Theo gia phả họ Phạm, trong đại quân của Thánh Gióng còn có 3 vị tùy tướng: đức Nguyễn Khang - Bảo Khang Đại Vương, đức Trần Khiết - Minh Khiết Đại Vương và đức Phạm Lang - Quốc Lang Đại Vương, thờ phụng tại đình Đông Ngàn, Đông Anh, Hà Nội
Đời Hùng Vương thứ Sáu - Hùng Huy Vương của nước Văn Lang
trong lịch sử Việt Nam, lãnh đạo toàn dân Văn Lang đánh bại cuộc xâm lược của
giặc Ân. Vua Hùng Huy Vương 81 năm trị vì đất nước ( 1713 - 1632 TCN).
Thời ấy, cách đây khoảng 3700 năm ở thôn Long Tửu, xã Đông
Ngàn, tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh; nay là thôn
Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Có một người con trai
họ Phạm tên Lang và một chàng trai họ Trần tên Khiết, cùng một người khác ở xứ
Hoan Châu họ Nguyễn tên Khang.
Cả ba người là Phó tướng, Tùy tướng của Phù Đổng Thiên
Vương, chỉ huy các cánh quân đánh đuổi giặc Ân. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, đại
binh dưới quyền chỉ huy của Thánh Gióng ồ ạt tràn vào giết giặc. Không có phép
thuật nào chống được thần uy của Phù Đổng Thiên Vương, tướng giặc là Thạch Linh
Thần tướng bị chém đầu. Thiên Vương đi đến đâu giặc tan tác như cỏ rác trước
dòng lũ lớn.
Giặc tan, đến núi Sóc Sơn Gióng cởi áo, cưỡi ngựa về trời.
Vua Hùng nhớ đến công lao của Gióng, truy tặng ông là Phù Đổng Thiên Vương, còn
các Phó tướng, Tuỳ tướng đều được ban tước: ông Nguyễn Khang là Bảo Khang Đại
Vương, ông Trần Khiết là Minh Khiết Đại Vương và ông Phạm Lang là Quốc Lang Đại
Vương, cấp cho các ông hưởng lộc đời đời tại trang Đông Ngàn thuộc huyện Đông
Ngàn phủ Từ Sơn. Ở đất Đông Ngàn trong cảnh thái bình, khi nhàn rỗi dạo sơn ngắm
thủy, theo dòng Thiên Đức xa giá đến nơi vô sự, thưởng thức nhã nhạc đàn ca,
xem hoa thưởng quả hân hoan với phụ lão chốn quần phương vui vầy với dân bốn
cõi...
Ngày sinh của các vị thần: Bảo Khang sinh
ngày 15 tháng 2 năm Giáp Thìn, Minh Khiết sinh ngày 10 tháng 2, Quốc Lang sinh
ngày 1 tháng 2 cùng năm Bính Thân. Vậy là cả ba vị sinh ra tuy khác ngày nhưng
đều cùng tháng 2 thanh bình xuân chớm.
Đặc biết là khi hóa, các thần tướng lại cùng ngày 10 tháng 8
ở tuổi ngoại bát tuần. Ghi nhớ công lao các vị, tuân theo tước lộc Vua ban,
làng Đại Ngàn và nhân dân tứ xứ xây lập đình, đền phụng thờ các đức ngài.
Lớn và to nhất là Đình Đông Ngàn, thờ chung ba vị Đại vương,
ngoài ra mỗi đức ngài được phụng thờ trong một ngôi đền riêng: Đền Thượng thờ cụ
Nguyễn Bảo Khang, đền Trung thờ cụ Trần Minh Khiết, đền hạ thờ cụ Phạm Quốc
Lang. Trên bờ sông Thiên Đức các đền đều có hoành phi câu đối, đèn nhang lung
linh kính cẩn.
Đình làng Đông Ngàn, nơi thờ phụng Tam vị Đại vương của Thánh Phù Đổng Thiên Vương
Hàng năm cứ đến ngày 1 tháng 2 và 10 tháng 8 âm lịch, nhân
dân địa phương và các dòng họ Phạm của làng Đông Ngàn đến làm lễ dâng hương.
Về hiện vật có nhiều, đặc biệt ngoài sắc phong truy tặng của
Vua Hùng trải qua thời gian dài bão tố, phong ba, chiến tranh tàn khốc từ bấy đến
giờ thời đại Đinh, Lê, Lý, Trần... Các vị đều được bằng sắc truy phong, vạn đại
thờ cúng không bao giờ dứt, đến nay còn lại 24 sắc phong. Cổ xưa nhất là thời Hậu
Lê - Lê Đế (Vĩnh Khánh), Lê Cảnh Hưng, thời Quang Trung, Quang Toản, còn phần lớn
là sắc phong triều Nguyễn: Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân và Khải Định.
Đặc biệt hai sắc phong thời Khải Định Đề: Khải Định nhị niên
tam nguyệt thập bát nhật( ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định 2(1917) và Khải Định
cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật( ngày 26 tháng 7 niên hiệu Khải Định
9(1924); đều phong tặng cho danh tướng họ Phạm: Quốc Lang tôn thần.
Ở Đền Hạ thờ Phạm Quốc Lang, có bức hoành phi và dòng chữ
Hán: “Tối linh từ” (Đền linh thiêng). Trong đền còn có đôi câu đối chữ Hán:
Ngàn tây tự cổ lưu danh tướng/ Long địa chí kim uy liệt thần.
Nghĩa là: Ngàn tây từ cổ đã lưu truyền danh tiếng/ Đất rồng
đến nay thần oanh liệt vẫn còn. Đủ biết ngôi đền linh thiêng, thờ vị danh tướng
trang trọng đến nhường nào. Đền được xây dựng không biết tự bao giờ? Đường nét
hoa văn cổ kính, ngói phủ rêu phong thâm nghiêm bền vững.
Ngôi đền tọa lạc bên
sông, trải muôn ngàn gió táp mưa sa, binh lửa vần còn nguyên góc cạnh với đời.
Giữ hồn người hồn đất quê hương, dân tộc sâu sa thần niệm linh thiêng mà hậu thế
chọn đặt cho. Sau lưng cây đại già hàng nghìn tuổi che bóng, giương cành đứng
gác ngày đêm...
Hai bên ngôi đền thờ Phạm tướng quân có trồng hai cây đại cổ
thụ (một cây đã chết). Cây đại trước đây đứng ở dưới chân đê; ngày nay phần đất
ở phía bên trên gốc cây đã được tôn thêm lên khoảng 4 mét và cao bằng mặt đê; vậy
mà thân cây vẫn có chu vi lớn tới 3,8 m ở độ cao ngang mặt đê (tức là cách chân
đê, cách gốc cây 4m).
Hội cây di sản có so sánh với cây hoa đại trồng tại đền An
Sinh Vương Trần Liễu ở Hải Dương (cha của Đức Thánh Trần Hưng Đạo) từ khi lập đền
khoảng 750 tuổi thì chu vi gốc cây là khoảng hơn 2m, từ đó đánh giá tuổi cây đại
ở đền Phạm tướng quân khoảng trên 3000 năm tuổi.