Chùa Vẽ gắn liền với những sự kiện oanh liệt chống ngoại xâm của quân dân ta trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền và chiến thắng Bạch Đằng năm 1287- 1288 của quân dân ta thời Trần.
Chùa Vẽ là một ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng tại thành phố
Hải Phòng. Rất nhiều du khách thập phương cũng như người dân thường xuyên đến với
chùa Vẽ tham quan và dâng hương vào những dịp lễ tết.
Địa điểm chùa Vẽ
Chùa Vẽ - Hoa Linh Tự 1A Lê Thánh Tông là một ngôi chùa thờ
Phật thuộc Đoạn Xá, phường Đông Hải, quận Hải An, Hải Phòng. Chùa Vẽ còn có tên
gọi chữ là Hoa Linh Tự, nằm cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 10km.
Chùa Vẽ nằm trên tuyến đường lớn, gần khu dân cư và khá dễ
tìm. Đây là một ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng trong tín ngưỡng thờ phật của
người dân Hải Phòng.
Lịch sử chùa Vẽ
Chùa Vẽ gắn liền với những sự kiện oanh liệt chống ngoại xâm
của quân dân ta trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Vương Quyền và chiến
thắng Bạch Đằng năm 1287- 1288 của quân dân ta thời Trần. Truyền sử địa phương
ghi rõ các thám tử của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã sử dụng ngôi chùa này để
quan sát đồn trại giặc và vẽ sơ đồ chuẩn bị cho trận đánh Bạch Đằng năm 1288 thắng
lợi. Ngoài tên chữ là Hoa Linh Tự, chùa còn có tên nôm, rất phổ biến trong nhân
dân quanh vùng là chùa Vẽ.
Từ khi chùa Vẽ được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử-
văn hóa và được đưa vào khai thác phục vụ du lịch tham quan di tích của thành
phố Hải Phòng thì lượng khách quốc tế đến tham quan ngôi chùa ngày càng nhiều,
đặc biệt là du khách đến từ Trung Quốc và châu Á.
Ngày nay chùa Vẽ cùng Sở văn hóa thông tin thành phố Hải
Phòng đã cho ấn hành trên bản đồ và các sách hướng dẫn giới thiệu về di tích tới
đông đảo quần chúng nhân dân được biết. Để từ đó thu hút du khách trong nước và
ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu về cảnh chùa. Đặc biệt vào ngày giỗ Đức
Thánh Trần (20/8 âm lịch) thì lượng khách về tham dự lễ hội rất đông. Không chỉ
có người dân địa phương mà còn có khách thập phương đến từ các tỉnh thành khác.
Sự kiện chùa Vẽ được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử -
văn hóa năm 1994, cùng với việc đưa di tích vào hoạt động du lịch tham quan thắng
cảnh trên thành phố Cảng Hải Phòng đã có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với
địa phương và khu vực. Từ đây ngôi chùa ngày càng được bảo tồn, phát huy những
giá trị của mình. Góp phần vào sự minh chứng và xây dựng một nền “văn hóa Việt
Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Kiến trúc chùa Vẽ
Chùa Vẽ sở hữu một kiến trúc nghệ thuật cổ kính vô cùng
nguy nga, tráng lệ. Toà Phật điện cấu trúc hình chữ "Đinh" (J) gồm 5
gian tiền đường và 4 gian chuôi vồ. Kèm hai bên hậu cung là hai ngôi nhà chè nhỏ,
nơi đặt bàn thờ "Tam toà Thánh Mẫu" và "Đức Ông bản thổ".
Các cột của toà nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nguyên
cây, cao to lừng lững, một vòng tay người ôm không xuể. Bàn thờ Trần Hưng Đạo,
vị tổng chỉ huy quân đội nhà Trần được lập ở gian phía trái toà tiền đường. Tượng
Hưng Đạo Vương và tượng đôi ngựa chiến hồng bạch của ông là những tác phẩm điêu
khắc cực kỳ sống động.
Toà Tam Bảo được bày trọn trong toà hậu cung. Hàng trên cùng
là bộ tượng Tam Thế, tiếp đến là bộ Di Đà Tam Tôn là những tượng pháp kinh điển
của nhà Phật. Đứng song hàng với toà Phật điện là nhà thờ tổ 5 gian cùng quay
hướng đông nam.
Trong nhà thờ tổ, chính giữa đặt bàn thờ đức Ngô vương Quyền,
ông tổ trung hưng dân tộc; bên cạnh phải là bàn thờ sư tổ, bên trái là bàn thờ
Hậu phật. Tượng sư tổ có 5 pho, trung tâm là tượng tổ dòng Thiền Bồ Đề Đạt Ma,
chung quanh là tượng các vị cao tăng trụ trì tại chùa.
Tượng mang dáng dấp của các vị tăng sư, đầy vẻ từ tâm và đậm
nét chân dung. Tượng Hậu phật gồm 6 bức, tất cả đều là phụ nữ có khuôn mặt phúc
hậu và quí phái. Đây là những tác phẩm nghệ thuật mang tính tả thực, mỗi người
có một vẻ mặt riêng rất gần gũi với đời thường, không câu nệ, gò bó.
Thăm chùa Vẽ ngày nay, chúng ta không có dịp được chiêm ngưỡng
đầy đủ những tượng pháp, nghi trượng và đồ thờ tự trong nguyên trạng, nhưng những
hiện vật còn được bảo tồn đều là cổ vật quí giá, đặc biệt là hệ thống tượng
tháp, tượng thánh thần, tượng Hậu phật và tượng Sư tổ.
Với những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc kể trên và
ý nghĩa lịch sử của chùa, ngày 25-1-1994, Bộ Văn hoá - Thông tin đã công nhận
Chùa Vẽ là di tích lịch sử Quốc gia.