Chùa Quang Hoa là của ngôi làng cùng tên đã bị đô thị hóa từ cuối thế kỷ
19. Chùa được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1989. Địa chỉ tại số 31 phố Trần Bình
Trọng, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Lược sử
Chùa Quang Hoa nay tọa lạc ở cuối phố Trần Bình Trọng, thuộc phường
Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo văn bia “Quang Hoa Tự Thập
Phương Bi” còn lưu giữ tại đây thì ngôi chùa xưa vốn nằm trên đất của
thôn Quang Hoa ở phía tây thôn Thiền Quang và phía bắc hồ Bảy Mẫu. Tấm
bia đá này được khắc năm Tự Đức thứ 12, có chép việc dân thôn Pháp Hoa
góp công đức dựng chùa vào năm 1860.
Những năm 1933-1934, chính quyền thực dân Pháp đã lấy hết đất đai của
cả 3 thôn nói trên để tiếp tục xây nhà mở phố và nhiều hộ dân sở tại đã
dời chuyển đi nơi khác. Các thôn cũ đó nay không còn dấu vết gì ngoài 3
ngôi chùa Pháp Hoa, Thiền Quang, Quang Hoa, được quy tập về thành một
cụm di tích nằm liền kề nhau và mang những số nhà lẻ ở cuối phố Trần
Bình Trọng, đối diện đầu phố Nguyễn Thượng Hiền.
Ngày 6-11-1989, cụm di tích nói trên đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Ngõ chùa Quang Hoa. Photo NCCong ©2014
Kiến trúc
Cụm ba ngôi chùa Quang Hoa, Thiền Quang và Pháp Hoa có địa thế rất
đẹp vì ở ngay ven bờ tây của hồ Thiền Quang. Đường đến đây cũng tiện lợi
nhờ có bến xe bus ở giữa Rạp Xiếc Trung Ương và cổng chính của công
viên Thống Nhất. Chùa Quang Hoa quay mặt về hướng nam, từ phố Nguyễn Du
có thể nhìn thấy rõ vườn sau. Tam quan gồm gác chuông và 3 cổng được mở
ra hè phố Trần Bình Trọng ở hướng tây. Du khách bước qua cổng bên phải
sẽ đi vào một con ngõ có tường ngăn với khuôn viên chùa Thiền Quang.
Theo con ngõ rồi quặt sang trái ta sẽ đến một cửa ngách dẫn vào sân
sau, phía bên trái cửa ngách lại có một hành lang ngắn dẫn vào cửa nhỏ
thông với thiêu hương. Tòa tam bảo kết nối theo hình chuôi vồ với tiền
đường rộng 7 gian và hậu cung sâu 5 gian (gồm thiêu hương và thượng
điện). Sân trước tiền đường rộng rãi, có hòn non bộ với tượng Quan âm Bồ
tát và một nhà bia. Sân sau giáp với nhà Tổ, nhà Mẫu và hai dãy nhà
ngang, mỗi nếp nhà đều rộng 10 gian. Trong chùa cây cối khá nhiều, ngoài
ra còn có vườn tháp.
Di sản
Ngôi chùa Quang Hoa hiện nay vẫn giữ được nhiều di vật quý, đặc biệt
là các pho tượng Phật giáo mang đậm phong cách nghệ thuật của thời
Nguyễn cuối thế kỷ 19. Ngoài ra còn có một tấm bia đá dựng năm 1880 có
ghi chép về việc xây dựng chùa. Đặc biệt, cổng chùa có mấy câu đối độc
đáo với tên chùa luôn xuất hiện ở vị trí đầu hoặc giữa trong 2 vế đối.
Câu đối Nôm:
QUANG cảnh tốt tươi, cửa Phật tiêu dao người tám cõi
HOA hương ngào ngạt, lối trần hoan hỉ khách mười phương
Câu đối Hán:
蓮座光生長引金繩開覺路
池塘花映接來寶筏渡迷津
Liên tọa QUANG sinh, trường dẫn kim thằng khai giác lộ
Trì đường HOA ánh, tiếp lai bảo phiệt độ mê tân
無邊光景一時新,山水縈迴成畫本
不盡花香三界舊,竹松幽雅獲清修
Vô biên QUANG cảnh nhất thời tân, sơn thủy oanh hồi thành họa bản
Bất tận HOA hương tam giới cựu, trúc tùng u nhã hoạch thanh tu
僧到佛來,光被萬家千古燭
地靈天寶,花開十仗四辰蓮
Tăng đáo Phật lai, QUANG bị vạn gia thiên cổ chúc
Địa linh thiên bảo, HOA khai thập trượng tứ thời liên
Nhà bia
Bia đá
Tam bảo chùa Quang Hoa
Đức Hộ Pháp
Ban thờ Đức Thánh Hiền
Cửa võng - Hoành phi
Dãy bia Đá
Tượng Thập điện Diêm vương
Tiền đường chùa Quang Hoa. Photo NCCong ©2014
Tượng Phật chùa Quang Hoa. Photo NCCong ©2014
Ths Nguyễn Thy Ngà tổng hợp