợ cho đồng dân. Bởi thế
nên nhân khang, vật thịnh, mỹ tục trường tồn.
Kiến trúc đình theo kiểu nội công ngoại quốc, biểu trưng của
cung sử nguy nga. Khám thờ thâm nghiêm có bài vị, long ngai vàng son lấp lánh.
Điều khác biệt ở đây là chim phượng hoàng đắp nổi uy nghi, thanh thoát đậu trên
đỉnh hai cột đồng trụ.
Một biểu tượng quyền uy, quý phái của các vương triều. Trong
dân gian, thì chim phượng được coi là: hoa hậu của các loài chim. Chính
giữa táp môn, có mặt hổ phù to lớn thể hiện dũng mãnh của chúa sơn lâm. Ca ngợi
tài thao lược của tam vị nữ tướng, tam vị thành hoàng làng Hưu Trưng (xã Trung
Châu), những nữ kiệt, kỳ khôi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Lễ hội hằng năm ngày 6 - 7 tháng giêng âm lịch, có nhiều
đoàn đại biểu của liên hiệp các di tích thờ Hai Bà Trưng và các vị nữ tướng đến
tham dự. Phần lễ trang nghiêm, phần hội phong phú. Có sân khấu hóa hình tượng
các vị nữ tướng và Hai Bà Trưng đánh thắng giặc Đông Hán. Các trò chơi dân gian
truyền thống như: Rước kiệu, múa cờ, đấu vật, thổi cơm thi... diễn ra sôi nổi.