Cách đền Thượng vài trăm mét là am Bà Chúa - nơi thờ phụng Công chúa Mỵ Châu cạnh đình Cổ Loa. Một cây đa cổ thụ trùm bóng mát lên am. Am Bà Chúa cũng có thượng điện và hạ điện. Hạ điện là ngôi nhà nhỏ ba gian, ở giữa là bàn thờ. Cách đó một sân nhỏ là thượng điện cũng ba gian.
Gian giữa đặt bàn thờ công chúa Mỵ Châu, phủ vải vàng lên bức
tượng. Tượng chỉ là hòn đã tự nhiên có hình dạng như pho tượng không đầu. Hai
bên là mười hai nàng hầu. Sau bàn thờ công chúa, vén bức màn ta sẽ thấy một khối
đá. Khối đá có ba bề xây kín, đó là mộ Mỵ Châu theo lời tương truyền của dân
gian.
Tương truyền rằng sau khi thành Cổ Loa thất thủ, Vua An
Dương Vương mang theo con gái trên ngựa chạy đến đèo Mộ Dạ thuộc đất Diễn Châu,
Nghệ An thì gặp biển cả chắn trước mặt, phía sau là quân thù.
Vua bèn cầu cứu thần Kim Quy. Rùa Vàng hiện lên và nói: “Giặc
ở sau lưng nhà vua đó!”. Đức vua quay lại thấy Mỵ Châu bứt lông ngỗng trên chiếc
áo dẫn lối cho giặc thì vô cùng tức giận liền rút gươm chém đầu Mỵ Châu.
Trước khi chết Mỵ Châu ngửa mặt lên trời mà xin rằng: “Nếu
con là kẻ bất trung có lòng phản cha, phản nước thì khi chết thân xác con sẽ
hóa thành tro bụi. Nếu tấm lòng con trong sáng khi con chết, thân xác sẽ hóa
thành ngọc, thành đá trôi về hầu cha”.
Mỵ Châu vô tình bị mắc mưu kế của Trọng Thủy nên hoàn toàn
vô tội. Khi chết, máu của nàng chảy xuống biển. Các loài trai, sò ăn vào biến
thành ngọc…
Mấy trăm năm sau, trên vùng bến trù phú có tên “vườn thuyền,
ao mắm” bên dòng sông Hoàng Giang (một con sông dẫn nước từ sông Hồng để tạo thế
hiểm trở cho các vòng thành) bỗng xuất hiện một phiến đá lạ.
Trẻ con tắm sông thấy lạ liền trèo lên tảng đá nô đùa. Khi về
nhà, chúng bỗng nhiên trở bệnh khiến người dân vô cùng hoảng sợ. Các bô lão cho
rằng chúng đã phạm phải đá thiêng nên ra bờ sông làm lễ cầu khấn. Lập tức bọn
trẻ khỏe mạnh trở lại.
Đến lúc này, các vị bô lão mới hết sức ngạc nhiên khi thấy tảng
đá mang hình giống như một phụ nữ đang ngồi nhưng không có đầu. Họ liền gọi
trai gái khiêng tảng đá đó lên nhưng rất nhiều người đến khiêng mà tảng đá vẫn
không nhúc nhích. Lúc này một vị cao tuổi cho rằng theo lời truyền thuyết thì
đây có thể là tấm thân của Công chúa Mỵ Châu đã hóa đá trôi về bến sông này.
Lập tức những trai tráng khỏe mạnh trong thành Cổ Loa được cử
đến. Thật kỳ lạ, họ chỉ cần đẩy nhẹ một chút, tảng đá đã di chuyển. Một chiếc
kiệu được đưa tới để rước bức tượng Mỵ Châu về chốn cung điện ngày xưa. Nhưng
khi chiếc kiệu rước đến vị trí của Am Mỵ Châu bây giờ thì dây chão bị đứt.
Mọi người thay rất nhiều sợi dây khác nhưng chúng đều bị đứt
và không tài nào nhấc được bức tượng lên. Cho rằng bà đã chọn nơi này để ngự,
các vị chức sắc trong làng cho xây lên Am Mỵ Châu để thờ bà. Ngôi Am thờ này
còn tồn tại đến tận ngày nay.
Am Mỵ Châu có một bức tượng đá kỳ lạ mang dáng dấp một phụ nữ không đầu ngồi xếp
bằng tròn, hai tay buông dọc, bàn tay đặt trên gối.
Huyền thoại về tảng đá biết lớn
Theo những câu chuyện còn lưu truyền trong người dân Cổ Loa
thì khi mới được đưa về, bức tượng đá mang hình thù bà Mỵ Châu nhỏ hơn bây giờ
rất nhiều. Nhưng sau một thời gian, bức tượng đá đó cứ lớn dần lên. Lúc đầu người
dân Cổ Loa rất phấn khởi nghĩ rằng đó là điềm may mắn. Họ cho rằng Bà đã được về
hầu bên vua cha đúng với ý nguyện nên ngày một lớn thêm.
Nhưng sau này họ càng ngày càng lo lắng khi với tốc độ lớn của
bức tượng thì có khả năng Am thờ nhỏ bé đó sẽ phải phá bỏ để xây cái khác lớn
hơn mới đủ sức chứa. Một vị quan đám (những người tài đức được dân cử ra trông
coi quản lý khu đền được trọng vọng như những vị quan) đã phải làm lễ cầu xin
bà thương cảnh dân còn nghèo không có tiền xây cái am mới mà đứng lớn thêm nữa.
Thế là bức tượng đá giữ nguyên kích thước từ đó cho đến tận bây giờ.
Trước đây, thời Mã Viện đem quân xâm lược nước ta, thấy người
dân thờ tảng đá một cách nghiêm trang như vậy, quân của Mã Viện nghĩ đó là một
tảng đá có chứa ngọc. Chúng cho quân xẻ bức tượng ra làm 3 phần nhưng chỉ thấy
đó là một khối đá thường. Sau này người dân Cổ Loa phải ghép những mảnh đó trở
lại nguyên trạng như ngày nay.
Một trong số những chiếc áo được cung tiến.
Trước đây bà ngự ở trong Am chưa được khoác áo như bây giờ.
Sau này khi đời sống nâng cao, người dân đã có của ăn của để, tình nguyện may
áo cúng tiến. Những tấm áo được may bằng 50 thước lụa màu, đính những hạt châu
sa óng ánh. Cho đến bây giờ, số lượng áo của bà lên đến vài chục chiếc, chất đầy
một chiếc tủ.
Tủ áo của bức tượng Công chúa Mỵ Châu được nhiều người cung tiến.
Cấm cung nơi bà ngụ hiện nay thường xuyên đóng cửa, người
dân đến lễ chỉ có thể đứng ở bên ngoài mà vái vọng. Chỉ những ngày rằm, mùng 1
cấm cung mới mở, mọi người xếp hàng dài chờ đến lượt được chạm tay vào bức tượng
để thỏa lòng tín ngưỡng.