Đình Lạc Thanh xưa thờ 12 vị thành hoàng làng. Trong đó, hai vị Thành hoàng làng là Cao Sơn, Quý Minh thượng đẳng thần được thờ tại đình, 10 vị thành hoàng khác được thờ phụng ở các nghè nằm rải rác trong địa bàn Thành phố Uông Bí.
Đình Lạc Thanh nằm ở trung tâm khu Lạc Thanh, phường Yên Thanh, TP Uông Bí. Căn cứ theo tư liệu Hán Nôm và theo các cụ già truyền lại thì đình Lạc Thanh được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Khởi dựng đình được xây ở xứ Đồng (Cổ Bồng), cách vị trí hiện nay khoảng 700m về hướng Đông Nam.
Do vị trí này gần rìa sông, thường xuyên xảy ra lũ lụt nên
dân làng lại chuyển đình về khu vực cách đình hiện nay khoảng 500m về hướng
Bắc.
Khi đó, làng Lạc Thanh gặp cảnh binh đao, loạn lạc, đình bị
hỏng. Khoảng năm 1735-1740, niên hiệu Vĩnh Hựu, triều vua Lê Ý Tông, có một vị
quan đại thần tên Phạm Năng Nhẫn giữ chức Đô chỉ huy sứ bổ thụ chức Hàn thị
giảng (vị quan đứng đầu một xứ, kiêm giảng dạy ở Hàn Lâm viện) đã xin triều
đình cho về đây, khai phá ruộng vườn, chiêu tập lưu dân trở về quê an cư lạc
nghiệp, lập ra thôn ấp, đã xây dựng lại đình ở vị trí hiện nay để làm nơi sinh
hoạt văn hoá, tín ngưỡng của nhân dân.
Căn cứ vào các Sắc phong còn lưu giữ đến nay, làng Lạc Thanh
xưa thờ 12 vị thành hoàng làng. Trong đó, hai vị Thành hoàng làng là Cao Sơn,
Quý Minh thượng đẳng thần được thờ ở đình Lạc Thanh, còn lại 10 vị được thờ ở
các nghè nằm rải rác trong địa bàn Thành phố Uông Bí. Để tưởng nhớ công lao các vị
thần đã có công với làng xã, dân làng Lạc Thanh đã tổ chức lễ hội vào ngày 14
và 15 tháng 11 (âm lịch) hàng năm tại đình Lạc Thanh, cầu cho mưa thuận gió hoà,
quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt và tạ ơn các vị thần đã có công cứu giúp
dân làng qua khỏi thiên tai, dịch bệnh, phù hộ cho dân làm ăn thuận lợi.
Đình Lạc Thanh xưa được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII ở
xứ đồng Cổ Bồng để thờ Nghè Cả (Thành hoàng làng). Năm 1898, đình được xây dựng
lại ở vị trí ngày nay. Trong một thời gian dài, đình bị bỏ hoang phế. Mãi đến
năm 1995, đình mới được nhân dân tu sửa lại và đưa bát hương vào thờ cúng thành
hoàng.
Nằm trong khuôn viên với đình Lạc Thanh là chùa Lạc Thanh.
Chùa được dựng vào thời Lê – Nguyễn, trải qua thời gian, chiến tranh tàn phá
nên chùa chỉ còn phế tích. Ngôi chùa hiện tại được dân làng phát tâm công đức
phục dựng vào năm 1999 gồm chính điện, nhà thờ Tổ, nhà thờ Vong và nhà thờ Mẫu.
Năm 2000, nhà sư Thích Minh Trí đã quyên góp công đức xây
dựng chùa trong khu đất của đình và năm 2004 thì trùng tu lại đình và hình
thành một quần thể di tích đình, chùa trang nghiêm như ngày nay trong khuôn
viên rộng hơn 2000ha.
Ảnh: Chùa Lạc Thanh (Nguồn: St)
Chùa kết cấu kiến trúc hình chữ Đinh, có diện tích 50m2 (chiều
dài 10m, rộng 5m), gồm 3 gian Tiền đường, 1 gian Hậu cung. Hai bên
hồi được xây gạch, lợp ngói, cửa ra vào làm theo kiểu bức bàn, hệ thống cột,
kèo đều làm bằng bê tông giả gỗ, cấu kiện vì nóc, vì nách, con rường được
làm bằng gỗ chạm nổi vân mây, hoa lá mềm mại. Hai bên tiền đường đặt
hai bệ thờ, bên trái là ban Đức Ông, bên phải là ban Thánh Tăng (nhìn từ trong
ra). Thượng điện có 4 cấp thờ, cấp 1 thờ Tam thế Phật, cấp 2 thờ Di đà Tam tôn,
cấp 3 thờ Quan Âm thiên thủ, thiên nhãn, cấp 4 là tòa Cửu Long.
Cùng với những thăng trầm của đình Lạc Thanh, lễ hội đình
Lạc Thanh cũng mai một từ đó mãi tới năm 2011 mới được phục dựng lại và trở
thành một lễ hội độc đáo của tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội không chỉ khơi dậy ý thức
bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá của người xưa để lại mà còn góp phần
tích cực vào phát triển du lịch văn hoá tâm linh của Uông Bí nói riêng và tỉnh
Quảng Ninh nói chung.
Ngày 14 âm lịch dân làng làm lễ nhập tịch, vị Thành hoàng làng
ngự trị tại nghè được rước về đình để làm lễ tạ ơn, đến chiều ngày 15 làm lễ
rước các chư vị thần về an vị tại nghè, đồng thời họp bàn phân công các ông
(bà) trông nom, hương hoả cho đình, nghè vào năm sau.
Theo các tài liệu ghi chép lại, trước đây, sau ngày lễ chính
là phần hội, hội làng diễn ra rất phong phú với nhiều trò chơi dân gian như
đánh đu, cờ tướng, cờ người, bài điếm, chọi gà... Hội đình Lạc Thanh thường mời
phường chèo, hát đúm ở tổng Hà Nam (Quảng Yên), Đông Triều, Thuỷ Nguyên (Hải
Phòng) tham gia diễn xướng trong lễ hội đã thu hút rất nhiều người dân trong
vùng và những vùng lân cận đến xem và tham gia, nhưng đến nay, phần hội không
còn được duy trì.
Hiện nay, Dự án phục dựng lại lễ hội đình Lạc Thanh đang
được triển khai. Trong tương lai, nếu được phục dựng lại nguyên vẹn như xưa, lễ
hội đình Lạc Thanh sẽ trở thành lễ hội văn hoá, tín ngưỡng dân gian mang tầm
vóc, quy mô to lớn nhất TP Uông Bí nói riêng và là lễ hội tiêu biểu trong toàn
tỉnh Quảng Ninh nói chung, bởi lễ hội sẽ tập trung 10 đoàn rước từ các nghè nằm
rải rác trên địa bàn thành phố (thờ 10 vị Thành hoàng làng của làng Lạc Thanh
xưa) và thu hút khoảng một nghìn người tham gia. Vì vậy, lễ hội không chỉ là
ngày vui, thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương, nhân dân các
vùng lân cận, khách thập phương đến tham gia, chứng kiến mà còn mang một giá
trị tinh thần to lớn.
Ngoài phần lễ hội mang giá trị tinh thần to lớn, Đình Lạc
Thanh còn lưu giữ, bảo tồn được nguyên vẹn bộ vì kèo bằng gỗ mang phong cách
nghệ thuật thời Nguyễn. Tất cả các bộ vì nóc, vì nách, con rường, các đấu đều
được chạm nổi hình hoa sen, hoa lá uốn lượn mềm mại, mang đậm phong cách nghệ
thuật thời Nguyễn. Không chỉ vậy tại đình còn lưu giữ được 2 con chó đá, hiện
vật tiêu biểu vô cùng quý giá của thời Nguyễn, đó chính là minh chứng cho thời
kỳ tồn tại, phát triển và những lần trùng tu, sửa chữa của đình.
Đình Lạc Thanh cùng với các di tích kiến trúc văn hoá, tôn
giáo, tín ngưỡng trên địa bàn TP Uông Bí đã được xếp hạng cấp Quốc gia và cấp
tỉnh như chùa Yên Tử và khu vực danh thắng núi Yên Tử, đình Đền Công, chùa Hang
Son, chùa Ba Vàng tạo thành một hệ thống di tích kiến trúc văn hoá, tôn giáo
tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh, mở ra một tiềm năng phát triển du lịch lớn, du
lịch tâm linh, hướng về cội nguồn.
Nguyễn Thị Giang (CTV)