Bảo vật quốc gia bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Ngày 15/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số
88/QĐ-TTg công nhận bảo vật quốc gia đối với bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên
Hoàng và bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành cùng với 27 bảo vật quốc gia của cả
nước. Đây là những hiện vật có giá trị, thể hiện giai đoạn đỉnh cao nghệ thuật
điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam thế kỷ XVII.
Bảo vật quốc gia bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và
bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn
Di tích Lịch sử - Văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh
Bình.
Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên hoàng, bộ Phủ Việt đền thờ
Vua Lê Đại Hành là những hiện vật gốc độc bản, được triều đình và nhân dân Hoa
Lư tạo tác từ thế kỷ XVII làm đồ tế khí để thờ tự, tôn vinh và tưởng nhớ công đức
Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành.
Phủ Việt có cấu tạo độc đáo, họa tiết trang trí tinh tế, thể
hiện tài năng sáng tạo và bàn tay khéo léo của cha ông; có ý nghĩa quan trọng về
lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam thế kỷ XVII, thể hiện sự
giao thoa, tiếp biến, làm giàu có thêm giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Việc công nhận bảo vật quốc gia đối với bộ Phủ Việt đền thờ
Vua Đinh Tiên Hoàng và bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành có ý nghĩa to lớn đối
với việc tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị trong nghiên cứu khoa học, mỹ
thuật, văn hóa nói chung, cho khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư nói
riêng.
- Chất liệu: Gỗ, sơn son thếp vàng.
- Niên đại: Thế kỷ XVII
Mỗi Phủ Việt nặng 45kg, tổng cộng 90kg. Phủ Việt bên trái
dài 300cm, dày 0,7cm, Phủ Việt bên phải dài 299cm, dày 07cm. Phủ Việt được chế
tạo dựa trên hình ảnh của lưỡi rìu chiến kết hợp với đinh ba, là hai trong số
các binh khí là đồ chấp kích/lỗ bộ trong bộ đồ tế khí tại các di tích đền,
đình, miếu, đặc biệt được chú trọng tại các đền thờ các vị anh hùng dân tộc, trở
thành vật thiêng trong không gian thờ cúng của người Việt.
Phủ Việt tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được chế tạo cầu kỳ,
tinh xảo và kỹ lưỡng với sự cách điệu hóa cao, khác xa với Phủ Việt là đồ tế
khí thông thường. Trên đỉnh là hình ảnh 3 ngọn mũi nhọn, phảng phất hình ảnh của
cây đinh ba trong bộ lỗ bộ/chấp kích, tuy nhiên, sự tạo dáng với những đường
cong uyển chuyển, điểm xuyết trên đó là vân mây hình đao mác xà đuôi của những
con rồng giáng, tạo cho bộ ba mũi nhọn này hao hao như ngọn tam sơn hay bài vị.
Phần giữa thân của Phủ Việt được trổ thủng hình ảnh rồng mẹ
và rồng con xoắn xuýt lấy nhau, tạo nên một ổ rồng, không quá khuôn cứng trong
một hình mẫu có sẵn như các ổ rồng ở thời Minh - Thanh, Trung Hoa. Tạo hình của
cán phủ việt có tiết diện hình bát giác, hoàn toàn khác biệt với những phủ việt
thông thường, đều có thân hình tròn.
Phủ Việt tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là một tác phẩm hàm
chứa nhiều giá trị biểu tượng, giá trị văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm
linh sâu sắc. Ba đợt trùng tu lớn có liên quan gián tiếp với đôi Phủ Việt này
là thời Lê Trung hưng - Thế kỷ XVII được ghi lại trên ba tấm bia, liên quan tới
việc tạo tác đôi Phủ Việt ở đây, có thể xếp vào khung niên đại rộng khoảng những
năm 1606 - 1696 thuộc thế kỷ XVII.
Có thể khẳng định Đôi Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng
là độc bản nếu so sánh với toàn bộ hệ thống lỗ bộ/chấp kích hiện đang được thờ
tại đền, đình, miếu ở nước ta.
Đôi Phủ Việt thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là sự sáng tạo đem đến
giá trị độc đáo về loại hình khiến Phủ Việt ở đây không hề giống với bất cứ hiện
vật cùng tên gọi ở bất cứ nơi nào. Kỹ thuật điêu khắc và sơn thếp đạt tới đỉnh
cao khiến trải qua hơn 400 năm, sắc màu của Phủ Việt vẫn còn giữ được như
xưa.
Bộ Phủ Việt đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng
Chi tiết mặt trước Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng
Chi tiết mặt sau bộ Phủ Việt đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng
Bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành
Chi tiết mặt trước bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành
Chi tiết mặt sau bộ Phủ Việt đền thờ Vua Lê Đại Hành
Thúy Hà
Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa