Danh tướng Hùng Linh Công là cháu ruột vua Hùng. Được đích thân vua Hùng trao kim đao và 3 vạn binh mã tiên phong cùng với Thánh Gióng đánh tan giặc Ân. Trấn nhậm toàn xứ Kinh Bắc, ngài cũng có công dẹp hổ dữ, bảo vệ \ cuộc sống an bình cho dân.
Bất tử danh tướng Hùng Linh Công sinh
ra và hóa ở vùng đất Hiệp Hòa, Bắc Giang, thờ phụng ở Đền IA (Yên Sơn linh
tích) đến nay khoảng 3700 năm.
Theo truyền thuyết và các tài liệu thư
tịch cổ, đời Hùng Vương thứ VI, quan xứ Kinh Bắc là Hùng Nhạc hơn 60 tuổi, vợ
ngoài 40 tuổi, vẫn chưa có con trai. Ngày đầu xuân, ông bà đi vãn cảnh trên
dòng sông Như Nguyệt (sông Cầu), qua vùng núi thì trời tối. Họ vào đền Y Sơn
nghỉ, lễ phật cầu phúc.
Đêm ấy xảy ra thần mộng, từ đó, phu
nhân có thai. 12 tháng sau, nhằm vào ngày 12/10 năm Đinh Hợi, bà sinh ra con
trai "tay chân mập mạp, hình dong tựa lân hổ, cốt cách tựa bách
tùng". Ông bà đặt tên là Hùng Linh Công.
Hùng Linh Công khôi ngô tuấn tú, văn võ
song toàn, 15 tuổi cao 9 thước, hàm én, mắt phượng, mày ngài. Đôi vai có thể đỡ
trăm cân đá rắn, lại tỏ ra là thiên tư hiểu biết, đức độ hơn người.
Một hôm, muốn trực tiếp xem sự thật của
tin đồn, vua Hùng truyền chỉ gọi Linh Công vào triều để thử tài. Linh Công đối
đáp trôi chảy về quản quân, trị nước, an dân, được vua xuống chỉ giao làm Bồ Thống.
Tương truyền, lúc bấy giờ, nhiều nơi
thường có hổ dữ hại dân. Vua bèn sai Linh Công đem 500 binh mã vào nơi núi cao,
rừng sâu để trừ diệt.
Khi quân của Linh Công đến giáp giới ngọn
núi nào, hổ dữ nơi ấy đều gầm gào ra tự phục. Chỉ sau 5 tháng, tất cả hổ dữ đều
bị bắt sống. Từ đó, nhà nhà được yên ổn. Vua phong cho Hùng Linh Công làm Thống
quốc quân giám tả phụ, trông coi xứ Kinh Bắc.
Lúc bấy giờ, giặc Ân từ phương Bắc kéo
sang xâm lược nước ta. Thế giặc rất mạnh, nhân dân nhiều vùng bị cướp phá, tướng
sĩ triều đình hao tổn nhiều. Trước tình thế nguy nan, vua cho triệu Hùng Linh
Công về triều. Linh Công tâu rằng "vua sai tới đó không dám từ nan. Đất
này đánh thì khó, giữ thì dễ do dựa vào mép sông, có thế ỷ dốc".
Vua liền ban cho Hùng Linh Công một
thanh kim đao và 3 vạn binh mã đi tiên phong cự chiến. Hùng Linh Công vâng mệnh,
bái tạ trước thềm rồng, lĩnh chỉ điều quân đánh giặc. Khi đến đất Hiệp Hòa, danh
tướng còn chiêu mộ thêm hàng trăm dân khỏe mạnh. Linh Công trú quân tại đây,
kiên trì giữ vững để bồi dưỡng binh sĩ trước khi xuất quân đánh trận.
Cũng theo truyền thuyết, sau khi Linh
Công xuất binh, vua cho lập đàn tế trời đất. Ba ngày sau, gió mưa bỗng nổi đùng
đùng, trời đất tối tăm, một ông già cao 9 thước xuất hiện. Vua cẩn mời vào nội
điện hỏi việc dẹp giặc ngoại xâm, ông lão nói "nếu cầu được bậc hiền tài
thì giặc Ân sẽ bình được".
Cho rằng đó là Lạc Long Quân hạ phàm
phù hộ cháu con, vua rất mừng, lệnh cho sứ giả đi cầu người tài trong thiên hạ.
Cuối cùng, triều đình tìm được Phù Đổng Thiên vương Thánh Gióng.
Khi thấy Thánh Gióng đến, Hùng Linh
Công liền xuất binh tiếp ứng. Đến chân núi, các đạo quân hợp binh đánh một trận
lớn với giặc, đất trời mù mịt, giặc Ân tan vỡ, bỏ chạy tán loạn.
Đánh tan quân giặc, Thánh Gióng tới Sóc
Sơn bỏ áo giáp lại, cưỡi ngựa bay về trời. Hùng Linh Công cũng lui quân về xã
Hiệp Hòa.
Vào ngày 8/8, trời đổ mưa, chợt nghe ba
tiếng sét lớn, binh sĩ, nhân dân hoảng hốt chạy ra xem thấy Hùng Linh Công cưỡi
trên con hổ đen, tay cầm thanh Kim đao từ từ bay lên, đến đầu núi thì biến mất.
Nhân dân lập đền thờ cúng, đồng thời
làm biểu tấu lên vua. Vua sai trăm quân đem sắc chỉ, mũ áo đến nơi làm lễ và
truyền cho chúng dân tu sửa nơi đền miếu tế tự hương hỏa, lại sắc phong mỹ tự
"Y Sơn linh tích đại vương". Đồng thời, vua cho phép xã Hiệp Hòa được
phụng tế, hàng năm sai trăm quan về tế lễ.
Trong "Ngọc phả quốc lục" có
ghi hàng năm có 10 ngày lễ tại Đền IA, về sau chỉ còn duy trì đều đặn ba ngày lễ:
Lễ hội "Phu nhân thánh mẫu" ngày 15 - 16 - 17 tháng 1 âm lịch (người
dân thường gọi là Lễ hội chùa IA), Lễ Thánh sinh ngày 12 tháng 10, Lễ Thánh hóa
ngày 8 tháng 8. Lễ hội Chùa IA với các nghi thức tế lễ, dẫn rước hấp dẫn cùng
các trò chơi dân gian đã được so sánh với Hội Phủ Rầy của Nam Định: "Vui
nhất là Hội Phủ Rầy, Vui thì vui thật chẳng tầy Hội IA ".
Ngay từ thời Hùng Vương thứ 6 hàng năm
xuân thu nhị kỳ vào ngày mùng 2 tháng 2 và ngày 12 tháng 8 vua sai trăm quan về
tế lễ ở Đền IA (Đoạn 26), các triều đại phong kiến sau này cũng vậy (cuối Đoạn
28, cuối Đoạn 32), đó là quốc tế thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của cha
ông chúng ta. Rất tiếc vào thời đại chúng ta hiếm người biết đến nhân vật lịch
sử Hùng Linh Công, người có công lớn với dân tộc.
Đền Y Sơn hay còn gọi là Đền Ia. Đền Y Sơn thờ Đức thánh
Hùng Linh Công - Người có công dẹp giặc Ân cứu nước, được nhân dân trong vùng
ngưỡng vọng, thờ phụng từ lâu đời.
Cách thị trấn Thắng - trung tâm huyện
Hiệp Hòa 7 km về phía Tây, Đền Y Sơn được xây dựng dưới chân núi Ia, thuộc xã
Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đền nằm trong quần thể Di tích lịch sử
Văn hóa Y Sơn bao gồm đền Hạ, đền Thượng, giếng Tiên và chùa. Cả 3 nơi này đều
gắn liền với sự tích đức thánh Hùng Linh Công – Người có công dẹp loạn Lang Thú
hổ báo và đánh giặc Ân cùng với Đức Thánh Gióng vào thời kỳ Hùng Vương thứ 6. Đền
được nhà nước cấp Bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa năm 1994.
Sau khi đánh tan quân giặc, đất nước
thanh bình, Hùng Linh Công trở lại vùng núi Ia, thấy phong cảnh non xanh nước
biếc, sơn thủy hữu tình, Người đã đóng bản doanh tại đây và hiển thánh vào ngày
mùng 8 tháng 8 Âm lịch.
Hôm ấy đang trời quang mây tạnh, bỗng mây đen kéo đến, mưa gió, sấm chớp nổi
lên và có 3 tiếng sét trên đỉnh núi, dân chúng thấy một người mình mặc giáp trụ,
tay cầm thanh kim đao cưỡi con hổ đen bay lên trời. Sau đó, Hùng Linh Công biến
mất. Tạnh mưa, dân làng lên đỉnh núi gặp cây trầm cổ thụ trên đỉnh núi héo khô,
cho rằng là điềm lạ đã mang cây tạc tượng Hùng Linh Công, lập đền phụng thờ để
bày tỏ lòng thành kính nhớ ơn.
Sau khi Phụ thân và Mẫu thân Hùng Linh
Công từ trần, Đức vua cảm kính trước câu chuyện thần mộng và công lao của Người
đối với dân, với nước nên đã cho dân làng thời hai ông bà Hùng Nhạc tại Hậu đường
chùa Ia (Y Sơn Tây Tự) và phụng thờ Hùng Linh Công tại đền Ia.
Dulichgo
Tưởng nhớ công ơn
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, Di tích lịch sử - văn hóa đền Y
Sơn hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật thần khí, tế khí quý hiếm như: 21 đạo
sắc phong của các triều đại từ triều Hậu Lê, Tây Sơn đến triều Nguyễn, Lư hương
thế kỷ thứ XV, quạt nan bằng ngà voi, voi đá, ngựa đá, hoành phi, câu đối cổ.
Trên đỉnh núi Ia -
nơi Hùng Linh Công hóa thánh, dân làng xây dựng đền Thượng để phụng thờ tưởng
nhớ. Trước cửa đền Thượng có giếng Tiên. Tương truyền những đêm sáng trăng đẹp
trời, các nàng tiên thường xuống đây múa hát, đánh cờ, chải tóc, soi gương bên
giếng nước.
Để bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Hùng Linh Công và song thân của Người, hàng năm
vào rằm tháng Giêng Âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội, gọi là Tích hội
thánh mẫu phu nhân, còn cứ 3 năm 1 lần, hội lại được tổ chức với quy mô lớn, diễn
ra từ ngày 15-17 tháng Giêng Âm lịch.
Ngày chính hội. Từ sáng sớm, rất đông người dân
trong vùng, du khách thập phương khắp nơi đã tập trung đầy đủ tại khu đền thờ
thánh Hùng Linh Công. Sau khi làm lễ tại đền, tất cả lại rước kiệu sang chùa
cùng hai cỗ ngựa thần bằng gỗ.
Khách trảy hội đi theo đoàn rước kiệu nối
dài từ đền sang chùa, vượt qua núi Yên Ngựa, rồi rước nồi hương xuống nhà hội
và rước chuối dò vào chùa để làm lễ.
Điểm đặc trưng của Lễ hội Y Sơn là dùng cây chuối có cắm những
bông hoa làm bằng tre để rước vào đền thờ, mà những người dân ở đây quen gọi những
bông hoa tre này là bông dò. Không năm nào ở lễ hội Y Sơn lại thiếu những bông
dò như thế.
Cụ Hoàng Văn Đến, năm nay đã trên 80 tuổi, là thành viên Ban
Quản lý Đền – Chùa Y Sơn cho biết: Bông dò này rất độc đáo bởi chỉ ở riêng lễ hội
Y Sơn mới có. Lễ hội Y Sơn mở ra đầu mùa xuân - mùa của muôn vàn vạn vật, cỏ
cây, hoa lá đua nhau đâm chồi, nảy lộc. Bông dò đại diện cho bốn mùa Xuân, Hạ,
Thu, Đông, mùa nào cũng thơm hoa, ngọt trái, và cũng là đại diện về tâm linh.
Nếu như có bông dò này trong các gia đình thì gia đình nào
cũng được có các cụ thọ từ 70 tuổi trở lên. Đối với nông nghiệp, bông dò thể hiện
mùa màng tươi tốt.
Người được chọn làm bông dò phải ở trong gia đình hoàn hảo,
ông bà song toàn, con cháu học hành tiến bộ, nếu về tâm linh là có nếp, có tẻ.
Cây tre được chọn gót bông dò là tre bánh tẻ, từ gốc đến ngọn lẻ đốt, không có
kiến mọt trong các đốt, bởi vì đây thuộc về tâm linh đặc biệt, do vậy, lộc là lộc
của Thánh ban cho muôn dân.
Khi tế lễ xong, những bông dò đó phân phát về các thôn để biếu
các cụ cao tuổi, còn tiếp đến là người dân và du khách, ai có tấm lòng thành
kính thì đều có thể xin bông dò mang về nhà. Nếu ai đến chậm không xin được dò
thì khi ra về cứ áy náy không yên, tự nhủ sang năm sẽ phải đi thật sớm để xin bằng
được.
Sau lễ cúng dò là lễ cuốn cờ đập đất. Tất cả các quan viên ở
các giáp mang theo cờ quạt, chiêng trống, mặc áo quấn khăn theo nghi thức truyền
thống, kéo quân đến một khoảng đất rộng gần một mẫu. Đoàn quân đi theo hình
vành chảo cuốn ba vòng, vừa đi vừa nổi chiêng trống rầm rộ.
Ngoài những cuộc tế lễ, dẫn rước theo nghi lễ cổ truyền, hội
Y Sơn còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, bịt mắt bắt dê (con dê
thật), nhảy phỗng, cờ người, diễn tuồng, hát chèo và nhiều trò chơi khác.
Nhưng có lẽ, sau khi vào chùa tế lễ, điều mà du khách thích
nhất vẫn là đi tham quan, thưởng ngoạn phong cảnh ở núi IA, bởi toàn khu vực
núi IA được trồng rất nhiều cây thông đã được vài chục năm tuổi.
Quanh năm quả núi xanh ngát, cây thông tỏa bóng mát khắp
nơi. Trên đỉnh ngọn núi cao nhất có Đền thờ sơn thần và Giếng nước tiên, vào
ngày lễ hội du khách đến đây để cầu may mắn.
Ths Nguyễn Thy Ngà tổng hợp