Quán Huyền Thiên vốn là nơi thờ Huyền Thiên Thượng Đế, vị thần trấn phương Bắc được thờ ở đền Quán Thánh. Khi đạo Lão suy, đạo Phật thịnh, dân trong thôn đưa tượng Phật vào thờ chung, từ đó quen gọi là chùa Quán Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên.
Chùa Quán Huyền Thiên vốn là một quán Đạo giáo, rồi chuyển
thành chùa từ cuối thời Lê, hiện tọa ở số 54 phố Hàng Khoai.
Tương truyền quán Huyền Thiên được lập từ thời Lý và sớm nổi
tiếng là một trong “Thăng Long Tứ quán” của đạo Lão (ba quán kia gồm: Đế Thích
quán, nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên; Chân Vũ quán, tức đền Quán Thánh ở phố
Quán Thánh; Đồng Thiên quán, nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành).
Cuối thời Lê, đạo Lão suy tàn, quán thêm tượng Phật chuyển
thành chùa quán. Công trình được tu bổ, sửa chữa nhiều lần và định hình kiến
trúc từ cuối thời Nguyễn trên địa phận thôn Huyền Thiên, tổng Hậu Túc, huyện Thọ
Xương. Tại đây có hai dịp lễ lớn vào ngày 3/3 và 9/9 âm lịch hàng năm.
Quán Huyền Thiên vốn là nơi thờ Huyền Thiên Thượng Đế, vị thần
trấn phương Bắc được thờ ở đền Quán Thánh. Tục thờ này xuất hiện ở nước ta từ
thời Bắc thuộc.
Trong quán có một pho tượng của Ngài bằng gỗ trầm. Khi đạo
Lão suy, đạo Phật thịnh, dân trong thôn đưa tượng Phật vào thờ chung, từ đó
cũng quen gọi là chùa Quán Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên.
Nhiều người đã đến đây vịnh cảnh, trong đó có tiến sĩ Trần
Bá Lãm (1775-1858) với bài thơ được dịch như sau:
“Xe hạc năm nao nay đã khuất
Nam du vết cũ mọc rêu phong
Thôn hoa ẩn hiệu trang còn đó
Luyện thạch gò xưa nắng rọi hồng”
Văn bia “Trùng sáng Huyền Thiên bi minh” niên hiệu Vĩnh Tộ
thứ 10 ghi rõ “…Đây thuộc về phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, Phụng
Thiên … tên là Huyền Thiên cổ quán… Phía đông gối vào sông Nhị Hà trắng xoá,
phía tây nhìn sang non Tản xanh lơ, phía nam có cầu (Hà Kiều) phía bắc có chùa
Hồng Phúc, thật là thắng tích …. Quán có từ thời Lê năm Thiệu Bình thứ 7
(1439)”. Bia còn cho biết hồi đó (tức năm 1628) nơi đây đã có 13 gian thờ Phật,
thờ Mẫu và thờ thần Huyền Thiên.
Tấm bia dựng năm Cảnh Trị thứ 6 (1668) đời vua Lê Huyền Tông
ghi: quán được tô tượng, trùng tu tam quan, gác chuông, hành lang, thiêu hương,
thượng điện, tương Tự như kiểu các ngôi chùa lớn thời Trần-Lê.
Lại được “đúc chuông mới và san khắc sách Thánh đạo
giáo kinh khoa, cả thảy 4 quyển lưu tại bản quán”. Việc trùng tu với quy
mô lớn lần này là do chính chúa Trịnh ban Lệnh chỉ, nên có các cung tần trong
phủ chúa cùng quan lại trong triều đóng góp công đức.
Năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) thời Tây Sơn chùa lại được trùng
tu và đúc chuông. Thời Nguyễn chùa cất thêm 7 gian nhà hậu vào năm Tự Đức thứ
21 (1868).
Đầu thế kỷ 20, khi thực dân Pháp lấp hồ và mở rộng phố xá,
chùa bị thu hẹp. Năm Bảo Đại thứ 5 (1930) phần lớn công trình của chùa được xây
dựng lại và định hình như hiện nay. Những ngày kháng chiến đầu năm 1947, chùa bị
tàn phá, tượng thần Huyền Thiên bị cháy.
Năm 1948 dân sở tại cùng khách thập phương quyên góp khôi phục
chùa theo bố cục cũ kiểu “nội Công, ngoại Quốc”. Từ ngoài vào bao gồm cổng nghi
môn, gác chuông, qua sân đến hai nhà bia, hai giếng cổ và nhà bái đường 7 gian
xây kiểu vọng lâu 2 tầng 8 mái, nơi thờ thần Huyền Thiên.
Thiêu hương chạy dọc
như thượng điện, nối với 2 gian nhà ngang phía sau. Áp vào hai đầu hồi là hai
dãy hành lang, nay dùng làm nhà khách. Năm 2014 chùa lại được trùng tu sau nhiều
năm bị lấn chiếm và xuống cấp.
Hai bên sân trước nhà bái đường có 2 bia đá lớn được đặt
trong nhà bia. Tấm bia cổ mang niên hiệu Cảnh Trị thứ 6 (1668) bị vỡ nứt bề mặt,
nhiều chữ không còn. May bản rập đã được Học viện Viễn đông Bác cổ cho in trước
năm 1945, hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bia cho biết quy mô kiến
trúc của ngôi chùa quán thời đó cùng nhiều thông tin khác. Ngoài ra còn có 40 tấm
bia to nhỏ khác nhau khắc chữ Hán Nôm được ốp lên tường dọc theo hai bên tòa
bái đường và chính điện.
Có một bài minh cho quả chuông nặng 500kg, cao 1m60, đúc năm
Cảnh Thịnh thứ 1 (1793) treo ở gác chuông sau cổng. Cũng như các minh văn thời
Tây Sơn khác, dòng niên đại Cảnh Thịnh ở đây bị đục bỏ vào thời Nguyễn. Lại có
mấy chục văn bia quốc ngữ, chủ yếu khắc sau năm 1954.
Trong chùa hiện cũng lưu giữ được các hệ thống tượng Phật
giáo, tượng Thánh, tượng Mẫu, tượng đạo Lão cùng các đồ tế khí và trang trí đẹp
đẽ. Điện Phật ở sau bái đường được thiết đặt trang nghiêm với nhiều pho tượng gỗ
có giá trị nghệ thuật như tượng các vị Bồ tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn
Thù, Phổ Hiền và tượng hai vị Hộ pháp cao 3m, v.v… Điện Mẫu ở trong hậu cung được
bài trí đầy đủ theo đúng khuôn phép tín ngưỡng dân gian.
Chùa Quán Huyền Thiên được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ
thuật quốc gia năm 2008.
Theo sử sách, chùa được khởi dựng vào thời Lý. Xưa kia, chùa là
một trong tứ quán của kinh thành Thăng Long, bao gồm: Trấn Vũ (Quán
Thánh), Huyền Thiên, Đồng Thiên (đền Kim Cổ) và Đế Thích (chùa Vua).
Đất chùa trước đây nằm trên một bán đảo có hình vành khuyên, được
bao quanh bởi hồ Tay Ngai, tạo thành thế quy xà hội tụ. Trên bán đảo có
hai giếng Tiên rất đẹp.
Tục truyền có lần Huyền Thiên đại đế qua đây, thấy cảnh đẹp nên đã
dừng lại tắm ở giếng này và phù trợ cho dân trong vùng. Sau đấy, dân lập
quán thờ ngài.
Quán Huyền Thiên cũng được gọi là chùa bởi nơi đây vừa
thờ Thần, vừa thờ Phật và thờ Mẫu. Điều này thể hiện tinh thần tam giáo
đồng nguyên của người Việt.
Chùa được tu bổ qua các triều đại: Thiệu Bình năm thứ 6 (1439), Cảnh
Trị thứ 6 (1668), Tự Đức thứ 21 (1868), Bảo Đại thứ 5 (1930), mỗi lần
tu bổ chùa lại rộng và khang trang thêm. Kiến trúc hiện tại của chùa
mang đậm dấu ấn của thời Lê.
Ngày nay chùa Huyền Thiên còn lưu giữ một hệ thống văn bia đồ sộ với
trên 40 văn bia bằng chữ Hán, Nôm và một số văn bia Quốc ngữ chủ yếu
được dựng sau năm 1954.
Có thể nói đây là một di tích còn bảo tồn được lượng văn bia lớn bậc nhất ở khu phố cổ Hà Nội.
Chùa Quán Huyền Thiên cũng là nơi thờ Phật và thờ Mẫu
Trong nhiều thế kỷ, chùa Huyền Thiên đã được coi là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời của Kinh thành Thăng Long.
Thời Pháp đô hộ, chính quyền thuộc địa đã cho lấp hồ Tay Ngai để mở mang phố xá, làm mất đi vẻ đẹp huyền diệu của chùa.
Ngày nay, chùa Huyền Thiên nằm lọt thỏm trong khu dân cư đông đúc và ồn ào của phố cổ.
Nhưng bước vào bên trong chùa, vẫn có thể cảm nhận những khoảng không gian thâm trầm, mang âm hưởng của thắng tích một thời
Theo Quốc Lê - Kiến Thức