Di tích lịch sử văn hóa Đình, Chùa Huề Trì thuộc thôn Huề Trì, xã An Phụ, Huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương là nơi thờ hai thánh hoàng làng là Thiện Nhân và Thiện Khánh nữ tướng của Hai Bà Trưng trong thời kì khởi nghĩa chống quân xâm lược Tô Định.
Theo thần tích hiện còn ở tại di tích thì đình Huề Trì. Hai
nàng Thiện Nhân, Thiện Khánh vốn là con
bà Nhã Nương và là cháu ông Nguyễn Công. Hai bà cùng sinh ra trong một bọc vào
ngày 7-1 năm Nhâm Dần. Khoảng độ 13/14 tuổi, nhị nữ Thiện Nhân, Thiện Khánh rất
thông minh, học rộng, tài cao, đạo đức khác thường và có nhan sắc tuyệt vời. Đến
năm 17 tuổi, bà mẹ mất thì cũng là năm Hai Bà Trưng khởi binh đánh Tô Định.
Với lòng yêu nước, căm thù giặc, nhị anh thư hào kiệt Thiện
Nhân - Thiện Khánh đã đến vùng Mê Linh và đầu quân Nhị vua Hai Bà Trưng đánh giặc
Đông Hán Tô Định.
Nữ trung hào kiệt Thiện Nhân, Thiện Khánh đã cất quân cùng
nhị vua Hai Bà Trưng chiến đấu dũng cảm đánh bại giặc Tô Định. Thắng trận trở về,
Nhị tướng được phong làm tả hữu tướng tiên phong, “Nhập nội công chúa”, trao
binh phù cho nhị tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh trấn ải miền Hải Đông, nay là đất
Hải Hưng.
Khi vua Hán sai phục ba tướng quân Mã Viện đem quân sang
đánh nước ta, Hai Bà Trưng lại một lần nữa quyết sống mái với quân thù. Hai nữ
tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh cũng hội quân ra trận.
Nhưng vì thế giặc quá mạnh, quân ta chống cự không nổi, Hai
Bà Trưng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn. Nhị tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh
cũng chống cự không nổi phải rút về Huề Trì Trang và hy sinh tại đây.
Sau khi hai bà hóa, nhân dân đã lập đình thờ tại nơi bà mất,
để thờ phụng những người con quê hương đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu
tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc ta và thể hiện lòng tôn kính, ghi ơn của các
thế hệ sau này với người có công với nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đình Huề Trì đã
bị tàn phá, toàn bộ phần bái đường bị đập hủy, chỉ còn lại phần hậu cung.
Kiến trúc
Đình xây dựng vào thời hậu Lê, trùng tu vào thời Nguyễn.
Ngôi đình hiện nay, có bố cục hình chữ 二Nhị, gồm 2 toà 5 gian kiểu 4
mái liền nhau khép kín gần vuông, dài 26m, rộng 24m, tổng diện tích là 624m2.
Đình quay mặt về hướng Nam, 3 gian cửa lớn, còn lại đóng ngưỡng chồng, cao tới
1m, trên có chấn song con tiện. Hè đình ghép đá khối, có tấm dài tới 4m. Xung
quanh đình có sân và nhiều cây cổ thụ, phía tây bắc họp chợ.
Tượng thờ nhị vị nữ tướng Thiện Nhân, Thiện Khánh
Di vật lịch sử
Trong đình, hiện còn lưu giữa nhiều cổ vật có giá trị như những bức đại tự, câu
đối, dong đình, đòn bát cống, đồ thờ và 7 tấm bia đá.
Theo tương truyền và văn bia ghi lại thì đình Huề Trì được
xây dựng từ thời Lý, lúc đó làm nhỏ, lợp gianh (rạ) sau này đã trùng tu nhiều lần,
đã làm bằng gỗ lim lợp ngói, tuy địa điểm vẫn ở chỗ cũ nhưng bố cục có khác trước,
hiện nay kiến trúc hình chữ Quốc, bố cục gần như vuông . Hai ngôi đình (tiền tế
+ hậu cung) đều 5 gian gần xít nhau, các đầu hồi lại được nối thành mái như
chính diện, cột, kèo, chồng cốn không có trạm trổ gì cầu kỳ, phần nhiều bào
trơn đóng bén.
Đình hiện còn 7 bia đá thì 6 bia thuộc đình, 1 bia thuộc văn
chỉ. Ngoài ra còn một số sập, kiệu, long đình, bát bửu.v.v...
Năm 2015 với sự biết ơn các vị anh hùng dân tộc, Ủy ban nhân
dân xã An Phụ cùng nhân dân trong vùng công đức tôn tạo lại ngôi đình. Xung quanh là những tấm văn bia, ghi tên những người con của quê hương đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Di tích lịch sử văn hóa đình Huề Trì đã được Bộ Văn hóa xếp
hạng cấp quốc gia tại Quyết định số:15-VH/QĐ của Bộ Văn hóa ngày 13 tháng 03
năm 1974. Hiện nay,
UBND xã An Phụ đã thành lập Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa
bàn xã trong đó có di tích lịch sử văn hóa Đình Huề Trì về cơ bản cũng đáp ứng
được yêu cầu về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Hai ngày hội hàng năm:
Hàng năm nhân dân tổ chức lễ hội vào ngày mùng 10 tháng 03
(âm lịch), lễ ngày mất của hai vị nữ tướng.
Hội đình mở hàng năm hai kỳ, vào ngày 7 tháng Giêng và 10
tháng Ba âm lịch.
Ngày 7 -1 là ngày sinh, thời gian mở hội trong nhiều ngày.
Hình thức có rước thần từ đình lên chùa.
Ngày 10 - 3 mở hội xuân. Rước thần từ nghè về đình, sau đó tổ
chức tế. Thời gian từ 5 đến 10 ngày.
Chùa Huề Trì
Chùa Huề Trì có tên tự là Duyên Tràng Tự, là trung tâm sinh
hoạt tôn giáo của thôn Huề Trì, xã An Phụ. Chùa thờ Phật theo thiền phái Đại
Thừa. Di tích chùa Huề Trì không chỉ là nơi thờ Phật, những năm gần đây, nhân
dân địa phương còn tôn thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh, hai nữ tướng của nhị vua
Hai Bà Trưng.
Chùa Huề Trì đã được nhân dân địa phương khởi dựng từ khá
sớm, được trùng tu, tu sửa vào các năm Tự Đức năm thứ 23 (1870), Hàm Nghi
nguyên niên (1885), Thành Thái nguyên niên (1889), Khải Định Ất Sửu (1925).
Chùa Huề Trì là công trình kiến trúc có quy mô lớn, có lịch
sử lâu đời và là nơi sinh hoạt tôn giáo của các tầng lớp nhân dân từ xưa tới
nay. Căn cứ vào hệ thống bia ký; căn cứ vào hệ thống câu đối, đại tự, hệ thống
cổ vật và các công trình kiến trúc hiện còn, chúng tôi thấy rằng: Chùa Huề Trì
đã được nhân dân địa phương khởi dựng từ khá sớm, được trùng tu, tu sửa vào các
năm Tự Đức năm thứ 23 (1870), Hàm Nghi nguyên niên (1885), Thành Thái nguyên
niên (1889), Khải Định Ất Sửu (1925); Những năm gần đây, nhân dân địa phương lại
tiếp tục tu tôn tạo.
Chùa Huề Trì có tên tự là Duyên Tràng Tự, là trung tâm sinh
hoạt tôn giáo của thôn Huề trì, xã An Phụ. Chùa thờ Phật theo thiền phái Đại Thừa,
một thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam. Di tích chùa Huề
Trì không chỉ là nơi thờ Phật, những năm gần đây, nhân dân địa phương còn tôn
thờ hai vị nhân thần là Thiện Nhân, Thiện Khánh, nhị nữ tướng của nhị vua Hai
Bà Trưng.
Trước đây, chùa có quy mô kiến trúc kiểu “nội Công ngoại Quốc”,
bao gồm 7 gian tiền đường, 1 gian cổ dài, 2 gian ống muống, 3 gian hậu cung,
hai dãy hành lang phía Nam (7 gian) và phía Bắc (12 gian). Khu di tích có khá
nhiều công trình phụ trợ như nhà tổ, nhà tăng, sân, tam quan chồng diêm cổ các,
khu nhà bếp, khu vườn tháp và một số công trình khác.
Đặc biệt, khu di tích có cảnh quan đẹp, có nhiều cây cổ thụ,
cảnh chùa tịch mịch, uy nghiêm. Nhưng trải qua chiến tranh và thiên nhiên tàn
phá, nhiều công trình không còn. Hiện nay, các công trình cũ cơ bản chỉ còn kiến
trúc kiểu chữ Công (I), bao gồm 7 gian tiền đường, 1 gian cổ 3 gian ống
muống, 3 gian hậu cung và 5 gian hành lang phía Nam. Trong những năm gần đây,
nhân dân đã khôi phục lại 5 gian hành lang phía Bắc và 2 gian nối vào 5 gian
hành lang phía Nam.
Tòa tiền đường gồm 7 gian dài 19,86m, rộng 7,97m gồm 8 vì
kèo, kết cấu theo kiểu “kẻ chuyền chồng chóp”, trong đó có 3 vì kèo hạ khoảng tạo
thành 2 gian giữa ở phía Bắc và phía Nam. Ở gian giữa phía Nam là gian nhà được
tạo ra kiểu mái bồ câu ở phía trước và phía sau.
Các vì kèo còn lại có kết cấu kiểu kẻ chuyền chồng chóp. Đây
là lối kiến trúc đơn giản nhưng rất sáng tạo của các nghệ nhân dân gian. Các
chi tiết gắn kết với nhau, tạo ra một không gian vừa mở, vừa kín lại vừa mang
tính nghệ thuật.
Tiền đường còn lưu giữ một số mảng chạm khắc nghệ thuật,
mang đậm tính dân gian. Chất liệu mộc là gỗ tứ thiết còn khá chắc chắn. Móng tường
xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống. Trên bờ nóc và các bờ cánh có
một số bức phù điêu nghệ thuật.
Gian cổ dài là gian chuyển tiếp và nối liền tòa tiền đường với
ống muống. Gian này có các chi tiết mộc với lối kết cấu đơn giản. Tuy nhiên tại
vì kèo phía ngoài có bức chạm “Lưỡng long chầu nguyệt” được bố trí sát nóc, tạo
cho công trình này thêm sinh động. Gian cổ dài và ống muống dài 6,08m, rộng
5,88m.
Vì kèo gian thứ nhất được bố trí 2 cửa nách, phía trên bưng
kín. Ống muống gồm 3 vì kèo đơn giản, kết cấu theo kiểu con chồng thước thợ.
Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống.
Hậu cung gồm 3 gian dài 9,6 m, rộng 5,97m. Đây là công trình
nằm song song với tòa tiền đường nhưng được nối với nhau bằng gian cổ dài và ống
muống, tạo thành công trình thờ tự khép kín hình chữ Công (I). Ba gian hậu cung
gồm 1 gian chính và 2 gian giữa. Kết cấu theo kiểu kèo cầu bán trụ đơn giản. Chất
liệu mộc là gỗ tứ thiết và gỗ nhóm 3,4 do việc tu sửa trong những năm gần đây.
Móng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp ngói mũi truyền thống. Công trình hợp khối
với ống muống và tiền đường.
Cùng với chùa chính, di tích còn có 5 gian hành lang phía
Nam, 5 gian nay tách rời với tòa tiền đường, nằm song song với gian cổ
dài và ống muống. Hành lang có kết cấu đơn giản, lợp ngói xi măng và đang xuống
cấp. Nối liền với gian giữa phía Nam của tòa tiền đường là 5 gian hành lang cũ
của chùa.
Các vì kèo của hành lang theo kiểu kèo cầu bán trụ khá đơn
giản. Gần đây nhân dân khôi phục 2 gian hành lang để thờ Mẫu. Ngoài các công
trình chính, trong khu di tích còn có một số công trình khác như cổng, vườn
tháp, khu phụ trợ và nhiều công trình khác.
Giá trị nghệ thuật của di tích không chỉ ở công trình kiến
trúc, mà còn thể hiện ở hệ thống tượng thờ. Tượng chùa Huề Trì được bài trí
trong hậu cung, ống muống và tiền đường, hiện nay tại chùa có tới 7 lớp tượng,
các pho tượng đều là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Trên đầu gian thờ Đức Thanh Đề, tấm bạt được
căng ngay phía trên pho tượng để tránh dột. Mỗi khi trời mưa, trong chùa cũng
như ngoài sân vì có quá nhiều chỗ dột và chính bị ảnh hưởng do nước mưa nên các
vì kèo, các cột cũng bị ngấm nước khiến bị mục hỏng. Đặc biệt ở gác chuông cũng
tiềm ẩn sự nguy hiểm bởi các thanh vì kèo đã không còn chắc chắn lại phải chịu
thêm sức nặng của chuông, nên có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Trước sự xuống cấp của chùa Huề Trì, chính quyền địa phương
đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để tu sửa chùa nhưng vẫn chưa có
thông tin phản hồi.
Hằng năm, số tiền công đức tại lễ hội chùa và nguồn xã hội
hóa chỉ được vài chục triệu đồng trong khi muốn trùng tu, tôn tạo lại chùa phải
mất vài tỷ đồng. Với số tiền ít ỏi này, địa phương chỉ biết ưu tiên tu sửa các
hạng mục xuống cấp nghiêm trọng nhất, còn lại phải áp dụng các biện pháp tình
thế như: đảo ngói, thay thế một số chi tiết mộc đã mục gẫy, chám vá tường, chêm
gỗ vào các đầu nối vì kèo, gắn kết các viên gói bằng xi măng...
Do việc xuống cấp nghiêm trọng của di tích và cơ duyên nhà
Phật, nên chưa có quý thầy nào về nhận trụ trì. Mong muốn nhất lúc này của
chính quyền địa phương và nhân dân, phật tử gần xa là các cấp, các ngành sớm
xem xét tạo điều kiện cấp kinh phí để tu bổ chùa, đồng thời khôi phục các hạng
mục công trình đã mất, từng bước trả lại dáng vẻ ban đầu cho ngôi chùa cổ và
mong có quý thầy về hành đạo tại tự viện.
Chùa Huề Trì được công nhận di tích cấp Quốc gia ngày
25/5/2017.