Căn cứ bản Thần Phả, các bản Sắc phong lưu giữ tại địa phương, Đình Đồng Vũ thờ tam vị Đại Vương là Lang Nữu Đại Vương thời Hùng Vương thứ 6, Thiên Bồng Đại Vương, Cao Sơn Đại Vương (Húy Câu Mang) thời Hùng Vương thứ 18.
Cụm di tích Đình, chùa thôn Đồng Vũ xã Đạo Lý được xếp hạng
di tích lịch Văn hóa Quốc gia năm 2013. Đình, chùa thôn Đồng Vũ tọa lạc trên một
khoảng đất ở giữa làng.
Ngôi đình quay hướng Tây Nam, ngôi chùa hướng Đông Nam với
khung cảnh vườn cây rộng tạo không gian thoáng đãng, không khí trong lành cho
di tích.
Toàn cảnh cụm di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đình, chùa thôn Đồng Vũ
Căn cứ vào ngọc phả, thư tịch, truyền thuyết thì ở đình thôn
Đồng Vũ nhân vật thờ nơi đây là Tam vị Đại
Vương.
Theo thần tích, thần sắc và dựa vào bản khai trình của các vị
Hương hào xã Thọ Ích với Viện Viễn đông bắc cổ, năm Mậu Dần 1938, thời vua Bảo
Đại nhà Nguyễn. Căn cứ bản Thần Phả, các bản Sắc phong lưu giữ tại địa phương,
Đình Đồng Vũ thờ tam vị Đại Vương.
1.Lang Nữu Đại Vương.
2.Thiên Bồng Đại Vương.
3.Cao Sơn Đại Vương (Húy của ngài là Câu Mang)
Sự tích các ngài được chép trong Ngọc Phả như sau:
- Đức ngài Lang Nữu Đại Vương vốn người Ái Châu (Thanh Hóa),
ngài sinh cơ lập nghiệp ở trang Đồng Vũ có công giúp dân khẩn hoang xây dựng
xóm làng. Đến đời vua Hùng Vương thứ 6, ngài cùng Phù Đổng Thiên Vương dẹp giặc
Ân. (Theo tích truyền thuyết của di tích
lịch sử đình Thọ Chương )
- Hai ngài Thiên Bồng Đại Vương và Cao Sơn Đại Vương (húy
Câu Mang) cũng là những tướng soái của vua Hùng, có công đánh giặc bảo vệ đất
nước, để lại nhiều ân phúc cho dân làng được nhân dân thôn Đồng Vũ muôn đời
hương khói phụng thờ.
Cổng đình di tích đình làng Đồng Vũ
Chùa Đồng Vũ tên chữ là Sùng Khánh Tự, là ngôi chùa được xây
dựng vào loại sớm nhất của huyện Lý Nhân. Đến đầu thời Nguyễn, chùa được dân
làng mở rộng quy mô kiến trúc tiền đường, phật điện là nơi thờ Phật, Bồ tát và
các nhân vật liên quan đến phật giáo.
Theo khảo tả của các nhà nghiên cứu, Đình - chùa Đồng Vũ có
kiến trúc quy mô lớn, phong cách và kiểu dáng đa dạng, bố cục độc đáo. Đường
nét các kiến trúc và đồ thờ được các nghệ nhân tài hoa thể hiện nhiều đề tài,
mô típ phong phú có giá trị nghệ thuật cao.
Các cổ vật, cổ thư như chuông đồng, bia đá, khánh đá rất có
giá trị về lịch sử, mỹ thuật. Tại đây còn lưu giữ 2 tấm bia đá niên hiệu Kiến
Phúc (1883) và Khải Định năm thứ 2 (1917).
Nội dung cho biết Đồng Vũ là đất học hành khoa bảng, ghi
danh các nhân sỹ, tú tài, văn hội xã Thọ Ích. Đặc biệt trong thời kỳ cách mạng
giải phóng dân tộc và suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, nhân
dân thôn Đồng Vũ đã góp nhiều công sức vào thắng lợi chung của dân tộc. Đình -
Chùa Đồng Vũ đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lịch sử cách mạng
địa phương.
Khuôn viên di tích chùa Sùng Khánh Tự
Ngày 03/2/1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, 7 tháng sau
khi (Tháng 9/1930) chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Lý Nhân được chính thức thành
lập ở đình làng Đồng Vũ. Từ đây phong trào cách mạng lan ra cả tổng Vũ Điện huyện
Nam Xang và ảnh hưởng tới phong trào cách mạng của tỉnh Hà Nam. Đình - chùa Đồng
Vũ là nơi hoạt động của các đồng chí cách mạng tiền bối thời kỳ bí mật.
Năm 1944, đồng chí Lê Quang Tuấn, Xứ ủy Bắc Kỳ về địa phương
trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, tổ chức hội họp, huấn luyện dân quân du
kích, tập hợp các tầng lớp nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành
chính quyền về tay nhân dân. Đình - chùa Đồng Vũ còn được tỉnh đội Hà Nam chọn
làm địa điểm tổ chức Đại hội "Rèn cán chỉnh quân" cho bộ đội địa
phương và dân quân du kích toàn tỉnh.
Khuôn viên di tích lịch sử văn hóa đình làng thôn Đồng Vũ
Nơi đây còn là căn cứ
chỉ huy của bộ đội và du kích địa phương tổ chức các trận diệt bốt Vũ Điện, Cầu
Không và là hậu cứ đón tiếp cán bộ và cứu chữa thương binh. Truyền thống yêu nước
và cách mạng vẻ vang, đã góp trang sử vàng tô đẹp mảnh đất con người Đồng Vũ,
góp một phần không nhỏ vào truyền thống quê hương cách mạng, xã Đạo Lý, huyện
Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Ngày nay hàng năm để tưởng nhớ công ơn của các vị Thành
Hoàng làng nhân dân trong thôn Đồng Vũ đều tổ chức tế lễ, lễ hội vào các ngày.
- Ngày sinh
Câu Mang, ngày 8 tháng 8
- Ngày hóa Câu Mang, ngày 20 tháng 6
- Lễ đầu xuân
mồng 1 tháng giêng