Di tích đình Dậu Trì gắn liền với việc thờ phụng sứ quân Trần Lãm, hiệu Trần Minh Công, giúp vua Đinh Tiên Hoàng bình định 12 sứ quân thế kỷ thứ X, lập nên nền độc lập, tự chủ của Việt Nam.
Từ Thành phố Hải Dương theo tỉnh lộ 38 khoảng 9 km đến ngã
ba Máy Kéo rẽ phải theo đường 17 khoảng 15 km gặp ngã ba cầu Me, tiếp tục rẽ phải
theo đường liên huyện, đến Uỷ ban nhân dân xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang, du
khách sẽ được hưởng ngoạn một không khí thoáng mát, trong lành của một
vùng quê thanh bình, êm ả - nơi đó có cụm di tích đình, chùa Dậu Trì.
Kết quả khảo sát nghiên cứu địa lý- lịch sử vùng đất Dậu
Trì cho thấy: Từ khi thành lập làng đến nay, Dậu Trì là địa phương có khá nhiều
lần sáp nhập, chia tách và đổi tên. Vào thời Trần mảnh đất Dậu Trì có tên là Dậu
Đàm Trang. Giữa thế kỷ XIX là một thôn của xã Dậu Trì, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh
Giang, tỉnh Hải Dương.
Đầu thế kỷ XX, thôn Dậu Trì sáp nhập với xã Dậu Trì lấy tên
là xã Dậu Trì, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Sau Cách mạng tháng Tám năm
1945, xã Dậu Trì sáp nhập với xã Nam Viên thành xã Viên Trì. Năm 1947, xã Viên
Trì lại sáp nhập với các thôn Cáp, Trói, Đồng Trang thành một xã lấy tên là Hồng
Dụ, cuối năm đó xã Hồng Dụ lại sáp nhập với xã Tam Tiên thành xã Hồng Thái.
Cho đến năm 1955, sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, xã
Hồng Thái lại được tách ra thành 2 xã Hồng Dụ và Hồng Thái. Từ đó đến nay xã Hồng
Thái gồm có 5 thôn là Dậu Trì, Tam Tương, Tiêu Tương, An Rặc và thôn Tương.
Đã từ lâu đời, người dân ở đây có nghề cổ truyền làm lờ, đó
đơm tôm, tép. Lờ, đó của Hồng Thái được toả đi khắp nơi, cung cấp cho nhiều địa
phương có vùng triều trũng. Sản lượng tuy ít nhưng người dân nơi đây không bỏ
nghề. Ngày nay nhiều hộ gia đình của Hồng Thái có thu nhập chính từ nghề cổ
truyền này.
Cũng như những làng lân cận, trước đây mỗi thôn, làng của Hồng
Thái đều có các công trình kiến trúc như: đình, chùa, miếu phục vụ đời sồng tâm
linh của nhân dân địa phương. Trải qua những biến cố lịch sử và thời gian hầu hết
các di tích đều bị huỷ hoại hoặc đã trở thành phế tích.
Toàn xã chỉ còn một ngôi đình và một ngôi chùa nằm tại thôn
Dậu Trì. Vì thế đình Dậu Trì không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của
nhân dân địa phương mà còn là nơi chiêm bái của nhân dân các vùng lân cận và
khu vực.
Ngôi đình được kiến tạo vào năm Thành Thái - Kỷ Sửu (1889),
đã qua 2 lần trùng tu vào các năm 1906 và 1916. Di tích có kiến trúc kiểu chữ
Đinh (J) bao gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung.
Toà đại bái dài 12,55m, rộng 4,3m, gồm 6 vì kèo liên kết với
nhau. Tuy nhiên các vì kèo lại có kiến trúc không giống nhau. Hai vì kèo trung
tâm có kiến trúc kiểu "con chồng giá chiêng" truyền thống, hai
vì gian bên cạnh có kiến trúc kẻ "chuyền giá chiêng", vì kèo này có hệ
thống kẻ liền bẩy, kẻ đi qua đầu cột quân và đầu cột cái đỡ câu đầu.
Trên câu đầu là hai trụ có con vành tạo thành giá chiêng
hoàn chỉnh. Hai vì kèo áp tường hồi lại có kết cấu kiểu "kẻ chuyền kèo cầu
trụ báng". Đây là lối kiến trúc khá độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc
đình làng Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Toà hậu cung gồm 3 gian, dài 6,6m rộng 5,25m, do 4 vì kèo tạo
thành, các vì có kiến trúc kiểu "giá chiêng". Riêng vì thứ 3 thì toàn
bộ phần trên câu đầu được tạo dáng bằng một bức chạm liền theo mô típ triện tàu
lá dắt độc đáo.
Đình Dậu Trì là một công trình kiến trúc đồng bộ, chắc
chắn, được làm bằng chất liệu gỗ lim rất tốt. Tại đây, tuy ít có những bức chạm
nghệ thuật, song nghiên cứu kết cấu kiến trúc của đình giúp chúng ta hiểu
thêm về sự sáng tạo trong kiến trúc đình làng của các nghệ nhân dân gian, góp
phần bổ sung vào nghiên cứu các công trình kiến trúc cổ, độc đáo của Hải Dương
nói riêng và Việt Nam nói chung.
Di tích đình Dậu Trì gắn liền với việc thờ phụng sứ quân Trần
Lãm, hiệu Trần Minh Công, giúp vua Đinh Tiên Hoàng bình định 12 sứ quân thế kỷ
thứ X. lập nên nền độc lập, tự chủ của Việt Nam.
Tương truyền, vào thời nhà Đinh, tại thôn Dậu có gia đình
sinh được một người con trai, cha mẹ đặt tên là Nhật Giảo. Khi trưởng thành Nhật
Giảo thường học chữ, thích đàn nhạc, tinh thông âm luật, binh thư, cung nỏ,
không chỗ nào không biết. Khi 26 tuổi nước ta có loạn 12 sứ quân, ông
cũng tụ binh cai quản bản quận, xưng là Trần Minh Công.
Minh Công thi hành ân huệ rộng lớn, lấy lòng nhân đức để qui
phục lòng người... đức ông Đinh Bộ Lĩnh đã tham gia cùng lực lượng của sứ quân
Minh Công cầm quân diệt giặc. Được sự giúp đỡ ban đầu của sứ quân Trần Lãm, đức
Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt chiêu hàng hoặc xóa bỏ các sứ quân cát cứ ở nhiều nơi,
thống nhất sơn hà, lên ngôi, hiệu là Đinh Tiên Hoàng.
Ông qua đời ở tuổi 71 nhằm ngày 12 tháng 5. Sau khi mất vua
Đinh vô cùng thương tiếc, đã sai đình thần về làm lễ điếu. Tương truyền về sau
Minh Công có nhiều hiển ứng, âm phù với triều Trần và được Trần Nhân Tông ban sắc
là Mậu Ngọ Đại Vương (vì năm đó ông hiển linh ứng giúp vua Trần vào năm Mậu Ngọ)
và tặng một đạo sắc là "chí đức tôn thần" uỷ thác cho Bộ Lễ đến thăm
hỏi và lập đền để xuân thu phụng thờ, tế lễ, ban tiền để xây dựng miếu... giao
cho khu Dậu phụng thờ, tế lễ, tối tú, tối linh, truyền cho muôn đời gìn giữ đình,
miếu hương hoả.
Dưới thời phong kiến, đình Dậu Trì có nhiều kỳ lễ hội, tiêu
biểu nhất là hai kỳ: Lễ kỷ niệm ngày sinh 11 tháng 11 âm lịch và ngày mất 12
tháng 5 âm lịch của Mậu Ngọ Đại Vương. Tuy nhiên, trong một năm lễ hội lớn nhất
là lễ kỷ niệm ngày sinh diễn ra từ ngày 10 đến 13 tháng 11 âm lịch. Ngày 10, lễ
mở cửa đình, các bô lão và trai tráng trong làng dọn dẹp chồng kiệu, bao sái đồ
thờ, dọn dẹp đường làng ngõ xóm.
Ngày 11 là ngày chính hội, 4 giáp của thôn gồm Đoài Thượng,
Đoài Hạ, giáp Nam, giáp Bắc từ sáng sớm đã tập trung ra đình để rước thần từ
đình ra miếu và ngược lại. Lễ rước diễn ra trong một ngày và được tổ chức long
trọng, trang nghiêm thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Trong những ngày lễ hội, ngoài rước, tế thần và tổ chức các
trò chơi dân gian như: cờ người, bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm... còn diễn ra một
cuộc thi hết sức độc đáo đó là hội thi các mâm ngũ quả và thi lợn tế vào ngày
12. Điều đặc biệt ở đây không phải là thi lợn to hay nhỏ mà quan trọng là lợn
được vệ sinh sạch sẽ như thế nào.
Vì vậy, muốn giật được giải, đòi hỏi mỗi giáp phải cẩn thận
ngay từ khâu chăn nuôi, chăm sóc. Lễ hội đình Dậu Trì không chỉ là dịp người
dân nơi đây ôn lại truyền thống, lịch sử của Thành hoàng làng, mà thông qua kỳ
lễ hội họ muốn gửi gắm nguyện vọng, ước mong được ấm no, hạnh phúc, hoà bình, cầu
mong cho con người, vật nuôi và cây trồng phát triển. Đó là ước nguyện
"người yên vật thịnh, mưa thuận gió hoà" - Một ước nguyện điển hình của
cư dân nông nghiệp.
Trước đây di tích có nhiều cổ vật quý, nhưng qua thời gian
và chiến tranh nhiều cổ vật đã bị mất mát, hư hỏng, nhất là hệ thống bia ký,
câu đối, đại tự, đồ tế khí. Tuy vậy đến nay đình Dậu Trì vẫn còn lưu giữ được một
số cổ vật có giá trị như:
1 cuốn thần tích soạn năm Hồng Đức thứ 5 (1474) do Văn Minh
đại học Nguyễn Bính phụng sao, cửu phẩm thư lại Nguyễn Đức Minh phụng viết.
Sắc phong 6 đạo, được phong vào các năm:
- 1 sắc phong vào ngày 10 tháng 11 năm Tự Đức 6 (1853).
- 1 sắc phong vào ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức 33 (1880).
- 1 sắc phong vào ngày 01 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 (1887).
- 1 sắc phong vào ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).
- 2 sắc phong vào ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924)
Ngoài ra còn một số đồ thờ mang đậm dấu ấn nghệ thuật Nguyễn
như: Ngai thờ, bộ bát bửu, long đình, sập thờ cùng một số bát hương và đồ tế tự
khác do nhân dân mới mua sắm.
Với những giá trị đã được khẳng định cả về góc độ lịch sử
và kiến trúc nghệ thuật, di tích đình Dậu Trì đã được UBND tỉnh Hải Dương ra
Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 07/02/2005 xếp hạng là di tích Lịch sử và kiến
trúc nghệ thuật.
Chùa Dậu Trì thôn Dậu Trì, xã Hồng Thái, huyện Ninh
Giang (Hải Dương) là nơi thờ Phật theo Thiền phái Đại Thừa. Chùa được khởi
dựng vào tháng 11 năm Diên Thành thứ 5 (1582) tại đầu thôn, mặt tiền quay hướng
Tây Nam, công trình hiện nay là kết quả của lần trùng tu vào năm Đinh Tỵ -
Hoàng triều Tự Đức thứ 10 (1857) và năm 2013.
Chùa Dậu Trì cú kiến trúc kiểu "Tiền Nhất, hậu Đinh" gồm 3 gian Tiền
đường, 3 gian Trung đường và 2 gian Thượng điện. Toà Tiền đường được xây
dựng bằng chất liệu bê tông, cốt thép, kết cấu vì kèo kiểu "Con chồng,
giá chiêng". Toà Trung đường và Thượng điện chất liệu bằng gỗ tứ thiết,
hệ thống vì kèo kiểu kẻ chuyền, giá chiêng. Các mảng chạm khắc hoa văn
theo đề tài "Mai hoá long", "Cúc hoá long", "Lá hoá long" và "Lá lật"
mang đậm phong cách nghệ thuật truyền thống.
Chùa là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân. Trước cách
mạng tháng 8 năm 1945, hàng năm chùa Dậu Trì có các ngày lễ tiết: Ngày
15 tháng Giêng lễ Kỳ an; Ngày 03 tháng 3 giỗ Mẫu; Ngày 08 tháng 4 lễ
Phật đản, ngày 15 tháng 7 lễ Vu Lan; Ngày 20 tháng 8 giỗ vọng đức Thánh
Trần, trong những ngày Lễ tiết trên được tổ chức theo quy mô nhỏ, riêng
ngày 15 tháng Giêng là lễ Kỳ an được tổ chức rộng hơn, mang tính chất
Hội chùa, đây là một lễ dùng giáo lý Kinh Phật để trấn an trong làng xã.
Người dân Dậu Trì xưa tổ chức lễ Kỳ an để tránh tai ương, dịch bệnh, để
người người, nhà nhà được mạnh khoẻ, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội
thu, cây quả bốn mùa tươi tốt và ngày 15 tháng Giêng - ngày lễ Kỳ An
hàng năm đã trở thành ngày lễ hội đầu xuân của nhân dân làng Dậu Trì nói
riêng và xã Hồng Thái nói chung.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa là
nơi sơ tán của Toà án nhân dân huyện, nơi tập kết của dân quân du kích
và lực lượng vũ trang huyện Ninh Giang đánh bốt Hiệp Lễ, Quận Vé, Cầu
Ràm. Đồng thời là nơi sơ tán, cất dấu máy móc, thiết bị của nhà máy xay
Ninh Giang.
Tại di tích hiện còn lưu giữ một số di vật, cổ vật niên đại vào thời
Nguyễn (Thế kỷ XIX) có giá trị như: Tượng Thập Điện Diêm Vương (chất
liệu đá), tượng Tam thế, tượng Ngọc Hoàng, tượng Nam Tào, tượng Bắc
Đẩu, tượng Thánh Hiền (Chất liệu gỗ), toà Cửu Long (Chất liệu đồng), đạo
sắc phong vào năm Khải Định thứ 9 (1924) và một số bức đại tự, bia
đá...
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của
lịch sử và thời gian, di tích chùa Dậu Trì xuống cấp. Năm 2013 cộng đồng
dân cư, các cấp uỷ đảng, chính quyền, ngành văn hoá các cấp quan tâm
trùng tu, tôn tạo với tổng giá trị đầu tư tu sửa trên 400 triệu đồng.
Các hiện vật, đồ thờ tự được lưu giữ, bảo quản an toàn, đã và đang phát
huy giá trị, trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, văn
hoá và nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân.
Với
những giá trị của di tích, chùa Dậu Trì đã được UBND tỉnh Hải Dương ra
Quyết định công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2014. Đây là niềm
vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm của chính quyền và nhân dân xã
Hồng Thái trong công tác quản lý, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị
lịch sử, văn hoá của di tích. Đồng thời ngăn chặn, xử lý các tà đạo, các
hoạt động mê tín, dị đoan, các hoạt động pha trộn tín ngưỡng khác vào
tín ngưỡng Phật giáo tại chùa để góp phần gìn giữ và bảo tồn bản sắc văn
hoá của dân tộc.
Đức Tùy