Khi rút lui, Thánh Triệu Việt Vương dừng chân ở thôn Cẩm Nang lập doanh trại, Sau khi Triệu Việt Vương mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân thôn Cẩm Nang đã lập đền thờ ngay trên khu đất mà ông đã dừng chân.
Đền Thôn Ba hay còn gọi là đền Cẩm Nang tọa lạc trên khu đất
rộng bằng phẳng và cao ráo, ngay trung tâm thị trấn Nam Giang, cách thành phố
Nam Định 9km theo Tỉnh lộ 490C. Công trình bao gồm Đền chính thờ Triệu Việt
Vương và hai Đền thờ hai vị tướng họ Đoàn.
Từ thời Hậu Lê, nơi đây được gọi là thôn Cẩm Nang thuộc xã
Châu Nguyên, nay là thôn Ba, thị trấn Nam Giang, nhân dân vẫn gọi là Giáp Ba.
Cái tên đền Cẩm Nang xưa hay đền Giáp Ba nay có xuất xứ là như vậy. Đền
Giáp Ba được xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia năm 1994.
Toàn cảnh di tích
Theo nguồn tư liệu lịch sử và truyền thuyết thì ở xã Phật
Nội huyện Chu Diên, phủ Tam Đới, đạo Sơn Tây có ông Triệu Túc vợ là Hán Thị
Siêu. Một đêm bà Siêu nằm mơ thấy rồng bay, sau đó bà có mang. Mùa xuân năm Mậu
Thìn, bà sinh một bé trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Quang Phục.
Thuở nhỏ, Quang Phục rất chăm chỉ học hành, văn võ đều tinh
thông. Năm mười bẩy tuổi, cha mẹ qua đời, ông theo danh tướng Lý Bôn đánh tan
quân xâm lược nhà Lương, giành độc lập cho đất nước. Năm 544, đức ngài Lý Bôn
lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, định đô ở Long Biên.
Không lâu sau, nhà Lương sai Trần Bá Tiên, Dương Sàn đem
quân xâm lược nước ta; Lý Nam Đế thất trận chạy về động Khuất Liêu, trao binh
quyền cho Triệu Quang Phục.
Năm 547, Triệu Quang Phục lui về đầm Dạ Trạch (nay là vùng
Khoái Châu, Hưng Yên), vùng đầm lầy rộng lớn, lau sậy um tùm; ông cho quân lập
doanh trại trên một vùng gò đất nổi giữa đầm, hàng ngày dùng thuyền độc mộc đi
đánh tỉa làm quân Lương hao tổn nhiều binh lực, tinh thần hoang mang cực độ. Dần
dần quân ta thắng lớn quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi.
Ngai và bài vị đức vua Triệu Việt Vương (thế kỷ 17 – 18)
Sau khi đánh tan quân giặc năm 548, Triệu Quang Phục lên
ngôi vua, xưng là Triệu Việt Vương, đóng đô ở Long Biên. Đến năm 570, ông bị Lý
Phật Tử - người cùng họ với Lý Nam Đế đem quân đánh úp, phải rút chạy, rồi trẫm
mình xuống cửa biển Đại Nha vào ngày 14/8.
Tương truyền khi rút chạy, Triệu Việt Vương đã dừng chân ở
thôn Cẩm Nang lập doanh trại nhưng vẫn bị truy kích, phải chạy đến cửa biển Đại
Nha (nay thuộc thôn Độc Bộ xã Yên Nhân huyện Ý Yên).
Hiện nay, ở thôn Ba thị trấn Nam Giang vẫn còn những dấu
tích của lần Triệu Việt Vương dừng chân như: khu đất An Mã Chiến - nơi quan
quân cho ngựa ăn cỏ, uống nước; nơi ngựa chạy gọi là Mã Khởi, phía Đông Nam
làng có đường Mã Chạy, doanh trại quân lính xưa là khu Cầu Cửa... Sau khi Triệu
Việt Vương mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, nhân dân thôn Cẩm Nang đã
lập đền thờ ngay trên khu đất mà ông đã dừng chân.
Một số tư liệu còn lưu giữ tại đền ghi khá cụ thể việc thiết
lập hành doanh của Triệu Việt Vương tại thôn Cẩm Nang, xã Chân Nguyên nay là
thôn Ba, thị trấn Nam Giang.
Bài văn tế Thánh Triệu Việt Vương có đoạn
ghi:
“…
Long trảo thần uy
Tảo trừ xâm lược
Bắc thoái lương binh
Nam bình Lâm ấp
Nhất thống sơn hà
Bảo toàn lãnh thổ
Cẩm Nang trú mã
Độc Bộ hiển linh
Công quán cổ kim
Đức thùy hậu thế”.
Câu đối tại đền Giáp Ba cũng đã ghi sự kiện đóng quân
của Triệu Việt Vương tại đất Cẩm Nang, xã Chân Nguyên như sau:
“Dạ Trạch chung linh, cự tích trường lưu Cẩm địa
Nam Bang hiển thánh, từ ân phổ cập Chân thiên”.
(Đền Dạ Trạch nổi tiếng thiêng liêng, sự tích lớn lao còn tồn
tại nơi đất Cẩm Nang
Nước Việt rõ ràng bậc thánh, Công ơn rộng khắp trời Chân
Nguyên).
Một số sách chữ Hán khác có ghi lại về tục lệ và các dòng họ
về thôn Cẩm Nang cũng có dòng.
“ Mã tích dẫn tự Sơn Tây hoàn chí Chân
Nguyên xã, địa phương trú mã viết thử khả”( Dấu ngựa về Chân Nguyên, dừng ngựa
trú chân). Sách chữ Hán “Bản thân trùng tu Miếu vũ” nói về tu sửa đền có đoạn
viết: “…Ngập lập lâu đài. Cẩm Nang miếu, kỳ trú mã xứ dã ngã ấp…” Nghĩa là: Lập
đền đài ở Cẩm Nang là nơi dừng ngựa ấp ta ( chỉ vua Triệu).
Những dấu tích, địa danh, thư tịch còn
lưu giữ tại Đền, nhất là truyền thuyết tại địa phương nói về sự việc rút quân của
Triệu Việt Vương là bằng chứng khẳng định bước chân của Triệu Việt Vương trong
những ngày chinh chiến, đã lập hành doanh ở Cẩm Nang trước khi người đến Độc Bộ
tuẫn tiết, kết thúc thời kỳ oanh liệt, hết lòng vì dân vì nước của ông, đồng thời
nói lên tình cảm của nhân dân Cẩm Nang đối với ông.
Triệu Việt Vương qua đời, nhân
dân thôn Ba đã lập đền thờ ông với qui mô lớn, cùng nhiều đồ tế tự rất nghiêm
trang lộng lẫy. Trải qua nhiều triều đại phong kiến, đền thôn Ba đều được phong
sắc phụng sự;đạo sắc niên hiệu Gia Long cửu niên (1810) có nội dung ghi như sau
:
“ Sắc chỉ cho thôn Cẩm Nang, xã Chân Nguyên, huyện Nam Chân
cùng cả thôn, viên chức trong thôn. Từ trước thôn này phụng thờ Triệu Việt
Vương, các triều đại đã từng tôn kính. Gia tặng thôn mỹ tự đẹp đẽ, nay chuẩn
cho địa phương theo như nếp cũ, kính thờ để tỏ lòng mến mộ”
Văn bia niên hiệu Tự Đức thứ 28 (1876) ghi việc đúc tượng
Vua Triệu Việt Vương nội dung có đoạn “...Vị tôn thần thượng đẳng, do khí
núi sông tạo nên, tài kiên văn võ, là Tả tướng quân của vua Triều Lý... dấy
quân nơi Dạ Trạch, dẹp loạn nhà Lương lên ngôi Thiên Tử, đóng đô ở Long Biên rồi
Vũ Ninh, sau chiến đấu ở Độc Bộ và mất ở đó... làng ta công việc thờ tự từ xưa
đến nay đã thành nề nếp, người vật bình yên, thịnh vượng cũng đều là do công đức
của thần...”.
Ngôi đền thờ
Triệu Việt Vương quay hướng Nam, gồm 4 toà chính và 2 toà giải vũ theo kiểu
nội chữ Đinh ngoại chữ Quốc. Công trình được xây dựng trên một dải đất cao ráo,
rộng rãi, có hệ thống Tiền đình, có hồ nước phía trước cân đối, tạo thành những
hạng mục hài hoà, một tổng thể bố cục chặt chẽ, theo trục đối xứng hợp lý.
Tiền đường
có 5 gian làm dạng mái cong, tứ trụ với hệ thống con rường, bẩy tiền, bẩy hậu,
kẻ góc và lớp xà lòng, xà nách, trụ, đấu có tỷ lệ thích hợp. Tiền đường được
trùng tu từ đời vua Đồng Khánh 2 (1887) với hệ thống đao, tàu mái cong còn bảo
lưu phong cách thời Hậu Lê.
Để làm tăng vẻ đẹp cho mặt chính diện và làm cho nơi thờ tự
được tôn nghiêm, tại tiền đường có 3 bức cửa võng, Bức cửa võng ở gian chính giữa
chạm thông phong với cảnh lưỡng Long chầu Nguyệt, Phượng chầu theo các kiểu
dáng khác nhau, hai bên cũng chạm thông phong hoạ tiết mai hoá, trúc hoá.
Cung đệ nhị quay dọc, được làm kiểu mái cong, cũng có bẩy kẻ,
con rường, đấu trục và đạo mái uốn lượn như toà tiền đường. Phía sau được làm
giao mái, bắt vần với chính cung. Tại cung đệ nhị, phần chạm khắc được chú ý
trên đôi bẩy và đôi xà dọc với những hoạ tiết rồng chầu, rồng bay trong mây, cá
hoá long,.. nghệ thuật rất đa dạng. Chính cung được làm theo phong cách cổ truyền,
với lối kiến trúc xà nằm trên hệ thống cột đá và các vì kèo, trục thanh thoát.
Hai dãy dải
vũ làm có phần đơn giản, nhưng toà tiền các phía trước đền thờ làm công phu;
công trình có dáng dấp mái cong, hệ thống cột, xà, bẩy, kẻ rất đồng bộ, kích cỡ
tương đối lớn, đồng thời được gia công chạm khắc hoa lá cách điệu, long hoá sắc
nét, uyển chuyển trên các xà, bẩy. Đây là công trình thánh ngự trong các ngày đại
lễ, các ngày làng vào đám.
Ngay bên cạnh đền thờ vua Triệu Việt Vương còn có hai ngôi đền
thờ quan Đoàn Tướng Công và Đoàn Công Thưởng. Đây là hai danh nhân sống ở thế kỷ thứ
18, thuộc dòng dõi họ Đoàn ở Cẩm Nang. Sinh thời hai ông đã từng đảm nhận nhiều
trọng trách của Triều đình.
Trong đó, Đoàn Công Thưởng còn gọi là Đoàn Quận Công, đã được
phong tới chức Tổng thái giám, cai quản đề đốc Thị quận công dưới thời vua Lê Dụ
Tông (1740-1786). Đối với quê hương, hai ông đã để lại nhiều công lao đóng góp.
Do đó, lăng mộ cũng như đền thờ hai ông được nhân dân thôn giữ gìn, hương khói,
tôn kính là phúc thần của làng.
Câu đối ở đền Thờ Đoàn Công Thưởng
có ghi:
“ Trung cần tự cổ lưu danh sử
Nhân đức vu kim ký thạch văn”.
( Trung thành, chăm chỉ từ xưa đã ghi chép trong sử sách
Lòng nhân đức còn mãi đến ngày nay, vẫn còn tạc trên bia đá)
Đền thờ Đoàn Tướng Công và Đoàn Quận Công
Ngôi đền thờ
Đoàn Quận Công và Đoàn Tướng Công cũng được thiết kế kiểu chữ Đinh. Tại ngôi đền
này còn lưu giữ những mảng chạm khắc hoa lá, lân ly với những kiểu dáng sinh động,
mềm mại mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ 19). Ngôi đền Đoàn Quận
Công và Đoàn Tướng Công nằm bên cạnh đền thờ Triệu Quang Phục đã hợp thành một
tổng thể kiến trúc, làm tăng thêm vẻ đẹp cho khu di tích thôn đền thôn Ba.
Tượng đá và Ngựa đá ở đền thờ Quận công Đoàn Công Thưởng
Đền Giáp Ba bao gồm một tổng thể có 10 toà với 30 gian lớn nhỏ thiết kế theo phong cách cổ truyền.
Tại đây có 2 toà mái cong làm theo phong cách thời Hậu Lê. Đền có lưu giữ được nhiều đồ thờ tự, sắc phong, câu đối, tượng pháp, linh vật, … có giá trị cao về nghệ thuật. Đặc biệt là bia đá có niên đại gần 250 năm, giá trị khoa học được phản ánh trong các văn bia cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin phục vụ cho việc tìm hiểu về làng xã, cùng chức quan, chế độ ruộng đất… ở thế kỷ 18.
Hàng năm, cứ vào dịp kỵ thánh (14/8 âm lịch), nhân dân thôn Ba tổ chức lễ hội rất lớn ngay tại đền thờ Triệu Việt Vương. Trong làng có 18 giáp thì cả 18 giáp có trách nhiệm tham gia lễ rước kiệu cỗ của giáp mình lên đền vào sáng ngày 14/8. Kiệu cỗ bao gồm cỗ ngọc là cỗ mặn bên trên và cỗ xén là cỗ hoa quả, bánh trái xếp ở bên dưới. Trong lễ hội có tổ chức thi làm bánh dày, bánh chưng, tổ chức các trò chơi dân gian như: đấu vật, cờ người và kéo chữ’…
Sưu tầm và biên soạn: Trần Duy Huyền
Ảnh: Phạm Ngọc Thịnh
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Nam Định