Chùa Thượng Mạo tọa lạc tại phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội có tên chữ là Tường Quang tự, được nhân dân địa phương gọi là chùa Hai Thôn
Chùa Thượng Mạo là một ngôi chùa cổ còn bảo tồn được nhiều
di vật quý như hệ thống tượng Phật, bia ký nên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin
xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cùng với quyết định xếp hạng ngôi đình
làng.
Trong chùa có hệ thống bia đá thế kỷ XVI (thời Lê - Mạc),
đây là hệ thống những văn bản của người xưa truyền lại. Căn cứ vào các tấm bia
này có thể xác định niên đại khởi dựng của ngôi chùa. Theo 3 tấm bia dựng vào
thời Lê, niên hiệu Thịnh Đức, Đoan Thái, Hồng Ninh cho biết ngôi chùa được khởi
dựng vào triều Lê.
Những tấm bia đá của chùa có kiểu dáng đặc biệt. Phần trên mặt
bia không bẹt như những tấm bia có cùng thời ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nét đục
chạm hình rồng, hoa lá điển hình thế kỷ XVI.
Hệ thống tượng đáng quan tâm là pho tượng Bà chúa, bộ Tam thế
Phật, A Di Đà Tam tôn có niên đại nửa sau thế kỷ XVII. So với hệ thống tượng Phật
ở chùa Sùng Nghiêm (chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ) thì hệ thống tượng ở chùa
Thượng Mạo có sự kế thừa phong cách của ngôi chùa nêu trên.
Ngoài các hạng mục kiến trúc chính, chùa Thượng Mạo còn có
gác chuông, bên trong treo 2 quả chuông cổ. Một quả đúc vào năm Cảnh Hưng
2(1741) cao 1m, đường kính 50cm, một quả đúc vào ngày 16 tháng 2 năm Minh Mệnh
18 (1837).
Toà Tiền đường và Thượng điện làm theo kiểu chữ “đinh”. Những
bộ vì ở đây làm theo kiểu “chồng rường”, bào trơn đóng bén, không trang trí chạm
khắc như những ngôi chùa khác.
Trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chùa là cơ sở
của Trường C500 - Bộ Nội vụ. Các đồng chí Đỗ Mười, Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Cơ Thạch
và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã về thăm và giảng dạy cho cán bộ
chiến sĩ của lực lượng an ninh học tập tại đây.
Chùa Thượng Mạo đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là
di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.
Theo Hà Nội Danh thắng
và Di tích tập 02
Nguồn: Người Hà Nội