Cụm di tích Đình - Chùa Quan Đình là ngôi đình cổ, thờ phụng thờ Đức Thánh Tam Giang và thần Cao Sơn. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, đình được Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam xếp hạng vào ngày 18/1/1988 số 28/VH-QĐ.
Cụm di tích đình-chùa Quan Đình, hiện thuộc địa phận thôn
Quan Đình, xã Văn Môn, huyện Yên Phong,
tỉnh Bắc Ninh. Ngôi đình nằm ở giữa làng, dựng theo hướng
tây-nam, xung quanh là khu dân cư đông đúc, cũng như bao ngôi đình khác, Làng
Quan Đình nay thuộc xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, thời Nguyễn là
xã Văn Môn, tổng Mẫn xá, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đình làng là một công trình tín ngưỡng văn hóa của dân tộc,
nơi thờ thành hoàng làng là 4 vị thần: Tam Giang khước địch Đại Vương (tức
Trương Hống), Tam Giang uy địch Đại Vương (Trương Hát) , Cao Sơn Đại Vương, Thổ
thần.
Thánh Tam Giang
Theo truyền thuyết thánh Tam Giang: Ngày xưa ở làng Vân Mẫu,
thành phố Bắc Ninh có một người con gái tên là Phùng Từ Nhan. Năm 18 tuổi, Từ
Nhan chiêm bao thấy thần Long từ trên trời hạ xuống quấn mình trên sông Lục Đầu,
sau đó bà mang thai 14 tháng và sinh hạ được cái bọc 5 con: 4 trai 1 gái. Do là
con trời ban cho nên bà lấy họ Trương của Ngọc Hoàng đặt cho các con là Trương
Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và Trương Đạm Nương.
Thời gian sau đó, Ngọc Hoàng sai Lã Tiên Ông xuống trần dạy
văn võ cho 5 người con tại bãi Tràng Học gần nhà Cổ Trạch. Năm an hem đều văn
võ song toàn, lớn lên hưởng ứng lời kêu gọi của Triệu Việt Vương, họ xung phòng
làm tướng tiến đánh giặc Lương ở đầm Dạ Trạch và giành thắng lợi lớn.
Trương Hống được phong tướng trấn giữ làng Tiên Tảo (Sóc
Sơn, Hà Nội), Trương Hát được phong tướng trấn giữ làng Tam Lư (Từ Sơn, Bắc
Ninh).
Khi Triệu Quang Phục lên ngôi vua, Lý Phật Tử đã đem quân
đánh lại nhưng không thắng, bèn dùng kế cầu hôn gả con. Trương Hống và Trương
Hát đã can Triệu Việt Vương nhưng Vua không nghe nên bị mắc mưu rồi bị đánh bại.
Lý Phật Tử đoạt được ngôi vua, biết các ông là tướng tài giỏi
bèn cho người mời ra làm quan. Song các ông nhất lòng trung quân, mắng lại rằng:
“Tôi trung chẳng thờ hai vua, huống hồ hắn là kẻ vong ơn bội nghĩa?” Biết không
thể khuất phục được, Lý Phật tử lệnh truy bắt các ông khắp nơi. Các ông biết
không thoát được liền tự vẫn ở dòng sông Cầu để giữ trọn tấm lòng trung với
vua.
Ngọc Hoàng Thượng đế cảm thương đã sắc phong Trương Hống,
Trương Hát làm thần sông. Nhân dân 372 làng dọc theo sông Cầu và các nơi hai
ông từng đóng quân đánh giặc đều thương tiếc, lập đền thờ làm Thần.
Các triều đại nhà Ngô, Đinh, Lê, Lý sau đó được âm phù giữ
yên bờ cõi nên đều phong anh em họ Trương là Đức thánh Tam Giang - đại vương
thượng đẳng thần. Thánh Tam Giang còn gắn liền với huyền thoại ra đời tác phẩm
Nam quốc sơn hà, bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của người Việt.
Thần Cao Sơn
Thần Cao Sơn hay Cao Sơn đại vương được thờ ở đình Quan Đình
là Thần Cao Sơn thời Hùng Vương thứ nhất. Đây cũng là vị thần được thờ ở đình
Kim Liên ở Hà Nội, một trong Thăng Long tứ trấn và đền Cao Sơn ở Hoa Lư tứ trấn
Ninh Bình. Thần Cao Sơn là một trong 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, được
phong chức Lạc tướng Vũ Lâm, cai quản vùng núi phía Tây Ninh Bình. Đền thờ chính
của thần ở huyện Phụng Hóa, nay là đền Láo ở xã Văn Phú, Nho Quan, Ninh Bình.
Vị nhân thần có công phù trợ quân Lê Tương Dực diệt được Uy
Mục, sau được dân làng Kim Liên rước về thờ và được phong là Cao Sơn đại vương
trấn phía Nam kinh thành. Ở Ninh Bình, thần Cao Sơn được thờ ở nhiều di tích
thuộc vùng núi Nho Quan - Tam Điệp và là vị thần trấn trạch phía tây Hoa Lư tứ
trấn.
Theo như thần phả các đền thờ Cao Sơn ở Ninh Bình như: đền
Núi Hầu (Yên Thắng -Yên Mô), đền Quảng Phúc (Yên Phong - Yên Mô), đền Quèn Thờ
(Đông Sơn - Tam Điệp), đền Láo (Văn Phú, Nho Quan), đền Sơn Thần (Gia Thủy -
Nho Quan), Đình Hương Thịnh (Phú Lộc, Nho Quan), đền Vô Hốt (Lạc Vân, Nho
Quan), miếu Cao Sơn, (Kỳ Phú, Nho Quan), đền Gối Đại (Ninh Hải Hoa Lư) và đền
Cao Sơn (khu núi chùa Bái Đính) thì Cao Sơn đại vương là Lạc tướng Vũ Lâm (tức
vùng núi phía tây Ninh Bình ngày nay nên còn được gọi là vị thần tây trấn Hoa
Lư tứ trấn), con thứ 17 vua Lạc Long Quân, khi vâng mệnh vua anh (Hùng Vương thứ
nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây
thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang
lang (dân địa phương vẫn gọi là cây quang lang hay cây búng báng).
Thần đã dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời
bảo vệ khỏi các thế lực phá hoại vì vậy đã được nhân dân lập nhiều đền thờ.
Kiến trúc
Đình Quan Đình khởi thuỷ chỉ gồm 1 toà Đại đình hình chữ Nhất
được dựng vào niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 (1773) tức năm Quý Tỵ. Đến thời nhà
Nguyễn, niên hiệu Minh Mạng thứ 18 (1837), đình được tu sửa (dấu vết hiện
còn được lưu ở cột cái gian giữa Đại đình) và tiếp tục xây thêm ống muống và Hậu
cung. Do vậy, hiện nay mặt bằng tổng thể đình được kết cấu hình chữ
"Công" (bao gồm: Đại đình, ống muống, Hậu cung).
Với diện tích 10,9 x 26,0 m, Đại đình được kết cấu với 5
gian 2 chái, 1 tầng 4 mái, 6 hàng chân cột. Như vậy, đình Quan Đình được dựng
vào năm 1773 cho đến nay đã qua nhiều lần tu sửa, nhưng vẫn còn giữ lại được
nguyên những hiện trạng của lần khởi dựng ban đầu, với những mảng chạm khắc
trang trí ở vì nách, bảy hiên, vì hồi.
Đình làng ngoảnh hướng Tây Nam nhìn ra dòng sông thiếp xưa,
một con sông cổ chảy trên một vùng đất cổ, một thời rợp bóng tinh kỳ, thuyền bè
ngược xuôi tấp lập về kinh thành Cổ Loa. Ngôi đình cổ đứng bên dòng sông cổ đã
gợi cho ta những huyền thoại ngời sáng về sự vất vả khó nhọc và đức hy sinh cả
của tổ tiên, của dân tộc trong thời kỳ dựng nước và giữ nước .
Hình dáng ngôi đình gợi cho người tham quan sự hấp dẫn bởi
cái bề thế, rộng rãi của nó, bởi các họa tiết trang trí cổ kính và đặc biệt những
nụ cười đã được các nghệ nhân dân gian đã gắn với những con giống, làm cho ngôi
đình thực sự gần gũi và dân dã.
Với Đao đình lượn cong hình cánh cung, mái ngói rêu phong mềm
mại, nóc đình không theo mô tuýp như những ngôi đình khác, mà bờ giải, bờ nóc
được tạo hình hoa chanh cách điệu thông thoáng và vững chắc. Theo một số cuốn
sách để lại, Đình nguyên xưa có ba tòa: Tòa Tiến Tế, Tòa Đại đình và hậu cung.
Ngày nay tòa Tiền tế không còn nhưng dấu ấn vân còn để lại
là nền nhà của tòa Tiền tế, với giải bờ bao quanh, bó gạch với các hàng chân tảng
bằng đá xanh, minh chững cho thấy đây là một ngôi nhà dài tới bảy gian, với
25,8 mét., lòng rộng 7m60 và có diện tích gần 200 m2.
Dẫu tòa Tiền tế đã mất, Tòa Đại đình còn lại hiện nay có quy
mô thật rộng lớn, đồ sộ, bước vào cửa đình chúng ai cũng phải choáng ngập trước
cái mênh mông của không gian nội thất, cái vững chắc của lối kiến trúc cổ, cái
tinh xảo của họa tiết trang trí bằng trạm gỗ.
Chiều dài trong lòng của Tiền đình là 25,8m, chiều rộng tới
10m70. Nếu tính cả hiên và tường phủ bờ hai đầu hồi và tường hậu, tòa Đại đình
dài 26,6m, rộng 12,2m. Nếu vậy tính cả hậu cung, ngôi đình có diện tổng diện
tích là 418m2.
Trong làng không ai còn nhớ được niên đại của ngôi đình, duy
nhất chỉ còn một cái nóc gian cạnh tòa Đại đình ghi lại được năm sửa chữa là
năm cảnh hưng thập tứ thiên (1753). Theo một số tài liệu nghiên cứu, Căn cứ vào
phong cách điêu khắc của các đầu dư, các bức cốn, các con trồng, và lối kiến
trúc đầu đình cho rằng ngôi đình có thể được xây dựng vào thế kỷ 17, thời kỳ mà
xuất hiện khá nhiều ngôi đình đẹp ở xứ Kinh Bắc.
Về điêu khắc, trừ có hệ thống xà dọc, thì tất cả sáu vì của
năm gian tòa Đại đình, từ cốn, đầu dư, con trồng, cửa võng đều được trạm lộng
tuyệt vời, với những tác phẩm điêu khắc gỗ rất độc đáo.
Bằng bàn tay và trí óc, nghệ nhân dân gian đã tận dụng từng
khoảng gỗ nhỏ để thể hiện tài hoa của mình. Tất cả hòa hợp lại, bổ xung cho
nhau, họa tiết này tôn thêm vẻ đẹp của họa tiết kia, tạo nên sự phong phú và đa
dạng, phối hợp rất ăn ý với kết cấu kiến trúc chồng dấu, làm cho ngôi đình trở
thành một công trình nghệ thuật kiến trúc hoàn chỉnh, cổ kính.
Ở đình Quan Đình, ta còn bắt gặp nhiều bức điêu khắc độc lập,
không gian nằm trong bốn con vật tứ linh; Bông hoa sen cách điệu ở vì thứ 5
phía sau, hổ nằm ở vì thứ 2 phía sau, nghê cười trên xà ngang hồi bên phải, cá
chép ngậm hoa sen ở vì phía sau… Đây là những bức tranh độc lập, mang một chủ đề
riêng biệt, những đường nét chạm khắc thật khéo léo, mềm mại thể hiện một nghệ
thuật trang trí điêu luyện, làm tăng tính hấp dẫn khi đến thăm đình.
Bên cạnh những họa tiết điêu khắc trang trí truyền thống của
dân tộc, ta còn bắt gặp ở ngôi đình một số hình ảnh mang dáng dấp của văn hóa
Chàm như điêu khắc ma ca ra cách điệu trên con rồng đằng trước … Những bức trạm
khắc này mang đến cho ngôi đình một vẻ cổ kính, sinh động hấp dẫn, minh chứng rằng
nhân dân Quan Đình, người chủ sáng tạo ra ngôi đình đã có sự tiếp thu, chọn lọc
văn hóa khá tinh tế.
Đình Quan Đình là công trình kiến trúc cổ, vừa có giá trị lịch
sử, vừa có giá trị nghệ thuật sâu sắc. Giá trị lịch sử ở đây cũng như bao ngôi
dình khác ở Bắc Ninh – Kinh Bắc và trên khắp đất nước ta.
Đó là nơi lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật có giá trị phản
ánh về việc thờ phụng những vị thần có công với nước với dân: Thần tích, Sắc
phong, bài vị, câu đối, hoành phi, đại tự. Giá trị kiến trúc, điêu khắc của
đình đặt trong bối cảnh điêu khắc kiến trúc chung của quê hương – đất nước là một
công trình khá điển hình.
Với những giá trị cơ bản đó, đình làng Quan Đình đã được nhà
nước công nhận xếp hạng, cấp bằng di tích lịch sử văn hóa ngày 21 tháng 01 năm
1998. Tất cả những điều ấy là dấu ấn tuyệt vời cho các thế hệ mai sau hiểu
và cảm được không khí sinh hoạt của cộng đồng làng xã thời xưa, đồng thời là bản
sắc của nền kiến trúc cổ Việt Nam – một bản sắc văn hóa và lịch sử sâu sắc nhất.
Cứ vào dịp đầu xuân hàng năm, ngay 10 tháng giêng âm lịch tại
đình làng người dân trong làng lại tưng bừng đón hội, người dân trong làng lại
lên đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành Hoàng và Trời Đất giúp cho
mưa thuận gió hòa, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành.
Mùa xuân đến, sân đình trở thành nơi diễn ra nhiều trò chơi
dân gian như: Chơi cờ người, đấu vật, chọi gà, múa hát giao duyên…thu hút đông
đảo quần chúng nhân dân địa phương vào những sinh hoạt văn hóa văn nghệ vui
tươi lành mạnh sau những ngày mùa lao động vất vả.
Với những nét văn hóa đậm đà bản sắc của một vùng quê Việt
Nam giàu truyền thống, Đình làng Quan Đình đã trở thành một công trình kiến
trúc nghệ thuật lâu đời, là những thiết chế văn hóa cộng đồng sâu sắc, ở đó đã
kết tinh sự cổ kính, trù phú và văn hiến lâu đời của làng quê Quan Đình.
Chùa làng Quan Đình
Chùa làng Quan Đình xưa thuộc tổng Mẫn Xá, huyện Đông Ngàn,
phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc
Ninh). Chùa có niên đại khởi dựng từ lâu đời, sang thời Lê Trung Hưng được mở rộng
với quy mô lớn gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc cùng hệ thống tượng phật
đồ sộ.
Chùa làng Quan Đình còn có tên chữ là “Kim Cương tự”, nằm
chung khuôn viên với đình làng, mặt chính hướng Tây Nam, toàn bộ công trình kiến
trúc hiện nay gồm các hạng mục: Tam quan, Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu... Toà Tam bảo
là công trình khá đồ sộ có mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh, liên kết 7 gian Tiền
đường và 3 gian Thượng điện. Bộ khung chịu lực làm bằng gỗ tứ thiết, liên kết giữa
các bộ vì kèo kết cấu theo kiểu “con chồng giá chiêng”, “tiền bẩy hậu bẩy”.
Vẻ ngoài của chùa làng Quan Đình xưa.
Nghệ thuật chạm khắc tập trung chủ yếu ở hệ thống bẩy tiền
trang trí họa tiết hoa văn mây lửa mang phong cách nghệ thuật thời Lê - Nguyễn.
Tại chùa làng Quan Đình hiện còn lưu giữ được nhiều di vật cổ có giá trị về mặt
lịch sử, văn hóa và mỹ thuật, tiêu biểu như: hệ thống tượng Phật phong phú, đa
dạng chất liệu bằng gỗ sơn son thếp vàng, phần lớn có niên đại thời Nguyễn. Các
bức đại tự, câu đối, hương án gỗ, nồi hương gốm sứ, nồi hương đồng.
Trong đó đặc biệt giá trị nhất là quả chuông đồng “Kim Cương
thiền tự”, đúc vào năm 1794 dưới thời Tây Sơn hiện đang treo tại tam quan chùa
Kim Cương. Chuông màu xanh gỉ đồng có kích thước khá lớn cao toàn bộ 105cm
(riêng quai cao 26cm), đường kính miệng 56cm, chu vi thân 147cm. Quai chuông là
một đôi bồ lao đấu lưng vào nhau 4 chân ôm lấy thân chuông, đuôi hướng lên phía
trên đỡ quả hồ lô.
Bảng sơ lược lịch sử của chùa.
Bồ lao có đầy đủ các bộ phận như: râu, tóc, sừng, đao lửa,
miệng há rộng ngậm ngọc, thân và chân có vẩy. Vai chuông hơi vuông, thân phình,
miệng loe rộng, gờ miệng giật cấp bề mặt để trơn không trang trí. Toàn thân
chuông chia làm 8 ô (4 trên, 4 dưới), ngăn cách giữa các ô là những đường chỉ nổi
(gân chuông) gồm 5 đường ngang và 5 đường dọc, đường ở giữa to hơn hai đường
bên cạnh. Xung quanh thân chuông (vị trí đường gân ngang) có 4 núm đánh đối xứng
nhau hình tròn nổi cao, đường kính 11,5cm, mỗi núm đính 22 hạt tròn.
Trên vai chuông khắc chìm 4 chữ Hán lớn: ‘‘Kim Cương thiền tự’’
và bài minh chữ Hán, tất cả khoảng hơn 200 chữ, kiểu chữ chân phương còn rất rõ
nét. Nội dung toàn bộ bài minh được dịch như sau: “Bài minh ghi chép hoàn thành
việc đúc chuông chùa Kim Cương. Từng nghe! Từ khi Đức phật Giác Hoàng cầu hiền
đã lưu truyền sự tích thánh Không Lộ cùng sự tích An Nam tứ khí trên đất Việt
ta.
Trong chùa âm thanh của chuông được tôn trọng làm pháp hiệu
để thỉnh đức Phật cứu giúp cõi trần tục. Nghe thấy âm thanh của chuông là để
giác tỉnh, tu niệm, hạnh ngộ được nhân tâm. Công việc đúc chuông được hoàn
thành thuận lợi nhờ vào sự kết hợp hài hòa giữa lòng người, tiền của, công sức,
tất cả mọi việc đều được an toàn, đến khi xong việc lại thiết đàn cáo tế sự đã
thành.
Đức Phật, thánh thần phù trì, âm dương soi xét nên việc nấu
đồng đúc chuông đã hoàn thành viên mãn đến vạn cổ còn tồn tại, thiên thu vững bền
phúc ấm, người người được hưởng vui mừng phồn thịnh. Nghe rằng các vị Quan
viên, Sắc mục, Trùm trưởng cùng toàn thể lớn bé trên dưới tại hai thôn Phù Xá,
Nghiêm Xá, xã Lan Đình, huyện Đông Ngàn cùng hưng công đúc chuông.
Trụ trì bản tự Chiếu Đăng hưng công đúc chuông. Vũ phần Đội
trưởng Đông Minh hầu người huyện Đông Ngàn hưng công đúc chuông và các vị Thái
ông, Lão bà, Thiện nam, Tín nữ cùng hưng công đúc chuông”. Phần cuối là dòng lạc
khoản cho biết chuông được đúc vào ngày 17 tháng 3 năm Cảnh Thịnh 2 (1794).
Quả chuông đồng ở chùa làng Quan Đình là một di vật cổ quan
trọng đóng góp cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình chuông đồng đúc vào
triều Tây Sơn (1788 - 1802) còn bảo lưu được đến ngày nay.
Tỉnh Bắc Ninh hiện có số lượng chuông đồng đúc dưới thời Tây
Sơn 20 quả. Điều này góp phần minh chứng Bắc Ninh là địa phương có mật độ phân
bố chuông thời Tây Sơn khá “đậm đặc” so với các tỉnh khác trên vùng đồng bằng
châu thổ Bắc Bộ.
Hà Trang