Cụm di tích bao gồm: Đình Quan Xuyên, (thờ Ngũ vị đẳng thần); Miếu Thượng (thờ Tam vị thượng đẳng thần Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân); Miếu Trung (thờ Linh ứng đại vương Phạm Công Nghi, được phong Trung đẳng thần); Miếu Hạ (thờ thành hoàng làng Quang Chiếu đại vương Vũ Quang Chiếu và chùa Quan Xuyến.
Làng Quan Xuyên nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh, cách thị xã
Hưng Yên hơn 20km, thuộc tổng Đại Quan, huyện Đông An, phủ Khoái Châu (ngày nay
thuộc xã Thành Công, huyện Khoái Châu).
Quan Xuyên nằm bên bờ sông Hồng, mang những nét đặc trưng của
một làng truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ với "cây đa, giếng nước, sân
đình".
Trong làng, còn lưu giữ được một quần thể di tích lịch sử -
văn hóa phong phú, gồm có Đình Quan Xuyên, (thờ Ngũ vị đẳng thần); Miếu
Thượng (thờ Tam vị thượng đẳng thần Chử Đồng Tử và nhị vị phu
nhân); Miếu Trung (thờ Linh ứng đại vương Phạm Công Nghi, được
phong Trung đẳng thần); Miếu Hạ (thờ thành hoàng làng Quang Chiếu đại
vương Vũ Quang Chiếu, được phong làm Trung đẳng thần); chùa Quan
Xuyên; nhà sắc hay nhà Hội đồng (lưu giữ giấy tờ quan trọng của cả làng); Văn
chỉ Quan Xuyên và lăng mộ Vũ Quang Chiếu.
Tất cả những di tích trên đều có quan hệ mật thiết tới lễ hội
làng Quan Xuyên, tạo thành một lễ hội hoàn chỉnh.
Lễ hội đình Quan Xuyên
Theo thần tích, thần sắc tại đình Quan Xuyên thì cả "Ngũ
vị đẳng thần" đều có công rất lớn đối với dân, với nước. Tam vị đức thánh
tiên đại diện cho quá trình khai phá vùng đất hoang vu thành những làng mạc trù
phú, có công cứu nhân độ thế, mở mang nghề buôn... và đặc biệt là lòng thủy
chung son sắt trong gia đình, xã hội.
Do có công lao to lớn, đời vua Lê Trang Thông (1533-1548,
niên hiệu Nguyên Hòa) đã sắc phong cho Đức Thánh Ông là "Chử công Đồng
Tử thượng đẳng phù tiên tôn thần", cho "Tiên Dung công chúa thượng đẳng
phù tiên tôn thần " và cho Tây Sa công chúa làm "Nội giáp Tây cung
công chúa huyền diệu tôn thân".
Các đời vua về sau đều ban phong cho ba vị làm "Thượng
đẳng thần". Vì thế, Quan Xuyên là một trong 72 làng ven dọc sông Hồng thờ
Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân làm Đức Thành Hoàng.
Đại vương Vũ Quang Chiếu và Phạm Công Nghi là bạn quan đồng
liêu. Tuy có quê quán khác nhau (Vũ Quang Chiếu quê làng Lan Xuyên, Thành Công,
còn Phạm Công Nghi quê làng Vĩnh Niêm, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải
Dương) nhưng cả hai đều là những công hầu khánh tướng, phụ giúp nhà Lê.
Hai ông đã kết nghĩa làm anh em vào ngày 15/2. Sau đó, nhà Mạc
mất, Phạm Công Nghi dược truy phong làm Thái Bảo Nghi Công, Linh Ứng đại vương,
còn Vũ Quang Chiếu làm Thái phó, Quang Chiếu đại vương. Về sau, cả hai đều được
phong làm " Trung đẳng thần".
Đình Quan Xuyên tọa lạc đầu làng, thờ Ngũ vị đẳng thần: Chử
Đồng Tử và Nhị vị phu nhân (Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa), Vũ Quang
Chiếu, Phạm Công Nghi. Theo thần phả còn lưu giữ tại đình, Chử Đồng Tử và Nhị vị
phu nhân có công khai phá đất đai, chăm lo đời sống, mở mang nghề nghiệp và chữa
bệnh cho dân.
Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Nhị vị phu nhân gắn liền với mảnh
đất Đông Yên (An) xưa và Khoái Châu nay. Vũ Quang Chiếu, người làng Quan Xuyên,
giữ chức Tham tri Hình bộ đời Lê Chiêu Tông (1516-1522), được coi là người sáng
tạo ra trò chơi vật lầu ở Quan Xuyên. Phạm Công Nghi, bạn thân và tướng đồng
triều với Vũ Quang Chiếu, quê ở làng Vĩnh Niệm, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn,
tỉnh Hải Dương, được phong chức Thái bảo Đại tướng quân.
Tương truyền, đình được xây dựng khi Vũ Quang Chiếu và Phạm
Công Nghi trở về làng Quan Xuyên, kết nghĩa anh em. Tại nơi tổ chức yến tiệc kết
nghĩa, thấy thế đất đẹp, Vũ Quang Chiếu đã xây tòa đình để hội họp việc làng.
Đến nay đình Quan Xuyên vẫn còn giữ được sự đồng bộ về kiến
trúc. Đây là di tích duy nhất trong làng / xã không bị chiến tranh tàn phá, đã
được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1989.
Đình nhìn hướng Tây, xung quanh có hào nước bao bọc, phía trước là sông Hồng.
Bên phải, phía trước đình là cây đa có niên đại vài trăm tuổi. Giếng nước nằm
ngay bên đầu hồi trái của đình, phía trước cửa chùa.
Từ đường làng, qua cầu nhỏ dài khoảng 5m, rộng 3,5m tới cột
đồng trụ, được xây dựng thời Nguyễn, cao 6m. Bước qua cổng, ta sẽ thấy một sân
đình rộng, bốn góc có 4 cửa: Bắc môn, Nam môn, Đông môn và Tây môn.
Đình có kiến trúc gỗ, lợp mái mũi hài, bố cục theo kiểu chữ “Đinh”. Tòa tiền tế
5 gian, hai trái, kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng. Trên các ván dong, con
rường chạm nổi, chạm kênh bong hình đao lửa, tứ linh, tứ quý. Gian giữa ghép trần
gỗ sơn son. Phía dưới có sàn gỗ, đã bị phá trong kháng chiến chống Pháp,
chỉ còn dấu vết các đầu mộng. Nối liền hai bên gian trung từ và cung cấm là tả
vu, hữu vu. Kiến trúc kiểu chồng rường đấu xen. Phía ngoài hậu cung là cửa bức
bàn. Công trình hiện nay là thời Nguyễn. Một số mảng chạm khắc trên cốn, đầu bảy
mang dấu ấn thời Hậu Lê.
Phía sau đình là miếu Thượng thờ Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân; miếu Trung thờ
Phạm Công Nghi; miếu Hạ thờ Vũ Quang Chiếu. Hiện các di tích này đã hư hỏng, đồ
tế tự đều đã chuyển lên thờ ở đình chính. Ngoài ra còn có Chùa, xây dựng từ thế
kỷ XVII; nhà Sắc, còn gọi là nhà Hội đồng, là nơi hội họp, bàn việc làng, nơi
lưu giữ bản sắc của làng và sắc phong thần thành hoàng, khu lăng mộ Vũ Quang
Chiếu.
Lễ hội truyền thống đình Quan Xuyên được tổ chức hàng năm từ
ngày mồng 9 đến ngày 16 tháng 2 âm lịch, nhưng sau này vào năm 1938 cụ Cao Văn
Linh (làm thông phán ở Hưng Yên) đã quy định lịch tổ chức lễ hội vào các năm
"Thìn, Tuất, Sửu, Mùi" (tức ba năm một lần). Lễ hội đình Quan Xuyên
cũng mang đặc trưng chung của lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ, nghĩa là có hai phần
quan trọng là Lễ và Hội.