Trong trận chiến với quân Nguyên năm 1284, gặp thế bất lợi Trần Nhật Duật phải dẫn quyân lui thì bất ngờ đội thần binh của tể tướng Lữ Gia ứng cứu, lật ngược tình thế. Trần Nhật Duật cho là chuyện lạ, sai ngươi ghi chép và lưu lại cho đến ngày nay.
Cuối năm Giáp Thân (1284) vua Nguyên Hốt Tất Liệt sai con
trai là Thái tử Thoát Hoan đem 50 vạn quân sang xâm lược Đại Việt, chúng nói
phao lên 80 vạn. Thế giặc rất mạnh, quân ta chống không nổi phải tạm thời rút
lui để bảo toàn lực lượng, tránh những đòn mạnh nhất của kẻ thù đang lúc hung
hăng.
Khi ấy Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật được trao trọng trách
chỉ huy một cánh quân lớn lập phòng tuyến sông Lô đánh chặn để cản bước tiến ồ ạt
của giặc Nguyên. Tại trận chiến ở trại Thu Vật (nay thuộc Tuyên Quang) gặp thế
bất lợi Trần Nhật Duật phải dẫn quân lui về Bạch Hạc (nay thuộc Phú Thọ).
Quân giặc đuổi theo rất gấp, tình thế vô cùng nguy cấp. Đến
vùng Phan Lương (nay thuộc Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thì bất ngờ có một đội quân từ
trong núi Long Động đổ ra đánh vào sườn quân Nguyên.
Thấy cánh hữu của giặc gươm giáo lộn xộn, cờ xí nghiêng ngả,
Trần Nhật Duật cho rằng quân hương dũng của thổ hào địa phương muốn lập công
đánh giặc, ông liền quay binh lại hiệp lực.
Giặc Nguyên hốt hoảng tưởng trúng phải kế mai phục của ta, lại
không rõ binh lực của đối phương ra sao nên rất kinh hãi, bỏ chạy hỗn loạn.
Quân ta thừa thắng đuổi theo, dồn địch xuống quá Bạch Hạc.
Sau trận đánh, Trần Nhật Duật khi thu quân cho đóng trại nghỉ
ngơi. Ông không thấy đội hương binh kia bèn gọi một viên tuỳ tướng lại nói:
“Ngươi hãy đến dãy núi kia tìm thủ lĩnh đội hương binh về đây gặp ta”.
Viên tướng tuân lệnh thúc ngựa phi đi; khi tới làng Bạch Lưu
nằm dưới chân núi thì chứng kiến cảnh tượng vô cùng kỳ lạ: một đàn hổ đen đông
tới mấy ngàn con lũ lượt nối đuôi nhau đi lên núi.
Qúa kinh ngạc, viên tướng nọ vội quay đầu ngựa phóng về thuật
lại toàn bộ sự việc cho chủ tướng. Trần Nhật Duật nghe xong thất kinh bèn cho mời
một số phụ lão trong vùng đến hỏi. Có cụ già nói: “Bẩm vương gia, đấy là thừa
tướng Lữ Gia hiển linh hộ quốc chứ không có đội thổ hào dân binh nào cả. Còn hổ
cũng không phải là hổ thực”.
Tiếp đó, ông lão kể rằng, xưa kia vào thời nhà Triệu, khi
quân Hán tiến đánh, thừa tướng Lữ Gia vốn là người Việt, quê ở Châu Hoan (nay
là Thanh Hoá) đã bỏ kinh đô Phiên Ngung chạy về lập căn cứ ở núi Long Động chống
quân giặc. Sau đó, vì thua trận mà mất, dân thương tiếc lập đền thờ tôn làm thần
núi Long Động, ông thường hiển linh giúp đời.
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cho là chuyện lạ, sai ngươi
ghi chép lại. Đến khi thắng giặc Nguyên Mông, ông cho sửa sang, tôn tạo lại đền
miếu thờ Lữ Gia và sai người sưu tầm, viết lại thần tích, thu lượm các truyện
truyền kỳ có liên quan để lưu truyền cho đời sau.
Lê Thái Dũng