Hùng Vương là tên hiệu của các triều đại Vua Hùng, nhà nước Văn Lang. Thuở sơ khai, nhà nước Văn Lang được chia thành 15 bộ; các bộ do các Lạc tướng trực tiếp cai quản, các Bố chính đứng đầu các làng bản. Kinh đô của nhà nước Văn Lang là Phong Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Hùng Vương tồn tại 18 triều đại,
18 vị vua (tính từ thời Kinh Dương Vương, năm 2.879 trước Công nguyên đến thời
Hùng Duệ Vương, năm 258 trước Công nguyên) kéo dài 2.621 năm.
Thời đại Hùng Vương mở đầu kỷ nguyên văn minh của dân tộc Việt.
Trong suốt chiều dài của lịch sử đất nước, nhân dân ở khắp mọi miền Tổ quốc đã
lập đền thờ các Vua Hùng và các danh tướng thời Hùng Vương để tỏ lòng biết ơn
sâu sắc với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”.
Lễ rước kiệu là một trong những nghi thức chính trong ngày
Giỗ tổ Hùng Vương.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có nhiều di tích lịch sử -
văn hoá có liên quan trực tiếp hoặc phối thờ các nhân vật lịch sử thời Hùng
Vương; tiêu biểu như: Đình Ngô Xá, Đình Mền (Ý Yên); Đình Trung Hải Lạng Trang
(Nghĩa Hưng); Đình Sùng Văn, Đình Đông đệ tam, Đình Cả (Mỹ Lộc), Đền Đá (Nam Trực)…
Hầu hết các di tích đều thờ hoặc phối thờ các danh tướng thời
Hùng Vương có công với nước, với dân, được nhân dân suy tôn làm Thành hoàng
làng; tiêu biểu như: Cao Sơn Đại Vương, Quý Minh Đại Vương, Dũng Dược Đại
Vương, Linh Lang Đại Vương…
Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Đình Cả (Đình Đệ Nhất),
xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) thờ Dũng Dược Đại Vương - vị tướng thời Vua Hùng và một số
danh tướng thời Trần. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Đình Cả hiện vẫn giữ
được kiến trúc tương đối hoàn chỉnh.
Về giá trị nghệ thuật kiến trúc, Đình Cả gồm ba tòa mang
dáng dấp “tiền chữ Nhất, hậu chữ Đinh”. Toà tiền đường và toà đệ nhị đều được
làm bằng gỗ lim, mỗi toà 5 gian, được thiết kế theo lối “thượng chồng rường, hạ
kẻ bẩy”.
Cả hai công trình này giao thoa giữa phong cách nghệ thuật
thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Trên các cấu kiện vì kèo, rường, cột được trang trí
họa tiết hoa, lá cách điệu. Giao mái với tòa đệ nhị là hai chính cung. Cung
ngoài 3 gian, cung trong 2 gian, ngăn cách bằng một bức thuận. Phần chính giữa
bức thuận được chạm thông phong với đề tài “lưỡng long tranh châu”.
Trên xà hạ chạm kênh bong tinh xảo hoạ tiết rồng chầu, nghê
chầu… Ngoài việc bảo tồn được giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, Đình Cả còn
lưu giữ một số di vật quý, trong đó có long ngai cao 1,3m, dáng vẻ chắc khỏe, bề
thế mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Ngoài ra còn 3 pho tượng lớn, niên đại khoảng cuối thế kỷ
XVIII. Tại gian chính tẩm, tượng Dũng Dược Đại Vương đặt ở khám giữa, chất liệu
bằng gỗ, cao 1,9m, tỷ lệ cân đối, dáng vẻ oai phong. Các họa tiết trên mũ, áo cầu
kỳ với các đề tài: long chầu, phượng múa, sóng nước, hoa chanh…
Đình Ngô Xá, xã Yên Lợi (Ý Yên) là di tích thờ Cao Sơn Đại
Vương và Quý Minh Đại Vương. Theo truyền thuyết dân gian, Cao Sơn Đại vương và
Quý Minh Đại Vương là hai người em họ của Sơn Tinh. Cả ba ông đều là những vị
tướng tài ba có công giúp Hùng Duệ Vương (đời Vua Hùng thứ 18) đánh đuổi quân
Thục Phán xâm lược.
Sau khi lập công, các ông được nhân dân suy tôn là các bậc
thánh thần (Tản Viên Sơn Thánh, Thần Cao Sơn và Thần Quý Minh). Quý Minh Đại
Vương và Cao Sơn Đại Vương đều là những Thượng đẳng thần được nhiều triều đại
ban sắc phong, nhân dân khắp nơi lập đình thờ phụng Thành hoàng làng.
Là di tích nằm trong Quần thể di tích lịch sử - văn hoá quốc
gia Đình - Chùa Ngô Xá, Chùa Nề và Phế tích tháp Chương Sơn nên văn hoá kiến
trúc Đình Ngô Xá có sự giao thoa giữa dáng dấp của chùa và đình; các mảng chạm
khắc hoa lá, vân áng, long, ly đa dạng phối hợp hài hòa các đề tài Phật giáo và
dân gian.
Cùng với vẻ đẹp và quy mô về kiến trúc, Đình Ngô Xá còn lưu
giữ được nhiều đồ thờ có giá trị như: nhang án, kiệu long đình, bát cống, ngai
thờ, đại tự, câu đối… Trong số những di vật ở đây có nhiều di vật được làm từ
thời Hậu Lê, thời Nguyễn; tất cả đều được sơn thếp rực rỡ làm tăng thêm vẻ tôn
nghiêm nơi thờ tự.
Đình Sùng Văn, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) là nơi thờ Linh Lang Đại
Vương - tướng thời Hùng Duệ Vương và hai tướng: Cao Đê, Đãi Chân dưới triều An
Dương Vương. Các nhân vật lịch sử được thờ tự tại đây đều là những người có nhiều
công lao trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của nhà
nước Văn Lang - Âu Lạc.
Ngoài giá trị về lịch sử, Đình Sùng Văn còn là công trình
tín ngưỡng quy mô bề thế, mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền dân tộc. Thời
Hậu Lê, nhân dân địa phương xây một ngôi đền nhỏ trên di tích đồn binh để hương
khói, thờ phụng Linh Lang Đại Vương. Ngày nay, ngôi đình tọa lạc trên một khu đất
cao, rộng rãi, nằm ẩn mình dưới những tán lá cây cổ thụ và ao làng xanh biếc đã
tạo nên khung cảnh làng quê nên thơ, cổ kính.
Vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Đình Sùng Văn
từng thu hút nhiều danh nhân văn hóa đến tham quan, làm thơ, viết câu đối tiến
cúng như: Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh, Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến…
Không chỉ là những di sản văn hoá mang đậm giá trị lịch sử
và nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, các di tích thờ danh tướng thời Hùng Vương ở tỉnh
ta còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh. Tại di tích Đình Cả, xã Mỹ
Trung (Mỹ Lộc) ngày trước, hội làng được tổ chức hàng năm vào ngày 15-4 âm lịch
(ngày sinh của Dũng Dược Đại Vương). Lệ làng Đệ Nhất đề ra: Bốn giáp: Đông, Bắc,
Nam, Đoài, mỗi giáp chuẩn bị một con lợn cúng tế; lợn phải được nuôi riêng từ
tháng 4 năm trước đến tháng 4 năm sau.
Đến hội, các giáp đóng cũi có trang trí đẹp đưa lợn ra thi.
Sau khi chấm thi, lợn được ngả thịt để cúng Thánh. Trong ngày hội, ngoài việc tế
lễ còn có các trò chơi: đánh cờ, kéo co, đấu vật, leo cầu kiều, bắt vịt, thi
hát văn… Di tích Đình Trung Hải Lạng Trang, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) thờ Quý
Minh Đại Vương. Lễ hội Hải Lạng Trang được tổ chức “xuân thu nhị kỳ” 24-8 và
các ngày 11, 12-2 âm lịch hàng năm.
Trong đó, dịp lễ hội tháng 2 tổ chức nhân ngày kỵ của Thành
hoàng Quý Minh Đại Vương diễn ra sôi nổi. Chiều ngày 11, dân làng tổ chức dâng
hương tại sân đình. Sau đó tiến hành các nghi lễ trang trọng như: mộc dục, tế
cáo, chọn lợn dâng Thành hoàng. Ngày 12, dân làng tổ chức rước kiệu Thánh quanh
làng.
Tham gia đoàn rước có các đội múa lân - rồng, cờ, trống, tế
nam quan, tế nữ quan… Ngoài ra, đoàn rước còn có sự tham gia của Ban giải kiều
kinh Phật với các già làng có chức sắc. Sau khi đoàn rước yên vị là nghi lễ
dâng hương, dâng lễ của các dòng họ. Phần hội tại di tích diễn ra các trò chơi
dân gian: cờ người, đấu vật, tổ tôm điếm, chọi gà, leo cầu phao, hát chèo… thu
hút đông đảo người dân tham gia.
Đền Đá, thôn Nam Hà (Nam Trực) là di tích thờ ba anh em Vũ
Uy, Chính Ngọ, Gia Sửu - những vị tướng thời Hùng Vương; trong đó, người em út
là Vũ Uy được nhân dân tôn làm Thành hoàng làng. Lễ hội Đền Đá được tổ chức vào
ngày mồng 3-3 âm lịch hàng năm với nhiều cuộc thi: làm oản, làm bánh dầy, làm cỗ,
chọn cau lễ... và nhiều trò vui: múa gậy, múa rồng, kéo cõi (kéo dây), đấu vật,
đấu roi..., phản ánh tinh thần thượng võ của dân tộc.
Trải qua nhiều thế kỷ, các di tích lịch sử - văn hóa thờ
danh tướng thời Hùng Vương vẫn còn bảo lưu nguyên vẹn các giá trị truyền thống.
Quy mô lễ hội tại các di tích ngày nay tuy không được mở rộng như trước nhưng vẫn
đang được cấp uỷ, chính quyền các địa phương từng bước khôi phục, phát huy, góp
phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Khánh Dũng
Ths Nguyễn Thy Ngà đăng tải