Thần tích các nơi thờ phụng kể lại rằng
Sau thời Vua Hùng Duệ Vương, những diễn biến phức tạp khiến
nước Nam bị nhà Hán xâm chiếm và cai trị, dưới thời thái thú Tô Định, chế độ
bóc lột, đàn áp vô cùng tàn bạo.
Giặc Hán vơ vét khôn cùng, những người tài giỏi mưu trí bị bè
lũ Tô Định gọi làm quan rồi lập mưu giết hại, các vụ chém giết, bắt bớ diễn ra ở
khắp mọi nơi. Nước Việt đang lúc tang thương, hậu duệ của Vua Hùng là Nhị nữ
chúa Mê Linh Trưng Trắc, Trưng Nhị dấy cờ,
tập hợp binh mã nuôi chí diệt thù cứu nước.
Lúc đó tình hình chưa chín muồi, Nhị nữ chúa Mê Linh đẩy mạnh
tuyên truyền ý chí chống giặc ngoại xâm, tích lũy quân lương đợi thời dấy binh
khởi nghĩa.
Cũng vào thời đó ở quận Cửu Chân, thuộc châu Hoan, có gia
đình ông Đặng Minh lấy y đức làm nghề, lặng lẽ làm việc thiện. Vợ ông là bà
Trương Thị Tạo, tính hạnh nhân đức, không bao giờ có điều gì khiến hàng xóm phiền
hà. Dân làng suy tôn là nhà tích thiện.
Vào tuổi ngoài 40, mà ông bà chưa có con, lấy đó làm buồn
phiền. Hôm tạ mộ ngày 30 tháng Chạp, trước tổ tiên, ông bà than rằng, trời cao
soi xét, tổ tiên sao không phù hộ, sau này lấy ai hương khói, chăm sóc phần mộ
tổ tiên? Nghe khóc ai cũng cảm thương.
Trên đường về, ông bà gặp một bốc Sư, thầy gieo quẻ nói rằng:
“Chuyện con kế tự như đáy bể mò kim, về nhà ông bà răn dạy người nhà cân đo thước
tấc, không được thiếu một li”.
Năm đó gặp hạn mất mùa, người chết đói đầy đường. Ông bà lấy
hết của cải trong nhà phân phát cho họ, cứu sống được nhiều người.Một hôm, đang
ngủ, bà mộng thấy có người đến tự xưng là thần nhân và đọc sắc chỉ của Hoàng
Thiên. Sắc chỉ viết: “Nhà người có ân công, cho một con giai để thừa kế nghiệp
nhà, hương khói tổ tiên”. Ngày 8 tháng 3, trời đất đen kịt mà nhà ông bà có khí
xích quang, rồi bỗng có thần tinh rơi vào mồm, bà bèn nuốt. Hôm sau bà nói với
ông mộng ấy. Quả nhiên, trong bụng như có động, rồi có thai. Vợ chồng ông đều
vui mừng cho là do tích đức mà có.
Bà mang thai 12 tháng, lúc sinh rất gian nan khổ sở. Vào giữa
canh 5, bỗng thấy sao Vũ chiếu ánh sáng hào quang rực sáng cả sân. Bà sinh được
nam tử, diện mạo khôi ngô, nghiêm cẩn, mắt tú mi thanh, mặt vuông tai lớn. Được
100 ngày, cha ngài căn cứ vào lời ban chiếu của Hoàng Thiên, đặt tên con là Đại
Công.
12 tuổi, Đại Công bắt đầu đi học, học được mấy năm mà Đại
Công đã đông tây kim cổ, thiên sử làu thông. Một thời gian sau, đột nhiên cha
ông lâm bệnh chầu trời, mẹ ông cũng đi theo. Sau 3 năm phụng thờ hương lửa cha
mẹ, Đại Công nảy ý chu du tìm thầy dậy võ nghệ.
Một hôm, ông được tin ở đạo Sơn Tây, phủ Quảng Oai, huyện Phúc
Lộc, trang Hát Môn, có gia đình Phạm Tiên Sinh binh pháp cao siêu, tinh thông
võ nghệ, thuộc bậc danh sư đệ nhất thiên hạ.
Chẳng quản đường xa, ông tìm đến nhà tiên sinh xin học. Gia
đình tiên sinh thấy ông có ý chí phi phàm, thông minh xuất chúng, đúng là bậc
hào kiệt. Tiên Sinh truyền dậy hết cho ông môn võ nghệ gia truyền và binh pháp.
Học được một năm thì tinh thông. Tiên Sinh thường khen: “Nhà này có phúc gì mà
sinh được người con tốt như vậy, rồi sẽ văn võ song toàn và là linh tử nhà ta”.
Tiên sinh có hai người con gái, con cả là Nữ tài Phạm Gia
Pháp, võ nghệ giỏi giang, lục giáp, thần phù tinh xảo, thiên văn, địa lý đều biết.
Chuyện kể: Vợ Phạm Tiên Sinh là Phạm Thị Đạo, nằm mộng được một cung tên rồi có
thai. Đến ngày mồng 3 tháng 2, năm Giáp Tuất, sinh hạ được nữ nhi. So với Đại
Công thì kém một tuổi. Tiên Sinh muốn gả cho Đại Công, bèn gọi Đại Công và con
gái đến trước mặt mà nói rằng: “Võ nghệ của hai con, tài sắc đều xứng, nên vợ
nên chồng là đẹp đôi. Nay ta muốn cho các con lập thành gia thất, không được từ
chối”.
Đại Công và cô gái họ Phạm (Phạm Gia Pháp) thuận tình, vâng
lệnh sư phụ. Lễ bái tổ tiên xong, Phạm Tiên Sinh đem gia tài của mình để Đại
Công làm sính lễ. Được một năm nồng nàn đằm thắm tình vợ chồng thì cha là Phạm
Tiên Sinh mất. Vợ chồng Đại Công làm lễ mai táng và than: “Đất trời biến đổi,
công thầy nuôi dậy như núi cao, biển sâu, không nói hết được. Nay chưa có gì
báo ơn. Sau này dù có thiên chung vạn tứ, sao gọi là báo ơn được”.
Từ đó, vợ chồng Đặng Đại Công nuôi chí tang bồng, ham muốn
chu du thiên hạ. Ông bà vẫn ôm hận không có người tài giữ nước để Tô Định xâm
chiếm. Có ý muốn tập hợp anh hùng bốn biển, đi tìm chân chúa.
Một hôm, ông bà đến núi Châu, thuộc quận Vũ Ninh, đạo Kinh Bắc.
Thấy có đội quân hơn một trăm người, khí giới tinh nhuệ, dưới sự chỉ huy của một
nữ tướng, tuổi chừng 21.
Nữ tướng dung mạo đoan trang, duyên dáng, là bậc anh tài
trong nữ giới. Cha của nữ tướng họ Lã, tên húy là Minh, mẹ là Nguyễn Thị Ngọc,
nằm mộng gặp được người già cho một bông mẫu đơn. Sau đó bà có thai, sinh ra nữ
nhi vào ngày mồng 4, tháng 3, năm Giáp Tý. Đặt tên là Lã Thị Nương.
Năm anh thư hào kiệt Lã Nương 17 tuổi, Tô Định sai Lã Công
(Lã Minh) làm trưởng quan ở huyện Đa Cẩm, phủ Hồng Châu, đạo Hải Dương. Tô Định
thấy bà có tài sắc, muốn lấy làm thiếp. Bị cự tuyệt, Tô Định nổi giận giết chết
Lã Công.
Bà cõng mẹ chạy vào núi Châu, chỉ trời vạch đất, thề không đội
trời chung với Hán tặc Tô Định. Bà sai gia nhân tuyển mộ dân binh. Trang Tràng
Kỹ ở huyện Đa Cẩm, vốn là hành cung của mẹ bà. Thân mẫu bà có ân lớn với dân,
khiến nhiều người cảm động theo sau lời bà hiệu triệu. Trong đó có 47 thanh
niên sức vóc cường tráng, có võ nghệ theo bà làm gia thần tìm cách diệt Tô Định,
báo thù nhà.
Ông bà Đặng Đại Công đến núi Châu, nghe thấy thế, liền vào
thưa chuyện với thân mẫu bà Lã Thị Nương “Tôi nghe tiếng tiểu thư có chí báo
thù cừu địch, vợ chồng tôi cũng có ý chí ấy. Vì chưa có bậc chân nhân, nên vẫn
bảo tồn lực lượng. Nay gặp được tiểu thư, muốn kết giao thực hiện chí lớn, cùng
lo việc nước. Không biết ý của tiểu thư thế nào”.
Lão nương nói với vợ chồng Đại Công: “Con gái tôi vẫn ngày
đêm ước chọn người anh hùng đồng tâm sỉ nhục vì nước mất thì nguyện kết làm vợ
chồng. Nay gặp được ông bà đến đây, chẳng phải trời phù hộ sao”.
Bà nói với con gái, Lã Thị Nương rất mừng, theo mẹ ra tiếp
khách. Thấy vợ chồng Đại Công đường đường tướng mạo, thần uy lẫm liệt, bèn mời
vào trong trướng thiết yến khoản đãi, chọn ngày nên vợ nên chồng.
Lễ thành hôn được mấy tháng thì Lão Bà lâm bệnh qua đời. Lã
Thị cùng Đại Công, Pháp Nương làm lễ an táng. Để tang được 3 năm, ba người nghe
tin ở đạo Sơn Tây có bà Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi binh ở châu Diên, bèn tìm đến
yết kiến.
Bà Trưng thấy ba ông bà “oai dung lẫm liệt, chí khí hiên
ngang” thì rất kính trọng. Cùng ngày ấy, Chúa Mê Linh Trưng Trắc cho lệnh vợ chồng
Đại Công kéo quân lên lập đại bản doanh ở cửa sông Hát. Ở đó được mấy tháng, Nhị
chúa Hai Bà Trưng cho ba vợ chồng về các đạo Kinh Bắc, Hải Dương chiêu tuyển
binh mã.
Ngay lúc đó, Lã Thị mời Đặng Đại Công và bà Phạm Gia Pháp về
trang Chi Khê, Tràng Kỹ, huyện Đa Cẩm, phủ Thượng Hồng, đạo Hải Dương. Ba người
đang trên đường về thì ở trang Tràng Kỹ đêm đó chó sủa dữ dội, không ai ngủ
yên.
Đến cuối canh 3, nhân dân đều mộng thấy tráng sĩ mặc áo
xanh, tay cầm cờ vàng đến bảo với dân làng rằng: “Sáng ngày mai dân chúng phải
quét dọn đường sá, để đón ba vị chúa quan. Đấy là phúc thần, trời đã định,
không thì phải nhận trọng trách, hối không kịp”.
Mọi người tỉnh dậy, biết đó là mộng. Hết thảy đều kinh sợ.
Buổi sáng, mọi người tập hợp ở quán sở, quét dọn đường xá. Đến giờ Mùi thì thấy
ba ông bà về đến làng. Cả làng đều kinh sợ, bái phục, lễ tạ cầu xin làm thần tử
để được an sinh. Ba người đồng ý rồi bảo dân, ai về nhà ấy.
Hôm sau, Đại Công đi xem xét, thấy địa thế ở đây có dạng kỳ
lạ. Phía trước có tam thai, phía sau không có ngũ nhạc, lại có hình rồng hổ vờn
nhau, sơn thủy hữu tình, hổ thủy đáo đường (dòng nước như dáng hổ chảy vào),
long cừ ỷ án (dòng nước như dáng rồng ở phía sau).
Trang Chi Khê thì phía trước phong quang, phía sau có Tràng
An phố, bốn mùa xuân sắc, phong tục thuần hậu. Thiết tưởng, đó là phong cảnh bậc
nhất.Ngay hôn đó, ông bà Đại Công sai binh sĩ và dân chúng thiết lập hành cung,
theo thế tọa Càn hướng Khôn (lưng tựa hướng Bắc, mắt nhìn hướng Nam). Ông bà
truyền hịch xuống các phủ huyện, kêu gọi hào kiệt đồng tâm báo quốc, trừ giặc cứu
dân, cùng hưởng thái bình.
Hịch ban được độ một tuần lễ, có hơn hai vạn người đến cung
Tràng Kỹ. Ông bà làm cỗ thái lao khao thưởng dân binh. Lại lấy phu 50 người làm
gia thần, cùng binh sĩ hành quân về đại bản doanh Hát Môn của Nhị chúa Hai Bà
Trưng tụ họp. Ngay hôm đó, Nhị chúa Hai Bà Trưng làm lễ tế trời đất rồi cùng
ông bà tiến quân về trang Tràng Kỹ.
Đại Công cùng nhị phu nhân bái kiến Nhị chúa Hai Bà Trưng ở
cung Tràng Kỹ. Bà Trưng ra lệnh xuất binh và phong Đại Công là Đại đô Thượng tướng
quân, đánh thẳng vào thành Tô Định.
Đại chiến một trận, Tô Định thua chạy. Bà Trưng thu lại 65
thành trước đây bị chiếm đóng. Nhị chúa Hai Bà Trưng lên ngôi vua, ban thưởng
chức tước cho quân tướng thuộc quyền. Ghi nhận ông bà Đào Công bình Hán có công,
ban thưởng chức tước, cho phép về quê hương xây dựng binh quyền. Ông bà bái tạ
rồi trở về trang Tràng Kỹ làm lễ yết kiến tổ tiên, nội ngoại.
Ba năm sau, Hán Quang Vũ cử Mã Viện đem 30 vạn quân sang xâm
chiếm nước ta để rửa nhục trước. Quân của Mã Viện đến thành Lạng Sơn. Tin gấp
báo về, Trưng Vương phong Đại Công làm Thượng tướng quân cùng hai phu nhân ra
trận. Tướng sỹ đến Chi Lăng Quan, đánh nhau với Mã Viện hơn chục trận, cuộc chiến
chưa phân thắng bại.
Thế trận biến đổi xấu, Nhị vua Hai Bà Trưng Vương lui quân về
Cấm Khê để mưu kế trường kì. Mã Viện lại đem quân đến vây hãm thành Cấm Khê nhiều
tháng. Tướng sỹ thiệt hại quá nửa, lương thực hết, không còn quân tiếp viện. Nhị
vua Hai Bà Trưng cùng tướng sĩ quyết trận tử chiến.
Đại đô Thượng tướng quân cùng nhị phu nhân thấy Bà Trưng đã hóa tại trận tiền, bèn ngửa mặt lên trời than: “Ra trận chưa thành công mà thân
đã thác, để tướng sĩ nước mắt đầm đìa vạt áo”. Than khóc dứt thì trời tối mù mịt.
Ông bà cùng tự tận theo.
Hôm đó là ngày 5 tháng 11. Sau khi ông bà mất, chỗ đó mối đùn thành mộ. Mấy người
sống sót chạy về báo tin và cùng nhân dân viết thần hiệu, lập miếu thờ ở hành
cung cũ.
Người đời sau phong mĩ tự cho Ba ông bà, xây dựng miếu điện
thờ cúng, hương khói muôn đời không tắt. Bà Phạm Gia Pháp có mĩ danh Đại đô Thượng
tướng quân, Tín hoằng Chính cung phu nhân, Linh phù Đại vương. Bà Lã Thị Nương,
Đại đô Thượng tướng quân, Trinh thuần phu nhân, Linh phù Đại vương.
Trải qua các triều: Lý, Trần, Lê, các vị thần đều có công âm
phù giúp nước, che chở cho dân. Được các triều vua phong mĩ tự, được thờ cúng bằng
lễ vật sinh linh, trường tồn cùng trời đất.
Các chữ húy: Đại, Pháp, Nương, sắc phục màu hồng tía không
được phạm. Ngày giỗ trước là ngày sinh của Đại Công, ngày 12 tháng 2. Lễ vật là
cỗ thái lao, cùng xôi rượu làm vật tế. Ca hát, đấu vật 3 ngày.
Ngày sinh của Phạm Gia Pháp, ngày 3, tháng 2, dùng lễ vật là
lợn đen, cùng xôi rượu tế lễ. Ca hát 1 ngày. Ngày khánh hạ, ngày 12, tháng 8,
dùng cỗ thịt bò, cùng xôi rượu, hát ca 3 ngày.
Ngày 3 vị hóa, ngày 15, tháng 11. Tế lễ dùng lợn đen, cùng
xôi rượu. Các chiếu đều mời các quý phi phối hưởng.Trong tự điển quy định về thờ
cúng các vị thần của triều đình đều ghi tên hiệu là: Đại đô Thượng tướng quân,
âm thần 2 vị, được phong mĩ tự.
Đến triều Vua Tự Đức, năm thứ 11 (1858), phong dương thần 1
vị, cùng mĩ tự. Tên hiệu của thần, mĩ tự vị thần được phong, mãi mãi được phụng
thờ.
Dương Thần Đại đô Thượng tướng quân Đặng Đại Công, Hoằng
chính Cung túc, Tuấn lương Linh phù Đại vương. Trong các ngày: 3 tháng 2, 12
tháng 2, 11 tháng 3, 12 tháng 8, 15 tháng 11, dân làng, chức dịch đều tổ chức tế
lễ ở đình miếu.
Đình thôn Tràng Kỹ mới được phục hồi những năm đầu thế kỉ
XXI trong quần thể đình chùa làng. Đình đổi hướng từ tọa hướng Bắc nhìn hướng
Nam thành tọa hướng Đông nhìn hướng Tây. Đầu thế kỉ XXI, cán bộ, nhân dân sở tại và con em làm ăn xa quê thôn
Tràng Kĩ tôn tạo đình thờ thành hoàng làng trên khu đất vốn là trường cán bộ
Công an.
Nữ tướng Lã Thị Nương được người dân tôn suy là Thành
hoàng làng Chi khê, huyện Đa Cẩm, trấn Thượng Hồng, đạo Hải Dương. Nay là
làng Chi khê, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Tượng thờ phụng nữ tướng Lã Thị Nương, Đại đô Thượng tướng quân, Trinh thuần phu nhân, Linh phù Đại vương
Một trong những Sắc phong của các triều đại sau này
Nơi thờ tự nữ tướng Lã Thị Nương, thời kháng chiến chống
Pháp, có lần bị pháo giặc bắn san phẳng, nhưng tượng được dân gìn giữ do có báo
ứng nên vẫn còn pho tượng cổ. Di tích còn 7 sắc phong thời Nguyễn, 2 cuốn sách
chữ Hán Nôm ghi chép thần tích thành hoàng làng (ngọc phả), ghi chép những bài
văn cúng, văn tế, những mĩ tự các triều vua phong cho 3 vị.
Di vật gồm: Bia đá, hương án, kiếm thần, bát biểu, đòn kiệu
đều có niên đại hơn 100 năm. Những di vật này đều thuộc cổ vật, theo Luật Di sản
văn hóa.
Thôn Chi Khê tôn tạo di tích trên nền cũ, bằng chất liệu bê
tông, mái lợp ngói vẩy cá truyền thông, cửa gỗ bức bàn. Đình thôn Chi Khê được xếp
hạng Di tích Lịch sử- Văn hóa cấp tỉnh, năm 2005.
Lễ hội phụng sự thành hoàng làng của Tràng Kỹ, Chi Khê được
phục dựng, duy trì. Tục làm bánh giầy, tổ chức hát ca, đấu vật chưa được khôi
phục, nhưng sự cung kính thì vẫn như xưa.
Ths Nguyễn Thy Ngà biên tập