Ba chị em danh tướng Trần Ả Dưỡng, Bạch Thiên Sách và Bình Sơn là những tướng quân trong đại quân của Nhị vua Hai Bà Trưng, tham gia nhiều trận đánh oanh liệt. Khi Cấm Khê thất thủ, các vị đều hy sinh anh dũng ở quê nhà.
Ba chị em bà Trần Ả Dưỡng, ông Bạch Thiên Sách (Thi Bạc?) và
ông Bình Sơn (Thi Bỉnh) là các vị tướng trong đại quân của Nhị vua Hai Bà Trưng
khi dấy cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Hán giải phóng dân tộc, giành quyền độc lập,
tự chủ cho đất nước.
Trong cuộc chiến chống kẻ thù xâm lược phương Bắc, ba chị em
tướng bà lập được nhiều chiến công hiển hách. Năm 43, khi Mã Viện dẫn đại binh sang xâm lược đất nước ta một lần
nữa. Ba chị em nữ tướng Trần Ả Dưỡng tham chiến cùng đại quân ở Lãng Bạc, do
binh lực yếu hơn và có thể là cách đánh chưa phù hợp, đại quân Nhị vua Hai Bà
Trưng chịu thương vong lớn, phải rút về Cấm Khê.
Trong trận ác chiến này, tướng Bạch Thiên Sách (Thi Bạc tử
trận). Bà Ả Dưỡng và em là ông Bỉnh Sơn rút về Hương Canh, Huyện Mê Linh, mai
táng cho ông Bạc và huyết chiến với giặc tại Hương Canh. Bà Dưỡng trọng thương,
hai chị em chạy đến Xuôi Ngành thì sức cùng lực kiệt, cả hai chị em đều tuẫn tiết
theo Nhị vua Hai Bà Trưng.
Để tưởng nhớ công lao của 3 vị danh tướng, nhân dân làng Nội
Phật lập miếu, đình thờ phụng, tưởng niệm và lưu truyền đến ngày nay, di tích
có tác dụng giáo dục và phát huy truyền thống dựng nước - giữ nước của dân tộc
ta từ xưa tới nay và mãi mãi về sau. Đình Nội Phật hiện có điện thờ tam vị đại
vương: 3 chị em bà Trần Ả Dưỡng, Bạch Thiên Sách và Bình Sơn.
Miếu Tam Thánh
Miếu Tam Thánh còn gọi là miếu Ba Vị hoặc miếu Dốc Dinh, thuộc
xóm Xuôi Ngành, làng Nội Phật, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên. Miếu thờ bà Trần Ả
Dưỡng và hai em trai là Bạch Thiên Sách và Bình Sơn, danh tướng của Nhị vua Hai
Bà Trưng.
Miếu Tam Thánh còn gọi là miếu Ba Vị hoặc miếu Dốc Dinh, thuộc
xóm Xuôi Ngành, làng Nội Phật
Miếu được xây dựng vào thời Nguyễn, đời Vua Gia Long (1813).
Đến nay, miếu vẫn giữ được nguyên trạng, chưa có sự trùng tu, thay đổi nào đáng
kể.
Hai góc mái cong vút, gắn hai con rồng bằng đất nung thành
hai đầu đao uốn vào trong. Đầu rồng chạm khắc rất tinh tế, sinh động, đỏ và nhẵn.
Mái lợp ngói kiểu vẩy rồng.
Hai đầu đốc xây gạch bìa 30 x 18 cm. Nóc tường hồi xây một
hàng gạch lá chìa ra 5 cm để che mưa và làm bệ tì cho dầm ngang chạy suốt nóc vẩy
và 4 vì kèo. Mái vẩy rộng 1,5 m; dài 7 m giữ khô ráo cho tất cả hệ thống tường
hồi, dầm, yếm và kèo.
Trên mái vẩy là đầu hồi, cấu tạo hình tam giác cân áp sát
vào nóc miếu, được bịt kín bằng 4 tấm gỗ bắt mép vào nhau, tụt sâu vào 40 cm để
nóc phủ lên che chắn nước mưa. Tường hậu hình chuôi vồ, chia 9,5 m chiều ngang
thành ba phần đều nhau. Phần lồi ra phía sau 2,5 m tạo thành hậu cung, đặt khám
thờ bên trong.
Toàn miếu có 16 cột lim, đường kính 40 cm. Các cột giữa đều
phủ sơn ta rồi sơn son thếp vàng. Các cột cạnh để mộc, đầu kèo chìa ra hiên,
hàng cột xung quanh một nửa lộ ra hiên, một nửa trong miếu.
Thiết kế kiến trúc cổ với hệ thống cột gỗ lim, xà, kèo và hệ
thống đai, giằng cùng tường gạch cổ đã khiến miếu Tam Thánh trở thành một công
trình kiến trúc bền vững, gần như nguyên vẹn đến tận ngày nay.