Soi Đền được xây dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII), tọa lạc tại xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) thuộc ngoại đê Sông Cầu. Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, nơi đây là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc.
Soi Đền thờ Đức thánh Tam Giang, có kiến trúc nhỏ gọn, gồm một tòa tiền tế có 1 gian 2 dĩ xây bình đầu bít đốc, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ dải xây gạch phủ áo vữa nối bờ dải tới hai trụ biểu phía trước.
Hệ thống cửa gỗ kiểu bức bàn, phía trước xây hương án. Bên trong gian giữa tạo khám thờ trên đặt bài vị và lư hương. Hiện nay, Soi Đền lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị như: Nhang án, ngai thờ, đài thờ, kiếm thờ, bát hương cổ…
Soi Đền tọa lạc tại xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân.
Cuối năm 1940, Xứ ủy Bắc Kỳ về Hoàng Vân mở lớp huấn luyện quân sự. Tại Soi Đền, Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ cùng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đã chọn nơi đây làm địa điểm mở các lớp quân chính đầu tiên của Đảng, tổ chức nhiều cuộc huấn luyện chính trị và quân sự cho cán bộ quân sự các tỉnh, chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Lý do Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ chọn địa điểm Soi Đền để mở các lớp huấn luyện vì nơi đây mọi nhà đều là cơ sở cách mạng, nơi có vị trí tiếp giáp với huyện Phổ Yên, Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) ở bên kia sông, rất thuận lợi cho việc tiến, thoái khi bị địch vây giáp. Hơn nữa, địa điểm Soi Đền cách xa khu dân cư có thể quan sát cảnh giới từ xa.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Soi Đền là địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc.
Sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Hiệp Hoà”, tập I, xuất bản năm 1985, trang 69 ghi: “Năm 1942, Trung ương Đảng chọn xóm Đá làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân làm địa điểm mở lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ ở các tỉnh Bắc Kỳ. Xóm Đá, làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân nằm sát dòng sông Cầu, tiếp giáp với huyện Phổ Yên của tỉnh Thái Nguyên, là nơi có cơ sở cách mạng rất vững trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc (1939-1945). Hầu hết các gia đình ở đây đều hết lòng nuôi dưỡng và bảo vệ cách mạng, có 33 gia đình trong tổng số 37 gia đình đã nuôi dưỡng và bảo vệ cán bộ cách mạng hàng tuần lễ trở lên…”.
Từ cuối năm 1940 đến đầu năm 1945, tại đây đã mở 20 lớp huấn luyện quân sự, mỗi lớp có từ 20-40 học viên, học trong vòng 20 ngày với nội dung huấn luyện khá hoàn chỉnh như: Nhiệm vụ, phương pháp công tác của quân đội cách mạng, phương pháp tác chiến, cách sử dụng vũ khí, khí tài, võ thuật. Giảng viên là các đồng chí Hoàng Văn Thái, Lương Văn Chi, Võ Nguyên Giáp… trực tiếp giảng dạy.
Với nhiều giá trị lịch sử tiêu biểu, năm 1994, Soi Đền được Bộ Văn hóa, Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia (Quyết định số 2754-QĐ/BT ngày 15/10/1994). Năm 2020, Soi Đền là một trong 8 điểm di tích thuộc Di tích An toàn khu II (ATK II) Hiệp Hòa được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2280/QĐ-TTg ngày 31/12/2020).
Nguồn: Báo Bắc Giang
Sưu tầm: Ngô Diệp