Chiến tranh Tống-Việt là cuộc chiến tranh giữa Nhà Tống triều Tống Thái Tông và Đại Cồ Việt triều đại vua Lê Đại Hành diễn ra từ tháng 1 đến tháng 4 năm 981 trên lãnh thổ Đại Cồ Việt. Đại binh Việt đã đánh bại quân đội nhà Tống buộc Hoàng đế Đại Tống công nhận nhà Tiền Lê và ban chế phong cho vua Lê Đại Hành năm 986.
Cuối năm 979, Đinh Tiên Hoàng và Thái tử Đinh Liễn bị ám
sát. Tháng 5 năm 980 (dương lịch), sứ nhà Tống ở Đại Cồ Việt là Lư Tập về nước
báo cáo; triều đình nhà Tống biết được tình hình rối ren ở Đại Cồ Việt.[1]
Tháng 8 năm 980, Hầu Nhân Bảo, quan trấn thủ châu Ung của Đại
Tống dâng thư lên hoàng đế Đại Tống báo cáo việc Đại Cồ Việt có nội loạn và là
thời cơ để đánh chiếm và xin được về kinh đô để trình bày rõ hơn. Hoàng đế Đại
Tống theo lời khuyên của Lư Đa Tốn[2] không triệu Hầu Nhân Bảo về kinh đô để giữ
bí mật việc chinh phạt Đại Cồ Việt.[3]
Thay vào đó, Hữu Tráng là quan cai quản lộ Quảng Nam Tây
(thuộc vùng Quảng Đông và Quảng Tây ngày nay) được gọi về kinh đô báo cáo tình
hình Đại Cồ Việt. Hữu Tráng tâu rằng: "ở Giao Châu thì vua cuối họ Đinh là
Đinh Toàn còn nhỏ dại, bị giặc hãm hại, nước loạn mãi chưa yên, dân không biết
dựa vào ai làm chủ. Ta nên kíp sai quân sang, nói là đến cứu...".[4]
Nắm được tình hình Đại Cồ Việt rồi, Tống Thái Tông phong Hầu
Nhân Bảo làm Giao Châu lộ Thủy lục kế độ Chuyển vận sứ, Tôn Toàn Hưng, Trần
Khâm Tộ, Lưu Trừng, Giả Thực giữ chức Binh mã Đô bộ thự lập tức chuẩn bị chiến
tranh với Đại Cồ Việt. Đồng thời ban chiếu chinh phạt Đại Cồ Việt. Nội dung như
sau:[5]
“Thanh giáo và oai linh của nước nhà vang khắp cả mọi nơi, gần
đây đất Diên-Chỉ, chưa sáp nhập vào địa đồ Trung Quốc, chúng ở một phương, gần
nơi Ngũ Lĩnh. Từ cuối đời Đường rối loạn, chia sẻ đất đại, rồi chúng làm ra một
nước tiếm ngụy, ở xa thanh giáo thành ra phong tục như đứa mù đứa điếc. Kịp khi
Phiên-Ngung đã bình định, mới ban cho Chính-Sóc mà tuân hành, tuy đã phục tùng
chịu làm phiên thuộc, nhưng cứ tu luyện binh lính, có ý quật cường. Lễ thờ phụng
nước trên, lẽ nào như thế? Vậy ta bất đắc dĩ phải trị tội gian ngụy để cứu dân,
phải cử binh qua đánh để khai hóa xứ mọi rợ; nay cho bọn Tôn Toàn Hưng xuất
quân qua đánh.”
Mùa thu năm 980, quan trấn thủ châu Lạng (Lạng Sơn) báo tin
cho triều đình việc quân Tống chuẩn bị đánh xuống Đại Cồ Việt. Thập đạo tướng
quân Lê Hoàn liền lên ngôi vua và gấp rút chuẩn bị kháng chiến.[6]
Mùa đông năm 980, Tống đế gửi thư tuyên chiến. Trong thư có
đoạn: "Hiện nay ta đã sửa sang binh xa và bộ tốt, hiệu lệnh chiêng trống rất
nghiêm minh; nếu vâng theo giáo hóa thì được tha; nếu chống lại mệnh lệnh thì sẽ
bị trị tội".[3]
Vua Lê Đại Hành một mặt chuẩn bị kháng chiến, một mặt vẫn
sai sứ mang thư sang triều đình Đại Tống báo cáo việc đã lập Đinh Toàn nối ngôi
Đinh Tiên Hoàng. Nhà Tống không đồng ý.[3] Tống Thái Tông sai Lư Đa Tốn viết
thư trả lời Lê Hoàn. Thư có đoạn:[7]
“Nay chín châu bốn biển đã yên, chỉ còn Giao Châu của ngươi ở
xa cuối trời... Ngươi định về theo ta, hay muốn chuộc lấy tội. Ta đang chuẩn bị
xe ngựa, binh lính, cờ lệnh, chiêng trống... nếu ngươi quy hàng ta tha, nếu
trái mệnh thì ta đánh. Theo hay không, lành hay dữ, ngươi tự nghĩ lấy... ”
Chuẩn bị và lực lượng
Đại Tống
Triều đình nhà Tống cho lập Giao Chỉ hành doanh là bộ chỉ
huy lực lượng viễn chinh Giao Chỉ. Trong bộ chỉ huy này, Hầu Nhân Bảo là Tổng
tư lệnh, được phong làm Giao Chỉ lộ Thủy lục kế độ Chuyển vận sứ; có nghĩa chỉ
huy cả thủy lục quân và sau khi chinh phạt được Đại Cồ Việt (nhà Tống chỉ gọi
là Giao Chỉ) thì sẽ biến xứ này thành một lộ của Đại Tống và giao cho Hầu Nhân
Bảo làm Chuyển vận sứ.
Các tướng lĩnh cao cấp khác (hàng chánh tướng và phó tướng)
gồm có: Tôn Toàn Hưng, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn và Trần Khâm Tộ,[8] Tôn
Toàn Hưng được giao chức Phó Tổng tư lệnh, được phong làm Ung Châu lục lộ binh
mã Đô bộ thư. Hứa Trọng Tuyên là Phó Tổng tư lệnh đóng tại hậu cứ ở bên đất Tống.
Lưu Trừng là chỉ huy lực lượng thủy quân. Hứa Sương Duệ chỉ huy lực lượng thông
tin liên lạc. Ngoài ra còn nhiều sĩ quan hàng tùy tướng, lại thuộc, v.v...[1]
Theo Tống sử, nhà Tống chia quân làm 2 đạo. Đạo quân bộ do
Lan Châu Đoàn luyện sứ Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ Trương Tuyền và Tả giám môn vệ
tướng quân Thôi Lượng chỉ huy từ Ung Châu tiến vào.
Đạo quân thủy do Thứ sử Ninh Châu Lưu Trừng, Quân khí khố
Phó sứ Giả Thực, Cung phụng quan Các môn chi hậu Vương Soạn chỉ huy, từ Quảng
Châu tiến vào.[9]
Quân Tống huy động chủ yếu là lực lượng tại các địa phương
phía Nam dưới quyền của Hầu Nhân Bảo và Hứa Trọng Tuyên. Ngoài ra, còn có từ
1-2 vạn quân được huy động từ Kinh Hồ (vùng Trung nguyên) đặt dưới quyền của
Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ. Trong lực lượng chinh phạt này, thành phần cấm quân
là thành phần chủ yếu. Cấm quân là lực lượng chủ lực và cơ động của quân đội Tống.
Toàn bộ quân số khoảng 3-4 vạn người.[10][11][12]
Đại Cồ Việt
Về phía Đại Cồ Việt, giúp việc cho Lê Đại Hành trong việc chỉ
huy quân và dân cả nước đánh trả là Phạm Cự Lạng (Lượng) giữ chức Thái úy, Hồng
Hiến giữ chức Thái sư. Thiền Uyển tập anh cho biết: "Thời Lê Đại Hành chống
Tống, vua thường mời sư Pháp Thuận và đại sư Ngô Chân Lưu cùng dự bàn mưu kế. Đến
khi thái bình, vua ban khen, các sư đều không nhận thưởng".
Lê Đại Hành thân chinh dẫn đại quân từ kinh thành Hoa Lư
theo đường thủy, ngược sông Đáy, sông Nhuệ mà vào sông Hồng, rồi từ đó tiến lên
miền địa đầu Đông Bắc đất nước. Lữ Lang được cử đưa đạo quân Uy Dũng từ Hoa Lư
lên giữ phòng tuyến bờ Bắc sông Lục Giang (địa phận Thái Bình ngày nay). Trần
Công Tích lên trấn thủ ở Nghĩa Đô gần thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Lê Long
Kính trấn thủ ở bờ Bắc sông Hải Triều (tức sông Luộc).
Các tướng lĩnh khác bên phía Đại Cồ Việt gồm có Phùng Phường,
Đào Trực, Hoàng Vĩnh Chu, Đào Công Mỹ, Phạm Quảng, Đào Thành, Phạm Minh, Nguyễn
Triệt, Vũ Uy, Đào Hồng, Đặng Xuân với 4 em trai, Vương Minh, Vương Xuân, Vương
Hồng và 2 em gái, Dũng Mạnh (hộ vệ Lê Đại Hành). Với dân số trên dưới 1tr người, tổng số quân Đại Cồ Việt khó
lòng vượt quá 4 vạn người.
Đại Cồ Việt đã khẩn trương xây dựng các phòng tuyến. Đáng
chú ý nhất trong số này là chiến lũy Bình Lỗ. Hiện chưa có khẳng định cuối cùng
là Bình Lỗ ở đâu.[13] Tuy nhiên vai trò của Bình Lỗ đã được Trần Quốc Tuấn sau
này nhắc đến, đó là nhà Tiền Lê nhờ xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống.[14]
Bên cạnh đó, vua Lê Đại Hành cho cắm các cọc nhọn trên sông Bạch Đằng và một số
sông khác để đối phó với thủy quân Tống.[7]
Diễn biến cuộc chiến
tranh
Sơ đồ cuộc chiến tranh chống xâm lược nhà Tống của Đại Cồ Việt
Các hướng tấn công của
quân Tống
Việc quân Tống tấn công Đại Cồ Việt theo những hướng nào, đến
nay có nhiều quan điểm.
Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương
mục, Việt Nam sử lược và một số sách lịch sử khác chép rằng quân Tống có một đạo
lục quân do Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng chỉ huy tiến vào Đại Cồ Việt qua đường
Lạng Sơn, và một đạo thủy quân do Lưu Trừng chỉ huy tiến vào qua cửa sông Bạch
Đằng.[3][7][15][16]
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại gần đây
trong đó có các nghiên cứu của tác giả từ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng
thủy quân Tống do Hầu Nhân Bảo chỉ huy và đi qua Lãng Sơn (nay là đảo Hai Núi
hoặc cù lao Hai Núi ở toạ độ trung bình 21041' vĩ bắc, 107036’ kinh đông, ngoài
khơi Quảng Ninh.[17] vào sông Bạch Đằng.
Lục quân do Tôn Toàn Hưng đi theo con đường qua Tiên Yên,
Đông Triều.[18][19] Trần Bá Chí (2003) cho rằng tuyến đường bộ vào các ải Nam
Quan, Quyết Lý, Chi Lăng, Cần Trạm qua Thị Cầu vào Thăng Long do Lý Công Uẩn mới
mở làm sứ lộ, chỉ hoàn thành vào năm 1020.
Trận Chi Lăng
Theo một số sử liệu cũ đã nhắc ở trên, thì Hầu Nhân Bảo tiến
quân vào Đại Cồ Việt qua đường Lạng Sơn. Đến Chi Lăng, Hầu Nhân Bảo bị quân Đại
Cồ Việt mai phục tập kích và tử trận tại đây. Mất chủ tướng, quân Tống vỡ trận
và bị tiêu diệt quá nửa. Đây là trận đánh quyết định của cuộc chiến tranh, vì
như các sách sử cổ này chép thì cánh quân của Lưu Trừng nhận được tin cánh quân
của Hầu Nhân Bảo thua trận liền tháo chạy.
Chiến tranh kết thúc, Đại Việt sử ký toàn thư không hề nhắc
đến các trận đánh nào khác trong cuộc chiến tranh này. Còn Khâm định Việt sử
thông giám cương mục và Việt Nam sử lược có nhắc đến một trận ở sông Bạch Đằng,
một trận ở Tây Kết.[20]
Riêng về địa danh Chi Lăng, các sách cho rằng quân Tống đi
qua đường Lạng Sơn cũng không thống nhất với nhau. Đại Việt sử ký toàn thư và
Việt Nam sử lược nói là ải Chi Lăng. Khâm định Việt sử thông giám cương mục nói
là sông Chi Lăng và cho biết đây là con sông chảy qua xã Chi Lăng (Lạng Sơn). Đại
cương lịch sử Việt Nam tập I của Nhà Xuất bản Giáo dục do Trương Hữu Quýnh chủ
biên thì cũng viết là sông Chi Lăng, nhưng lại nói đó chính là sông Thương.[20]
Những ý kiến gần đây cho rằng có sự lầm lẫn về địa danh
trong sử sách. Nguyễn Minh Tường trong sách "Bối cảnh định đô Thăng Long
và sự nghiệp của Lê Hoàn" dẫn ý kiến các nhà nghiên cứu Trần Bá Chí, Hà
Văn Tấn cho rằng: Chỉ vì bản dịch Việt sử lược hiện có đã dịch nhầm chữ Lãng
(Lãng Sơn) thành Ngân (Ngân Sơn), mà nhiều nhà sử học đã loay hoay tìm con đường
tiến của quân Tống từ Lạng Sơn qua Bắc Thái (tức Bắc Kạn).
Thực ra, Lãng Sơn là tên gọi một hòn núi gần Vạn Ninh của Quảng
Ninh. Hầu Nhân Bảo đã đi qua Lãng Sơn ở Quảng Ninh để tiến vào sông Bạch Đằng.[18]
Trận Bạch Đằng thứ nhất
Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Việt Nam sử lược
có chép về một trận Bạch Đằng. Tại đó, quân Đại Cồ Việt chịu thất bại vì quân Tống
quá đông.[3] Đại cương lịch sử Việt Nam tập I thì lại chép rằng ngay trận đầu này,
quân Đại Cồ Việt đã thắng, đạo thủy quân của Tống bị đánh tan.[21]
Theo các nghiên cứu lịch sử hiện đại, thì ngày 24 tháng 1
năm 981 cánh quân thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt tiến vào cửa Bạch Đằng.
Trong trận Bạch Đằng đầu tiên này, quân Đại Cồ Việt đã thất bại, không những
không ngăn được quân Tống mà còn bị thương vong nhiều.
Quân Tống lấy được 200 thuyền, tiêu diệt hơn 1.000 quân lính
Đại Cồ Việt.[22] vua Lê Đại Hành phải rút về vùng Xạ Sơn (huyện Kinh Môn), An Lạc
(huyện Chí Linh, Hải Dương) củng cố lại thế trận, đồng thời gửi thư trá
hàng.[23]
Lục quân Tống tấn
công
Sau khi thủy quân Tống đánh trận Bạch Đằng khoảng 5 ngày, tức
là vào 30 tháng 1 năm 981, lục quân Tống dưới sự chỉ huy của Tôn Toàn Hưng mới
tới Hoa Bộ. Về địa danh Hoa Bộ, Trần Bá Chí (2003) cho biết Hoa Bộ là địa danh
do nhà Tống gọi có nghĩa là nơi có nhiều người Hoa sinh sống và nghiên cứu này
còn cho biết có nhiều quan điểm khác nhau về vị trí của địa danh Hoa Bộ. Có
quan điểm cho rằng Hoa Bộ ở vùng Kép, tức là gần sông Thương. Có quan điểm cho
đó là gần sông Cầu.
Các quan điểm này thống nhất với quan điểm cho rằng lục quân
Tống tiến vào Đại Cồ Việt qua đường Lạng Sơn. Bản thân Trần Bá Chí (2003) dẫn
các nghiên cứu về khảo cổ và quan điểm quân sự cho rằng Hoa Bộ gần sông Bạch Đằng,
ở khoảng huyện Thủy Nguyên ngày nay.
Quan điểm cho rằng Hoa Bộ ở gần sông Bạch Đằng thống nhất với
quan điểm cho rằng lục quân Tống tiến vào Đại Cồ Việt qua đường ven biển Đông Bắc.[20]
Đại cương lịch sử Việt Nam tập I lại cho rằng Hoa Bộ là địa danh ở Nam Quảng
Đông (Trung Quốc) và Tôn Toàn Hưng đóng quân lỳ ở đó không chịu tiến vào Đại Cồ
Việt.[24]
Tại Hoa Bộ, lục quân Tống đã gặp và giao tranh với quân Đại
Cồ Việt. Tục tư trị thông giám trường biên của Lý Đào chép rằng quân Tống đã
đánh bại "hơn vạn quân Giao Chỉ, chém được 2.345 đầu giặc".[17] Tuy
nhiên, lục quân Tống đã không thể tiến tiếp để gặp thủy quân.
Quân Tống lập Giao Châu hành doanh tại Đại Cồ Việt
Hầu Nhân Bảo chiếm được sông Bạch Đằng và các làng mạc xung
quanh, đặt Giao Châu hành doanh tại đó để phối hợp quân thủy bộ, bước tiến sâu
vào nội địa Đại Cồ Việt. Tuy nhiên, hai đạo thủy lục quân của Tống không thể
liên lạc được.[19] Tôn Toàn Hưng viện cớ chờ Lưu Trừng đưa viện binh (thủy
quân) sang cùng tiến quân một thể. Đến tháng 3 năm 981, sau hơn 2 tháng chiếm Bạch
Đằng – Hoa Bộ, cả hai cánh quân Tống vẫn dậm chân tại chỗ.
Quân Tống liên tục bị quân chủ lực và dân binh các làng xã tập
kích quấy rối, làm cho lực lượng bị tiêu hao, tinh thần binh lính suy giảm. Khi
Lưu Trưng đưa quân tới nơi, Tôn Toàn Hưng cùng Lưu Trừng tiến quân, nhưng không
gặp đối phương lại quay về Hoa Bộ.[25]
Trận sông Lục Đầu
Sau khi phát hiện quân Đại Cồ Việt có chiến lũy Bình Lỗ kiên
cố, quân Tống chủ trương đánh chiếm Đại La để làm bàn đạp tiến đánh Hoa Lư.
Ngày Tất niên năm Canh Thìn (tức 7 tháng 2 năm 981), Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn
Hưng chỉ huy thủy lục quân tiến theo sông Kinh Thầy vào sông Lục Đầu. Phía Đại
Cồ Việt trinh sát được sự di chuyển của quân Tống, liền kéo một bộ phận lớn về
giữ sông Lục Đầu dưới sự chỉ huy của đích thân Lê Đại Hành cùng các tướng Trần
Công Tích, Trần Bảo Trung, Trần Minh Khiết.
Quân Đại Cồ Việt bố trí dọc tuyến sông từ Đại La tới sông Lục
Đầu để ngăn cản đối phương vào Đại La. Tại sông Lục Đầu, quân Đại Cồ Việt có một
căn cứ là Phù Lan. Trên sông có nhiều bãi cọc để ngăn thuyền bè của Tống.[1]
Thủy quân Tống dàn quân chiếm sông Lục Đầu. Lục quân được vận
chuyển bằng thuyền rồi đổ bộ lên bờ lập trại. Hai bên Tống - Việt giao chiến ác
liệt. Quân Tống nhiều lần tìm cách chọc thủng phòng tuyến của quân Đại Cồ Việt
để tiến về Đại La nhưng đều thất bại.
Quân Tống bị thua to ở sông Lục Đầu, quân số hao hụt; vũ
khí, chiến thuyền hư hỏng, mất mát nhiều, lương thực khó khăn thêm. Cuối cùng,
quân Tống đành phải rút về vùng xung quanh sông Bạch Đằng[1] Sông Lục Đầu vì thế
còn được gọi là sông Đồ Lỗ. "Đồ" nghĩa là giết, "Lỗ" chỉ
quân Tống.
Sau trận Lục Đầu, tinh thần của quân Tống bị sa sút. Tôn
Toàn Hưng sau khi quay về Hoa Bộ thì đóng lỳ ở đó bắt chấp sự thúc giục của Hầu
Nhân Bảo, lấy cớ chờ quân tăng viện sang mới tiến được.[1]
Quân Tống được tăng
viện
Mãi đến ngày 11 tháng 4 năm 981, thủy quân tăng viện của Tống
do Lưu Trừng chỉ huy mới tới sông Bạch Đằng và sát cánh với lực lượng của Hầu
Nhân Bảo. Tiếp đó, lục quân tăng viện của Tống do Trần Khâm Tộ chỉ huy cũng tới
nơi.
Tôn Toàn Hưng cử Trần Khâm Tộ tiến công và viên tướng này đã
thành công trong việc chọc thủng phòng tuyến của quân Đại Cồ Việt, tiến đến Tây
Kết (bên sông Hồng, thuộc địa phận huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên ngày
nay).[1][23]
Trận Bình Lỗ
Bình Lỗ là tên một thành cổ được ghi nhận trong lịch sử Việt
Nam, nhờ có thành này mà năm 981 Lê Đại Hành đã đánh tan được quân Tống[26]. Đến
nay có 2 giả thuyết về vị trí của thành Bình Lỗ. Giả thuyết thứ nhất cho rằng thành này nằm
trong đoạn sông Hồng từ ngã ba Lềnh (Yên Lệnh, Hà Nam) đến ngã ba Vàng (Giao Thủy,
Nam Định)[27].
Tác giả đã dựa vào giả định quân Tống muốn đánh Hoa Lư trước,
nhưng không vượt được phòng tuyến Bình Lỗ
và phải quay về sông Bạch Đằng. Chính vì giả thuyết này mà xuất hiện thêm một
trận Bạch Đằng thứ hai nhưng không thấy có trong các sử liệu cũ.
Giả thuyết thứ hai thì cho rằng Bình Lỗ nằm ở hương Bình Lỗ,
ngay bên bờ sông Cà Lồ. Thuyết này dựa vào bài viết về Đại sư Khuông Việt trong
sách Thiền Uyển tập anh[28], trong đó cho biết Khuông Việt đã được vua cử đi
trước đến Bình Lỗ để chuẩn bị trận địa mai phục đánh Tống. Chú thích của Lê Mạnh
Thát trong bài này đã ghi rõ sông Bình Lỗ chính là sông Cà Lồ ngày nay.
Người thứ hai ủng hộ thuyết này là Nguyễn Vinh Phúc, ông cho
rằng quân Tống muốn đánh chiếm Đại La trước vì thành này quan trọng hơn, sau đó
mới tiến xuống đánh Hoa Lư. Hương Bình Lỗ xưa kéo dài từ núi Sóc đến sông Cà Lồ[29].
Một căn cứ nữa nghiêng về giả thuyết thứ hai được ghi ngay
trong mục 2.2 của bài này là hướng hành quân của vua Lê Đại Hành "theo đường
thủy, ngược sông Đáy, sông Nhuệ mà vào sông Hồng, rồi từ đó tiến lên miền địa đầu
Đông Bắc đất nước". Trên đường hành quân ông dừng ở làng Tó, xã Tả Thanh
Oai (nằm dọc sông Nhuệ), huyện Thường Tin ngày nay[30], rồi vượt sông Hồng và
xuôi dòng sông Cà Lồ để đến Bình Lỗ.
Chuyện "Hai vị thần ở Long Nhãn, Như Nguyệt[31], trong
đó đã mô tả diễn biến của trận đánh. Nơi này nằm trên sông Cà Lồ, thuộc địa phận
làng Tiên Tảo (căn cứ kháng chiến cũ của hai vị anh hùng Trương Hống, Trương
Hát), gần với ngã ba Xà (cửa sông Cà Lồ). Tại đây quân Đại Cồ Việt đã thắng lớn,
được sách Thiền Uyển tập anh ghi khá rõ "Quân giặc kinh hãi, rút về giữ
sông Hữu Ninh, lại thấy sóng gió nổi lên, giao long nhảy nhót, giặc bèn tan vỡ".
Sách Đại Việt sử lược[32] thì ghi như sau: "Vua tự làm
tướng đem quân ra chống cự. Vua cho cắm cọc cứng dưới sông. Quân Tống rút về giữ
mặt Ninh Giang. Vua sai người sang trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo. Quân Tống thua
trận, Hầu Nhân Bảo bị bắt và bị chém. Bọn Trần Khâm Tộ nghe tin thất trận phải
rút lui". Sông Hữu Ninh có thể là một nhánh của sông Cà Lồ nối từ thành
Bình Lỗ ra đến bờ sông Cầu, nay đã bị vùi lấp.
Trận Bình Lỗ gồm cả trận đánh trên sông Hữu Ninh, sông Hữu
Ninh chính là nhánh sông bên phải của sông Ninh (tức sông Cầu). Ngày nay dọc
con sông nhỏ hẹp này còn để lại nhiều dấu tích với những cái tên như Ngòi Ác, cầu Cửa Ma, Đầm Lâu và một nấm mồ
chung chạy dài có tên là Bờ Xác. Các dẫn chứng đều nghiêng về giả thuyết thứ
hai là thành Bình Lỗ nằm bên bờ sông Cà Lồ.
Trận Bạch Đằng thứ
hai
Các chính sử cũ của Việt Nam và cả một số nghiên cứu lịch sử
hiện đại không hề nhắc đến trận này, tuy nhiên các nghiên cứu lịch sử mới hơn lại
khẳng định có và còn cho rằng đây là trận đánh quyết định tiêu diệt chủ tướng
và bộ phận lớn quân Tống.
Sau thất bại ở phòng tuyến Bình Lỗ, trở lại sông Bạch Đằng,
đạo thủy binh Hầu Nhân Bảo rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy viện binh
Tống do Lưu Trừng chỉ huy đã kéo sang từ tháng 4 năm 981, nhưng "Giao Châu
hành doanh" vẫn không sao thực hiện được kế hoạch hợp điểm, hội sư để cùng
tiến chiếm Hoa Lư.
Liên quân Lưu Trừng – Tôn Toàn Hưng tiến quân đến thôn Đa
Ngư nhưng không gặp chủ quân Đại Cồ Việt để giao chiến, lại vội vã rút quân về
Hoa Bộ. Cánh quân bộ do Trần Khâm Tộ chỉ huy tiến xuống Tây Kết cũng trở thành
đạo quân bị cô lập, ở vào tình thế dễ bị đối phương truy kích tiêu diệt.
Cánh quân thủy của Hầu Nhân Bảo từ sau trận Lục Giang vốn đã
bị tiêu hao sinh lực, phương tiện chiến đấu, lại bị chia cắt khỏi thế trận liên
kết chung. Ý đồ tiêu diệt quân chủ lực của Đại Cồ Việt hoàn toàn thất bại.
Trong khi đó, Lê Đại Hành bí mật tăng cường lực lượng chuẩn
bị 1 trận quyết chiến giáng đòn quyết định. Ông chọn 1 khúc sông hiểm yếu rồi bố
trí quân mai phục chờ sẵn.
Ngày 28 tháng 4 năm 981, trận quyết chiến Bạch Đằng diễn
ra.[33]
Có nghiên cứu cho rằng Lê Đại Hành đã cho 1 cánh quân ra
khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo. Chiến sự đang diễn ra quyết liệt thì quân Đại
Cồ Việt "thua chạy", quân Tống "thừa thắng" đuổi theo. Khi
chiến thuyền của Hầu Nhân Bảo lọt vào trận địa mai phục, Lê Đại Hành tung quân
ra đánh ráo riết.
Các chiến binh Đại Cồ Việt từ khắp các trận địa mai phục và
từ các nẻo đường đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo
bị giết chết trong đám loạn quân. Lưu Trừng vội vã dẫn đám tàn quân tháo lui ra
biển.[19]
Tuy nhiên, Trần Bá Chí (2003) dẫn một số sử liệu của Trung
Quốc và Việt Nam cho rằng Lê Đại Hành đã gửi thư trá hàng và lập đài tuyên thệ.
Hầu Nhân Bảo tưởng thật, đi thuyền tới đài tuyên thệ thì bất ngờ bị thủy quân Đại
Cồ Việt chia cắt khỏi lực lượng bảo vệ và bị lính tinh nhuệ của Đại Cồ Việt giết
chết.
Những người có công giết Hầu Nhân Bảo có thể là các tướng
Đào Công Mỹ, người làng Dịch Sứ (Hà Bắc) và Phạm Công Quang, người trang Hoa Chương
huyện Thủy Đường (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Đào Hồng người làng Phong Đình (Long
Biên)... Các mũi quân Đại Cồ Việt cũng đồng thời tấn công thủy quân Tống và
tiêu diệt một bộ phận lớn.
Truy kích quân Tống
Nghe tin Hầu Nhân Bảo bị giết trên sông Bạch Đằng, Tôn Toàn
Hưng hoảng hốt dẫn quân bỏ chạy, đạo quân Trần Khâm Tộ ở Tây Kết lo sợ rút lui,
bị quân Đại Cồ Việt truy kích tiêu diệt quá nửa. Tướng Tống là Triệu Phụng Huân
bị bắt sống tại trận.[19] Một số sử liệu cũ của Việt Nam chép rằng viên tướng
Quách Quân Biện cũng bị bắt trong trận Tây Kết.
Tuy nhiên, Trần Bá Chí (2003) dựa vào kết quả nghiên cứu điền
dã mà cho rằng Quách Quân Biện đã thoát trận Tây Kết và tìm cách rút về qua đường
Sóc Sơn, Phổ Yên hướng về Vũ Nhai. Quân Đại Cồ Việt truy kích đến tận Vũ Nhai
thì bắt được Quách Quân Biện.[20]
Kết quả
Các sử liệu của Trung Quốc chép về các chiến thắng của quân
Tống giai đoạn đầu khá rõ ràng, nhưng khi chép về các thất bại rất sơ lược. Tục
tư trị thông giám trường biên của Lý Đào chép việc các tướng lĩnh chinh phạt Đại
Cồ Việt thất bại bị trị tội.[25] Theo đó Lưu Trừng cùng Giả Thực đều bị giết
bêu đầu ở chợ Ung Châu. Tôn Toàn Hưng bị hạ ngục rồi bị tội chết. Trần Khâm Tộ,
Hác Thủ Tuấn, Thôi Lượng đều bị trách phạt, giáng chức. Các tướng lĩnh Tống cao
cấp bị chết hay bị bắt tại trận gồm Tổng tư lệnh Hầu Nhân Bảo, Chu Vị, Quách
Quân Biện, Triệu Phụng Huân.
Sau cuộc chiến này, Đại Tống chấp nhận xuống nước, đến năm
986 chính thức thừa nhận Lê Hoàn là người cai trị Đại Cồ Việt[34]. Hai bên giao
hảo, cứ 2 năm một lần Đại Cồ Việt triều cống Đại Tống còn Đại Tống ban sắc
phong cho Lê Hoàn. Sau này, vào năm 995, quân Đại Cồ Việt đã có hành động tiến
quân sang đất Tống, như ở trấn Như Hồng thuộc địa phận châu Khâm. Nhà Tống gửi
thư trách, nhưng Lê Hoàn đã trả lời khá "ngạo mạn":[7]
“ Việc cướp trấn
Như Hồng là do bọn giặc biển ở cõi ngoài, hoàng đế có biết đó không phải là
quân của Giao Châu không? Nếu Giao Châu có làm phản thì đầu tiên đánh vào Phiên
Nhung, thứ đến đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng mà thôi? ”
Huyền thoại Nam quốc sơn hà
Có một số nghiên cứu cho rằng bài "thơ thần" Nam
quốc sơn hà đã được đọc trong trận tại sông Lục Đầu, nghĩa là trước cả cuộc Chiến
tranh Tống-Việt năm 1075-1077.[35] Bài thơ thần này được cho là gắn với thần
Trương Hống và Trương Hát mà dân gian cho là cư ngụ ở vùng sông Thương, sông Cầu.
Tương truyền, quân Tống nghe thấy thần đọc thơ và thấy hai đạo âm binh xông vào
đánh mình thì sợ quá mà tan vỡ.
Nghệ thuật quân sự
Diễn biến của trận đánh cho thấy trình độ nghệ thuật quân sự
của dân tộc Đại Cồ Việt lúc này đã có sự phát triển mới, từ nghệ thuật quân sự
của chiến tranh giải phóng sang chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thể hiện qua các mặt
sau: Nghệ thuật chủ động bố trí thế trận; Khéo lợi dụng địa hình, địa thế; Chọn
đúng đối tượng tác chiến; Biết dùng mưu kế và sự phối hợp tác chiến giữa quân
chủ lực và dân binh ở các địa phương.
Quân dân Đại Cồ Việt đã vận dụng tài giỏi nghệ thuật quân sự
phù hợp với điều kiện một nước nhỏ chống lại cuộc xâm lược của một đế chế phong
kiến lớn mạnh.[36]
Chủ động bố trí thế
trận
Biết trước âm mưu của nhà Tống sang xâm lược, và mục tiêu là
cố chiếm cho kỳ được thành Hoa Lư, vua Lê Hoàn đã nhanh chóng xác định đúng
phương hướng chống phá, không bị động ngồi chờ đánh giặc. Từ tháng 11 năm 980,
nhà vua trực tiếp dẫn đại quân ra miền địa đầu đất nước bố phòng, sẵn sàng đón
đánh các đạo quân giặc ngay khi chúng vừa xâm phạm lãnh thổ nhằm "lấy quân
nhàn đợi quân mệt", phá vỡ ý đồ hợp điểm, hội sư của địch, không cho chúng
phối hợp thủy bộ tạo thành mũi dùi nguy hiểm thọc sâu vào vùng đồng bằng đông
dân, giàu của và kinh đô Hoa Lư.
Thực tế cho thấy, các trận đánh ở Bạch Đằng (24 tháng 1 năm
981), Hoa Bộ (30 tháng 1 năm 981), Đồ Lỗ (7 tháng 2 năm 981), Lục Giang (tháng
3 năm 981) là những trận đánh có tính chất kiềm chế, ngăn chặn những mũi tiến
công theo 2 hướng thủy bộ của địch. Kết quả là cánh quân bộ binh của Tôn Toàn
Hưng dậm chân ở Hoa Bộ 70 ngày. Và cả hai đạo quân thủy bộ sau hơn 2 tháng tiến
vào Đại Cồ Việt bị nhiều tổn thất, khó khăn mà vẫn chỉ quẩn quanh ở vùng Bạch Đằng,
Hoa Bộ. Dẫu cánh quân của Trần Khâm Tộ đến được Tây Kết (tháng 4 năm 981) thì
cũng hiển nhiên rơi vào thế bị cô lập.
Chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân Tống bị phá sản.
Chính lúc đó vua Lê Hoàn chủ động mở cuộc phản công chiến lược, đánh trận quyết
chiến Bạch Đằng và giành được thắng lợi.
Lợi dụng địa hình, địa
thế
Phát huy thế mạnh đánh giặc ngay trên quê hương mình và biết
rõ âm mưu của quân Tống, vua Lê Hoàn đã dựa vào hình sông thế núi hiểm trở của
đất nước mà bố phòng các đồn lũy, đắp xây thành Bình Lỗ, đặc biệt là đóng cọc
ngăn sông Bạch Đằng. Với vị trí hiểm yếu tự nhiên của sông Bạch Đằng, binh lực
của Đại Cồ Việt ở đây bố trí không cần quá nhiều mà vẫn có thể cầm giữ, ngăn cản
bước tiến quân địch.
Chọn đúng đối tượng
tác chiến
Để nhanh chóng làm suy sụp tinh thần của đội quân xâm lược Tống,
quân và dân Đại Cồ Việt đã biết chọn đúng đối tượng để giáng đòn phản công quyết
định. Đối tượng tác chiến trong trận Bạch Đằng xuân 981 là toàn bộ đội binh
thuyền của Hầu Nhân Bảo.
Đó là viên Tổng chỉ huy "Giao Châu hành doanh",
mang nhiều tham vọng nhất, liều lĩnh và hiếu chiến nhất. Hầu Nhân Bảo cũng là
viên tướng tỏ ra có kỷ luật nhất, có quyết tâm thực hiện chiến lược của Tống
triều và đã nhiều lần thúc giục Tôn Toàn Hưng cùng xuất quân đánh chiếm Hoa Lư.
Do đó, việc vua Lê Hoàn chủ động đánh đạo thủy binh Tống và
giết chết chủ tướng bên địch đã có tác động đến toàn cục của chiến tranh. Quân
nhà Tiền Lê đánh đòn quyết định đối với đạo thủy binh Hầu Nhân Bảo vào lúc đạo
quân này đã bị chia tách khỏi thế trận liên kết của toàn quân Tống.
Tôn Toàn Hưng và Lưu Trừng đang co cụm chiến lược ở vùng Hoa
Bộ để tránh bị quân Lê tiêu diệt. Trần Khâm Tộ và đạo quân bộ lẻ loi còn đang
sa lầy trên cánh đồng Tây Kết. Chính vì thế khi Lê Hoàn tổ chức phản công, Hầu
Nhân Bảo không có quân ứng cứu, bị quân Đại Cồ Việt giết chết tại trận.
Dùng mưu kế đánh địch
Diễn biến chiến sự cho thấy giết Hầu Nhân Bảo không mấy dễ
dàng. Bởi vậy Lê Hoàn mưu tính dùng kế trá hàng hy vọng giết đúng tên chủ tướng
theo cách:
Bên trong bí mật củng cố lực lượng, bài binh bố trận, phòng
bị cẩn mật
Bên ngoài thì giấu binh, nới vây hãm, giảm canh phòng
Đồng thời thư từ sang Tống tỏ vẻ run sợ, dùng lời lẽ nhún
nhường, ngỏ lời cầu xin quy phục để bảo toàn tính mạng.
Tống sử Trung Quốc chép: "Lê Hoàn giả vờ xin hàng, mà Hầu
Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng cứ tưởng là thật…". Điều này chứng tỏ Hầu Nhân Bảo
và Tôn Toàn Hưng mắc lừa mưu kế của vua Lê Hoàn mà lơ là không phòng bị. Do đó
khi bị quân Đại Cồ Việt tập kích, Hầu Nhân Bảo hoàn toàn bất ngờ, không kịp chống
đỡ và bị giết chết.
Phối hợp tác chiến giữa
quân và dân
Việc vua Lê Hoàn truyền hịch cầu tài, xuống chiếu tuyển
quân, thu lương ở khắp mọi miền đất nước đã thực sự phát huy sức mạnh đoàn kết
chiến đấu chống giặc ngoại xâm của quân dân Đại Cồ Việt. Những trận đánh lớn,
ngoài quân chủ lực của triều đình còn có sự tham gia rất tích cực của các đội
dân binh địa phương. Dân binh các làng xã còn thường xuyên tập kích, quấy rối
những lúc quân địch đang dẫm chân tại chỗ, chưa tiến được khiến cho quân Tống bị
tiêu hao lực lượng, tinh thần hoang mang.
Tham khảo
1. a b c d e f Trần Bá Chí (2003), Cuộc kháng chiến chống Tống
lần thứ nhất, Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội. (bản điện tử)
2. Theo Trần Bá Chí (2003), Lư Đa Tốn là Đồng bình Chương sự,
tức Tể tướng, của triều Tống Thái Tông.
3. a b c d e Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử
thông giám cương mục, chính biên quyển I.
4. Trần Bá Chí (2003) dẫn An Nam chí nguyện của Cao Hùng
Trưng.
5. Dẫn lại từ Lê Tắc (1335), An Nam chí lược, bản dịch của Ủy
ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, năm 1961.
6. Trương Hữu Quýnh (2007), "Chương V: Thế kỷ X: Bước đầu
xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, thống nhất thời Khúc - Ngô - Đinh - Tiền
Lê" trong Trương Hữu Quýnh chủ biên, Đại cương lịch sử Việt Nam tập I, Nhà
Xuất bản Giáo dục, Hà Nội, trang 116.
7. a b c d Ngô Sĩ Liên chủ biên, Đại Việt sử ký toàn thư, bản
kỷ, quyển I, kỷ Nhà Lê.
8. Lai lịch các tướng lĩnh nhà Tống này được Trần Bá Chí
(2003) giới thiệu.
9. Tống sử quyển 488 Liệt truyện đệ 247 ngoại quốc 4: Giao
Chỉ
10. Trần Bá Chí (2003) ước lượng quân Tống từ 3 vạn đến 4 vạn.
11. Nguyễn Quang Ngọc (2005) cho rằng quân Tống có 3 vạn
(xem Nguyễn Quang Ngọc (2005), "Lê Hoàn và chiến thắng Bạch Đằng năm
981", trong Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nhà Xuất
bản Hà Nội).
12. Lịch sử quân sự Việt Nam tập 3 do Viện Lịch sử Quân sự
Việt Nam biên soạn cho rằng quân Tống có 4 vạn, gồm 1 vạn thủy quân do Hầu Nhân
Bảo và 1 vạn lục quân do Tôn Toàn Hưng dẫn sang đợt đầu, 1-2 vạn thủy lục quân
do Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ dẫn sang đợt 2.
13. Trần Bá Chí (2003) cho rằng thành Bình Lỗ này phải nằm
trên đường dẫn tới kinh đô Hoa Lư, và xác định đây là chiến lũy theo kiểu tuyến
dài khoảng 30 km dọc sông Hồng, từ Yên Lệnh (Thường Tín, Hà Nội) tới Bình Lục
(Hà Nam). Còn Nguyễn Vĩnh Phúc (2005) thì dẫn nghiên cứu của Lê Văn Lan cho rằng
phòng tuyến này ở phía Bắc thành Đại La, dọc sông Cà Lồ (xem Nguyễn Vĩnh Phúc
(2005), "Lê Đại Hành và Sóc Thiên Vương" trong Bối cảnh định đô Thăng
Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nhà Xuất bản Hà Nội.
14. Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển IV, kỷ Nhà Trần.
15. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược.
16. Trương Hữu Quýnh chủ biên (2007), Đại cương lịch sử Việt
Nam - tập I, Nhà Xuất bản Giáo dục.
17. a b Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2003), Lịch sử Quân sự
Việt Nam, tập 3, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia.
18. a b Nguyễn Minh Tường (2005), "Đại bản doanh của
vua Lê Đại Hành trong trận Bạch Đằng năm 981", trong Bối cảnh định đô
Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nhà Xuất bản Hà Nội.
19. a b c d Lê Đình Sỹ (2005), "Có một trận quyết chiến
trên sông Bạch Đằng năm 981", trong Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp
của Lê Hoàn, Nhà Xuất bản Hà Nội.
20. a b c d Sách đã dẫn.
21. Sách đã dẫn, trang 116.
22. Nguyễn Quang Ngọc (2005) dẫn lại từ Lý Đào trong Tục tư
trị thông giám trường biên.
23. a b Nguyễn Quang Ngọc (2005), "Lê Hoàn và chiến thắng
Bạch Đằng năm 981" trong Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê
Hoàn của Nhà Xuất bản Hà Nội.
24. Sách đã dẫn, trang 117.
25. a b Nguyễn Hữu Tâm (2005), "Đại thắng mùa xuân năm
981 trên sông Bạch Đằng của quân dân Đại Cồ Việt qua một số thư tịch của Trung
Quốc", trong Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nhà Xuất
bản Hà Nội.
26. Đại Việt Sử ký Bản kỷ Toàn thư, Quyển VI, Kỷ Nhà Trần, mục
Anh Tông Hoàng Đế, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội (Hà Nội) ấn hành (1993)
27. “Trần Bá Chí: Lê Đại Hành phá Tống giữ vững độc lập. Số
25. Khoa sử. Đại học quốc gia Hà Nội”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm
2014. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2014.
28. Đại sư Khuông Việt (933-1011) Thiền Uyển tập anh.
29. “Nguyễn Vinh Phúc: Lê Đại Hành và Sóc thiên vương. Bối cảnh
định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn”. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7
năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2014.
30. Trần Bá Chí: Bản ngọc phả về bà vợ Lê Đại Hành đánh giặc
Tống. Tạp chí hán nôm số 2 (51), năm 2002
31. Trần Đình Hoành. Lĩnh Nam chích quái.Truyện hai vị thần ở
Long Nhãn, Như Nguyệt
32. “Đại Việt sử lược Quyển I. Vua Lê Đại Hành” (PDF). Bản gốc
(PDF) lưu trữ ngày 11 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2014.
33. 20 trận đánh trong lịch sử dân tộc. Nhà Xuất bản Quân đội
Nhân dân. Hà Nội, 2003. tr. 40.
34. An Nam chí lược - Quyển Đệ nhị.
35. Xem Bùi Duy Tân (2005), "Nam quốc sơn hà và Quốc tộ,
hai kiệt tác mở đầu lịch sử văn học ngang qua triều đại Lê Hoàn", trong Bối
cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn, Nhà Xuất bản Hà Nội có nhắc đến
các nghiên cứu này.
36. Các trận đánh trong Lịch sử Quân sự Việt Nam.