Mộc Trang đại vương là con trai của bà Lý Phương Nương trước đó tu ở chùa Phúc Khánh lộ Sơn Tây phủ Thao Giang, tức chùa Hiền Quan. Khi đất nước rơi vào loạn 12 sứ quân, ông chiêu mộ 300 tráng đinh đầu quân phò tá vua Đinh Bộ Lĩnh. Ông trực tiếp tham gia đánh dẹp các sứ quân nhà Ngô và Đỗ Cảnh Thạc ở Bảo Đà.
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) xã Hiền Quan được xây dựng
trên một khu đất rộng trong làng, xung quanh là khu dân cư đông đúc cách Thị xã
Phú Thọ 4km, cách Thành phố Việt Trì 34km, cách trung tâm huyện lỵ Tam Nông
18km.
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) được dựng theo kiến trúc “Nội
công ngoại quốc” gồm có: Gác chuông - Tiền đường - Thượng điện - Hai dãy hành
lang và Nhà Tổ.
Qua sự tích và truyền thuyết thì ngôi chùa này được xây dựng
từ những năm đầu công nguyên, theo một số cụ cao niên trong làng kể lại là chùa
được xây dựng từ thời Bắc thuộc? Song việc tìm kiếm niên đại chính xác của ngôi
chùa thực sự nan giả.
Trải qua những tháng ngày của lịch sử, do ảnh hưởng của chiến
tranh, khí hậu khắc nghiệt tác động tới làm ảnh hưởng rất lớn tới kiến trúc của
chùa. Hiện chùa Phúc Khánh đã trải qua nhiều lần tu sửa do đó có sự thay đổi,
pha tạp trong kiến trúc.
Trên Thượng lương vì kèo gian giữa ở bên phải của Tiền đường
có ghi: Thành Thái Bính Thân lương thì thụ trụ Thượng lương Đại cát”.
Tạm dịch là: Năm Bính Thân niên hiệu Thành Thái thì dựng thượng
lương này cho tới ngày nay.
Theo các cụ cao niên kể lại thì chùa Phúc Khánh (chùa Hiền
Quan) đã trải qua ba lần tu sửa lớn vào các năm:
Năm 1964 sửa lại mái Tiền đường và Thượng điện.
Năm 1978 thay hoành, đảo lại ngói toàn bộ chùa.
Năm 1982 xây tường dậu bao quanh sân, sửa lại gác chuông và
tô lại tượng.
Như vậy Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) được xây dựng từ rất
lâu và đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng phần kiến trúc còn lại tới nay là kiến
trúc thuộc thời Nguyễn thế kỷ XIX. Từ ngoài nhìn vào di tích gồm có các hạng mục:
Gác chuông (hay còn gọi Cổng Tam Quan- có 03 cửa ra vào):
Gác chuông được bố trí làm 02 tầng tám mái, từ dưới mặt đất bước lên một bậc thềm
cao 0,30m tầng 01, gác chuông được bổ trí với 03 cửa. Một cửa chính giữa được
xây hình vòm cuốn rộng 2,10m; cao 2,20m. Hai cửa bên có kích thước đều như nhau
cao 1,80m; rộng 0,90m.
Gác chuông được xây theo hình vuông có kích thước 6mx6m.
Trên tầng hai mặt sàn được lát bằng gỗ ván và dựng cột gỗ. Cột cao 2,20m; đường
kính rộng 0,35m; các đầu dư, họng cột cho đến cái nóc đều để trơn.
Một quả chuông lớn được treo trên cái nóc của gác chuông.
Tám mái được lợp ngói mũi cổ trên đỉnh nóc có đắp nổi hình “Lưỡng Long chầu
nguyệt”. Đôi rồng chầu vào mặt nguyệt được đắp bằng vôi vữa, rồng có đầu hơi bẹp
râu dài mình có nhiều vảy, chân có bốn móng nhọn sắc đang quặp chặt lấy đỉnh
nóc gác chuông, đuôi rồng hất cong lên phía trên.
Tiền đường: Tiền đường gồm 05 gian dài 17,50m; rộng 7,80m với
06 hàng gian cột và hai dĩ trái, cấu tạo kiến trúc bên trong Tiền đường thật
phù hợp với dáng vẻ uy nghi ở bên ngoài của ngôi chùa.
Sáu cột hiên (cao 2m40, đường kính 0m25) làm nhiệm vụ nâng đỡ
mái chùa cùng với hai hàng sáu gian cột cái thẳng tắp (cao 1m30, đường kính
0,35m) cùng với một hệ thống các xà ngang, xà dọc tạo nên một bộ khung vững chắc
cho chùa.
Thượng điện: Thượng điện gồm có 03 gian được nối liền với
gian chính giữa của Tiền đường, trong Thượng điện được bố trí 02 hàng cột, cột
cao 4m30, đường kính 0,35m. Kiến trúc được dựng theo lối chồng bồn kẻ truyền tạo
nên một bộ khung khỏe khoắn, vẵng chắc.
Ở vì kèo số 01 gian đầu của Thượng điện ở hai bên cốn nách
và trên dép hoành giáp với sải nóc có ván bưng hình tam giác vuông và tam giác
cân. Ba ván bưng ở cốn nách và trên Thượng lương được trang trí các họa tiết
khá tỷ mỷ với kỹ thuật chạm nổi các đề tài quen thuộc thường thấy ở các công
trình kiến trúc gắn với tôn giáo như “Lưỡng Long chầu nguyệt”, rồng với những
làn mây, sóng nước … ở mặt bên trong của ván bưng để trơn được bào nhẵn đánh
bóng.
Hành lang: Hai dãy hành lang được bố trí chạy dọc hai bên
Thượng điện, từ Thượng điện bước qua một cửa nhỏ ở hai bên Tả Hữu là hai dãy
hành lang. Nhà hành lang dài 13m80, rộng 2m với 5 gian 6 hàng cột được làm kiểu
bán mái, 6 hàng cột cao 2m15, đường kính 0m20 có nhiệm vụ nâng đỡ mái hành
lang.
Trước cửa hai dãy hành lang là những hàng cây ăn quả xum xuê
xanh tươi tạo nên một khung cảnh râm mát, tĩnh lặng hết sức cổ kính, thật là một
phong cảnh hữu tình đúng với tâm trạng của nhân dân và khách thập phương khi
nghỉ ngơi ở hành lang trong dịp vào viếng thăm chùa.
Nhà Tổ: Qua hai dãy hành lang là tới nhà Tổ với một diện
tích khá rộng khoảng trên 70m2 trong đó chiều dài của nhà Tổ là 16m20 chiều rộng
là 4m10 cũng như ở chùa chính nhà Tổ được dựng trên nền cấp đất cao hơn sân
0m30.
Nhà Tổ được bố trí làm hai phần nơi thờ tự những người có
công trông nom tu tạo nhà chùa và là nơi ở của cụ từ để trông coi hương khói
trong chùa với chức năng như vậy nên nhà tổ được kiến thiết hết sức đơn giản chứ
không cầu kỳ như ở chùa chính.
Phần mái được làm theo kiểu quá giang gối tường với bộ khung
hoành chắc chắn mái lợp ngói Sông cầu. Tường xây cao 3m được bố trí 5 gian, cửa
có kích thước bằng nhau cao 1m90 rộng 1m50 với kiến trúc như vậy đã tạo nên một
khung cảnh hết sức thoáng đãng và thông thái, chứ không âm u ảm đạm như một số
ngôi chùa khác.
Nhìn chung Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) từ gác chuông tới Tiền đường , Thượng điện, đều
được làm bằng loại gỗ tốt với kích thước chuẩn mực được tính toán kỹ lưỡng, cho
tượng cột cái cột quân ở từng vị trí khác nhau cùng với hệ thống các xà ngang
xà dọc được ghép nối với nhau bằng mộng đuôi én nên làm cho các bộ phận kiến
trúc ăn nhập với nhau một cách chặt chẽ tạo nên bộ khung chắc khỏe để nâng đỡ
phần mái của chùa.
Với kiến trúc “Nội công ngoại quốc” như vậy Chùa Phúc Khánh
(chùa Hiền Quan) hết sức rộng rãi thoáng mát, tạo nên một cơ ngơi bề thế đồ sộ
nổi bật giữa vùng quê làng Hiền.
Nghệ thuật tạc tượng: Cùng với kiến trúc đồ sộ và nghệ thuật
chạm trổ được trang trí trong phần kiến trúc là hệ thống các tượng được tạo
dáng hài hòa tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo tượng của chùa Phúc Khánh (chùa Hiền
Quan), có 26 pho tượng phật với chất liệu làm bằng gỗ và đất với nghệ thuật
điêu luyện, mỗi pho tượng mang một dáng vẻ và chứa đựng một sự tích khác nhau.
Ban thờ chùa Phúc Khánh - Hiền Quan
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) có các tượng, ngoài Tiền đường
gồm: Tượng Đức ông, Tượng Trừng ác, Tượng Khuyến thiện, Tượng Thánh tăng, Tượng
Quan vũ; Tòa Thượng điện bày theo từng cấp như sau:
Tòa trên cùng là Tượng Tam thế; tòa thứ hai là từ trên xuống
là Tượng Di Đà Tam tôn (hay Tây phương Tam thánh); tòa thứ 3 từ trên xuống là
03 pho Tượng được tạo để diễn tả quá trình tu luyện của Đức phật Thích ca Mâu
Ni ở ba thời kỳ, bên trái là Tượng Tuyết Sơn, ngồi giữa là Tượng Thích ca sau
khi tu luyện ở núi Tuyết không thành đã tìm ra được lối tu hành đắc đạo; tòa thứ
tư ở chính giữa là Ngọc Hoàng, chếch về phía sau hai bên Tượng Ngọc Hoàng là
hai vị Bồ Tát; tòa thứ năm là Tòa Cửu Long hai bên cạnh là hai pho tượng Phạm
Thiên và Đế Thích.
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan), ngoài phần thờ Phật là
chính ở Tiền đường của chùa còn có một Cung thờ Thánh Mẫu Thiều Hoa Công Chúa,
danh tướng Nhị vua Hai Bà Trưng, trước khi tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà
Trưng thì thánh mẫu Thiều Hoa đã từng tu niệm ở chùa này (sự tích về bà Thiều
Hoa đã được ghi lại trong phần sự kiện nhân vật lịch sử ở Đền Hiền Quan).
Lịch sử vị thần được thờ tại chùa Phúc Khánh: Theo bản Ngọc
phả hiện còn lưu giữ lại tại chùa và thờ tại Đền do Nguyễn Bính – Đông các
đại học sỹ bộ lễ Viện hàn lâm triều Hồng Phúc nguyên niên biên soạn (tức đời
Vua Lê Anh Tông 1572) và bản sao do Nguyễn Hiền quản giám bách binh hùng lĩnh
thiếu khanh triều vĩnh hựu thứ 6 chép (tức đời Vua Lê Y Tông 1740) qua dịch lược
cuốn Ngọc phả này sự tích về ông Mộc Trang được viết cụ thể như sau:
Vào cuối đời nhà Hùng vận nước như đã suy tàn trải qua 1140
năm đất nước ta đã bị nhà Tần, nhà Hán, nhà Ngô, nhà Tấn, nhà Tống, nhà Tùy,
nhà Đường, nhà Lý đô hộ.
Cuối thời vua Ngô Quyền, có một bà họ Lý tên là Phương Nương
đang lúc loạn lạc này, bà là người con gái có trí khí song chưa gặp được người
hợp ý kết duyên nên bà quyết trí đi tu, khi bà tới lộ Sơn Tây phủ Thao Giang
(huyện Tam Nông sau thuộc phủ Gia Hưng) Trang Song Quan bà thấy có một ngôi
chùa bốn bề phong quang đẹp đẽ bà ngửa mặt trông lên thấy đề “Phúc Khánh Tự” bà
lấy làm đắc ý tự nguyện ở lại chùa để hương khói tu hành.
Bà tu được hai năm, sau một đêm du mộng bà thấy có người báo
cho bà biết bà là người có đức hậu nên trời đã định rồi trong một ngày kia sẽ
có kẻ đầu thai làm con của bà.
Tự nhiên có một ngôi sao từ gốc cây bay vào miệng bà Lý và
bà đã nuốt ngôi sao đó. Ít ngày sau bà có thai trong lòng nửa lo nửa mừng song
bà thầm suy nghĩ ắt có điềm lành tới ngày 10/10 năm Nhâm Thìn 1572 bà sinh hạ
được một cậu con trai, mặt mũi khôi ngô tuấn tú bà rất lấy làm vui và thực lòng
quý trọng bà đặt tên là Lý Mộc Trang. Tin vào lòng trời đã định bà quyết chí một
dạ nuôi con.
Ngày tối ngày thấm thoắt trôi qua cậu con trai ấy đã tới tuổi
18, học tài uyên bác thông thạo binh thư võ nghệ cao cường cho tới khi ông được
24 tuổi, do tai biến bất thường chỉ một đêm mẹ ông lâm bệnh và qua đời. Đến khi
mãn tang mẹ thời kỳ ấy có loạn 12 sứ quân, mỗi sứ quân đóng chiếm một phương chẳng
ai chịu nhường ai. Lòng dân ai oán vô cùng,
Vua Đinh Bộ Lĩnh là con một vị tướng cũ được nhân dân hết sức
mến phục, vận mệnh đất nước lâm nguy ông đã đứng lên triệu tập binh sỹ tòng
quân khởi nghĩa. Trong số các tướng tài giúp ông có tướng quân Mộc Trang. Nghe
tin Vua Đinh Bộ Lĩnh chiêu binh mãi mã để đánh giặc cứu nước, ông thu nạp được
300 tráng đinh cùng phò tá cho vua.
Ngay hôm sau ông cho mổ trâu, lợn làm lễ tế thổ địa Sơn thủy
bách thần và khao thưởng quân sỹ. Hôm sau ông kéo quân xuống yết kiến nhà Vua
và cùng bàn kế hoạch đánh giặc, Vua Đinh chiêu mộ hàng vạn hùng binh, tám ngàn
ngựa tốt chia làm 5 đạo dẹp loạn 12 sứ quân.
Khi sứ giả đưa thư 4 lượt trong ngày nói là Vua Đinh bị quân
Ngô vây hãm. Mộc Trang thấy thế liền điều quân từ phía Nam về chân núi Trúc Sơn
huyện Thanh Oai.
Trong lúc hội bàn kế hoạch, quân sỹ đang sắp sửa bữa ăn bỗng
dưng quân Ngô bốn phía điệp điệp kéo về, ông ngửa mặt cầu trời rồi cùng quân sỹ lăn xả vào trận chiến, chỉ trong chốc lát
quân Ngô hoảng sợ không dám đối phó.
Quân sỹ của ông đã phá được vòng vây, chém đầu chính tướng cùng nhiều quân Ngô, thừa
thắng ông thúc quân truy đuổi quân địch ra khỏi “Bảo đà đất cũ” thu được nhiều
khí giới lương thực.
Thắng trận quay về chốn cũ bản xưa ông nói với gia thần các
họ trong làng Song Quan rằng: Ta được hiển vinh chính nhờ sức của dân làng đóng
góp. Phần từ nay về sau ta có trăm tuổi về già tế lễ có hậu với ta có nghĩa là
trọng ta, và ông đã để lại cho nhân dân gia thần các tộc làng Song Quan trên một
trăm khoảnh ruộng lấy đó làm hương hỏa thiên thu.
Khi quân Ngô đã bại trận, non nước yên bình, tướng Lý Mộc
Trang được vua Đinh Tiên Hoàng ban chiếu phong tước và ban cho ông thực ấp ở
huyện Tam Nông ông bái tạ nhà Vua trở về thực ấp nhà Vua ban chiếu và tặng ông
bài thơ:
“Quả nhân bất phá viễn phương nhân
Nghĩa cử lao
phần quốc tướng quân
Vạn lý tinh
kỳ cầu nãi lực
Trùng thiên
phong vũ đả chính cân
Quả nhiên
thiên kiếm tôi Ngô khấn
Trực bả liên
thành hiếu quốc quân
Thiên cổ dĩ tiền thiên cổ hậu
Gia nhi tử
giã quốc nhi thần”
Trở về thực ấp Vua phong ở làng Song Quan Tam Nông một thời
gian sau tới ngày mùng 3 tháng 3 năm Ất Hợi thì ông mất. Nhà Vua ra lệnh khi
hay tin ông mất cho toàn dân phụng sự thờ cúng ông tại chùa Phúc Khánh (chùa Hiền
Quan), nơi ông đã từng tại gia ở đó và phong cho ông là Mộc Trang Đại Vương.
Ông được các triều đại sau này sắc phong cho 03 Đạo dụ: ngày
18 tháng 3 năm 1228 do Vua Trần Thái Tông phong; ngày 12 tháng 6 năm 1429 do
Vua Lê Thái Tổ phong; ngày 11 tháng 3 năm 1917 do Vua Khải Định phong.
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) với quy mô kiến trúc khá đồ
sộ, chạm trổ điêu khắc nhiều với kỹ thuật chủ yếu là đục bong chạm nổi đề tài
thể hiện gắn với các điển tích quen thuộc ở những công trình kiến trúc tôn giáo
như Long - Lân - Quy - Phượng.
Đây là những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao phản ánh nghệ
thuật điêu khắc gỗ công phu trau chuốt của các nghệ nhân xưa - chùa Phúc Khánh
(chùa Hiền Quan) thờ Phật là chính nhưng cũng là nơi thờ bà Thiều Hoa Công
Chúa - một nữ tướng của Hai Bà Trưng đã
có công đánh giặc buổi đầu công nguyên mang lại thái bình cho non sông đất nước
và danh tướng Lý Mộc Trang phò giúp Vua Đinh Tiên Hoàng đánh dẹp quân Ngô năm
969 (Kỷ Tỵ).
Chùa Phúc Khánh (chùa Hiền Quan) còn là một danh thắng của địa
phương có giá trị giáo dục truyền thống lịch sử về tinh thần đấu tranh cách mạng
cho các thế hệ mai sau. Đồng thời nó còn là nơi tham quan nghiên cứu của du
khách gần xa và là nguồn tư liệu quý giá, hữu ích cho cán bộ nghiên cứu khoa học.
Gác chuông (hay còn gọi Cổng Tam quan) chùa Phúc Khánh - Hiền
Quan
Nguyễn Hữu Thanh - Sưu tầm - Nguồn: Di tích lịch sử tỉnh Phú
Thọ