Thuyết khác cho rằng, xưa ngôi đình làng do một vị quan Nghè
họ Lê xây dựng, gọi là Đình Quan, sau gọi chệch là Đình Quán. Có thuyết giải
thích rằng, ông Nghè dựng đình này là Dương Văn An (1514 - ?), quê ở làng Phúc
Tuy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trú quán ở xã Phú Diễn, đỗ Tiến sĩ khoa
Đinh Mùi niên hiệu Vĩnh Định đời Mạc Phúc Nguyên (1547), làm quan đến Thượng
thư, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Ô châu cận lục” viết về vùng đất Thuận
Hóa.
Dương Văn An không có con nên lấy một người họ Lê làm con nuôi.
Ông bỏ tiền dựng đình cho làng Đình quán và một nhà thờ ông ở bên cạnh. Sau khi
nhà Mạc bị diệt, người con nuôi đó lấy lại họ cũ.
Đình Quán là một làng nhỏ, năm 1926 cả làng chỉ
có trên 50 hộ với 73 suất đinh (khoảng gần 200 nhân khẩu), dân đinh chia làm
hai giáp : Đông và Tây.
Xưa kia làng có đến 219 mẫu ruộng, song hầu hết nằm trong
các gia đình thuộc thành phần địa chủ, đa số nông dân trong làng chỉ chiếm 25 mẫu
8 sào. Dân làng phải làm thêm các nghề : hàn nồi đồng, bán đồng nát, mua bán
lông gà lông vịt.
Mặc dù là làng nhỏ, nhưng Đình Quán có đủ đình chùa, văn chỉ.
Đình làng ngoài thờ Bạch Hạc Tam Giang còn thờ vị thành hoàng có duệ hiệu là
Tuy Dụ Diễn Khánh đại vương.
Hội làng diễn ra từ mồng 10 đến 12 tháng Hai. Hiện trong
đình còn lưu 11 đạo sắc của thần. Đình được trùng tu lớn vào đời Vua Lê Thuần
Tông (1732 - 1735). Người có công đứng ra tu bổ đình là Hoàng thân Trạc Quận
công Lê Thân ý. Ông là con của bà Chiêu Nghi người làng Đình Quán, lấy Vua Lê
Thuần Tông. Do có công với làng nên ông Thân ý được dân làng tôn làm hậu thần.
Bia ghi lại việc bầu hậu này hiện vẫn còn ở đình. Đây là tấm
bia lớn, cao đến 170 cm, rộng 80 cm, được lập ngày lành tháng Trọng Xuân (tháng
Hai) năm Bính Tý niên hiệu Cảnh Hưng (1756). Điều đặc biệt của tâm bia này là
bài văn bia do chính vua Lê Hiển Tông -anh cùng cha khác mẹ của ông Thân ý soạn.
Bài văn bia ca ngợi công đức của ông Thân ý và thể thức cúng
lễ ông vào các ngày : 12 tháng Bảy (ngày sinh), Tiết Trung thu và 15 tháng 11
(ngày giỗ). Việc nhà vua soạn bài văn bia hậu thần cho một làng là hiện tượng
hy hữu trong lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam cũng như trên văn bia làng
xã.
Làng Đình Quán còn có ngôi chùa Bà Bông, tên chữ là Phúc
Quang tự, kiến trúc theo kiểu chữ “Đinh”.Trong chùa còn nhiều di vật quý như
chuông đồng đúc năm Gia Long thứ 18 (1819), 8 tấm bia, trong đó 3 tấm lớn ghi
việc trùng tu chùa vào các niên hiệu Quang Hưng (1578 – 1599), Chính Hòa (1680
- 1705) và Gia Long (1802 - 1819).
Trong các tấm bia này đáng lưu ý có bia lập ngày lành tiết
Trung thu năm Nhâm Thìn niên hiệu Quang Hưng (1592) do Trạng Bùng Phùng Khắc
Khoan soạn. Bài văn bia cho biết, chùa Bà Bông là danh thắng vào bậc nhất ở huyện
Từ Liêm.
Nhà sư trụ trì là Lê Pháp Đăng quê ở huyện Quảng Xương, Thừa
tuyên Thanh Hoa đứng ra tu sửa từ năm Mậu Tý (1588) đến năm Nhâm Thìn (1592)
thì hoàn thành.
TS. Bùi Xuân Đính