Tam vị Sơn thánh Tản Viên là những vị sơn thần được thờ phụng trong nhiều đình đền miếu tỉnh Yên Bái. Những điểm thờ phụng này được người dân địa phương khẳng định rất linh thiêng, thường là nơi cầu xin bình an, sức khỏe, mùa màng thuận lợi.
Di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh
Yên Bái
Quyết định công bố Di tích
Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 17/2/2016 của UBND tỉnh Yên
Bái công bố di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
là Di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Địa điểm và đường đi đến Di tích
Di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh thuộc thôn Chùa 1, xã
Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái có diện tích khoanh vùng bảo vệ 4.000
m2. Di tích cách UBND xã 400m, cách trung tâm huyện 45km, cách trung tâm tỉnh
Yên Bái 45km.
Du khách có thể đi đến di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh
bằng đường bộ rất thuận lợi, theo các tuyến: Đi từ trung tâm tỉnh (km5) qua Cầu
Yên Bái theo đường tỉnh lộ Hợp Minh - Đại Lịch - Chấn Thịnh (45km) là tới Di
tích.
Đi từ trung tâm huyện Văn Chấn theo Quốc lộ 32 Văn Chấn -
Yên Bái, đến xã Tân Thịnh (30 km) theo đường Mỵ - Chấn Thịnh (15 km) là tới Di
tích.
Nếu du khách đi từ Hà Nội theo Quốc lộ 37 (Hà Nội - Văn Chấn),
hoặc từ Sơn La sang Thượng Bằng La đến Ủy ban nhân dân thị trấn Nông trường Trần
Phú, đi tiếp sang xã Chấn Thịnh là tới Di tích.
Lịch sử Di tích
Theo lịch sử hình thành địa danh, địa giới huyện Văn Chấn
qua các thời kỳ, năm 1907 lập thêm 2 xã thuộc tổng Đại Lịch, có thể năm này
thành lập xã Chấn Thịnh trên cơ sở chia tách một phần đất Đại Lịch để thành lập
xã Chấn Thịnh.
Theo tài liệu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán nôm ghi chép về
làng xã Bắc Kỳ thời Pháp thuộc xã Chấn Thịnh thuộc tổng Đại Lịch. Xã Chấn Thịnh
gồm các thôn, bản: Vực Tuần, Khe Rịa, Làng Mị, Bản Tó, Bản Hai, Đồng B, Bản Giầy,
Bản Cao, Làng Chùa, Bản Lạn, Bản Ngõa, Bản Càm, Bản Dù (Giù).
Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc,
vùng đất xã Chấn Thịnh ngày nay luôn gắn với nhà nước Việt Nam. Theo các cụ già
trong và ngoài xã Chấn Thịnh cho biết: Đình - đền và chùa Chấn Thịnh có từ rất
lâu rồi, ba di tích này đều tọa lạc trong làng Chùa lên gọi là làng Chùa.
Đình Chung:
Đình là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cho cả tổng Đại Lịch
xưa (bao gồm các xã Đại Lịch, Thượng Bằng La, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Tân Thịnh,
Việt Hồng, Vân Hội, Minh An, Đồng Khê, Suối Bu, Cát Thịnh, Nghĩa Tâm, thị trấn
nông trường Trần Phú ngày nay), theo đó về không gian rất rộng, từ xã Đồng Khê
(huyện Văn Chấn) trở ra đến xã Việt Cường, Việt Hồng, Vân Hội (Trấn Yên) ngày
nay.
Để có nơi thờ thần, Thành Hoàng người dân đã xây dựng đình với
quan niệm người Việt lập làng ở đâu dựng đình ở đó, ngôi đình là trung tâm quyền
lực của làng xã, lấy tên là Đình Chung. Đình xây dựng 3 gian, nhà gỗ, cột to, lợp
cọ, sàn thấp, không có tường, gian giữa đặt ban thờ chính, xung quanh có ban thờ
2 tầng (tầng trên đặt cỗ chay, tầng dưới đặt cỗ mặn), cao khoảng 2-2,2m.
Thời gian xây dựng đình chưa rõ năm, có thể xây dựng cách
ngày nay khoảng hơn 400 năm (1615-1650), từ khi người Tày đến định cư vùng Chấn
Thịnh ngày nay, điều này phù hợp với lịch sử di cư của người Tày đến các xã Đại
Lịch, Chấn Thịnh, Bình Thuận, Thượng Bằng La, Nghĩa Tâm ngày nay và nhiều xã
khác ở huyện Văn Chấn.
Đình Chung có thể bị giặc Cờ Vàng và thực dân Pháp phá hủy
cùng với đền, chùa. Sau khi trở về dân làng (tổng) không có điều kiện phục dựng
lại đình (hoặc cũng có thể thực dân Pháp không cho phục dựng đình) nên chỉ khi
tổ chức lễ hội dân làng (tổng) mới dựng tạm đình.
Đền Cửa Vá (đền Vá):
Truyền thuyết liên quan đến đền (có thể là dị bản thần tích
- thần phả đền Cửa Vá), được ông Hoàng Thanh Việt - thôn Lạn, xã Chấn Thịnh kể
lại: “Xã Đại Lịch xưa, có ông Thổ Đạo là người buôn gỗ từ miền núi về miền xuôi
theo dòng ngòi Lao. Khi đi qua Kinh thành ông thường hát:
Hò dô
ta, dô ta
Dô
ta, cùng nhau kéo gỗ làm đền
Bao
nhiêu con gái trong kinh kén chồng
Ra mà
xem thằng kéo gỗ.
Ở kinh thành, nhà vua có hai công chúa rất xinh đẹp, tài giỏi,
thương dân. Chị là Kiều Ngân lấy chồng ở Đông Cuông, còn em là Kiều Nga không
may bị câm năm 10 tuổi. Một lần nghe ông Thổ Đạo hò kéo gỗ, Kiều Nga bỗng dưng
nét mặt rạng ngời, tươi cười, nói được. Nhà Vua thấy vậy, bèn cho gọi ông Thổ Đạo
vào và hỏi: Ngươi ở đâu đến, làm gì? Ông Thổ Đạo bèn đáp: Con ở vùng nước giã gạo
(đồng bào Tày sử dụng cối giã gạo bằng sức nước), trâu kéo mõ (cổ trâu đeo mõ),
chó leo thang (người Tày ở nhà sàn), ăn cơm bằng bát tàu (thời đó đồng bào Tày
không có bát, chỉ sử dụng tàu lá chuối thay mâm và làm bát để ăn cơm). Đũa hai
đầu bịt bạc, ăn đâu bỏ đấy, ba tháng ăn ngô, ba tháng ăn khoai, ba tháng ăn củ
mài chấm mật ong, ba tháng án gạo nương.
Nhà vua giữ ông Thổ Đạo ở lại kinh thành và hứa gả công chúa
Kiều Nga cho ông. Ở kinh thành một thời gian ông Thổ Đạo xin phép Vua trở về Đại
Lịch, hẹn ngày quay lại đón Kiều Nga về làm vợ. Đến hẹn, ông Thổ Đạo về kinh
thành làm lễ cưới với Kiều Nga. Khi đi qua vách núi, phải chui qua khe đá, con
ngựa của ông Thổ Đạo không chịu đi qua, cứ lồng lên, giáo vướng vào vách đá làm
ông Đạo ngã xuống thác nước mà hóa.
Nghe tin ông Thổ Đạo chết, Kiều Nga cùng với nàng hầu vội
vàng lên Đại Lịch, đi đến Thác Luồn (giáp xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, tỉnh Phú
Thọ ngày nay) nàng hầu bị rắn cắn chết, một mình Kiều Nga lên Đại Lịch chịu
tang chồng chưa cưới. Nàng cùng với gia đình tổ chức đám ma cho ông Thổ Đạo rất
chu đáo, dân làng khen là chung thủy và được dân rất quý mến, nể trọng.
Chồng chưa cưới chết, Kiều Nga không về kinh thành nữa mà ở
lại Đại Lịch sinh sống. Nàng dạy dân biết khai hoang đất làm ruộng trồng lúa nước,
trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi, làm cọn đưa nước vào đồng ruộng... dân
làng trong vùng vì thế mà có cuộc sống yên ổn, ấm no.
Nàng còn lên núi Nả trồng cam, trồng quýt. Khi công chúa Kiều
Nga chết, nhân dân trong vùng suy tôn là “Bà Chúa Núi Nả và để tỏ lòng thương
tiếc, quý mến, tri ân đối với công chúa Kiều Nga nhân dân trong vùng xây đền thờ
phụng”.
Thời gian xây dựng đền Cửa Vá được xác định vào khoảng từ những
năm cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII. Đền Cửa Vá bị phá hủy khi giặc
Cờ Vàng hoặc thực dân Pháp xâm chiếm vùng Đại Lịch đốt cháy, vào khoảng thời
gian từ 1872 - 1900.
Chùa Chấn Thịnh:
Năm xây dựng cũng như năm chùa bị sụp đổ, chấm dứt hoạt động,
qua tra cứu chưa thấy tài liệu nào nói đến. Theo sách đền, chùa, đình ở tỉnh
Yên Bái của Hồ Văn Thái (chủ biên) và Nguyễn Liễn, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh
Yên Bái xuất bản năm 2005 có ghi: “Hữu ngạn sông Hồng có chùa Cao Kiến (xã Chấn
Thịnh), thôn có chùa nên gọi là thôn Chùa. Một số cụ ở các xã Đại Lịch, Chấn Thịnh,
Bình Thuận thì hồi bé, các cụ cũng đã thấy chùa.
Qua di vật thám sát phát hiện được như ngói mũi cánh sen, đầu
đao, lục lạc đồng có hoa văn thời Đông Sơn, tiền cổ (Khai Nguyên Thông Bảo,
chum đất, hiện vật trang trí cánh sen, đá tảng kê chân cột và ngói phát lộ trên
diện tích rộng hơn 6.000m2 cùng với nhân dân đào được di vật như tay tượng Phật,
nồi đồng, khuyên tai, hũ tiền cổ... so sánh hiện vật đào được với ngói, đầu đao
Bảo tàng tỉnh Yên Bái khai quật tại Pú Che, Pù Chí Chùa năm 2011 và năm 2012
(xã Phù Nham) và chùa Vô Tranh (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) có thể nhận định đây là
một ngôi chùa cổ xây dựng vào thời Trần - Lê (khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ
XV).
Cuối thời Trần, đầu đời Lê, một bộ phận tộc người Việt (dân
tộc Kinh) di cư từ Phú Thọ ngày nay hoặc các tỉnh miền xuôi theo sông Hồng đến
cửa Ngòi Lao (huyện Hạ Hòa) vào Chấn Thịnh ngày nay sinh sống và xây chùa (hoặc
cũng có thể cuối thời Trần, đầu đời Lê xảy ra các cuộc nổi dậy chống lại triều
đình, khi thất bại sợ bị tàn sát nên một số quan quân cung với gia đình, dòng họ...
chạy lên trốn ở vùng Chấn Thịnh ngày nay, lập làng rồi dựng chùa).
Thời kỳ nhà Trần Phật giáo cực thịnh cùng với quan niệm
"đất vua chùa làng", đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước, còn
chùa lại thuộc cộng đồng làng xã. Vì thế ở đâu có làng ở đó có chùa.
Có thể nhận định đây là ngôi chùa cổ xây dựng vào thời Trần
- Lê (khoảng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV). Khi cư dân miền xuôi là người Kinh
lên sinh sống thành làng, xây dựng chùa và khi họ không sinh sống nữa, di chuyển
về xuôi hoặc lâu dần họ đã bị dân bản địa đồng hóa về văn hóa, tín ngưỡng nên
không theo đạo Phật và theo thời gian thiên nhiên khắc nghiệt nên chùa tự sụp đổ.
Nhận định này phù hợp với quá trình đào thám sát thấy các lớp ngói bị vỡ xếp
thành hàng.
Các nhân vật được thờ tự
Nhân vật được thờ Đình Chung: Thờ Tam vị Thượng đẳng thần Tản
Viên Sơn Thánh; Thờ Thành Hoàng và Phúc Thần.
Nhân thần được thờ đền Cửa Vá (đền Vá): Thờ Thánh Mẫu, Mẫu
Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Liễu Hạnh phối thờ Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang
Bích.
Các hiện vật trong Di tích
- Từ năm 1974 đến 2013, trong khi làm vườn trồng chè nhân
dân đào được nhiều di vật liên quan đến chùa như tay Phật, ngói mũi cánh sen, nồi
đồng, chén đồng, cơi trầu bằng đồng, đá kè chân cột, hũ tiền thời Đường (621)
và nhiều di vật cổ khác.
- Tháng 10/2015, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Yên
Bái tiến hành khảo sát di tích đình, đền, chùa Chấn Thịnh phát hiện 2 lục lạc đồng
có hoa văn thời văn hóa Đông Sơn (thế kỷ I - II sau CN); 4 đồng tiền cổ thời
“Khai Nguyên Thông Bảo” và nhiều mảnh ngói mũi cánh sen.
- Ngày 22/12/-2015, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh
Yên Bái tiến hành đào thám sát đã phát hiện nhiều lớp mảnh ngói mũi cánh sen
(30cmx20cm), 01 hiện vật trang trí cánh sen (đường kính 30cm), đặc biệt là 1 đầu
đao mái chùa bằng đất nung.
Phong tục lễ hội
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích Đình Chung
Theo quy ước của tổng, ngày 10 tháng Giêng, đình tổ chức lễ
hội và mỗi xã trong tổng góp một con trâu để mổ cúng tế Tam vị Thượng Đẳng Thần
Tản Viên Sơn Thánh và các Thần linh, Thành hoàng, Phúc Thần...
- Bày đặt sắp xếp mâm cỗ: có hai tầng, tầng trên mâm cỗ
chay; tầng dưới mâm cỗ tạp.
Sau khi mổ trâu xong, lấy đầu, chân, đuôi, tiết, lòng và thịt
đặt giữa đình để cúng tế Tam vị Đại Vương Quốc Chúa Thượng đẳng thần bao gồm Tản
Viên Sơn Thánh, Quý Minh Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương và Thành Hoàng làng hay
và “Phúc Thần” - người có công đưa dân đến lập bản, lập mường và người già có
công với làng bản để dân có cuộc sống yên lành.
Bốn mâm đặt tại bốn góc đình cúng tế Thần Thổ Công, Thần
Nông, Bà Chúa Luồn, Hứa Sào (Biểu Thước), Lỗ Ban Qua Xích, Kéo Cửa.
Những người có chức sắc trong tổng, xã (chánh tổng, lý trưởng,
xã trưởng...) đều có mâm cỗ cúng thần linh (do tổng, xã chuẩn bị).
- Nghi lễ: Hai ông Mo làm các nghi lễ cúng tế, tạ ơn ba vị
Cao Sơn Đại Vương, Thành hoàng, Thần Nông... đã che chở, phù hộ cho dân làng một
năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống an lành... và cầu cho một
năm mới được hanh thông.
- Hội: Kết thúc các nghi lễ cúng tế, dân làng tổ chức các hoạt
động văn hóa, văn nghệ dân gian như hát then, múa, đẩy gậy, chọi gà, đánh đu...
và sau đó tất cả nhân dân trong tổng cùng nhau ăn uống vui vẻ, chúc sức khỏe,
chúc phúc đầu năm mới.
Tiếp theo dân làng tổ chức xuống đồng chuẩn bị một vụ mùa mới
(hội lồng tồng).
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại đền Cửa Vá
Theo các cụ cho biết, đền Cửa Vá trong năm tổ chức nhiều lễ
hội với các nghi lễ dâng lễ, đọc chúc thư, dâng chước (rượu), kim ngân (vàng bạc),
phù đạm (hoa sen), đọc văn tế... cúng tế Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Thánh Mẫu Thượng
Ngàn. Thánh Mẫu Thoải, Đức Ngọc Hoàng, Đức Thánh Trần, Bà Chúa Nả...
Sau khi Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích, Bố Giáp - Nguyễn
Văn Giáp (phó tướng của Nguyễn Quang Bích) lâm bệnh mất (ngày 24/1/1890). Do
hai ông có công xây dựng căn cứ, lãnh đạo nhân dân Đại Lịch, Văn Chấn chống
Pháp ngay từ ngày đầu thực dân Pháp xâm lược Văn Chấn (1887 - 1988). Để tỏ lòng
tri ân, tưởng nhớ nhân dân đã phối thờ hai ông cùng quân sỹ có công chống giặc
Pháp trong đền Cửa Vá và tổ chức cúng giỗ ông vào rằm tháng Chạp.
Kết thúc các nghi lễ dân làng tổ chức các trò chơi, trò diễn
dân gian.
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tại di tích Chùa
Các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra tại chùa
vào các ngày tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, rằm tháng Bảy và các
ngày lễ khác của đạo Phật.
Đình - đền - chùa Chấn Thịnh là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa
của nhân dân các dân tộc trong vùng qua từng thời kỳ lịch sử thông qua thần
tích - thần phả, lễ hội, diễn xướng, truyền thuyết về các vị Thành Hoàng, Phúc
Thần, Phật và là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục truvền thống, duy trì những
thuần phong mỹ tục. Đồng thời là truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ
nguồn”, tri ân với người có công với dân với nước trong đời sống tinh thần của
người Việt Nam.
Qua thám sát trên 6.000m2 và theo các cụ già trong và ngoài
xã Chấn Thịnh kể lại có thể nhận định: Đình - đền - chùa Chấn Thịnh nằm trên một
khu đất rộng, bên ngòi Lao (cách 100m), kiến trúc hình chữ Nhất, quy mô kiến
trúc lớn, đình, đền cột gỗ, lợp cọ; chùa cột gỗ, mái lợp ngói mũi cánh sen phạm
vi không gian rộng, có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa tín ngưỡng, tôn
giáo của nhân dân trong vùng.
Di tích đình - đền - chùa Chấn Thịnh có từ lâu đời. Do thăng
trầm, biến cố của đất nước, đến nay di tích đình, đền, chùa Chấn Thịnh không
còn tồn tại, nay chỉ còn lại dấu tích.