Cụm di tích đình – chùa Tình Quang, đình Tình Quang thờ phụng vua Lý Nam Đế, danh tướng Đinh Điền và vua Lý Chiêu Hoàng – những nhân vật lịch sử, đồng thời là những vị Thành hoàng gắn liền với lịch sử - văn hóa của vùng đất này. Chùa Tình Quang thờ Phật.
Hai làng Tình Quang và Quán Tình tuy quy mô và thời điểm
hình thành khác nhau nhưng mỗi làng đều có một ngôi chùa và một ngôi đình làm
nơi hội họp, tế lễ, bàn bạc các công việc chung.
Trước đây mỗi làng đều có khu Văn chỉ, nơi thờ đức Khổng Tử
và dựng các văn bia ghi tên những người có học hành, đỗ đạt của làng. Làng Tình
Quang trước đây có một số gia đình tự lập điện thờ Đức thánh Trần như nhà cụ
Tranh, cụ Khiếu, cụ Điển Bẩy... Đây là một nét đẹp truyền thống thể hiện đạo lý
uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ đến công lao của những người đã có công với nước
của người dân nơi đây.
ĐÌNH TÌNH QUANG
(PHƯỜNG GIANG BIÊN, QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI)
Đình Tình Quang là tên gọi của di tích theo địa danh - làng
Tình Quang xưa, nay thuộc phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Làng Tình Quang, xưa có tên Nôm là Vịa hay Vịa Cống. Tương truyền, từ khoảng thế
kỷ VI, vùng đất này thuộc địa bàn hoạt động của nghĩa quân (vua) Lý Bí, người
đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống ách đô hộ nhà Lương.
Tại đây, ông đã chiêu mộ nhiều trai tráng, dân đinh trong
vùng gia nhập lực lượng nghĩa quân, đánh tan quân giặc lập nên nước Vạn Xuân, mở
đầu cho nền độc lập tự chủ ở nước ta. Sau khi ông mất, dân làng Tình Quang đã
cùng nhau lập đền và hương khói phụng thờ đến tận ngày nay… Ngoài vua Lý Nam Đế,
đình Tình Quang còn phối thờ danh tướng Đinh Điền và vua Lý Chiêu Hoàng - Đó là
các nhân vật lịch sử, đồng thời là những vị Thành hoàng gắn liền với lịch sử -
văn hóa của vùng đất này.
1. Về Thành hoàng làng
1.1. Lý Nam Đế
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua họ Lý, tên húy là Bí, người
Thái Bình [phủ] Long Hưng. Tổ tiên là người Bắc, cuối thời Tây Hán khổ về việc
đánh dẹp, mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam. Vua
có tài văn võ, trước làm quan với nhà Lương, gặp loạn, trở về Thái Bình. Bấy giờ
bọn thú lệnh tàn bạo hà khắc, Lâm Ấp cướp phá ngoài biên, vua dấy binh đánh đuổi
được, xưng là Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên.
Tân Dậu, năm thứ 1 [541], (Lương Đại Đồng năm thứ 7). Thứ sử
Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư, vì hà khắc tàn bạo, mất lòng người. Vua vốn
con nhà hào trưởng, thiên tư lỗi lạc, làm quan không được vừa ý. Lại có người
là Tinh Thiều giỏi từ chương từng đến [kinh đô nhà Lương] xin được chọn làm
quan. Thượng thư bộ Lại nhà Lương là Sái Tôn cho rằng họ Tinh trước không có ai
hiển đạt, nên chỉ bổ cho chức Quảng Dương môn lang.
Thiều lấy làm nhục, trở về làng, theo vua mưu việc dấy binh.
Vua bấy giờ làm chức Giám quân ở châu Cửu Đức, nhân liên kết với hào kiệt mấy
châu, đều hưởng ứng. Có Triệu Túc tù trưởng ở Chu Diên phục tài đức của vua,
bèn dẫn đầu đem quân theo về. Tiêu Tư biết việc, đem của đến hối lộ cho vua, rồi
chạy về Quảng Châu. Vua ra chiếm giữ châu thành (tức là Long Biên).
Nhâm Tuất, năm thứ 2 [542], (Lương Đại Đồng năm thứ 8). Mùa
đông, tháng 12, vua Lương sai Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng sang xâm chiếm. Quýnh lấy cớ
là chướng khí mùa xuân đương bốc, xin đợi đến mùa thu. Bấy giờ Thứ sử Quảng
Châu là Tân Dụ hầu Hoán không cho, Vũ Lâm hầu cũng thúc giục. Bọn Tử Hùng đi đến
Hợp Phố, 10 phần chết đến 6, 7 phần, quân tan rã mà về. Tiêu Tư tâu vua [với
vua Lương] rằng Quýnh và Tử Hùng dùng dằng không chịu đi, đều bị buộc phải tự tử.
Quý Hợi, năm thứ 3 [543], (Lương Đại Đồng năm thứ 9). Mùa hạ,
tháng 4, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua sai tướng là Phạm Tu đánh tan ở Cửu
Đức.
Giáp Tý, [Thiên Đức] năm thứ 1 [544], (Lương Đại Đồng năm thứ
10). Mùa xuân, tháng giêng, vua nhân thắng giặc, tự xưng là Nam Việt Đế, lên
ngôi, đặt niên hiệu, lập trăm quan, dựng quốc hiệu là Vạn Xuân, ý mong cho xã tắc
truyền đến muôn đời vậy. Dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Lấy Triệu Túc làm
Thái Phó, bọn Tinh Thiều, Phạm Tu đều làm tướng văn, tướng võ.
Ất Sửu, [Thiên Đức] năm thứ 2 [545], (Lương Đại Đồng năm thứ
11). Mùa hạ, tháng 6, nhà Lương cho Dương Thiêu làm Thứ sử Giao Châu, Trần Bá
Tiên làm Tư mã, đem quân sang xâm, sai Thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với bọn
Thiêu ở Giang Tây.
Bột biết các quân lính sợ đi đánh xa, nhân đó nói dối để giữ
Thiêu ở lại. Thiêu học các tướng để hỏi kế. Bá Tiên nói: "Giao Châu làm phản,
tội do người tông thất để mấy châu hỗn loạn, trốn tội đã nhiều năm nay. [Thứ sử]
Định Châu chỉ muốn trộm yên trước mắt, không nghĩ đến kế lớn. Tiết hạ vâng chiếu
đi đánh kẻ có tội, phải nên liều sống chết, há nên dùng dằng không tiến để nuôi
cho thế giặc thêm mạnh mà làm ngăn trở quân mình hay sao?" Rồi Bá Tiên đem
quân đi trước, Thiêu cho Bá Tiên làm tiên phong. Khi [quân của Bá Tiên] đến
Giao Châu, vua đem 3 vạn quân ra chống cự, bị thua ở Chu Diên, lại thua ở cửa
sông Tô Lịch, vua chạy về thành Gia Ninh. Quân Lương đuổi theo vây đánh.
Bính Dần, [Thiên Đức] năm thứ 3 [546], (Lương Đại Đồng năm
thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, bọn Bá Tiên đánh lấy được thành Gia Ninh. Vua chạy
vào đất người Lạo ở Tân Xương. Quân Lương đóng ở cửa sông Gia Ninh. Mùa thu,
tháng 8, vua lại đem 2 vạn quân từ trong đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt, đóng
nhiều thuyền đậu chật cả mặt hồ. Quân Lương sợ, cứ đóng lại ở cửa hồ không dám
tiến vào.
Trần Bá Tiên bảo các tướng rằng: "Quân ta ở đây đã lâu,
tướng sĩ mỏi mệt, vả lại thế cô không có tiếp viện. Tiến sâu vào trong lòng [nước]
người, nếu một đánh mà không thắng, thì đừng mong sống sót. Nay nhân lúc bọ họ
vừa thua luôn mấy trận, lòng người chưa vững, mà người Di Lạo ô hợp, dễ đánh giết,
chính nên cùng ra tay liều chết, cố sức đánh lấy, không có cớ gì mà dừng lại thì
lỡ mất thời cơ".
Các tướng đều im lặng, không ai hưởng ứng. Đêm hôm ấy nước
sông lên mạnh, dâng cao 7 thước, tràn đổ vào hồ. Bá Tiên đem quân bản bộ theo
dòng nước tiến trước vào. Quân Lương đánh trống reo hò mà tiến. Vua vốn không
phòng bị, vì thế quân vỡ, phải lui giữ ở trong động Khuất Lạo để sửa binh đánh
lại, ủy cho đại tướng là Triệu Quang Phục giữ việc nước, điều quân đi đánh Bá
Tiên.
Đinh Mão, [Thiên Đức] năm thứ 4 [547], (Lương Thái Thanh năm
thứ 1). Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, nhật thực. vua Triệu Quang Phục cầm
cự với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông,
Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch.
Đầm này ở huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ
cây um tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy,
người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt trên cỏ
nước mới có thể đến được.
Nhưng nếu không quen biết đường lối thì lạc không biết là
đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết. Quang Phục thuộc rõ đường đi lối
lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất trong đầm, ban ngày tuyệt không để
khói lửa và dấu người, ban đêm dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại
của quân Bá Tiên, giết và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm
cự lâu dài. Bá Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được. Người trong nước gọi
là Dạ Trạch Vương.
Thời Hùng Vương, con gái Hùng Vương là Tiên Dung Mỵ Nương ra
chơi cửa biển.
Thuyền về đến bãi ở hương Chử Gia, Tiên Dung lên trên bãi, gặp
Chử Đồng Tử trần truồng núp trong bụi lau, tự cho là Nguyệt lão xe duyên, bèn
cùng nhau làm vợ chồng, sợ tội phải ở lánh trên bờ sông, chỗ ấy trở thành nơi
đô hội. Hùng Vương đem quân đến đánh. Đồng Tử và Tiên Dung sợ hãi đợi tội.
Bỗng nửa đêm mưa gió dữ dội làm rung chuyển nơi ở, rường cột
tự bốc lên, người và gà chó trong một lúc cùng bay lên trời, chỉ còn lại cái nền
không ở giữa đầm. Người bấy giờ gọi bãi ấy là bãi Tự Nhiên, đầm ấy là đầm Nhất
Dạ, nay vẫn còn tên gọi cũ”.
Vua mất ngày 20/3 năm Mậu Thìn, tức ngày 13/4 Âm lịch. Tưởng
nhớ công lao của vua, nhân dân khắp nơi đã lập đền thờ. Riêng miền Bắc đã có
trên 200 ngôi đình, đền, miếu thờ vua Lý Nam Đế và các tướng của ông. Tương
truyền, trong đội quân của Lý Nam Đế khi xưa có rất nhiều người Giang Biên,
trong đó có Cao Dương Công - một nhân vật đã được lịch sử ghi nhận. Đó cũng là
truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất này.
1.2. Danh tướng Đinh Điền
Theo "Ninh Bình theo dòng lịch sử văn hóa"[1]: “Sử
cũ cho biết Đinh Điền cũng như Nguyễn Bặc, người động Hoa Lư, chau Đại Hoàng,
nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, cùng quê với Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Điền cũng
như Nguyễn Bặc cùng với Đinh Bộ Lĩnh tập
trận cờ lau, rồi cùng tập hợp lực lượng, tiến lên thu phục mười hai sứ quân, thống
nhất đất nước.
Khi lên ngôi Hoàng Đế (968) Đinh Tiên Hoàng phong cho Đinh
Điền chức "Ngoại Giáp" Nguyễn Bặc giữ chức "Định Quốc
Công". Khi Đinh Tiên Hoàng mất, vua nhỏ nối ngôi, Lê Hoàn nhiếp chính, tự
xưng Phó Vương. Đinh Điền, Nguyễn Bặc sợ Lê Hoàn không có lợi cho vua nhỏ, đã
rút vào Châu Ái (Thanh Hóa) tập hợp lực lượng, rồi cùng nhau chia làm hai đường
thủy, bộ, tiến về đánh Kinh đô Hoa Lư đánh Lê Hoàn. Nhưng Đinh Điền bị Lê Hoàn
giết tại trận, Nguyễn Bặc bị bắt đưa về Kinh đô Hoa Lư để xử tội.
Theo sách "Đinh Tư Đồ sự tích" ở đền thờ Đinh Điền
bên cạnh chùa Tháp, thôn Yên Liên bạ, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô, thì sau khi
bất hòa với Lê Hoàn, Đinh Điền đem vợ là Thượng Trân trưởng công chúa về với Kiều
Mộc Thiền sư rút về làng Lều (Yên Liêu Hạ) dựng chùa để tu hành, nhưng thực chất
là xây dựng căn cứ, chiêu mộ binh mã chống lại Lê Hoàn.
Ông lập ra chín doanh trại, sau là chín làng thờ ông là: Yên
Lưu Thượng, Yên Lưu Hạ, Phúc Mỹ, Yên Thịnh, Yên Bắc, Yên Phó, Văn Giáp, Yên Lữ,
(Yên Xuyên). Đinh Điền thường ở làng Lều và Yên Lữ, quê mẹ của ông. Còn Nguyễn
Bặc rút quân vào Châu Ái (Thanh Hóa), kết hợp với Đinh Điền, chuẩn bị tấn công
thành Hoa Lư.
Làng Lều bấy giờ là một vùng đất mới bồi, cách kinh thành
Hoa Lư khoảng 20km theo đường chim bay, ở gần sông Trinh Nữ. Từ đây có thể rút
lui vào (châu Ái) theo cửa bể Thần Phù một cách dễ dàng, cũng có thể nhanh
chóng tấn công kinh thành Hoa Lư.
Hiện nay ở đây còn một số địa danh có liên quan đến Đinh Điền
như: làng Lều là nơi Đinh Điền dựng lều trú quân, làng Lợn (sau đổi thành
làng Luận) là nơi nuôi lợn, cánh đồng
Văn Giáo là nơi cất giữ gươm giáo.v.v... Tương truyền tướng Đinh Điền dựng một
ngôi chùa 3 gian, sau gọi là chùa Tháp trên một khu đất rộng 7 sào.
Ông cắm một khu đất ở xung quanh rộng 17 mẫu, một khu ruộng
30 mẫu, có tên là "Thần Điền", (nay thuộc xã Khánh Dương, Yên Mô). Thập
đạo tướng quân Lê Hoàn đã nhiều lần cho mời Đinh Điền về triều nhận chức, nhưng
ông không về. Thái hậu Dương Văn Nga lo
lắng trước việc Đinh Điền, Nguyễn Bặc "nổi loạn" liền bảo với (vua)
Lê Hoàn rằng: "Bọn Bặc dấy quân nổi loạn làm kinh động Nhà nước ta, vua
còn nhỏ yếu không cáng đáng nổi hoạn nạn, bọn ông mau tính thế nào, chớ để mang
họa về sau".
Tướng Lê Hoàn nói: "Thần làm phó vương nhiếp chính, dù
sống chết, họa biến thế nào đều phải chịu trách nhiệm". Rồi tướng quân Lê
Hoàn xuất quân vào Châu Ái (Thanh Hóa) đánh các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc.
Tương truyền quân hai bên đánh nhau 3 ngày, lực lượng của Đinh Điền, Nguyễn Bặc
quá mỏng, không đủ sức chống lại quân của triều đình. (vua) Lê Hoàn lợi dụng sức
gió, đánh một trận hỏa công, đốt sạch thuyền bè của Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Đinh
Điền bị chết trận ngày 27-4 năm Canh Thân (980). Bấy giờ vợ ông được Kiều Mộc
thiền sư đưa lên Yên Tử tu hành, nghe tin Đinh Điền tử trận cũng tuấn tiết. Kiều
Mộng thiền sư thiêu xác bà và đưa về chôn cùng xá lỵ Đinh Điền ở tháp Vĩnh Báo
(vĩnh viễn báo đáp) bên cạnh chùa.
Đến triều Lý, vua Lý Thái Tổ sắc phong cho Đinh Điền là
"Lịch đại tiết nghĩa chủ long thần" và chức: "Nhập nội kiểm giáo
tư đồ bình chương sự; tổng Quốc chính đại vương". Do đó, dân gian thường gọi
ông là Đinh Tư Đồ.
Qua các di tích thờ Đinh Điền tập trung ở hai huyện Yên Mô
và Yên Khánh, gần Thanh Hóa, làm sáng rõ thêm một giai đoạn ngắn của lịch sử là
khi Đinh Điền, Nguyễn Bặc bất bình với (vua) Lê Hoàn, Đinh Điền đã rút lui về
làng Lều (Khánh Thịnh, Yên Mô), một vị trí thuận lợi về đường thủy, kết hợp với
Nguyễn Bặc ở Châu Ái (Thanh Hóa), tiến về Hoa Lư chống lại vua Lê Hoàn và bị tử
trận.
Đinh Điền cũng như Nguyễn Bặc chống lại (vua) Lê Hoàn vì
tình sâu nghĩa nặng với Đinh Tiên Hoàng từ thuở cờ lau tập trận. Đinh Điền là một
hiền tài của vương triều Đinh và của cả nước. Sự nghiệp của ông còn sống mãi
trong lòng dân”.
1.3. Vua Lý Chiêu Hoàng:
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Trước tên huý là Phật kim,
sau đổi là Thiên Hinh, con gái thứ của Huệ Tông. Huệ Tông không có con trai nối,
lập làm hoàng thái tử để truyền ngôi, ở ngôi được 2 năm [1224 - 1225] rồi nhường
ngôi cho họ Trần.
Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2 [1125], (Từ tháng 12
về sau là niên hiệu Trần Thái Tông Kiến Trung năm thứ 1; Tống Lý Tông Hú, Bảo
Khánh thứ 1). Mùa ông, tháng 10, xuống chiếu tuyển con em của quan viên trong
ngoài sung vào các sắc dịch trong nội, như lục hỏa thị cung ngoại, Chi hậu, Nội
nhân thị nội, ngày đêm thay phiên nhau chầu hầu.
Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ coi giữ mọi việc quân sự
trong ngoài thành thị. Cháu gái Thủ Độ bằng chú là Trần Bất Cập làm Cận thị thự
lục cục chi hậu, Trần Thiêm làm Chi ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ (Cảnh sau
là Trần Thái Tông).
Cảnh lúc ấy mới lên 8 tuổi, chực hầu ở bên ngoài. Một hôm phải
giữ việc bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm
ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến
trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước
hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến
khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh. Cảnh không dám nói gì, về
nói ngầm với Thủ Độ. Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc
hay bị diệt tộc đây?".
Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh
lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh".
Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn
đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ. Thủ độ sợ việc [33b] tiết lộ thì bị giết
cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm. Thủ Độ đóng cửa
thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ
Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi".
Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu. Tháng ấy,
ngày 21, các quan vào chầu lạy mừng. Xuống chiếu rằng: "Từ xưa nước Nam Việt
ta đã có đế vương trị thiên hạ. Duy triều Lý ta vâng chịu mệnh trời, có cả bốn
biển, các tiên thánh truyền nối hơn hai trăm năm, chỉ vì thượng hoàng có bệnh,
không người nối dõi, thế nước nghiêng nguy, sai trẫm nhận minh chiếu, cố gượng
lên ngôi, từ xưa đến giờ chưa từng có việc ấy.
Khốn nổi trẫm là nữ chúa, tài đức đều thiếu, không người
giúp đỡ, giặc cướp nổi lên như ong, làm sao mà giữ nổi ngôi báu nặng nề? Trẫm dậy
sớm thức khuya, chỉ sợ không cáng đáng nổi, vẫn nghĩ tìm người hiền lương quân
tử để cùng giúp chính trị, đêm ngày khẩn khoản đến thế là cùng cực rồi, Kinh thi
có nói "Quân tử tìm bạn, tìm mãi không được, thức ngủ không nguôi, lâu
thay lâu thay".
Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người
văn chất đủ vẻ, thực thể cách quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất
thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được.
Sớm hôm nghĩ chín từ lâu nghiệm xem nên nhường ngôi báu, để
thỏa lòng trời, cho xứng lòng trẫm, mong đồng lòng hết sức, cùng giúp vận nước,
hưởng phúc thái bình. Vậy bố cáo thiên hạ để mọi người điều biết".
Tháng 12, ngày mồng một Mậu Dần, Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện
Thiên An, ngự trên sập báu, các quan mặc triều phục vào chầu, lạy ở dưới sân.
Chiêu Hoàng bèn trút bỏ áo ngự mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng
đế. Đổi niên hiệu là Kiến trung năm thứ 1, đại xá thiên hạ, xưng là Thiện
Hoàng, sau đổi là Văn Hoàng.
Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khải Thiên Lập Cực Chí Nhân Chương
Hiếu Hoàng Đế. Phong Trần Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, nắm giữ mọi việc cai trị
trong nước. Thủ Độ nói: "Hiện nay giặc cướp đều nổi, họa loạn ngày tăng.
Đoàn Thượng giữ mạn đông, Nguyễn Nộn giữ mạn bắc, các châu Quảng Oai, Đại Viễn
cũng chưa dẹp yên. Nhà Lý suy yếu, thế nước nghiêng nguy, nữ chúa Chiêu Hoàng
không gánh vác nổi, mới uỷ thác cho nhị lang [Chàng Hai]. Nhưng Nhị lang chưa
am hiểu việc nước, chính sự nhiều chổ thiếu sót, vận nước mới mở, lòng dân chưa
phục, mối họa không phải là nhỏ. Ta tuy là chú nhưng không biết chữ nghĩa gì,
còn phải rong ruổi đông tây để chống giặc cướp, không gì bằng mời thánh phụ làm
thượng hoàng tạm coi việc nước, một hai năm sau thiên hạ nhất thống, lại giao
quyền chính cho Nhị lang". Các quan đều cho là phải, mời thánh phụ Trần Thừa
nhiếp chính”.
Qua lịch sử và thần tích, có thể nhận thấy, Tình Quang là
vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa, từng gắn bó với vùng Kinh Bắc trong nhiều
thế kỷ. Sau những thay đổi về địa giới hành chính, Tình Quang ngày nay đã trở
thành một bộ phận của thủ đô Hà Nội.
Chắc chắn, truyền thống lịch sử - văn hóa của vùng đất này sẽ
trở thành một thế mạnh để người Tình Quang vững bước vào con đường hội nhập và
phát triển kinh tế hiện nay.
2. Kiến trúc và lễ hội
2.1. Kiến trúc:
Đến nay, chưa có tài liệu khẳng định được chính xác đình
Tình Quang được khởi dựng từ khi nào, nhưng truyền thuyết và các cụ cao niên
trong làng đều khẳng định, đình của làng Tình Quang được khởi dựng từ thời Lý -
Trần.
Qua dấu vết kiến trúc, có thể tạm khẳng định, đình Tình
Quang hiện nay được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII. Nỉên đại này, tương đối
phù hợp với lời kể của các cụ cao niên trong làng, rằng trước đây, đình có hai
tấm bia mang niên đại thế kỷ XVII, đã bị vùi lấp, nay chưa tìm lại được.
Tương truyền, đình vốn nằm trong đê. Năm 1856 (dưới thời Tự
Đức), triều đình cho đào con sông Đuống thay cho sông Thiên Đức, khiến địa giới
hành chính của Tình Quang có nhiều thay đổi. Năm 1913, đê bao bị vỡ, phải đắp
đê quai mà ngôi đình có vị trí ngoài đê như chúng ta thấy hiện nay.
Năm 1935, dân làng cùng nhau góp tiền tu bổ hai giải vũ. Năm
1946, thực dân Pháp đóng ở đình, đã hủy hoại một số đồ thờ tự trong đình. Năm
1971, dân làng lại cùng nhau quyên góp tu bổ lại đình. Như vậy, về cơ bản, đình
Tình Quang Hiện nay là sản sẩm của đợt tu bổ năm 1971 về sau.
Đình quay hướng Đông - Bắc, trên một khuôn viên, rộng,
thoáng mát. Nghi môn đình có ba cửa ra vào, với cửa chính ở giữa hai trụ biểu
to, cao, đỉnh trụ đắp hai tượng lân; dưới lân là hệ lồng đèn trang trí tứ linh;
trên mặt trụ đắp những câu đối chữ Hán. Tả hữu nghi môn được kết cấu với hai tầng
mái giả và tám góc đao cong. Sát nghi môn là một hệ thống tường lửng bao quanh
đình.
Qua nghi môn là một sân rộng lát gạch, hai bên có hai giải
vũ, mỗi tòa ba gian, đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói.
Đình có kết cấu dạng chữ Đinh, phía ngoài là đại đình, phía
trong là hậu cung - nơi đặt ban thờ Thánh. Nguyên ủy, đình có sàn, nay chỉ còn
lỗ mộng trên thân cột. Các bộ vì nóc được làm theo kiểu vì kèo trụ trốn, tì lực
trên 6 hàng chân cột.
Mái đình được lợp ngói ta, 4 góc mái là 4 đầu đao cong.
Chính giữa bờ nóc đắp đôi rồng chầu mặt nguyệt/nhật, hai đầu bờ nóc đắp hai đầu
kìm, dạng thủy quái- chủ của nguồn nước. Trên các đầu bẩy hiên chạm nổi những
hoa văn dạng vân xoắn, mầm măng, lá hóa rồng, phượng, với những đường nét tinh
tế, như thể hiện khát vọng truyền đời của cư dân nông nghiệp, đó chính là tinh
thần cầu sinh sôi phát triển, cầu được mùa và cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Đại đình có mặt bằng hình chữ nhật, với 5 gian và 2 chái lớn,
nền lát gạch gạch. Lòng gian giữa rộng 3.5m, các gian bên rộng 3m. Các cột có
kích thước khá lớn, được đặt trên những chân tảng đế vuông, mặt tiếp xúc với
chân cột có tiết diện tròn, với đường kính khoảng 60cm.
Điểm đáng chú ý trong kiến trúc của tòa này, là sự xuất hiện
của các đầu dư tại vị trí cột trốn, được tạo tác dưới dạng đầu rồng cách điệu,
với đầu bẹt, có đao mác thẳng, mép mỏng, răng nhe ra, trông khá dữ dằn…
Chạm khắc trên kiến trúc đại đình được tập trung vào những bức
cốn, với đề tài chủ yếu là rồng, vân xoắn, đao mác… Đó là những biểu hiện của sấm
chớp, của bầu trời đầy mây vần vũ, như gọi mưa về cho mùa màng bội thu.
Đặc biệt, trên cốn gian, còn những mảng chạm về đề tài vũ nữ
thiên thần, võ sĩ, rồng và các con thú nhỏ, hoạt cảnh dân giã… Tất cả đều được
thể hiện rất sinh động, với vẻ đẹp phóng khoáng, gần gũi với cuộc sống thường
nhật…
Hậu cung đình là phần chuôi vồ nối dọc về phía sau, với ba
gian, được xây trên nền cao 50cm so với nền đại đình.
Phía trước hậu cung là một cửa lớn (cửa thờ), dạng thượng
song hạ bản, sơn son thếp vàng, với một bên là rồng, vân mây, một bên là đồ án
rùa vẽ chìm. Hai bên cửa này có hai cửa nhỏ, là lối ra vào hậu cung.
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, đình tình quang còn giữ được
những di vật, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học, tiêu biểu như:
đồ thờ tự, bia đá, sắc phong, hoành phi - câu đối…
2.2. Lễ hội:
Thoáng ngẫm, tên gọi “Tình Quang”, về nghĩa đen, có thể tạm
hiểu là “trời quang mây tạnh”. Từ một nguyên cớ nào đó, truyền thuyết dân gian
đã gán ghép tên gọi Tình Quang với sự kiện
Công chúa Ngọc Hân, trong một lần về thăm quê ngoại (vùng Ninh Hiệp ngày nay),
đã ghé qua đây, thấy “trời quang mây tạnh”, bà liền đặt tên cho làng này là
Tình Quang - Dù đây là một truyền thuyết đẹp, nhưng khi đặt Tình Quang vào chiều
sâu lịch sử, thì có lẽ, tên gọi “Tình Quang” mới tồn tại khoảng trên 200 năm mà
thôi… Điều này, đã bắt buộc chúng tôi phải tìm cớ “lùi sâu” vào lịch sử, với hi
vọng sẽ tìm thêm những chứng tích, dù là manh mún, nhằm góp phần kiến giải những
vấn đề lịch sử - văn hóa gắn với ngôi đình và ngôi làng một cách sáng tỏ hơn…
Và, một dấu tích đầu tiên khiến chúng tôi đặc biệt quan tâm,
đó chính là tên gọi cổ/xưa của Tình Quang - Kẻ Vịa/Làng Vịa. Đây là tên gọi thuần
Việt (âm Việt cổ), tối cổ, mà chúng ta cần hết sức lưu tâm. Theo đó, Vịa mang
nghĩa ven sông/bãi sông hay một khu vực đất đai ven sông nước… Nếu theo nghĩa
này và nhìn vào cơ cấu kinh tế của Tình Quang trong lịch sử (chủ yếu là sản xuất
nông nghiệp), thì rõ ràng, Tình Quang - “trời quang mây tạnh” gắn với ước vọng
của dân làng và của chung cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở khu vực Bắc Bộ.
Như vây, tên gọi “Tình Quang” là cái tên thường trực trong
khát vọng truyền đời của dân làng - khát vọng cầu trời quang, mây tạnh và được
mùa, còn cái tên gọi Vịa lại gợi lên những đặc trưng về mặt địa lý tự nhiên của
làng - làng Ven sông. Và, hai tên gọi như đã gợi lại cho chúng ta một vấn đề lịch
sử - văn hóa hết sức thú vị.
Đó là, trong lịch sử làng Vịa/Tình Quang được hình thành và
phát triển ở ven sông, với cơ cấu kinh tế truyền đời (không kể hiện nay) là sản
xuất nông nghiệp. Với địa thế này, dân làng luôn/thường trực phải đối mặt với
nguy cơ lũ lụt và ước vọng “trời quang mây tạnh” - không lũ lụt (nhân tố mang
tính quyết định việc được hay mất mùa) là tâm lý thường trực trong cộng đồng.
Khi đặt bối cảnh địa địa lý nhân văn này của khu dân cư (làng Tình Quang) trong
mối tương quan với những kiến trúc văn hóa - tín ngưỡng, đặc biệt là cụm đình -
miếu, thì chắc chắn những vấn đề thuộc lịch sử - văn hóa sẽ được hồi quang lại
một cách sáng to hơn.
Di tích đình Tình Quang
Từ nhận thức, “lịch sử là những gì đã qua còn ngưng đọng lại”.
Nếu chấp nhận hiểu lịch sử theo nghĩa này, thì chúng ta phần nào dễ dàng lý giải
những gì đang thuộc về thực tại.
Một thời, cụm đình - miếu Tình Quang là một cặp như không thể
tách rời, theo cơ chế vận hành chung của tuyệt đại đa số cặp đình - miếu của
các làng/xã trên đất Bắc Bộ: Theo chu trình thời gian mùa vụ, ngày thường, khi
không có hội lệ, đình là trung tâm hành chính - văn hóa, còn chức năng thờ
cúng, tín ngưỡng do miếu đảm nhiệm (đương nhiên, còn có vai trò của chùa và một
số cơ sở thờ tự khác nữa…).
Khi làng chuẩn bị vào hội mới rước thần linh từ miếu về đình
hành lễ. Hết hội, thần linh lại được rước về miếu an vị... Tuy nhiên, chức năng
này có thể thay đổi theo thời gian và điều kiện lịch sử cụ thể…
Trở lại với đình Tình Quang: trong tiềm thức cộng đồng, đình
hiện thờ ba vị thành hoàng là Lý Nam Đế, Đinh Điền (một vị tuớng của Đinh Bộ
Lĩnh) và Lý Chiêu Hoàng (thời Lý). Đây là những gì cô đọng nhất liên quan tới lịch
sử, truyền thuyết về các vị thần/thánh hiện được thờ trong đình.
Nhưng, theo phân kỳ lịch sử, thì rõ ràng đây đang là vấn đề
cần lý giải thêm, bởi các ngài thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau và có lẽ
được hội về đền - miếu Tình Quang cũng vào những thời điểm lịch sử khác nhau.
Theo đó, vai trò của từng vị, cũng như những sinh hoạt văn
hóa liên quan của cộng đồng (làng Tình Quang) trong từng giai đoạn sẽ có sự dịch
chuyển nhất định. Lịch sử là như vậy! Đúng là còn quá nhiều vấn đề liên quan đến
việc thờ cúng tại đình Tình Quang mà chúng ta cần tìm cách lý giải thấu đáo mà
đến nay chưa đủ thông tin…
Qua dấu vết vật chất hiện còn, chúng ta có thể tạm xác nhận,
đình Tình Quang hiện nay còn bảo tồn được một số dấu tích kiến trúc sớm - thế kỷ
XVII - XVIII, đương nhiên, dấu vết vật chất của các giai đoạn sau mang tính phổ
biến hơn. Và, những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của ngôi đình đã phần
nào được ghi nhận qua việc đình được xếp hạng di tích quốc gia và một số công
trình nghiên cứu khác.
Nhưng, đây mới chỉ là phần tĩnh thuộc lịch sử - văn hóa gắn
với ngôi đình và cộng đồng mà chúng ta phần nào đã nhận biết được. Còn về phần
động ? Đó chính là lễ hội. Và, chắc trong đó sẽ ẩm chứa những giá trị lịch sử -
văn hóa mang tính hằng xuyên. Bằng vào hồi cố, chúng ta sẽ cố gắng tìm về bóng
dáng của hội xưa ở Tình Quang, với mong muốn góp phần nhận diện và lý giải một
vài giá trị lịch sử - văn hóa liên quan…
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, từ xa xưa, làng
Vịa đã thờ ba vị thánh là Lý Nam Đế, Đinh Điền và Lý Chiêu Hoàng. Hằng năm, hội
làng Vịa được tổ chức tại miếu từ ngày mùng Tám đến ngày Mười sáu tháng Hai…
Sau khi đào con sông Đuống (đoạn từ sông Hồng chảy thẳng xuống hạ nguồn), làng
Vịa bị chia tách thành hai - Vịa Con (Cống Thôn) và Vịa Lớn (Tình Quang) nhưng
vẫn thờ những vị Thánh chung.
Sau một thời gian, không hiểu vì lý do gì, Hội đồng Kỳ mục của
hai làng (Vịa Con và Vịa Lớn) đã hội họp với nhau và ấn định hai dịp tổ chức hội
cho hai làng và tiến hành bốc thăm. Làng Vịa Con bốc được lá thăm tổ chức hội từ
ngày Mùng tám đến ngày Mười sáu tháng Hai; làng Vịa Lớn (Tình Quang) bốc được
lá thăm tổ chức hội từ ngày Mười tám đến ngày Hai mươi sáu tháng Hai.
Theo đó, dân hai làng Vịa có dịp thưởng thức lễ hội dài hơn
(từ ngày Mùng tám đến ngày Hai mươi sáu tháng Hai). Tuy hội hai làng được tổ chức
vào thời điểm khác nhau nhưng diễn trình lễ hội và nghi thức không có sự khác
biệt. Và cũng từ đây, hội làng Tình Quang được ấn định tổ chức từ ngày Mười tám
đến ngày Hai mươi sáu tháng Hai.
Hằng năm, trước khi vào hội, Hội đồng Chức sắc và Hương lão
bầu ra 36 quan viên vào Hội đồng Chạ để lo việc hội. Các thành viên được bầu
vào Hội đồng này thường là người cao tuổi nhưng còn khỏe mạnh (từ 45 – 48 tuổi),
có gia đình quang quẻ, không vướng bụi, con cái đề huề, có đạo đức tốt và có uy
tín trong làng… Trên cơ sở của Hội đồng Chạ lại tiếp tục bầu ra sáu ông Đám (từ
Đám nhất đến Đám lục); sáu ông Tống; sáu ông Thường và 18 ông Chạ còn lại…
Ngoài ra, còn tiến hành bầu ông Điển (viết văn tế), Hội Phù giá (khiêng kiệu)
và nhiều thành phần tham gia nghi lễ khác trong hội…
Sau khi cắt cử, phân vai, chuẩn bị xong mọi việc…, ngày Mười
bảy tháng Hai, làng tiến hành dọn dẹp vệ sinh, trình Thánh xin mở hội… chính thức
từ ngày Mười tám…
Sáng ngày Mười tám, làng tổ chức rước nước 1 ỷ về miếu… Theo
trật tự phân công, đoàn rước nước gồm đội nghi trượng, đội bát bửu, đội rước ngựa,
đội rước kiệu (2 kiệu thánh ông) và xe loan (của Lý Chiêu Hoàng), đội rước long
đình (để đỉnh trầm), đội rước ỷ (để chóe nước), đội bát âm… và dân làng khởi
hành từ miếu theo hiệu lệnh của cá ông Hiệu xuống khúc sông gần cầu Đuống hiện
nay lấy nước… Sau khi đến vị trí cần lấy nước, bốn phu kiệu khiêng ỷ rước nước
đưa chóe xuống thuyền… Thuyền ra giữa sông, đi ngược lên thượng nguồn khoảng
50m rồi thả trôi cho thuyền xuôi xuống vị trí cần lấy nước.
Trong khoảng thời gian này, đoàn rước cũng tiến hành làm lễ
xin nước, rồi hóa mã trước khi múc nước. Tại vị trí cần lấy nước, người ta thả
xuống dòng sông một chiếc vòng bằng dây song bịt vải đỏ để lọc nước – nước được
múc trong vòng vải đỏ, bằng gáo đồng, hoặc gáo dừa… Mỗi lần thuyền ngược lên
xuôi xuống, đoàn chỉ múc đúng 7 gáo đổ vào trong chéo (theo hiệu lệnh của trống
khẩu, ba tiếng trống thì múc một gáo).
Tương tự như vậy, đoàn chỉ múc nước 3 lần, với tổng số là 21
gáo… Sau khi múc đủ nước, đoàn rước trở về miếu theo trật từ lúc xuất phát… Buổi
chiều, làng tiếp tục tổ chức rước hai ỷ nước nữa về miếu theo đúng trật tự và
nghi thức như rước nước buổi sáng.
Rước xong nước, làng tổ chức mộc dục cho thánh, bao xái đồ tế
tự và an vị thánh…. Xong các nghi thức này cũng là lúc trời vừa tối. Buổi tối
làng tổ chức hát Chầu mã (Tuồng hoặc Chèo) tại miếu. Từ ngày Mười chín trở đi,
làng mới thực sự bắt đầu tổ chức rước cỗ, tế tự theo lịch trình và trật tự đã định.
Các buổi tối đều có tổ chức Hát đám tại miếu… Sau khi rước
và tế xong, thường thì một phần cỗ được chia cho chủ tế, các quan viên, phần
còn lại cho dân làng cùng thu hưởng… Trong ngày Hai mươi sáu tháng Hai tổ chức
lễ xuất tịch (giã hội), hóa mã và kết thúc lễ hội…
Đến đây, những vấn đề lịch sử - văn hóa liên quan trong hội
Tình Quang vẫn đang đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục giải mã… Nhưng, qua diễn
trình lễ hội xưa, chúng ta như nhận thấy, về thực chất, mọi hoạt động trong hội
Tình Quang xưa đều gắn với lễ nghi, mà cụ thể là tưởng niệm, tri ân các vị anh
hùng dân tộc, người có công và nghi thức cầu mùa, cầu sinh sôi, phát triển, một
khát vọng thường trực của cư dân nông nghiệp - Không khí hội như trở lại trật tự
của thời kỳ hỗn mang, với tính cố kết cộng rất đồng cao, người và thần như đồng
nhất có thể cùng hướng về và hiện thực hóa khát vọng “trời quang mây tạnh”
(Tinh Quang) để mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, muôn dân ấm no, hạnh phúc…
Ngày nay, cơ cấu kinh tế của Tình Quang đã phần nào chuyển dịch
(nông nghiệp không còn giữ vai trò trọng yếu), nhưng hồn cốt của hội xưa vẫn được
duy trì và thực hành dù có sự phai nhạt ít nhiều. Một phần do hoàn cảnh lịch sử,
một phần do tâm thức cộng đồng… Thiết nghĩ, việc tiếp tục kế thừa và phát huy
những nhân tố tích cực và phù hợp của lễ hội xưa trong lễ hội nay luôn là vấn đề
mà chúng ta cần hết sức lưu tâm.
CHÙA TÌNH QUANG
(PHƯỜNG GIANG BIÊN, QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI)
Chùa Tình Quang, tên chữ là Phổ Quang, thuộc phường Giang
Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Trước đây, Giang Biên vốn là một trong
31 xã và 2 thị trấn của huyện Gia Lâm, với phía Bắc giáp sông Đuống, phía Đông
giáp xã Dương Hà, phía Nam giáp xã Hội Xá, phía Tây giáp thị trấn Đức Giang và
Thượng Thanh. Xã Giang Biên gồm 2 thôn: Quán Tình và Tình Quang và xóm Hòa
Bình. Trước năm 1945, Quán Tình và Tình Quang, đều thuộc tổng Đặng Xá, huyện
Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.
Sau cách mạng tháng Tám sáp nhập thành xã Giang Biên. Từ năm
1961, Giang Biên thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Sau khi thành lập quận
Long Biên (2003), xã Giang Biên được đổi thành phường Giang Biên, thuộc Quận
Long Biên.
Tình Quang có tên Nôm là Vịa, hay Vịa Cống. Tương truyền,
vào thế kỷ thứ VI, vùng đất này thuộc địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lý Bí,
người đã có công lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Lương,
lập nên nước Vạn Xuân, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập tự chủ của nước ta.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, chùa Tình Quang
được khởi dựng từ khá sớm. Trải qua thời gian và biến động lịch sử, những dấu vết
vật chất sớm nhất của ngôi chùa đã bị “tàn phai”, nên khó có thể đoán định được
thời điểm cụ thể dân làng khởi dựng chùa. Qua minh văn trên chuông “Tình Quang
tự chung”, đúc năm Tự Đức nhị niên (1849), cùng một số hiện vật khác, bước đầu
có thể khẳng định, chùa này từng được trùng tu lớn vào khoảng nửa đầu thế kỷ
XIX.
Có lẽ, trước thời điểm này, chùa Tình Quang đã tồn tại và trải
qua nhiều lần trùng tu. Cũng theo bài minh trên chuông, chùa này vốn của một ấp
thuộc vùng sông Thiên Đức, tọa lạc trên đất thiêng, là danh lam thắng cảnh nổi
tiếng một vùng.
Trước kia, chùa Tình Quang, cùng nằm trên giải đất với đình,
sau khi đê vỡ, chùa chuyển sâu vào trong đồng như hiện nay. Chùa quay hướng
Tây, nằm sát chân đê về phía trong đồng, do dân làng đắp thêm đê quai sau trận
lụt vào khoảng thế kỷ XIX.
Di tích chùa Tình Quang
Trải qua nhiều lần trùng tu, về cơ bản, kiến trúc chùa chính
hiện nay gồm tiền đường và Phật điện, kết cấu khung gỗ, dạng tường hồi bít đốc,
mái lợp ngói ta.
Tiền đường gồm 3 gian hai chái, với gian giữa là nơi hành lễ.
Phía trong là Phật điện, ba gian, nơi bài trí hầu hết tượng pháp của chùa.
Tại thời điểm xếp hạng di tích quốc gia năm 1993, ngoài tượng
Hộ pháp (Khuyến Thiện, Trừng Ác), ban thờ Đức Ông, Thánh Tăng, Thổ Địa, Khổng Tử,
trên Phật điện còn có: Tam Thế phật (hàng trên cùng); Di Đà (thuộc bộ Di Đà Tam
tôn) (hàng thứ 2); A Nam và Ca Diếp (hàng thứ 3); Di Lặc (Di Lặc Tam tôn, hàng
thứ 4); Thích Ca sơ sinh cùng Phạn Thiên, Đế Thích (hàng thứ 5).
Có lẽ, do những biến động của lịch sử - xã hội mà hệ tượng
trong chùa không còn được đầy đủ như ở những ngôi chùa khác, nhưng ý nghĩa về
văn hóa, triết học, tôn giáo và tính thẩm mỹ của hệ tượng trong chùa vẫn được
người xưa chú ý và chau chuốt đến từng chi tiết, khiến cho Phật điện thực sự trở
thành một bảo tàng điêu khắc Phật giáo mang đậm nét văn hóa dân gian, với ý
nghĩa triết học và tôn giáo vô cùng sâu sắc. Dưới đây, xin điểm qua về ý nghĩa
của một số tượng tiêu biểu trong chùa:
+ Tam thế Phật
Tức Tam Thế thường trụ diệu pháp thân, hoặc Tam Thế Tam
thiên Phật. Tam Thế là ba thời, tương ứng với ba đại kiếp, gồm: quá khứ thế, đồng
nhất với Trang nghiêm kiếp; hiện tại thế, đồng nhất với Hiền kiếp; vị lai thế,
đồng nhất với Tinh tú kiếp, mỗi kiếp lấy tròn số tương ứng với 1.344.000.000
năm. Đó là con số được lấy tròn, chứ thực ra, nhiều người nghiên cứu Phật học
nghĩ rằng, số đó phải là bội số của chín hoặc bảy (hai số nhiều mang tính phiếm
chỉ).
Thường trụ: là tồn tại vĩnh viễn không sinh, không diệt,
không lệ thuộc vào hình, danh, sắc, tướng, mà tự nhiên, tự tại…Diệu: là đẹp đẽ,
linh thiêng, nhiệm màu… Pháp thân: tức thân pháp đó là một “thể uyên nguyên
mang tính chân như” không sinh, không diệt, không biến đổi, là thân trí tuệ tuyệt
đối đồng nhất với Phật thân.
Trong trường hợp này, Phật thân đồng nhất với Pháp thân, nó
cũng là chất tinh túy nhất, vĩnh hằng có trong mọi chúng sinh, vì thế nhà Phật
đã từng nói: hãy vén đám mây mù ngu tối che đậy thân tâm, thì tự nhiên ánh sáng
trí tuệ sẽ rọi tới.
Bộ này cũng có tên là “Tam Thế Tam thiên Phật”: là ba nghìn
vị Phật (con số tượng trưng) đại diện cho chân lý của đạo, nối nhau giáo hóa
chúng sinh ở ba đại kiếp, mỗi kiếp ứng với nghìn vị. Trong đó, đức A Di Đà,
Thích Ca, Di Lặc chỉ là ba vị ở cuối thời Hiền kiếp mà thôi.
Như vậy, Tam Thế không đại diện riêng cho bất kể một vị Phật
nào, bởi các vị cụ thể chỉ được coi như hóa thân nhân dạng của Phật pháp vô
biên và vĩnh cửu, thích ứng với chức năng riêng để dẫn dắt chúng sinh vượt qua
bến đời bến mê, mà về miền bỉ ngạn (miền giác ngộ).
+ Di Đà Tan tôn
Trong bộ tượng này, A Di Đà ngồi giữa, bên trái của Ngài là
Quan Thế Âm Bồ tát, bên phải là Đại Thế Chí Bồ tát. Bộ tượng này cũng còn được
gọi là bộ Di Đà Tiếp Dẫn, trong tạo hình của người Việt thì đa số Di Đà Tam Tôn
đều thể hiện Di Đà ngồi tọa thiền và hai Bồ tát trợ thủ dưới dạng đứng. Thản hoặc
cũng có khi thể hiện tượng Di Đà dưới dạng đứng. Cũng có khi Di Đà Phóng/Phát
Quang được thể hiện đứng riêng, sát ngay sau bàn thờ chính (ở ngoài cùng). Những
tượng đứng thường mang ý nghĩa là cứu độ một cách gấp gáp khi chúng sinh gặp những
tai ương, tai họa nặng nề cả về tư tưởng và đời sống.
Trong bộ Di Đà Tam tôn, người đời thường cho rằng, Quan Thế
Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ tát là Thị Giả của Đức Phật A Di Đà. Nhưng thực ra
không hẳn như vậy, mà cả hai vị Bồ tát này là sự “chẻ đôi” đặc tính phật triết
của Đức Phật A Di Đà. Cụ thể như sau:
- Quan Thế Âm Bồ tát là hiện thân của tứ đại vô lượng tâm (đại
từ, đại bi, đại hỷ, đại xả), mà nổi bật hơn hết là đại tâm Từ Bi.
- Đại Thế Chí Bồ tát là hiện thân của đại trí, đại tuệ, đại
hùng, đại lực, mà trọng tâm là đại tuệ.
Hội tụ tám đại lại đó là một biểu hiện về đặc tính của A Di
Đà Phật. Như vậy, có một sự thống nhất hoàn toàn ở cả bộ tượng. Các vị Bồ tát
được gọi là Thị Giả thực chất là một phần đặc tính của vị Phật (pho tượng)
chính ở giữa, nên việc sắp xếp tượng buộc phải theo một nguyên tắc nhất định để
phản ánh đúng được bản chất của Phật triết ở những khía cạnh khác nhau. Trong
trường hợp này, Quan Âm (mà hiện thân là Từ Bi phải được đặt bên trái và Thế
Chí hiện thân của Đại Tuệ phải được đặt phía bên phải của tượng Đức Phật A Di
Đà).
+ A Nan, Ca Diếp
A Nan có nghĩa là hoan hỉ, vô nhiễm, người họ Thích, là em
con nhà chú đối với Đức Thích Ca và ít hơn tới 35 tuổi, ông là một người rất
thông minh, chỉ cần một lần nghe đã thuộc lời Phật dạy, Đức Thích Ca gọi ông là
đệ nhất tín đồ về sự đa văn.
Ông được danh dự làm thị giả số một của Đức Phật (khi Ngài tạ
thế). Lúc đó, hệ Tăng già chỉ toàn nam giới, ông đã thưa với Đức Phật để xin lập
giáo cho cả Tỳ Kheo Ni, được Đức Phật chuẩn y.
Được hầu cận Phật đến lúc cuối cùng và được Phật truyền cho
những giáo lý sau rốt, đồng thời chỉ cho ông cách giữ gìn đạo lý. Người nhà Phật
rất chịu ơn ông, vì nhờ sự thông minh tuyệt đỉnh mà ông nhớ được tất cả những lời
dạy của Thích Ca để soạn thành bộ kinh trọng hệ Tam tạng của kinh Phật giáo.
Ca Diếp là vị đệ tử thứ nhất của Đức Thích Ca Mầu Ni. Ca Diếp
có nghĩa là Ẩm quang (uống lấy hào quang), ông từng theo đạo Bà La Môn, tu Phật
sau khi Thích Ca nhập niết bàn 3 năm, trí tuệ cao siêu. Khi Phật giảng đạo, Niết
bàn kinh (một bộ kinh rất có giá trị của Đại thừa), ông vô cùng vui mừng đã
biên chép lại rồi học thuộc và sau đó giảng nghĩa cho mọi người về kinh này.
Khi Đức Thích Ca nhập về cõi niết bàn đã truyền tâm ấn cho
ông, phong làm Sơ Tổ giữ nền Phật giáo để truyền lại về sau. Trong đời ông đã
có công kết tập Tam tạng kinh (kinh, luận, luật), một nền tảng cơ bản cho kiếp
tu hành và người tin theo Đạo Phật.
Trong đó A Nan Đà lãnh Tạng kinh, Ưu Bà Ni soạn Luật tạng,
còn chính ông soạn Luật tạng. Về sau, Ca Diếp truyền Y bát cho A Nan Đà làm Đệ
Nhị tổ, rồi ông vào núi Tê Túc mà tịch. Đức Thích Ca có thọ ký cho Ma Ha Ca Diếp
là về sau ông sẽ thành Phật với hiệu là Quang Minh Như Lai.
+ Di Lặc Tam tôn
Người Trung Hoa gọi Ngài là Từ Thị, với từ tâm vô bờ bến,
Ngài cũng có tên là Â Ji Ta (A Dật Đa), có nghĩa là ô năng thắng. Ngài là Đức
Phật kế tục Đức Thích Ca Mâu Ni, được tín đồ tôn sùng và gọi Ngài là đấng Từ
Tôn (Ai Di Đà là đấng Từ Phụ).
Trong sự tích, Ngài là chủ của Hội Long Hoa (cũng gọi Long
Hoa Hải Hội - Pháp Hội của Phật Di Lặc nhóm họp dưới cây hình rồng nở hoa vàng
nên gọi là Long Hoa Hội, theo kinh Di Lặc Hạ Sanh thì Bồ tát Di Lặc dời cung
Đâu Xuất xuống cõi trần ngồi ở gốc cây có tên là Long Hoa mà thành Phật).
Bản thân Di Lặc được người Việt xây dựng thành một Đức Phật
có nhiều chức năng. Dưới thời Lý, Ngài như hiện thân của hạnh phúc, của sự bền
vững lâu dài cho cả hiện tại và mai sau, có nghĩa gắn với sự no đủ và trường tồn
nên Ngài đã được đúc tượng đồng ở chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều, Quảng Ninh), là một
trong tứ đại khí của người Việt (cùng với Chuông quy điền, Vạc Phổ Minh, Tháp
Báo Thiên).
Nhưng càng về sau, thì một chức năng khác nổi lên của Ngài
là “Di Lặc xuất thế thiên hạ thái bình” (Di Lặc xuống đời muôn nơi yên ổn),
chính vì thế mà tượng Ngài không phổ biến ở trên Phật điện. Ngoại trừ, khi xã hội
gặp nhiều điều tiêu cực hay chiến tranh, thì tùy từng nơi, người ta đa cầu viện
tới Ngài để cầu mong yên bình.
+ Thích Ca sơ sinh
Được thể hiện dưới dạng Đức Thích Ca đản sinh, hai bên có
hai vị vua Trời, đó là Phạm Thiên cũng gọi là Đại Phạm Thiên Vương (Brahma) và
Đế Thích (Indra). Bộ tượng này, được thể hiện khá gần gũi với tích truyện về Đức
Phật: Trước sự đau khổ của nhân thế, Thích Ca Mầu Ni đã xuất thế.
Ngài sinh ra theo con đường bình thường của người dân, nhằm
không tạo nên một sự khác biệt nào, để khi Ngài đạt đạo quả thì người dân dễ
noi theo. Bố mẹ ở cõi Sa Bà của Ngài là vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Gia. Đến
ngày sinh nở bà đã vịn lên cành vô ưu mà sinh ra Ngài ở đằng nách, ngay lúc đó
Ngài liền bước xuống và đi bảy bước trên bảy bông sen, rồi một tay chỉ trời, một
tay chỉ đất mà nói rằng “thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới
trời chỉ có ta là cao quý hơn cả.
Chữ ta ở đây là đại ngã trường tồn mang tính đại đồng, không
phải là cái tôi cá nhân…, ở đây con số 7 là số phiếm chỉ mang tính trượng trưng
để chỉ về nhiều và như vậy, Ngài bước đi 7 bước là bước tới tất cả mọi miền của
giới hữu tình để đem nguồn hạnh phúc vĩnh cửu cho tất cả mọi chúng sinh, tượng
trưng bằng đài sen).
Trong tạo hình, tượng Ngài được thể hiện dưới hình thức một
chú bé bụ bẫm, cởi trần, mặc chiếc váy cũn cỡn đứng trên một hoặc hai đài sen.
Đối với người Việt “chú bé ấy” có tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất với ngón
trỏ và giữa khép lại chỉ thẳng, ngón nhẫn và út cong, ngón cái giữ lấy ở phía
bên.
Người Việt là cư dân nông nghiệp, thường xuyên quan tâm đến
mối đối đãi của âm dương, nên tay trái mang yếu tố âm chỉ lên trời mang yếu tố
dương và tay phải mang yếu tố dương chỉ xuống đất mang yếu tố âm, như thế là
thích hợp. Ở vùng miền khác, nhiều khi có quan niệm khác với người Việt nên đã
có tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất… đây chỉ là một hiện tượng như được quy
định bởi bản sắc của tộc người gắn với phương thức sản xuất của họ. Tích truyện
còn cho biết rằng, khi Ngài xuất thế đã được hai vị vua Trời là Phạm Thiên và Đế
Thích hỗ trợ.
Hai Ngài đã cho các vũ nữ Thiên Thần (Apsaras), nhạc sỹ
thiên thần (Gandhârvas), cùng các thiên tướng tung hoa nhã nhạc vang lừng bầu
trời và xưng tán Đức Thích Ca. Các vua trời hội tụ nước thiêng của khắp bầu trời,
mà tượng trưng bằng chín con rồng phun nước để tắm cho Ngài nhằm tránh khỏi những
uế tạp của trần gian (số 9 cũng là số phiếm chỉ để nói về nhiều, về tất cả…).
Trong tạo hình, Thích Ca Sơ Sinh thường đứng trên đài sen
như trong một chiếc hang, bao quanh là chín con rồng. Có thể trước đây, trên “bầu
trời” đó (chín rồng được điểm xuyết các thiên tướng, nhạc sỹ và vũ nữ thiên thần,
nhưng tới nay, hình tượng đó đã thất truyền mà vành cửu long của người Việt chỉ
được điểm xuyết/thay thế bằng cả một hệ thống Phật điện.
Phía sau là thân của một cây vô ưu, thường ở bên trái có tượng
vua Tịnh Phạn và bên phải là tượng bà Ma Gia (trật tự này có khi bị thay đổi) vịn
tay lên cành vô ưu để lấp ló ở trong cánh tay áo là một chú bé (tức Đức Thích
Ca Mầu Ni). Cũng có khi Đức Thích Ca Sơ Sinh đứng trên đài sen do thần biển
nâng lên. Hai bên của tượng Cửu Long Thích Ca Sơ Sinh là hình tượng hai vua Phạm
Thiên và Đế Thích ngồi trên bệ/bục. Đây là một biểu hiện của sự dung hội giữa Ấn
Độ giáo và Phật giáo.
+ Tượng Hộ pháp Khuyến Thiện và Trừng Ác
Tượng Khuyến Thiện ở bên trái và tượng Trừng Ác ở bên phải
tiền đường, có thân trù phú để biểu hiện về sức mạnh vô lượng, vô biên trong ý
thức cầu phồn thực của cư dân nông nghiệp nước ta. Hai vị này đều hành động
trên nền tảng Phật pháp, có nghĩa là dựa vào trí tuệ Phật để giáo hóa chúng
sinh, vì thế mà thường ngồi buông chân trên con lân (lân là biểu tượng của sức
mạnh tầng trên, của trí tuệ và sự trong sáng, cưỡi lân có nghĩa là dựa trên nền
tảng của trí tuệ mà hành sự).
Cả hai tượng đều đi vân xảo dẫm trên các cụm mây cuộn. Như vậy,
ở lĩnh vực đạo lý, cách tạo tác hai tượng này không đi ngược lại tinh thần đại
từ tâm của nhà Phật, bởi đôi giày là một hình tượng cho thấy năng lực cao siêu
của các Ngài trong chuyện đi lại không cần phải dẫm xuống mặt đất (các tượng ở
trên Phật điện đa số để chân trần, đã nói lên được tinh thần đại từ, đại bi của
các vị Phật và chư vị Bồ tát.
Người nhà Phật cho rằng có đi chân trần thì mới tránh việc
được việc dẫm chết các chúng sinh bé nhỏ, đồng thời, cũng nói lên hiện tượng nhập
với thế gian để cứu độ…). Một ý nghĩa khác của nhà Phật chỉ ra rằng nhờ áo giáp
nhẫn nhục mà các Ngài không bị các mũi tên dục vọng: tham, sân, si, ái, ố, hỉ,
nộ tác động đến thân tâm, luôn giữ được tâm trong sáng như kim cương nên gọi là
tượng kim cương, đồng thời có chức năng hộ trì Phật pháp nên cũng gọi là tượng
Hộ Pháp.
Trên con đường phát triển của tạo hình Phật giáo mang yếu tố
dân dã thì Hộ Pháp nhiều khi có khả năng trừ tà sát quỷ, cũng có khi là một hóa
thân của thần chống lụt vì thế mà trong cách tạo tác, nhiều pho đã dẫm lên quỷ
hoặc dẫm lên rắn, rùa và cóc…
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc tượng
pháp, trong chùa còn một số di vật, hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa và
khoa học đặc sắc, như khám thờ, chuông, hoành phi - câu đối…
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, chùa Tình Quang luôn
gắn bó với mảnh đất, con người Tình Quang. Đó cũng là một “điểm nhấn” về lịch sử
- văn hóa trên hành trình hướng tới tương lai của Giang Biên nói riêng, của
Long Biên và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Phường Giang Biên