Đình Ngọc Tháp thờ thần ghềnh Ngọc Tháp là “Linh Uyên đại Vương”. Chùa Ngọc Tháp thờ Phật theo dòng Đại thừa miền Bắc và thờ nữ thần thác Đông Cuông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) tên tục gọi là Bà Chúa lá Đông Cuông.
Theo diễn trình lịch sử, năm 1890, vua Thành Thái (triều
Nguyễn) cho đổi tên động Phú An thành làng Phú Thọ. Làng Phú Thọ nằm trong tổng
Phú Thọ, huyện Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây. Tổng Phú Thọ gồm 8 làng: Phú Thọ, Cao
Du, Hà Thạch, Ngọc Tháp, Trù Mật, An Ninh Thượng, An Ninh Hạ, Tân Hưng. Mãi về
sau này, làng Ngọc Tháp mới nằm trong địa giới hành chính xã Hà Thạch.
Tọa lạc trên đỉnh gò là một mỏm đá, bên cạnh dòng sông Thao,
đình Ngọc Tháp được xây dựng tại thôn 1, làng Ngọc Tháp, xã Hà Thạch, thị xã Phú
Thọ; bên cạnh đình là chùa Ngọc Tháp, còn có tên gọi Gia Lăng thiền tự.
Đình, chùa Ngọc Tháp được xây dựng ở địa thế đẹp, trên một
quả gò được thiên nhiên kiến tạo, thực ra là một mỏm núi đá nhô ra sông. Người
dân thị xã không ai không biết bến phà Ngọc Tháp (cũ), ngay bên cạnh bến là mỏm
đá kia, nên phía trên tạo thành một vụng hình vòng cung rộng, khi lũ dâng cao,
nước sông Hồng chảy xiết tạo thành vòng xoáy lớn nên được gọi là ghềnh Ngọc
Tháp.
Quả gò (mỏm núi đá) có những vách đá cheo leo, cây cối mọc
um tùm, ngay bên dòng xoáy dữ dội của con sông Thao, ba bề sông nước bao bọc,
trông xa như một bán đảo nhỏ màu xanh ngắt. Điều đáng nói là, hiện nơi đây vẫn
còn khá nhiều cổ thụ có niên đại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.
Đó là “cây duối lạ” với vẻ đẹp đầy quyến rũ. Cây cao khoảng
tám, chín mét, tán cây tỏa ra như một chiếc lọng lớn, nhìn toàn cây toát lên vẻ
rất kỳ vĩ. Cây có từ lâu, phần thân già xưa chết đi thì phần thân rễ mới lại mọc
ra thay thế, cứ như vậy làm cho cây tuy rất lâu đời nhưng trông dáng vẫn trẻ
trung.
Xung quanh đó còn có hai cây thị khủng, một cây đa hình thù
khá kỳ dị, mảnh mai gầy guộc, rễ nhiều hơn cành, một cây si bám trên đá nên
trông khẳng khiu, toát lên vẻ già nua... Đặc biệt nhất là cây phượng vĩ đứng
vươn mình ra sông, vào mùa hạ, hoa nở đỏ rực cả một góc trời, tô điểm cho Ngọc
Tháp thêm lộng lẫy, tráng lệ.
Quả thật nơi đây cảnh trí nên thơ, sơn thủy hữu tình, trên bến
dưới thuyền khiến từ xa xưa, người đời đã ví nó là hòn Ngọc. Điều đó càng khiến
chúng ta cảm nhận được vị trí tọa lạc của di tích đình - chùa Ngọc Tháp, một
vùng thắng tích của ngôi làng cổ đã từng tồn tại hàng ngàn đời nay.
Ngọc Tháp là một địa danh rất xa xưa, có tên gọi được gắn với
ngôi chùa trong lịch sử. Tư liệu địa chí dân gian Vĩnh Phú cho biết: “Xưa kia,
có những tháp cao tầng, cao vài chục mét, như tháp chùa Gia Lăng thiền tự ở xã
Hà Thạch. Cây tháp rất cao, bóng buổi sáng lên đến Thanh Lâu, Hạ Mạo, bóng buổi
chiều về tận phủ Lâm Thao. Tương truyền, trong tháp có chứa nhiều vàng bạc,
châu báu.
Về sau tháp đổ là do dã tâm của một tên khách trú người Tàu,
đến đây mở trường học dạy chữ Nho, học trò rất đông. Hằng ngày, hắn bắt mỗi trò
lấy vồ sàm đập mạnh vào tháp 3 cái, cứ thế trong 3 năm liền, hắn lấy hết vàng bạc
trong tháp đem về Tàu.
Tháp đổ rồi mất hẳn, nhưng tên Tháp Ngọc vẫn còn. Để ghi nhớ
hình ảnh hùng vĩ, kiến trúc đồ sộ của tháp chùa Gia Lăng, dân làng đã lấy tên
Ngọc Tháp làm địa danh cho vùng này. Rồi bến đò, ngôi đình - chùa cũng được gọi
theo tên Ngọc Tháp...”.
Đình Ngọc Tháp và Gia Lăng thiền tự với lịch sử thờ tự đầy
màu sắc huyền thoại, có địa thế tọa lạc độc đáo và đặc sắc cùng lễ hội truyền
thống đặc trưng là một di sản văn hóa quý giá của vùng Đất Tổ Hùng Vương - Phú
Thọ.
1. Đình Ngọc Tháp tại thôn 1, làng Ngọc Tháp, xã Hà Thạch,
thị xã Phú Thọ. Cả khu di tích đình, chùa Ngọc Tháp đã cùng được xếp hạng Di
tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh, theo Quyết định số 1814/QĐ-UB ngày 09/8/1999 của
Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Đình Ngọc Tháp thờ thần ghềnh Ngọc Tháp là “Linh Uyên đại
Vương”.
Thần tích ghi: Xưa, trong đời họ Hồng Bàng nước ta, Lạc Long
Quân lấy bà Âu Cơ tiên nữ, sinh được 100 trứng, nở ra 100 người con, 50 người
theo mẹ lên núi lập ra nước Văn Lang, cha truyền con nối, đời đời lấy chữ “Sơn”
làm hiệu; 50 người theo cha xuống biển, ai nấy chia nhau làm chúa tể cai trị
các phương ở vùng Sông Thao...
Vương Thái Phi vốn chỉ quen ăn chay và hoa quả. Một hôm trời
xuân trong sáng, vạn cảnh êm hoà, Thái Phi lên núi chơi, tìm hoa, hái thuốc, đến
ngọn núi Trung Hoàng bỗng nhiên đẻ rơi một bọc 5 trứng. Các bô lão trong thôn
trang lượm được đem về luộc ăn. Quá nửa ngày mà lửa càng to, nước trong nồi
càng lạnh.
Mọi người lấy làm kinh dị, bèn đem 5 quả trứng xếp vào chõ
nước đặt trước cửa đình. Ba ngày sau, 5 quả trứng nở ra 5 con rắn. Trai gái trong
ấp kéo đến xem đông chật, cùng nhau xin với các bô lão rước đi, mang thả xuống
vực sâu xứ đầm Trung. Năm con rắn từ khi được thả vào chỗ thích hợp, ngày một lớn
nhanh.
Mỗi khi các bô lão vào núi hái củi qua đầm, vẫn thường thanh
thản ngồi rửa mặt, rửa chân tay. Vì cảm ơn cứu mạng, 5 con rắn thường nổi lên uốn
lượn quấn quít quanh người. Chẳng dè một hôm, có một bô lão vung cây điền đao
lên nhỡ tay làm cụt đuôi một con trong đó. Anh em nhà rắn bèn xúm nhau than
khóc mà nói rằng:
“Chúng tôi thuộc dòng giống rồng, đều là quân chủ một
phương. Nay sự tình đến nỗi này làm sao có thể quần tụ nhau ở đây mãi được”.
Sau đó, con thứ nhất và con thứ hai bỏ về vùng sông Thao, con thứ ba và con thứ
năm bỏ về sông Lô, còn con thứ tư bị mất đuôi thì ở lại trong vực để báo đền ơn
xưa của các bô lão.
Lại nói về con rắn thứ nhất làm chúa tể đất Ngọc Tháp: gặp
lúc vua Hùng Duệ Vương đam mê tửu sắc, suốt ngày chỉ vui thú trong việc rượu
chè rong chơi, săn bắn đến nỗi, khi quân Thục sang xâm lược, vua vẫn còn đắm
say chưa tỉnh.
Bỗng nhiên trong lúc say, vua nằm mơ thấy một người thân cao
10 thước, mặc áo màu hồng, thắt dải lưng Ly châu, ngồi trên điện nói vang: “Ta
thuộc tông phái theo mẹ về miền biển xưa kia, sinh ra ở đầm thiêng đất Trung
Hoàng, làm chủ ở đất Ngọc Tháp này.
Do đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, thấy nước nhà
lâm nạn, không thể không vào cứu. Nhà vua nên tu sửa chiến thuyền, triệu hết
các sư tướng, người ngựa của Tản Viên Sơn Thánh, chia quân ra các đạo để đánh lại
quân Thục. Ta sẽ trợ giúp cho uy vũ, để một là bảo tồn tông miếu xã tắc, hai là
cứu lấy dân lành”.
Duệ Vương bừng tỉnh, biết mình đã được thánh thần báo mộng
phù trợ, bèn lập đàn trên nền Ngọc Tháp để tế lễ. Sau đó, vua cho tu tạo chiến
thuyền ở vùng Thao Giang, đốc xuất quân sỹ... Đoàn quân Duệ Vương mở một cuộc đại
phản công kéo xuống đến tận vùng Tiên Du, Bắc Ninh khiến quân Thục thất bại chạy
dài.
Ngày khải hoàn chiến thắng, Duệ Vương nhớ lại việc báo mộng
khi trước bèn lập miếu thờ ở Ngọc Tháp, gia phong thần là Linh Uyên Đại Vương,
hàng năm xuân, thu cúng tế, dùng nghi lễ Thượng Đẳng Phúc Thần để thờ.
Về lịch sử vị thần được thờ ở đình Ngọc Tháp, trong cuốn Tạp
chí “Văn hoá dân gian vùng đất Tổ” còn viết rõ rằng: “Thần ghềnh Ngọc Tháp là
Long Uyên hoàng tử, con của nữ thần thác Đông Cuông (huyện Trấn Yên - Yên Bái”
đã có công phù giúp Nguyễn Cận - một hình tượng anh hùng chống giặc ngoại xâm
đánh tan giặc Ân. Sau khi giặc tan, Nguyễn Cận đã xin vua cho lập một miếu thờ
thuỷ thần Long Uyên tại gò Ngọc Tháp”.
Đình Ngọc Tháp được xây dựng gần chùa Ngọc Tháp có kiến trúc
chữ đinh, gồm 3 gian tiền tế, 1 gian hậu cung. Đình cũ được xây dựng từ bao giờ
thì hiện nay không ai được rõ. Chỉ biết vào năm 1988, dân làng Ngọc Tháp người
góp của, người góp công, cộng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền mà dựng lên
một ngôi đình khang trang, bề thế hiện nay.
Đình được xây dựng bằng vật liệu bền vững: xi măng, cốt
thép. Khung, xà, cột sơn giả gỗ, để trơn không chạm khắc hay đắp phù điêu. Cửa
võng bằng gỗ chạm trổ rồng, mây. Nền lát gạch bát đỏ. Mái bằng bê tông dán ngói
mũi hài. Cửa gỗ để trơn không trạm trổ hoạ tiết. Đình và chùa Ngọc Tháp có
chung cổng.
Cổng khu di tích này
được xây dựng bằng xi măng, cốt thép, theo kiểu tam quan, gồm 4 cột trụ
chính đắp phù điêu chim phượng với 1 lối đi chính và 2 lối đi phụ ở hai bên. Di
tích nhìn theo hướng đông bắc. Tổng diện tích di tích là 1.000m2, trong đó diện
tích đình là 55m2.
Hiện nay các hiện vật trong di tích đều còn có khá nhiều cổ
vật làm bằng đồng như: bát hương, đỉnh hương, một đôi hạc lớn (cao 1,87m, rộng
0,55m), chiêng, tất cả đều được đánh sáng bóng, nhất là chiếc đỉnh hương tai rồng.
Những di vật của đình bằng gỗ cũng khá phong phú, trong đó
phải kể đến 3 bộ ngai thờ, một sập gỗ chân quỳ, một mâm bồng đường kính 0,47m,
một bộ chấp kích 18 chiếc, hai án gian, quán tẩy, nến phao, 2 đôi câu đối viết
bằng chữ Hán... và nhất là một bức hoành phi Hộ Quốc Bảo Dân (1).
Phải nói các hiện vật bằng gỗ này rất hoàn hảo, được sơn son
thếp vàng kỹ lưỡng, mầu sắc hoặc sặc sỡ, hoặc lộng lẫy uy nghi, bài trí trong một
không gian trang nhã mà linh thiêng, huyền diệu.
Ngoài ra những đồ gốm sứ của đình, gồm bát hương, lộc bình,
lọ hoa, chén, bát, đĩa... cũng được lựa chọn đúng với tiêu chí đồ thờ tự, hoa
văn mang vẻ cổ kính, xưa cũ. Đặc biệt cổ vật của đình có giá trị nổi trội là
chiếc chuông đồng “Ngọc Tháp tự chung” được đúc vào năm Thiệu Trị.
Hàng năm, đình Ngọc Tháp có các kỳ tiệc lệ:
Ngày mồng 7, 8 tháng giêng: ngày sinh của Thái Phi; lễ dùng
cỗ chay, mâm quả, hương hoa...
Ngày mồng 10 tháng 3 (AL): ngày kỷ niệm các con rắn trong đầm
đất Trung Hoàng ra đi; có mở tiệc tế thủy thần và tổ chức đua chải trên sông.
Ngày mồng 10 tháng 8 (AL): ngày tiệc mừng lễ lập miếu gia
phong cho thần.
Lễ hội đình Ngọc Tháp được biết đến với tục đua chải trên
sông trong hai ngày mồng 9 và mồng 10 tháng 3 (âm lịch). Hội chải được tổ chức
với 4 chải của 4 giáp. Mỗi chải dài 18m, lòng rộng 90 phân, sơn ngũ sắc (5
màu), có 40 tay chèo cởi trần, đóng khố.
Phía ngược điểm cắm cờ giải, phía xuôi cắm cờ tiết. Chải phải
cướp cờ tiết trước, rồi mới cướp cờ giải. Lấy cờ tiết có nghĩa là nhận lệnh chủ
tướng đi đánh giặc; cướp được cờ giải nhất là chém được đầu tướng giặc, cờ giải
nhì là chém được đầu phó tướng giặc, còn hai chải không được cờ có nghĩa là chỉ
bắt được quân. Kết thúc đua chải, mọi người về đình làm lễ tạ Thánh.
Những người bơi chải vẫn cởi trần đóng khố. Người chỉ huy
chiếc chải nhất nói: “Theo tục lệ nhà dân, nhờ các vị đại vương của bản xã, cầu
cho dân khang vật thịnh, lúa tốt, người nhiều, đẹp con người, tươi con của”.
Nói rồi, vị chỉ huy nhận cờ giải và trao lại cho chủ tế.
Hội đua chải làng Ngọc Tháp có ý nghĩa chiến đấu là bơi chải
vào dịp lễ tế thủy thần. Thủy thần là Long Uyên Hoàng tử phù giúp Nguyễn Cận
đánh giặc Ân, được gia phong thần Linh Uyên Đại Vương. Thần vốn là tướng của Tản
Viên Sơn Thánh, đã theo Sơn Thánh đánh giặc Thục, về sau lại âm phù cho nhà Trần
phá tan giặc Nguyên Mông nên nổi tiếng là linh thiêng.
Xưa kia, hội bơi chải trên sông Thao của làng Ngọc Tháp còn
có tục kết nghĩa với làng Nam Cường, miền quê hát Ghẹo, thuộc xã Thanh Uyên,
huyện Tam Nông. Vào những năm mở hội lớn, các làng trên đua bơi chải cùng nhau
theo tục lệ “chải xã nọ, người xã kia”. Chải Nam Cường chỉ có 20 tay chèo, mũi
cắm cờ để phân biệt với chải Ngọc Tháp. Kết thúc lễ hội thường là đại tiệc giao
hòa giữa hai làng.
2. Chùa Ngọc Tháp
(tên chữ là Gia Lăng thiền tự) là một công trình kiến trúc nghệ thuật đã được xếp
loại di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 1814/QĐ-UBND ngày
09/8/1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Về lịch sử thờ của chùa Gia Lăng thiền tự lại hết sức đặc biệt.
Chùa Ngọc Tháp thờ Phật theo dòng Đại thừa miền Bắc và thờ nữ thần thác Đông
Cuông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) tên tục gọi là Bà Chúa lá Đông Cuông.
Tục truyền rằng, trước đây tại Ngọc Tháp có một ngôi miếu thờ
thần giữ của. Lúc đó, nữ thần thác Đông Cuông là con vua Thuỷ Tề đêm nằm chiêm
bao thấy mãng hoàng xà nên bà có mang.
Một hôm, vào ngày 9 tháng giêng, giữa lúc các cụ già trong
miếu quét dọn để chuẩn bị hôm sau cho dân làng tới làm lễ. Lúc gần chiều tối
thì hồng thuỷ trướng dật, trên trời mây u ám làm tối cả chỗ miếu đó, thì cũng
là thời điểm bà chúa lá Đông Cuông rẽ nước đi lên.
Khi bà đi lên đến cõi trần thì trời trở lại bình thường. Thấy
chỗ miếu đông người, bà vào xem thì bị các cụ già đuổi đi, nhưng bà nhất định
không đi và sinh con ở trong miếu. Trong ánh hào quang rực rỡ, đứa trẻ khi sinh
ra trên trán có khắc chữ Linh. Từ đó, bà ở trong miếu nuôi con.
Thấm thoắt thời gian trôi đi, cậu bé khôn lớn và trở thành một
người có võ nghệ cao cường. Lúc đó có giặc sang xâm chiếm đất nước, nhà vua sai
sứ giả đi cầu người tài giỏi ra cầm quân đánh giặc giữ nước. Ông liền từ biệt mẹ
ra đi, được nhà vua giao làm tướng cầm quân đánh giặc.
Đánh tan giặc, nhà vua phong cho ông làm quan trong triều,
nhưng ông không nghe và xin từ biệt vua để về nuôi mẹ... Một hôm bà mẹ bảo con ở
nhà để bà đi chơi, khi đến thác Đông Cuông thì bà trở về với vua cha Thuỷ Tề. Đợi
mãi không thấy mẹ trở về, ông đi tìm nhưng không thấy, ông trở về nhà tạc tượng
mẹ: đầu đá, mình vàng để thờ ở miếu.
Qua khảo sát các tư liệu dân gian và thực tế thờ trong chùa,
chúng ta biết được, người con của Bà Chúa lá Đông Cuông đã tạc tượng mẹ mình: đầu
đá, mình vàng để thờ tại đây. Trong một trận lũ to, bức tượng đã bị nước cuốn
trôi. Dân làng Ngọc Tháp đã vớt lại được phần đầu và tạc lại bức tượng theo
hình dáng pho tượng A Di Đà của đạo Phật. Và chùa Ngọc Tháp cho đến những năm
1999 vẫn chỉ thờ một pho tượng theo kiểu dáng tượng A Di Đà đầu bằng đá, thân bằng
chất liệu thổ.
Thực ra, Gia Lăng thiền tự đã bị tàn phá từ lâu. Trải qua những
biến thiên của thời gian, thăng trầm của lịch sử mãi sau này mới được khôi phục
lại.
Chùa Ngọc Tháp có kiến trúc chữ nhất, gồm toà 4 gian (gian
cuối được xây biệt lập không thông cửa với 3 gian còn lại), được xây dựng lại
năm 1988. Chùa được làm bằng vật liệu bền vững: xi măng, cốt thép. Khung, xà, cột
sơn giả gỗ, để trơn không chạm khắc, đắp phù điêu.
Cửa võng bằng gỗ trạm trổ rồng, mây. Sàn lát gạch bát. Mái bằng
bê tông dán ngói mũi hài. Cửa gỗ để trơn không trạm trổ hoạ tiết. Cạnh chùa có
xây dựng gác chuông bằng xi măng, cốt thép. Chùa Ngọc Tháp và đình Ngọc Tháp có
chung cổng (đã nói trên). Diện tích chùa là 84m2. Hướng di tích là hướng tây bắc.
Hiện tại, các di vật, cổ vật của chùa còn lại khá nhiều. Các
hiện vật bằng gỗ đều được sơn son thếp vàng, nhiều pho tượng phật được dát vàng
lộng lẫy, uy nghi, trong đó phải nói đến 7 pho tượng Dược Sư, 5 pho tượng Quan
Hoàng, 4 pho tượng các quan, tượng Đức Ông, tượng Đức Thánh Hiền... Bên cạnh đó
phải chú ý tới tượng Đức Thánh Trần, 3 pho Tam tòa thánh Mẫu, tượng mẫu Sơn
Trang, thể hiện lối phối thờ “tiền Phật, hậu Thần” và “tiền Phật hậu Mẫu” thường
có trong các ngôi chùa cổ. Các đồ thờ tự ở đây còn có 2 bức hoành phi, 4 đôi
câu đối, 3 bộ bàn thờ, 1 án gian, tòa Cửu Long, các di vật như mâm bồng, ống
hương, đài nước bằng gỗ và các lộc bình (4 chiếc), bát hương, lọ hoa... bằng sứ
Đặc biệt, chùa Ngọc Tháp còn có nhiều cổ vật bằng đồng như 3
chiếc đỉnh hương, 4 lư hương to nhỏ khác nhau, 3 đôi hạc đông đứng trên lưng rùa,
4 chiếc nến phao... Cổ vật nổi bật nhất là tượng Chúa Bà đầu bằng đá, thân bằng
đất nung, cao 1,10m, rộng 0,65m 1 lư hương tạo tác bằng chất liệu đá, cao
0,27m, đường kính 0,37m.
Chùa là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa Phật giáo, các
nghi thức tôn giáo như: Lễ Vu Lan, Đại lễ Phật Đản, Đàn Tràng giải oan, chạy
đàn cầu mưa, tụng kinh niệm Phật hàng ngày...
Điều cần nhấn mạnh thêm là ở chỗ: các hiện vật thờ tự cũng
như các cổ vật ở đình và chùa Ngọc Tháp đều rất đẹp, được tạo tác công phu, tỷ
mỷ, phối mầu ăn ý, trang hoàng lộng lẫy, toát lên vẻ đẹp, tráng lệ mà huyền ảo,
huyền bí mà thâm nghiêm, cổ kính...
Ngọc Tháp nhìn từ xa
chẳng khác gì một con thuyền đang chuẩn bị rời bến; con thuyền chở trên mình
ngôi đình, chùa thiêng và đầy cỏ cây hoa lá. Phong cảnh sơn thủy hữu tình tuyệt
mỹ, trên bến dưới thuyền thật nên thơ. Người xưa gọi nơi này là tháp Ngọc thật
chí lý. Quả là một vùng thắng tích, danh lam thắng cảnh của muôn đời!
TRẦN VĂN THỤC - ĐẶNG
ĐÌNH THUẬN