Hai anh em đức ông Trần Quý và Trần Kiên là thần y, có công chữa bệnh cứu dân. Trong thời loạn 12 sứ quân, khi Vua Đinh Bộ Lĩnh bị thương đã mời hai ông đến cứu chữa và được ghi công.
Chùa Đống Lân tọa lạc ở xã Hưng Đạo (Thành phố) là ngôi chùa có lịch sử lâu đời,
được kiến tạo từ thời Lê - Mạc. Chùa được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp
tỉnh năm 1997.
Chùa Đống Lân.
Chùa Đống Lân nằm trên gò Đống Lân (tiếng Tày là Đoỏng Lân),
ở phía tây bắc thành phố Cao Bằng. Nguồn gốc tên “Đống Lân” có nhiều giả thiết,
gắn với những sự tích lịch sử qua nhiều thời kỳ như sự tích Thục Phán tổ chức
cuộc thi “Chín chúa tranh vua” (có nhiều địa danh khác gắn với sự tích này như:
Cánh đồng Tổng Chúp, cây đa Cao Bình, đôi guốc đá ở Bản Thảnh, thuyền úp ở Khau
Lừa).
Đống Lân là nơi chúa đi lấy trống đồng về đến đây mệt ngủ
say, chuột cắn dây trống, trống lăn xuống đồi kêu vang cả một vùng, các chúa
khác tưởng chúa đi lấy trống đã thắng nên bỏ dở cuộc thi nên không ai thắng. Tổng
Lằn là trống lăn, gọi chệch là Đống Lân. Có giả thiết Đống Lân là chùa nằm trên
gò con Lân.
Dưới thời nhà Lý (cuối thế kỷ XI), chùa Đống Lân được xây dựng
để thờ Phật. Từ năm Tân Hợi niên hiệu Càn Thống 19 nhà Mạc, hoàng hậu nhà Mạc
cho xây chùa theo hình chữ đinh, có hai bên hành lang và hậu đường, tăng phòng.
Sau chùa là Ly cung của nhà Mạc. Chùa là nơi để hoàng hậu, công chúa tụng kinh
niệm Phật.
Trước khi chùa được xây dựng, tại gò Đống Lân có đền thờ Trần
Quý, Trần Kiên. Theo “Cao Bằng thực lục” có ghi chép nhiều chi tiết về nguồn gốc
và tài năng đặc biệt của anh em Trần Quý, Trần Kiên. Cha của hai ông là Trần
Triệu vì lấy được vợ tiên nên hai con trai được truyền cho nhiều phép lạ.
Khi đến tuổi trưởng thành, mẹ tiên phải quay về trời, cha
cũng bỏ vào núi cầu học đạo tiên, hai anh em Trần Quý, Trần Kiên ghi nhớ lời dặn
dò của cha mẹ, mang kiếm đi khắp trong vùng tìm diệt yêu quái, trừ hại cho dân.
Nhớ ơn công đức hai chàng trai, nhân dân lập miếu xuân thu
phụng tự. Hai vị ấy, trải qua các triều vua đều có sắc phong. Đến triều Lê, Trần
Kiên được phong làm Cai Cộng Đại Vương, hạ đẳng thần; Trần Quý là Đống Lân Đại
Vương, Trung đẳng thần.
Trải qua biến cố của lịch sử, chùa Đống Lân nhiều lần bị tàn
phá, hư hại nặng, sau đó được tu sửa. Năm Thiệu Trị (1841-1847) nhà Nguyễn,
ngôi chùa được dựng lại toàn bộ. Nơi thờ Trần Quý - Trần Kiên được thờ riêng ở
một ngôi miếu nhỏ sát hành lang phía bên phải chùa, còn thờ phật ở gian chính
điện. Thời kháng chiến chống Pháp, năm 1950, chùa một lần nữa bị tàn phá.
Ngoài ra, theo nguồn tư liệu cung cấp của một số cụ cao tuổi
ở xã Hưng Đạo, trước đây trong chùa còn có bát hương thờ Thạch Sanh. Đây là một
nhân vật trong truyền thuyết của người dân tộc Tày. Thạch Sanh chém chết chằn
tinh, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Ngày 15/1/1997, chùa được UBND tỉnh cấp Bằng di tích lịch sử
văn hóa cấp tỉnh. Năm 2004, chùa được nhà nước cấp vốn đầu tư tôn tạo ngôi tam
bảo, bổ sung nhiều tượng Phật, cải tạo khuôn viên chùa. Tuy nhiên, kiến trúc
ban đầu của chùa không còn được giữ lại nguyên vẹn. Các hiện vật như: chuông,
tượng phật, câu đối…, từ xưa không còn giữ được. Chỉ có những hiện vật mới được
các phật tử cung tiến sau này.
Chùa Đống Lân được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh
năm 1997.
Chùa Đống Lân hiện nay có khuôn viên khá rộng. Cổng tam quan
được xây dựng vững chãi, trang trọng. Nhìn từ ngoài vào thấy dòng chữ “Từ bi”,
nhìn từ trong ra thấy dòng chữ “Hỷ xả”.
Chùa gồm nhà thờ chính với 5 gian tiền đường và một gian
chính điện. Ngoài ra còn có một nhà thờ tổ (3 gian). Mái chùa lợp ngói máng, có
trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Từ sân chùa phải qua 9 bậc thềm mới lên đến lớp
kiến trúc đầu tiên là tiền đường (nhà bái đường). Các cửa đều xây theo hình cuốn
vòm.
Tiền đường rộng rãi, cao thoáng, gồm 5 gian. Gian giữa đặt một
bệ thờ có bày tượng phật quan âm nghìn mắt, nghìn tay. Gian bên phải là ban thờ
Đức Thánh Trần Quý - Trần Kiên và đặt tượng Đức ông. Gian bên trái là ban thờ
Thạch Sanh. Giữa bái đường và chính điện có một khoảng cách quá cảnh là một khoảng
trống dùng để lấy ánh sáng.
Gian chính điện (gian tam bảo) có hai lớp bệ thờ. Lớp cao nhất
giáp với mái chùa đặt 3 pho Tam thế tượng trưng cho chư Phật thuộc về 3 đời:
quá khứ, hiện tại, vị lai. Ba pho Tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau
được đặt ngồi trên tòa sen. Lớp bệ thờ thứ hai có 3 pho tượng cùng dãy gọi là
Di đà tam tôn. Ngồi giữa là tượng Phật A di đà được tạc khá lớn. Hai bên là các
tượng Bồ tát, tượng Thánh tăng, được sắp thành hàng từ thấp lên cao, uy nghi,
trang nghiêm. Trên hai cột chính của gian chính điện có hai câu đối:
Thiên niên công đức truyền tam bảo
Nhất niệm minh tâm tự cửu thiên
Tạm dịch:
Ngàn năm công đức truyền tam bảo
Một cái niệm thấu chín tầng mây
Trong sân chùa có đặt tượng đức Quan Thế Âm Bồ Tát bằng cẩm
thạch trắng cao 3m tay cầm bình nước cam lộ. Phía sau nhà thờ chính là điện thờ
mẫu với ba ban thờ: ban Thánh mẫu (chính điện), ban Sơn trang, ban Trần Triều.
Phía trên điện thờ chính có hình tuợng đôi Thanh xà - Bạch Xà vắt ngang.
Năm 2007, được sự nhất trí của UBND tỉnh, Giáo hội Phật giáo
Việt Nam cắt cử sư về trụ trì tại chùa, phục vụ tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Chùa là nơi để các tín đồ Phật giáo nhiều nơi trong tỉnh đến lễ Phật vào ngày
mùng Một, ngày Rằm hằng tháng.
Hội chùa vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm với
nhiều hoạt động: tụng kinh niệm Phật, xóc quẻ cầu phúc, cầu tài, thắp hương hái
lộc, tổ chức các trò chơi dân gian…, thu hút khách thập phương đến trẩy hội
đông vui.
Quỳnh Trang