Cụm di tích Đền - Đình - Chùa Bảo Sài tọa lạc trong ngõ 125 Lê Thanh Nghị và ngõ 148 Trương Mỹ thuộc khu dân cư số 8, phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương, Đình thờ Đức thánh Đại vương Trương Mỹ, Đền thờ Tiên Dung Công chúa - con gái vua Hùng thứ 18, vợ của đức thánh Chử Đồng Tử. Chùa thờ Phật và Thánh.
Đình Bảo Sài là nơi thờ tự tướng công Trương Mỹ – một
vị tướng tài của Hai Bà Trưng trong cuộc kháng chiến chống quân Hán.
Đền có tên là Thanh Hư Động thờ công chúa Tiên Dung (con gái
Vua Hùng thứ 18), người đã kết duyên cùng Chử Đồng Tử.
Chùa có tên là Thanh Lương Động Tự – thờ Phật.
Kiến trúc cụm di tích
Đình quay hướng đông nam, kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm bái
đường 5 gian hai trái, ống muống và hậu cung. Giữa bái đường và hậu cung là cửa
cấm sơn son thếp vàng. Tấm ván gió trên khung cửa vẽ lưỡng long chầu nguyệt. Hậu
cung kiến trúc đơn giản theo kiểu bào trơn đóng bén. Chính giữa cung, một nhang
án lớn thờ bài vị, có chiếc mũ và đôi hia tượng trưng cho anh linh của võ tướng
Trương Mỹ.
Đền cũng xây theo kiểu chữ Đinh. Tại gian giữa tòa tiền tế
treo một bức cửa võng sơn son thếp vàng, phía trên là bức đại tự Bồng Lai cung
quyết. Giữa gian hậu cung có ban thờ sơn son thếp vàng , trên có hai cỗ ngai, một
trong hai ngai thờ công chúa Tiên Dung.
Chùa cũng làm theo kiểu chữ Đinh. Chùa có 5 gian tiền đường,
3 gian thượng điện, ngoài ra còn một số công trình như nhà thờ mẫu mới xây và
nhà ở của ni sư, kho, bếp… Các vì kèo được làm kiểu con chồng đấu sen. Đầu vẩy
chạm hình rồng cách điệu. Tại phần tiếp giáp giữa tiền đường với hậu cung treo
bức cửa võng kép, trên chạm hình hổ phù, xung quanh chạm tứ linh.
Lễ hội
Trước đây, nhân dân địa phương làm lễ vào ngày mồng Mười
tháng Ba (âm lịch), cùng với ngày quốc lễ Hùng Vương. Ngày 21-1-1992, Bộ Văn
hoá- Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 68/QĐ-
BVHTT công nhận đình, đền, chùa Bảo Sài là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc
gia, Theo cuốn ngọc phả về tướng Trương Mỹ do Hàn lâm viện đại học sĩ Nguyễn
Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất triều Lê Thánh Tông (1572), được biết ngày
sinh của tướng là mồng Mười tháng Hai (âm lịch). Từ đó, ngày mồng mười và ngày
11 tháng hai âm lịch được chọn là thời gian lễ hội chính.
Từ khi được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia,
năm nào lễ hội đình, đền, chùa Bảo Sài cũng được tổ chức trong hai ngày với nội
dung và qui mô lớn. Riêng các năm chẵn (giữa thập kỷ, cuối thập kỷ) thì có tổ
chức rước trọng thể, đi qua các phố Bình Minh, Trương Mỹ, Lê Chân, Lê Thanh Nghị,
từ đình sang miếu rồi lại trở về đình.
Ban Quản lý di tích
có một đội văn nghệ, một đội tế nam, một đội tế nữ. Ngoài ra còn có một số đội
tế của địa phương bạn trong thành phố cũng đến tham dự. Các trò chơi có thưởng
(chọi gà, cờ tướng…) tổ chức tuỳ theo khả năng kinh phí từng năm.
Ngoài lễ chính vào mồng Mười và 11 tháng Hai (âm lịch), cụm
di tích Bảo Sài còn có hai kỳ lễ nữa trong năm. Đó là ngày “hoá” của tướng
Trương Mỹ vào mồng 7 tháng Tám (âm lịch) và ngày khánh hạ, coi như dịp đón mừng
tướng Trương Mỹ mang bạc và lụa do Trưng Nữ Vương ban tặng về ăn khao với dân
làng, tổ chức vào ngày 20 tháng Chạp (âm lịch). Các ngày lễ này tổ chức gọn nhẹ
tại đình Bảo Sài.
Câụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài phường Phạm Ngũ Lão
thành phố Hải Dương gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần và vẻ đẹp văn hoá của
cư dân nơi đây. Chùa vừa thờ Thần vừa thờ Phật, đó là nét đặc trưng của phật
giáo Việt Nam. Hiện cụm di tích vẫn giữ được những giá trị đặc biệt về lịch sử và
vẻ đẹp nguy nga, cổ kính mà linh thiêng, lôi cuốn khách thập phương và giáo dục truyền thống yêu nước thương nòi, sẵn sàng chiến đấu vì sự bình yên của Tổ Quốc.
Nguồn: Chốn thiêng