Chùa Lạc Khoái, di tích lịch sử gắn liền với những sự kiện, truyền thuyết liên quan tới vua Đinh Tiên Hoàng và Thiền sư Nguyễn Minh Không, đến những sự kiện lịch sử thời Tiền khởi nghĩa (1945), thời 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chùa Lạc Khoái, tọa lạc tại xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn, là một
ngôi cổ tự, từ lâu đã nổi danh chốn thắng tích, nơi kết hợp hài hòa mái chùa
thâm nghiêm với cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú của núi Báng sông Kỳ. Nơi đây còn gắn
liền với những sự kiện, truyền thuyết liên quan tới vua Đinh Tiên Hoàng và Thiền
sư Nguyễn Minh Không, đến những sự kiện lịch sử thời Tiền khởi nghĩa (1945), thời
9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chùa còn có tên chữ là Hưng Khánh tự có nghĩa là vui mừng
hưng thịnh. Chùa Lạc Khoái có tên gọi như vậy vì chùa ở làng Lạc Khoái, tên gọi
mang ý nghĩa chỉ đây là vùng đất của sự vui vẻ và sung sướng. Chùa nằm ở phía
Tây của làng Lạc Khoái, nằm dựa vào núi Báng. Đây là một quả núi có hình thế đẹp,
còn có tên gọi khác là núi núi Voi, núi Bút, núi Nghiên. Chùa hoà nhập với núi
tạo thành danh thắng.
Cảnh quan chùa Lạc Khoái và núi Báng
Chùa Lạc Khoái dựa vào núi thiên tạo. Địa hình xã Gia Lạc,
huyện Gia Viễn là đồng bằng chiêm trũng, chỉ có ba quả núi đá vôi, trong đó núi
Báng là to lớn hơn cả. Ở phía tây, núi có hình dáng một chiếc ngai khổng lồ,
người ta gọi đó là Báng sơn động. Người xưa, đã lợi dụng vào cảnh đẹp thiên
nhiên để xây chùa.
Chùa Hạ, tựa lưng vào núi Báng
Ở đây, ngoài thờ Phật chùa còn thờ một số nhân vật lịch sử
có truyền thuyết liên quan tới vua Đinh Tiên Hoàng và Thiền sư Nguyễn Minh
Không. Theo truyền thuyết, vua Đinh đã lập một cung ở núi Báng gọi là: “Tây ung
cung”, vua lại dựng một cung dùng cho Thái hậu Dương Vân Nga đến tắm gọi là: “Lạc
ung cung” ở quả núi ven sông.
Do đó, người ta gọi núi ấy là núi Dương để tưởng nhớ Thái Hậu
Dương Vân Nga, sau này vì kiêng huý gọi chệch là núi Giang. Chùa còn gắn liền với
Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không. Tương truyền thiền sư Nguyễn Minh Không đã
tu hành ở đây, nên khi ngài mất, nhân dân địa phương đã lập miếu thờ ở núi
Dương. Câu đối ở chùa Thượng còn ghi:
“Thiên khải thánh nhân, hùng tướng Lý sư truyền vĩ tích
Địa chung linh khí, tả Kỳ hữu Báng củng thần linh”
Nghĩa là:
“Trời sinh bậc thánh, làm Quốc sư đời Lý, tích kỳ lưu truyền
Đất tạo linh thiêng, trái có sông Kỳ phải núi Báng, nhớ ơn
thần”.
Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 chùa Lạc
Khoái từng là cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng. Đây cũng là nơi thành lập chi
bộ Đảng đầu tiên của Lạc Khoái, nơi thành lập Mặt trận Việt Minh của xã đồng thời
cũng là nơi họp bàn tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) các nhà
sư trụ trì chùa giúp đỡ cán bộ, bộ đội, dành các dãy nhà ngang cho các cơ quan
làm việc, là trạm trung chuyển thương binh, nơi làm việc của Uỷ ban kháng chiến
hành chính tỉnh Ninh Bình. Tỉnh đội Ninh Bình, UBKC hành chính tỉnh Hà Nam, tỉnh
đội Hà Nam.
Chùa bao gồm có chùa Hạ và chùa Thượng: Chùa Hạ ở dưới chân
núi, xây dựng theo kiểu chữ đinh, vì kèo kiểu mê cuốn, dáng cao, hoành vuông, lợp
ngói vảy. Tiền bái 3 gian, chính tẩm 1 gian, đặc biệt toàn bộ nền nhà của chùa
Hạ được lát gạch mai rùa, mỗi viên có 6 cạnh, mỗi cạnh dài 12cm, dày 2,7cm. Đây
là loại gạch chưa từng gặp ở di tích khác trong tỉnh. Chùa Hạ thờ Phật và Tam vị
thánh mẫu, cạnh chùa Hạ là 3 gian nhà Tổ.
Thượng điện chùa Lạc Khoái
Từ chùa Hạ lên chùa Thượng có 99 bậc đá, có tường hoa. Cách
chùa Hạ khoảng 30m có nhà bia dựng năm Ất Mùi niên hiệu Thành Thái (1897). Văn
bia có đoạn mô tả “nơi đây là danh thắng bậc nhất vùng động Hoa Lư”.
Bia đá cổ đặt tại lối lên chùa Thượng
Chùa Thượng nằm lưng chừng núi, xây theo kiểu chữ nhị, Tiền
bái 5 gian, Thượng điện 3 gian, Vì kèo kiểu thượng rường hạ kẻ. Toàn bộ cột
hiên và một số cột phía trong làm bằng gỗ, hình trụ, các mặt cột đá được chạm
khắc câu đối thơ văn ca ngợi cảnh chùa, cảnh núi.
Từ chùa Thượng có lối lên thẳng đỉnh núi. Đứng ở đây, du
khách có thể bao quát được cả một vùng danh thắng, bao quát được núi Báng, sông
Kỳ. Hiện nay, chùa vẫn còn giữ được nhiều hiện vật quý như: tượng thờ, bia đá,
chuông đồng, bát hương đá.
Trước đây, vào ngày 14 và 15/7 (âm lịch) hàng năm có lễ hội
“táng thuyền rồng” rất đặc sắc. Lễ hội được tổ chức nhằm cầu cho mưa thuận gió
hòa, mùa màng tươi tốt, rồi đốt thuyền rồng để tiễn vua và các quan quân trở về.
Theo nhân dân địa phương thì đây là tục lệ để tưởng nhớ đến
thời kỳ vua Đinh Tiên Hoàng đi thuyền rồng đến thăm “Tây ung cung” ở núi chùa.
Từ sau 1954 đến nay lễ hội không được tổ chức, chỉ có cúng lễ bình thường như
các chùa khác.
Với các giá trị nổi bật về lịch sử và văn hóa, chùa Lạc
Khoái đã được xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia năm 1997.