Sau khi cuộc khởi nghĩa của Vương Bà Triệu Trinh Nương thất bại, khắp ba quận Nhật Nam, Cửu Chân và Giao Chỉ, các cuộc vùng dậy của nhân dân vẫn tiếp tục nổ ra nhưng nhìn chung thì quy mô không lớn và không làm lung lay ách cai trị của người Hán.
Nhà Ngô đàn áp được lực lượng nghĩa binh của Vương Bà Triệu
Thị Trinh nhưng cũng ngay sau đó, chính sự của nhà Ngô bắt đầu rối ren. Năm 252
(tức là chỉ mới 4 năm sau khi Bà Triệu qua đời). Ngô Đại Đế cũng mất.
Con út của Ngô Đại Đế là Tôn Lượng (tức Ngô Cối Kê) được lên nối ngôi nhưng mới được 6
năm đã bị phế. Tôn Lượng phẫn chí mà tự tử.
Thay thế cho Tôn Lượng là Tôn Hưu (tức Ngô Cảnh Đế)
nhưng Tôn Hưu cũng chỉ là con bài của bọn quyền thần mà cầm đầu là Thừa Tướng
Tôn Sâm. Đời trị vì thứ tư (cũng là đời cuối cùng của nhà Ngô) - Ngô Mạt Đế -
chỉ còn là hư vị.
Nhà Ngô vẫn tiếp tục tồn tại cho đến năm 280 nhưng không phải
vì nhà Ngô mạnh mà là vì cả ba nước cùng tham gia cuộc hỗn chiến Tam Quốc quyết
liệt đương thời đều đã hoàn toàn kiệt quệ và đã lần lượt bị diệt vong.
Nền thống nhất Trung Quốc dưới thời nhà Tấn thực ra cũng chỉ
rất tạm bợ và mong manh. Nội chiến chẳng những không hễ bị dập tắt mà vẫn còn
liên tiếp bùng nổ dữ dội ở khắp mọi nơi, sử sách của Trung Quốc gọi đó là thời
Thập Lục Quốc, và thời Thập Lục Quốc chưa chấm dứt thì một cục diện mới -
cục diện Nam-Bắc Triều - lại diễn ra.
Giao Châu (màu xanh) và Quảng Châu (màu vàng) thời Đông Ngô
Trung Quốc lại lâm vào tình cảnh loạn lạc chưa từng thấy.
Chính vì sự loạn lạc chưa từng thấy đó, ách đô hộ của các triều đại phong kiến
Trung Quốc ở nước ta có phần được nới lỏng hơn.
Ở đây sự nới lỏng bất quá chỉ vì cơ quan đầu não của bọn đô
hộ là triều đình trung ương do trải hàng loạt những cuộc xung đột ác liệt triền
miên không còn đủ tiềm lực để có thể hung hăng như trước nữa.
Để tránh loạn lạc và sự tham tàn của các tập đoàn thống trị
đương thời, người Trung Quốc thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đã tự tìm đường
di cư đến nước ta ngày một đông.
Qua họ, tin tức về sự bất ổn của Trung Quốc (nhất là thời Thập
Lục Quốc) đã dồn dập truyền đến với bọn quan quân đô hộ và chính điều này đã góp
phần quan trọng vào quá trình thúc giục chúng thực hiện kế sách xoa dịu nhằm dễ
bễ tiến hành việc xây dựng mưu đồ cát cứ.
Một số nhà sử học gọi đây là lực li tâm chính trị. Các chính
quyền đô hộ trước sau tuy có khác nhau nhưng tất cả đều gặp nhau ở ý định khôn
khéo tìm cách tách dần ra khỏi triều đình trung ương để mặc sức tự tung tự tác
và thủ lợi cho riêng thân.
Nói cách khác, chúng có phần nới tay hơn không phải vì chúng
bỗng dưng trở nên nhân đức hơn mà là vì tự xét thấy có những lí do chủ quan khiến
chúng chưa cần thiết (và cũng chưa thể) xiết quá chặt.
Tuy không phải là tất cả nhưng một phần cội nguồn của sự lắng
dịu tạm thời trong phong trào đấu tranh giành độc lập từ sau thất bại của Vương
Bà Triệu Trinh Nương (năm 248) cho đến gần giữa thế kỉ VI có lẽ là ở đây.
Nhưng, quân cướp nước bao giờ cũng là quân cướp nước trong một
số những hoàn cảnh đặc biệt nào đó, chúng có thể tạm thời từ bỏ một số tham vọng
nhất định nào đó, ngoại trừ chính sách vơ vét của cải và thẳng tay đàn áp mọi sự
phản kháng. Đó chính là lí do chủ yếu và sâu xa nhất dẫn đến sự bột phát của một
số phong trào đấu tranh đương thời.
Bấy giờ, ở khắp ba quận Nhật Nam, Cửu Chân và Giao Chỉ, các
cuộc vùng dậy của nhân dân tuy vẫn tiếp tục nổ ra nhưng nhìn chung thì quy mô
không lớn và ảnh hưởng cũng không mạnh mẽ.
Đó là chưa nói rằng, đặc trưng của các cuộc chống đối chính
quyền phong kiến Trung Quốc đô hộ trong giai đoạn lịch sử cụ thể này là rất
phong phú và đa dạng, việc nghiên cứu để xác định sao cho thật đúng tính chất của
từng phong trào cũng không phải là dễ dàng. Tuy nhiên, lần theo những trang ghi
chép của thư tịch cổ, chúng ta có thể kể tên một số cuộc khởi nghĩa tương đối nổi
bật sau đây :
1. Khởi nghĩa Lữ
Hưng năm 262, chống ách đô hộ của nhà Ngô.
2. Khởi nghĩa Triệu
Chỉ năm 299 chống ách đô hộ của nhà Tấn.
3. Cuộc phản
kháng của Lương Thạc từ năm 317 đến năm 323 đối với triều đình nhà Tấn.
4. Cuộc tấn công
vào chính quyền đô hộ Giao Châu năm 411 dưới sự chỉ huy của Lư Tuần (vốn là thủ
lĩnh một cuộc khởi nghĩa ở Trung Quốc, thua trận chạy sang Giao Châu) được đông
đảo nhân dân Giao Châu ủng hộ.
5. Cuộc tấn công
vào chính quyền đô hộ Giao Châu năm 412 dưới sự chỉ huy của Lư Kinh Đạo (vốn là
thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa nông dân ở Trung Quốc, thua trận mà chạy sang
Giao Châu) được nhân dân Giao Châu ủng hộ mạnh mẽ.
6. Cuộc khởi
nghĩa năm 468 do chính Thứ Sử Giao Châu (người bản địa) là Lý Trường Nhân cầm đầu.
Ngoài ra, còn có nhiều cuộc khởi nghĩa hoặc những phong trào
đấu tranh khác, nhưng tất cả đều chỉ có quy mô nhỏ, phạm vi và mức độ ảnh hưởng
cũng không sâu rộng.
Điều đáng chú ý nhất ở đây có lẽ là đỉnh cao của các phong
trào đấu tranh giành độc lập đang có xu hướng chuyển dịch dần ra quận Giao Chỉ ở
phía Bắc. Đó chính là nền tảng thuận lợi cho sự nảy sinh của một cuộc khởi
nghĩa rất lớn do Lý Bôn cầm đầu, nổ ra vào giữa thế kỉ VI.
Nguồn: Danh Tướng Việt Nam, tập 4