Khu di tích đình Vồng là quần thể di tích cổ với đình Vồng, chùa Vồng, đền Vồng, nghè Vồng, ngòi Vồng và cầu Vồng. Đình Vồng thuộc thôn Ngò, xã Song Vân, huyện Tân Yên, thờ phụng Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vương và tướng sĩ nghĩa quân Yên Thế.
Song Vân là vùng đất cổ đã ghi dấu ấn vang dội trong lịch sử
đấu tranh của dân tộc. Con người Song Vân luôn nêu cao tinh thần đoàn kết tương
thân tương ái vượt qua mọi khó khăn chống lại kẻ thù xâm lược viết lên những
trang sử hào hùng, chói lọi.
Trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương con người nơi
đây đã gây dựng được một hệ thống di sản văn hoá phong phú mang đậm giá trị
nhân văn truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Nói đến Song Vân không thể không đề cập đến khu di tích đình
Vồng với lễ hội dân gian truyền thống điển hình của vùng đất Yên Thế - Tân Yên.
Khu di tích đình Vồng là quần thể di tích cổ với đình Vồng, chùa Vồng, đền Vồng,
nghè Vồng, ngòi Vồng và cầu Vồng. Đình Vồng xưa thuộc xã Vân Cầu, tổng Vân Cầu,
phủ Yên Thế. Ngày nay, cụm di tích thuộc thôn Ngò, xã Song Vân, huyện Tân Yên,
cách đình 20m là đường quan triều ngày xưa, nay là đường liên xã, nối 2 bờ ngòi
là Cầu Vồng, cây cầu đã trở thành địa danh lịch sử của xứ Bắc.
Theo các tài liệu còn ghi lại ở địa phương cho biết, Cầu Vồng
xưa được xếp vào loại cầu đẹp, cầu hai nhịp uốn cong như cầu vồng, toàn bộ được
làm bằng lim, kiến trúc theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” trên có mái và sơn đỏ
toàn bộ. Cây cầu được dựng từ thời Mạc thế kỷ 16 nhưng nó đã bị tàn phá chỉ còn
lại 2 mố cầu và con ngòi cổ đã đi vào lịch sử với câu phương ngôn “ Trai cầu Vồng
Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim ”.
Nó như một biểu tượng chung cho cả vùng Yên Thế Hạ nổi tiếng
vũ dũng và thượng võ. Tuy cầu bị mất đi nhưng tên gọi Cầu Vồng mãi còn trong
tâm tưởng mỗi người dân xứ Bắc như một chứng tích của vùng đất anh hùng với lễ
hội truyền thống mang đậm sắc thái văn hoá miền Yên Thế Hạ xưa và Tân Yên nay.
Cụm di tích Cầu Vồng cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng
26km về hướng Tây Bắc. Đình Vồng thờ phụng Cao Sơn Đại vương, Quý Minh Đại vường
và thờ các tướng sỹ của nghĩa quân Yên Thế cùng 18 vị quận công họ Dương. Chùa Vồng thờ Phật và thờ Mẫu.
Đền Vồng cũng thờ Đức Thánh Cao Sơn, Quý Minh và các tướng
sĩ của nghĩa quân Yên Thế.
Nghè Vồng thờ 18 vị Quận Công họ Dương và Dương phu nhân là
Cao Xuân Lộc, một nữ tướng tài thời Lê, Mạc và thờ các tướng lĩnh, quân sĩ của nghĩa
quân Yên Thế .
Quần thể di tích Cầu
Vồng là một trong 23 điểm di tích về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế ở Bắc
Giang được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 xếp hạng
là Di tích quốc gia đặc biệt. Hội Cầu Vồng là hội lớn trong vùng được tổ chức
vào ngày 15 tháng Giêng.
Đình Vồng là công trình có quy mô lớn, kiến trúc điêu khắc
tinh xảo, toạ lạc trên một khu đất cao thoáng ở gần ngòi Vồng, và cầu Vồng.
Đình gồm 5 gian xây dựng toàn bằng gỗ lim với hai hàng cột cái cao to, phần kết
cấu gỗ như kẻ, xà trở lên đều được soi, chạm khắc với nhiều đề tài hoa văn
phong phú.
Trên bờ nóc đình là đôi rồng chầu mặt nguyệt, 4 bờ góc được
đắp 4 con ly hoá, cuối bờ góc là 4 đao cong vút làm cho công trình vừa bề thế,
vừa bớt phần thô cứng.
Đình ngoảnh mặt nhìn về hướng Nam, phía sau là rừng Vồng với
nhiều cây cổ thụ, trước đây khu vực này là rừng nguyên sinh rất rậm rạp. Phía
trước cửa đình là con ngòi Vồng uốn khúc, nước chảy quanh năm. Theo phong thuỷ,
đình nằm trên một thế đất đẹp, hội tụ linh khí của sông núi, đất trời.
Chùa Vồng được dựng cùng hướng với đình Vồng, kiến trúc theo
kiểu chữ công gồm tiền đường 5 gian 2 chái, 4 mái đao cong. Thiêu hương 4 gian
nối với phật điện 3 gian 2 chái cũng 4 mái đao cong. Chùa vồng dựng sau ngôi
đình Vông tạo nên bố cục “ Tiền thần hậu Phật ”.
Chùa được khởi dựng từ thời Lê và được tu dựng vào thời Nguyễn.
Trong chùa các cấu kiện kiến trúc đều được làm bằng gỗ lim theo kiểu thức thượng
con chồng hạ kẻ chuyền. Nghệ thuật điêu khắc gỗ đơn giản thanh thoát. Khu nội
thất phật điện được bài trí tương đối đầy đủ các pho tượng tam thế, tam tôn,
thích ca sơ sinh... Phía trước chùa Vồng có cây hương đá và cây thị cổ thụ có
tuổi cùng với thời gian khởi tạo ngôi chùa Vồng tạo nên khung cảnh thâm nghiêm
cổ kính.
Đền Vồng cũng nhìn ra con ngòi Vồng và Cầu Vồng. Đền gồm 1
gian 2 chái 4 mái đao cong, có quy mô nhỏ như Nhà Sắc. Bên trong đền có khám thờ,
ngai thờ, bài vị cùng các đồ tế khí khác. Đền được mở cửa cùng hội lệ của đình
và chùa Vồng đồng thời cũng là nơi cất giữ sắc phong thần của đình Vồng.
Nghè Vồng ngày nay chỉ còn 1 hậu cung nhỏ 2 gian giáp ngò và
cầu Vồng. Nghè được nhân dân dựng lên để thờ 18 vị quận công họ Dương, những người
có nhiều công lao với dân với nước cùng được thờ ở đình Vồng.
Đền Vồng
Chùa Vồng
Đền Vua Bà
Lễ hội đình Vồng là một lễ hội có truyền thống lâu đời. Nơi
đây còn bảo lưu được nhiều nét văn hoá dân gian độc đáo. Trung tâm lễ hội xưa
được tổ chức tại khu di tích đình Vồng với quy mô lớn, lực lượng chính là 4 xã
: Song Vân, Việt Ngọc, Ngọc Vân, Lam Cốt và một số xã khác ở phía Tây của huyện Tân Yên cùng tham gia. Hàng năm hội
đình Vồng được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng và ngày 9,10,11 tháng 9 âm lịch.
Trong ngày hội, người ta tổ chức tế lễ, rước sách và các môn thi, các trò chơi
dân gian.
Đám rước trong hội đình Vồng được diễn ra với nghi thức trọng
thể. Ngày 15 tổ chức rước 17 đạo sắc từ nhà để sắc ở làng Vân Cầu về đình. Đi đầu
đoàn rước là một người đóng tướng. Người này phải được lựa chọn kỹ theo từng
năm. Đó phải là người có gia đình toàn vẹn, có chức sắc trong làng và có uy tín
trong dân, được mọi người quý trọng kính nể. Khi rước sắc về đến đình thì tổ chức
tế lễ long trọng.
Trong hội đình Vòng
xưa có tục tế ngựa rất uy nghiêm, có nhiều trò chơi, nhiều môn thi đấu thể thao
dân gian giầu tính thượng võ như: Múa võ, vật, đua ngựa, bắn cung, bắn nỏ, bắn phết và
nhiều trò chơi dân gian chọi gà, thi thả diều, thi thổi cơm, chạy chữ...
Đầu tiên phải kể đến cuộc thi đua ngựa được tổ chức rất chu
đáo, có lề luật. Địa điểm diễn ra cuộc đua ngựa là con đường rộng chạy quanh một
quả đồi. Trên đường đua được đặt trướng ngại vật là cây tre bắc cao ngang đầu
ngựa. Sắp vào cuộc thi ông cai đám tiến ra điểm xuất phát có đặt hương án và cắm
cờ, thắp hương làm lễ song rồi tuyên bố lý do và nổi trống đốt pháo hiệu.
Khi có pháo hiệu nổ, hai kỵ sỹ điều khiển ngựa quần áo nai nịt
gọn gàng, đầu chít khăn đỏ bỏ múi, ngang sườn thắt bao thúc ngựa tiến vào trường
đua. Gần đến đích ( Có vật chắn ), người dự thi cúi giạp người trên lưng ngựa
vượt qua trướng ngại vật. Nếu ai nhanh hơn và không để rơi chướng ngại vật là
người thắng cuộc .
Trong cuộc thi đua ngựa bắn cung thì đua ngựa là phụ, bắn
cung là chính. Sân đua được dọn trên một bãi đất rộng. Gần đích là một nia quét
vôi trắng, trong nia ấy vẽ ở tâm điểm một vòng tròn nhỏ bằng mực đen. Người ta
chôn ba cây tre cao rồi treo ba cái nia như vậy lên ngọn tre.
Sau khi có hiệu lệnh từng tốp ba kỵ sỹ ăn mặc gọn gàng, đeo
cung tên phi quanh sân một vòng lấy đà đến khi cách đích khoảng 40m ( nơi có một
vạch vôi trắng ) thì dừng ngựa và bắn cung. Nếu người nào bắn trong tâm cả ba
phát thì được giải ông cai đám sẽ trao giải bằng cách vòng một vuông nhiễu điều
vào cổ người đoạt giải rồi trao cho anh ta mọt đồng bạc, một bánh pháo và một
gói chè.
Trong trò thi diều,
người ta tổ chức thi hai loại : Diều loại to có sáo và diều loại nhỏ không có
sáo. Ông cái đám cầm đầu ban chấm thi và điều hành cuộc thi. Từng nhóm ba diều
vào xới.
Một diều có người đâm
( phóng ) diều và một người ra dây. Sau khi cai đám tuyên bố lý do, pháo nổ rứt,
các diều vun vút lao lên trời. Loại diều có sáo phải đạt các tiêu chuẩn : Diều
to, lên cao và lên thẳng, không trao đảo, sáo kêu đều và hay thì được giải theo
thứ tự nhất, nhì, ba. Hội thi thả diều thu hút rất đông người đến dự và cổ vũ.
Hội đình Vồng được tổ chức long trọng, vui vẻ trong ba bốn
ngày đêm. Ở hội đình Vồng ngoài việc diễn các tích trò còn tổ chức thi hát đối
đáp giữa các gánh hát trong vùng và các nơi khác đến biểu diễn khiến không khí
lễ hội càng thêm hấp dẫn.
Do điều kiện thực tế khách quan từ sau năm 1953, lễ hội đình
Vồng không được tổ chức lớn mà chỉ với quy mô nhỏ ở địa phương. Đến năm 1998,
dưới sự chỉ đạo của Sở VHTT và UBND huyện Tân Yên, lễ hội đình Vồng được tổ chức
long trọng tại trung tâm huyện theo đình kỳ 5 năm 1 lần nhằm gìn giữ và phát
huy vốn di sản văn hoá truyền thống đặc sắc của nhân dân trong vùng Yên Thế Hạ
(nay là Tân Yên).
Đồng thời, lễ hội cũng cũng phản ánh tinh thần thượng võ,
kiên cường, bất khuất của các chàng trai con cháu cụ Đề Thám trong lịch sử đấu
tranh giành độc lập dân tộc. Lễ hội đình Vồng còn góp phần không nhỏ trong việc
giáo dục các thế hệ con cháu hôm nay phải biết giữ gìn đạo lý “uống nước nhớ
nguồn” cao đẹp của các bậc tiền nhân để lại.
Sưu tầm theo Tạp Chí Sông Thương
Nguồn: Du lịch Bắc Giang