Đầu Công nguyên, nước ta chịu ách đô hộ của nhà Đông Hán. Nhị vua Hai Bà Trưng đứng lên dấy cờ khởi nghĩa, mở đầu lịch sử chống giặc phương Bắc xâm lược Việt Nam, bắt đầu bằng cuộc tấn công thành Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh.
Ngày mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý (Năm 40 sau công
nguyên), Nhị vương Hai Bà Trưng đã cho quân sĩ lập đàn tế cáo trời đất, tiến hành cuộc
khởi nghĩa. Lời tuyên thệ trong buổi lễ có đoạn: “… Thiếp là cháu gái vua Hùng
thuở trước, hôm nay đau lòng thương dân vô tội, lấy nghĩa trừ tà. Nguyện xin
các vị thần linh hội họp tại đêm này chứng giám và phù hộ cho Thiếp. Thiếp là
Trưng Nữ dấy binh dẹp giặc, che chở dân lành, thu phục lại muôn vật cũ của tổ
tông. Không phụ ý trời, thỏa mãn nơi đầu miếu của các bậc đế vương các đời,
không phụ sự trông đợi của Tổ phụ nơi chín suối”.
Nhị vua Hai Bà Trưng cùng tướng sĩ kéo quân vây hãm đánh thành Luy Lâu, thủ phủ
của chính quyền đô hộ nhà Đông Hán đập tan bộ máy thống trị của giặc.
Vũ Ninh, một vùng đất nhỏ hẹp thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay,
nơi đây có những dải đồi lô xô kỳ vĩ, những dòng sông cần mẫn chăng khắp cánh đồng
như mạng nhện giữa mấy huyện của Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay: Yên Dũng, Gia
Bình, Lang Tài,Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Du, Từ Sơn và Yên Phong. Chính vì ở những
nơi ấy, nhân dân Vũ Ninh đã sớm đồng cam cộng khổ chặn lại sự tràn lan của giặc
nước, giặc ngoại xâm và đã cùng Hai Bà Trưng dũng cảm kiên trinh dựng nghiệp.
Đã hơn 19 thế kỷ qua đi, tiếng vọng khải hoàn từ những xóm mạc
như còn sôi động, còn khiến cho có thể lở đất long trời, dù gái quần hồng phải
đọ với càn thoa. Trở lại những ngày oai hùng đó, tức cũng trở lại với một sức sống
có diện mạo của dân tộc trong những ngày mất nước – dũng mãnh và quật khởi.
Những năm đầu công nguyên, Vũ Ninh chứa chất những hờn căm,
giặc phương Bắc xáo trộn xã hội Âu Lạc vốn thuần hậu. Phụ nữ thành kẻ tôi đòi.
Bao bà mẹ, người chị bị làm nhục. Đã đi qua những ngày hội tưng bừng và chỉ có
những lưỡi gươm nhuốm đỏ. Các Lạc tướng đầy lòng thương dân đều bị sát hại.
Thành lũy giặc Hán dăng dăng. Nhà cửa, kho đụn của bọn quý tộc Hán lớp lớp. Bạc
vàng, hoa thơm, quả lạ cũng bị vơ vét không còn.
Nước mất, mất độc lập tự do, cả đất nước bừng bừng uất hận,
cả một vùng Vũ Ninh sục sôi. Khát vọng về quyền sống, quyền làm chủ nung nấu
trong tâm khảm mọi người. Như một sự cộng cảm, người dân Vũ Ninh lần lần đứng
lên, bao vây giặc ở khắp nơi, khắp chỗ. Hình thức khởi nghĩa từng phần xuất hiện,
tràn lan.
Người xưa đã ghi nhận những sự kiện này:
“Thánh Thiên chiêu quân kén tướng, ra sức thao luyện kinh
luân, chiến thuật. Chẳng bao lâu danh trấn một phương. Nhưng thấy lực còn mỏng,
công chúa bèn tạm giải quân, về Yên Dũng tìm cậu. Cậu xưng là Nam Thành Vương.
Tô Định đem quân đến, Nam Thành Vương chém hơn ngàn địch”( Thần tích đền Ngọc Lâm (Tân Mỹ -Yên
Dũng)).
“Đào Nương cùng chồng là Doãn Công mộ được hai vạn quân, lập
đồn trại ở gò Bảo Tháp, phối hợp với Trương Quán, uy danh nổi khắp nơi”( Thần tích đền Bảo Tháp (Đông Cửu, Gia
Bình, Bắc Ninh)).
Những dòng dẫn chứng ngắn ngủi, phản ánh không hết độ nóng của
hờn căm, độ sôi động của phong trào. Nếu như Thánh Thiên nổi lên vì bức bách,
Đào Nương vì căm giận, thì ở Du Tràng, Ả Lã – Rồng Nhị đứng dậy để trả thù nhà,
ở Cẩm Chương, Diệu Tiên nổi lên trả nợ nước.
Còn nhiều nữa những Tam Quan, Tam Ngọ, Liễu Giáp, A Tắc, Ả Dị
cũng vì nợ nước đã tràn đầy, thù nhà đã nặng mà vùng lên.
Thế là lớp lớp sóng người dồn lên, đạp bằng cường quyền ngoại
tộc. Hào khí của đất nước trỗi dậy, chất ngất như non Tản, sải dài như cánh
chim M’ling. Vũ Ninh kiên nghị, nổi trận cuồng phong.
Không riêng gì người dân Lạc Việt hờn căm, những người Hán
cũng mang nặng hận thù với triều đình Đông Hán. Thần tích một ngôi đền ghi lại:
“Đô Thiên và Minh Giang, là hai viên quan của nhà Đông Hán,
vì căm giận triều đình, chạy sang Giao Chỉ, khi Hai Bà Trưng nổi dậy khởi nghĩa
ở Mê Linh, hai ông mang quân theo” (Sự
tích đền Càn (Kẻ Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang)).
Từ sau buổi hội thề sông Hát, khí thế cứu nước cứu nhà bừng
khắp một dải Vũ Ninh. Ở bờ tây hồ Lãng Bạc, nhiều danh tướng cùng quân binh tập
hợp, cùng kéo đại binh về tiêu diệt các thành trì kẻ thù ở Lũy Lâu và Long Biên,
những danh tướng đó là:
Ả Lã – Rồng Nhị (Song Giang – Gia Bình, Bắc Ninh)
Đào Nương – Doãn Công – Trương Quán – Thập Bát Sơn (Đông Cứu
– Gia Bình, Bắc Ninh)
Côn Nương (Bình Dương, Lang Tài, Bắc Ninh)
Đà Công – Nguyệt Nương (Phú Hòa, Lang Tài, Bắc Ninh)
Chiêu Nương (Trung Chinh, Lang Tài, Bắc Ninh)
Nga Nương – Lang Công – Nghiêm Công – Dương Công (Minh Tân,
Lang Tài, Bắc Ninh)
Chiên Hựu (Nhân Thắng, Lang Tài, Bắc Ninh)
Tỉnh Trai công chúa (Lai Hạ, Lang Tài, Bắc Ninh)
Tại bờ bắc hồ Lãng Bạc, nhiều đội quân tưng bừng khí thế:
Thành Thiên (Ngọc Lâm, Yên Dũng, nay thuộc thành phố Bắc
Giang)
Trương Sách (Lãng Sơn, Yên Dũng, Bắc Giang)
Đỗ Thiên, Minh Giang (Kè Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang)
Vây quanh thành Luy Lân, trực tiếp đánh vào hang ổ kẻ thù
có:
Ả Tắc – Ả Dị (Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh)
Tạ Thông, Đề Nương, Mộc Hoàn Công (Xuân Lâm, Thuận Thành, Bắc
Ninh)
Đặng Đường Hoàn (Trạm Lộ, Thuận Thành, Bắc Ninh)
Biều Phật Nương (Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh)
Hùng Bàn (Ninh Xá, Thuận Thành, Bắc Ninh)
Thiên Binh (Ninh Xá, Thuận Thành) và các tướng Đống Công, Hựu
Công, Quốc Nương, Đào Đô, Đào Hiển, Đào Lang, Khỏa Ba Sơn (Gia Lâm – Hà Nội)
Trên đường tiến về Long Biên có các tướng:
Diệu Tiên – Pháp Hải – Quảng Khánh (Cẩm Giang, Từ Sơn, Bắc
Ninh)
Tam Quan (Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh)
Tam Ngọ (Đồng Quan, Từ Sơn, Bắc Ninh)
Liễu Giáp (Nội Duệ, Tiên Du, Bắc Ninh)
Diên Hồng, Linh Giang, Linh Quan (Hương Lâm, Hiệp Hòa, Bắc
Giang) và các tướng Thành Công, Phương Dung, Đông Bảng, Thủy Hải, Đăng Giang,
Khổng Chúng, Đào Kỳ, Cửa Ngõ, Vĩnh Hoa (Gia Lâm, Đông Anh, Hà Nội).
Theo những thần tích, ghi chép từ các nơi thờ tự, đất Vũ
Ninh ghi nhận có 51 tướng tham gia vào cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong đó có
20 nữ danh tướng.
Họ tham gia bằng đủ các hình thức, chiến đấu với nhiều
phương thức phong phú. Nhiều gia đình đã tham gia vào các trận đánh. Mẹ con tướng
Diệu Tiên – Pháp Hải. Vợ chồng tướng Doãn Công – Đào Nương – Đà Công – Nguyệt
Nương. Chị em danh tướng Ả Tắc – Ả Dị, Ả Lã – Rồng Nhị. Anh em tướng Lang Công
– Dương Công. Cậu cháu tướng Trương Sách – Thánh Thiên.
Đa số các tướng sinh trưởng ở Vũ Ninh, nhưng cũng nhiều tướng
từ Hồng Châu (Hải Dương) lên, từ Ái Châu (Thanh Hóa), Sơn Nam (Nam Định) tới. Từ
Hồng Châu lên: Thành Thiên, Lang Công, Nghiêm Công, Nga Nương, Ả Tắc, Ả Dị. Từ
Ái Châu tới có: Đào Ký, Khòa Ba Sơn. Từ Sơn Nam có: ba anh em họ Đào…). Điều đó
càng biện minh cho mảnh đất Vũ Ninh đầy hờn căm và nóng bỏng, là nơi dấy lên ngọn
lửa thiêu đốt hang ổ của kẻ thù.
Tham gia tấn công thành Lũy Lâu có nhị tướng Ả Tắc, Ả Dị là
hai chị em ruột quê ở Đồng Châu (Hải Phòng) đóng quân ở Văn Lan (Văn Quan - Trí
Quả) cùng hợp quân vây đánh, hạ thành Luy Lâu, cùng quân binh tướng Lê Chân bắc
thang vượt thành vây đánh Tô Định.
Trước khí thế ngút trời của quần chúng khởi nghĩa, bọn quan
lại, Đông Hán không chống cự nổi phải tháo chạy về nước. Thái thú Tô Định bỏ
thành trì, ấn tín, cắt tóc, cạo râu trốn chạy về Nam Hải. Chỉ trong vòng hai
tháng, quân Hai Bà Trưng đã thu phục được 65 thành trì, giải phóng toàn đất nước,
giành lại chủ quyền về tay nhân dân.
Mùa hè năm Canh Tý (40 sau công nguyên) Bà Trưng Trắc được
Tướng sĩ tôn làm vua, lấy hiệu là Trưng Vương đóng đô tại lỵ sở Mê Linh, quê
hương của Hai Bà. Để đào tạo nhân tài cho đất nước, Hai vua Bà đã lập ra:
“Chiêu Văn quân” ngày nay thuộc làng Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh. Để giữ
vững những nơi hiểm yếu, Trưng Vương cho các Tướng sĩ được đem quân về địa
phương cũ, giao quyền trong coi việc dân, vừa sản xuất, vừa luyện binh.
Được tin Trưng Trắc xưng vương Hoàng đế nhà Đông Hán là Hán
Quang Vũ vô cùng tức giận, sai phục ba tương quân Mã Viện đem 2 vạn quân chủ lực,
cùng 2000 thuyền, xa kéo sang xâm lược nước ta bằng hai cánh quân thủy bộ. Mã
Viện trực tiếp chỉ huy cánh quân bộ, Đoàn Chí chỉ huy quân thủy. Tại Vân Đồn,
Tướng Lê Chân bố trí chặn đánh cánh quân thủy của Đoàn Chí. Đoàn Chí bị tử trận,
quân thủy bị thiệt hại nặng. Mã Viện thâu tóm chỉ huy cả hai cánh quân thủy và
bộ.
Sau một năm cầm cự với giặc, nghĩa quân của Hai Bà đã chiến
đấu vô cùng anh dũng.
Nhị nữ tướng Ả Tắc-Ả Dị được giao nhiệm vụ cố thủ ở làng Văn
Lan để bảo vệ thành Luy Lâu anh dũng hy sinh tại trận tiền.
Nhiều lễ hội phong tục dân gian ghi lại ở những ngày kỷ niệm
các vị danh tướng của Hai Bà Trưng trên đất Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay và cuộc
chiến oanh liệt thời đó.
Hội đến Ngọc Lâm, Cẩm Giang, và nhiều nơi khác cho ta hay về
tài đánh giặc dưới nước của người thời ấy, các hội ở Song Giang, Đông Cứu lại
phản ảnh tài luyện quân của các anh hùng. Tinh thần thượng võ và lòng yêu nước lưu
giữ trong chúng ta gần 2.000 năm và mãi còn rạng rỡ.
Biết bao tấm gương chiến đấu anh dũng, nay vẫn chói ngời
vinh quang. Ả Tắc – Ả Dị can đảm phá vòng vây, tả xung hữu đột. Đào Nương –
Doãn Công cự địch tận ngoài bờ biển, dũng cảm hy sinh. Còn Nương bồng con mới đẻ,
chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Thánh Thiên thì quên mình vì minh chủ, thế
cùng lực tận đã giữ chọn thanh danh:
Thực hào kiệt, thực anh hùng, những khi giúp đỡ vua Trưng, mặt
được sông Thương gươm báu trong lồng còn lấp lánh.
Còn bâng khuâng, còn phảng phất, sau lúc đuổi tan giặc Hán
cành hoa bến ngọc, vòng tay thơm nức vẫn còn đây.
Ngày nay, đền đài, miếu mạo bái vọng các vị anh hùng đất Vũ
Ninh tham gia vào cuộc khởi nghĩa còn uy nghiêm ở khắp nơi.
Đền Bính Hạ thờ Tam Ngọ, đền Xuân Thụ thờ Diệu Tiên – Pháp Hải
– Quảng Khánh, đình Hồi Quan thờ Tam Quang, vẫn trầm tư soi mình xuống dòng Ngũ
Huyện, như nhớ lại những ngày chiến thuyền nô nức kéo về công phá Long Biên.
Đền Văn Quan vẫn còn bên dòng sông Dâu, như in bóng Ả Tắc – Ả
Dị.
Đền Du Tràng, đền Bảo Tháo còn vang danh Ả Lã – Rồng Nhị,
Doãn Công – Đào Công – Đào Nương e ấp soi mình xuống dòng sông Đuống.
Đền Côn Nương ở Phùng Xá còn xây tượng hai mẹ con người nữ
anh hùng. Đền Côn Nương đoái nhìn dòng sông Ngụ, chảy cạnh Tuần Lạ. Chỉ ngần ấy,
trong số những gì còn lại, đã cho chúng ta cả một nỗi niềm khao khát để tìm về
thời dũng cảm đảm đang. Chúng ta hãy hỏi, như nhà thơ trẻ Bế Kiến Quốc, và để
các anh hùng ấy trả lời:
Sinh
ở đâu, mà ai cũng anh hùng
Tất cả trả lời: bên một dòng sông
Cuộc khởi nghĩa của
Hai Bà Trưng và triều Trưng Vương chỉ giữ được độc lập tự chủ trong vòng 3 năm
(40-43 sau công nguyên) nhưng sự kiện lịch sử này có ý nghĩa lớn, ảnh hưởng mạnh
mẽ đối với các thế hệ, người Việt Nam. Tinh thần dân tộc, chủ nghĩa yêu nước đã
sớm trở thành ý thức dân tộc.
Cổng di tích đền và lăng Nam Giao học tổ Sĩ Nhiếp. -Ảnh: THÁI LỘC
Cây cầu đá trên lối vào đền Sỹ Nhiếp trong thành cổ Luy Lâu.
Cừu đá từ thời Nam Hán bên phần mộ thái thú Sĩ Nhiếp. -Ảnh: THÁI LỘC
Mọi người dân Việt Nam tự giác bảo vệ Tổ quốc, bản sắc dân tộc,
lối sống của dân tộc, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Để lại lịch sử cho đời sau
tinh thần đấu tranh giữ nước, giữ độc lập dân tộc, không chịu khuất phục bất cứ
kẻ thù nào.
-----------
Thành Luy Lâu nằm cách Hà Nội chừng 30km, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo đầu tiên của nền văn minh sông Hồng, hình thành khoảng hơn 2.000 năm trước và phát triển không ngừng trong nhiều thế kỷ. Vùng đô thị cổ này gắn liền với tên tuổi của thái thú Sĩ Nhiếp - người đưa Nho giáo vào Việt Nam và thực hành rất nhiều chính sách phát triển tại xứ Giao Châu nơi mình cai trị... Ông được hậu thế tôn làm Nam giao Học tổ và người dân thờ tự nhiều nơi... Luy Lâu cũng được biết đến là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt, là điểm dừng quan trọng trên con đường truyền bá của đạo Phật từ Ấn Độ sang các nước...Nguồn tổng hợp Tài liệu Đền thờ Hai Bà Trưng - Văn hóa Luy Lâu.