Cụm di tích Đền Trong, Đền Ngoài và Chùa Bà Tề ở Làng Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội, thờ phụng công chúa Ngọc Phi triều đại An Dương Vương, tên nôm được gọi là Bà Tề.
Chùa còn có tên gọi là Chùa Đại Bi. Nhưng chuyện là từ thời
An Dương Vương, công chúa Ngọc Phi, người có nhiều công lao với đất nước, đã
sinh ra ở đây, đến cuối đời cũng mất tại chùa. Nên đây mới có hai đền một chùa.
Hiệp Thuận là một xã thuộc huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Xã có
diện tích 7,43 km², dân số năm 1999 là 8.599 người, mật độ dân số đạt 1.157 người/km².
Chùa Hiệp Thuận tọa lạc gần đình và đền làng, cách BĐX Bờ Hồ khoảng 27km
về phía tây bắc. Chùa có tên chữ Đại Bi Tự, thường gọi chùa Bà Tề, do phiên
âm một từ tiếng Chăm gốc Phạn, có thể từ Padmâ nghĩa là hoa sen.
Một số tài liệu cho biết chùa thành lập từ thời Tiền Lê.
Căn cứ vào niên đại hoặc phong cách của các hiện vật, đồ tế khí, tượng
Phật và những trang trí nghệ thuật khác như những chân tảng đá xanh chạm 16
cánh sen ở thượng điện, có thể đoán chùa được xây dựng khoảng thế kỷ XVII.
Sau đó chùa đã trải qua hai lần trùng tu, sửa chữa lớn vào thời Nguyễn.
Chính điện chùa Hiệp Thuận.
Nhiều bài giả thiết cho rằng tên Bà Tề tức là phiên tiếng
Chăm gốc Phạn (lấy từ Padma) nghĩa là Hoa Sen nên gọi Chùa Bà Tề. Các cụ già
trong làng kể rằng: thời An Dương Vương có nàng công chúa Ngọc Phi sinh ra ở
nơi đây và về sau bà cũng mất tại chùa này. Để tưởng nhớ công lao của
công chúa, dân làng đã gọi ngôi chùa của mình bằng cái tên Nôm là “Bà Tề”.
Hành lang chùa Hiệp Thuận.
Năm 1990, chùa Bà Tề (cùng đình, đền Hiệp Thuận) đã được Bộ
Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Chùa Bà Tề hiện nay nhìn chếch về phía tây nam và có
mặt bằng xây dựng theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Từ ngoài vào trong
gồm cổng chùa và các toà tiền đường, thiêu hương, thượng điện, hai bên là
hành lang, tất cả có 15 bộ cửa bức bàn. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.
Toà tiền đường rộng 3 gian, 2 chái với bộ khung gồm bốn
hàng cột tròn và kết cấu bộ vì làm kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ”. Toà thiêu
hương nằm dọc, nối tiền đường với thượng điện bằng những bộ vì cũng làm theo
kiểu “thượng rường, hạ kẻ” và 4 hàng chân cột tròn dưới kê tảng đá xanh. Toà
thượng điện cũng có kiến trúc khá giống tiền đường.
Di vật
Bên trong chùa hiện bài trí khoảng 70 pho tượng đất nung,
sơn son thếp vàng. Một số pho tượng tròn có nhiều phiên bản khác nhau,
như: 05 tượng Thích Ca sơ sinh, 02 tượng Cửu Long, 02 tượng Ngọc Hoàng, 02
tượng Đức Ông, 02 tượng Thánh Hiền, 02 tượng Quan Âm Chuẩn Đề, 02 bộ tượng
Văn Thù, Phổ Hiền, v.v… Đặc biệt bộ tượng Tam Thế Phật được làm bằng gỗ và
tạc theo phong cách nghệ thuật điêu khắc Champa, mỗi pho cao 93cm, rộng
63cm, đặt trên bệ tượng cũng mang phong cách Champa. Ngoài ra cũng đáng chú
ý các pho tượng Như Lai, A Di Đà, Quan Âm Nam Hải và nhiều hoành phi, câu
đối.
Chùa còn có quả đại hồng chung khắc 4 chữ Hán “Bà Tề Tự
Chung” đúc năm Gia Long thứ 12 (1813) và chiếc khánh Bà Tề đúc năm Minh Mạng
thứ 3 (1822) rộng 137cm, cao 109cm.