Cụm di tích Đình, Đền, Chùa Tầu Giang xã Nhân Nghĩa, thờ phụng Cao Sơn Đại Vương, Đức Chính Đại Vương và Hoàng Đệ Câu Mang Đại Vương, Từ Nhân Công chúa thời Hùng Vương thứ 18.
Đình, Đền, Chùa Tầu Giang thuộc làng Tầu Giang, xã Nhân
Nghĩa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2018. Đình, Đền, Chùa
Tầu Giang tọa lạc trên gò đất cao ở giữa làng sát dòng Châu Giang, khuôn viên rộng
thoáng đãng, cảnh quan đẹp.
Cụm di tích gồm các công trình: Đình, Đền, Chùa được xây dựng
từ cuối thế kỷ XIX, có kiến trúc với các mảng trạm khắc độc đáo.
Đình là công trình kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật
thời Nguyễn trong cùng một khuôn viên cụm di tích chùa, đình, đền của làng.
Đình quay hướng Tây Nam, phía trước là dòng Châu Giang.
Bố cục mặt bằng Đình Tầu Giang hình chữ đinh gồm tiền đường
5 gian, hậu cung 3 gian. Tiền đường gồm 5 gian rộng, có chiều dài 15,5m; rộng
5,7m thiết kế kiểu tường hồi bít đốc. Hậu cung gồm 3 gian rộng, chiều dài
7,57m; rộng 5,27m.
Quang cảnh phía trước đình Tầu Giang
Đền là công trình kiến trúc cổ truyền tọa lạc ở vị trí phía
nam của Đình, Đền quay hướng Tây Nam, mặt chính diện Đền nhìn về dòng Châu
Giang. Công trình chính bố cục mặt bằng hình chữ đinh, gồm tiền đường 3 gian; hậu
cung 1 gian.
Tiền đường dài 7,64m, rộng 5,26m xây bít đốc giật cấp, kiến trúc mang phong
cách thời Nguyễn, hậu cung dài 3,24m, rộng 0,3m. Tổng thể công trình được liên kết
giao mái với tiền đường tạo thành một công trình kiến trúc liên hoàn khép kín.
Cùng nằm trong khuôn viên cụm di tích, chùa Tầu Giang là một
công trình kiến trúc độc đáo, ngôi chùa được xây dựng ở vị trí phía Bắc của
đình, sát với đường trục chính của làng.
Chính diện chùa quay hướng Tây nhìn ra sông Châu Giang. Phía
trước của chùa là lầu Quan âm, lầu được xây theo kiểu lục giác với 6 cột tròn,
mái theo kiểu chồng diêm 2 tầng 12 mái. Lầu Quan âm tọa lạc trên hồ nước tròn
có cầu bắc qua, chính giữa lầu đặt tượng Phật bà Quan âm Bạch y, tượng Quan âm
tạc đứng, cao 1,7m.
Chùa Tầu Giang là một công trình kiến trúc có thiết kế độc
đáo so với các di tích khác trong huyện. Bố cục mặt bằng chùa là một tòa nhà nằm
dọc gồm 3 gian 1 chái, xây dựng theo kiểu tiền đao, hậu đốc. Mặt trước của chùa
là hệ thống cửa bức bàn gồm 3 ô, ô chính giữa rộng có 4 cánh, hai ô bên 2 cánh.
Đình Tầu Giang thờ 3 vị: Cao Sơn Đại Vương, Đức Chính Đại
Vương và Hoàng Đệ Câu Mang Đại Vương. Ba vị đều là tướng thời Hùng Vương có
công đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại thái bình cho đất nước quê hương. Đền thờ
Từ Nhân Công chúa. Chùa thờ Phật và nhiều nhân vật liên quan đến Phật giáo.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là địa phương nằm ven
sông Châu Giang, mái đình, đền, ngôi chùa Tầu Giang là một căn cứ du kích ngầm
quan trọng, là trạm trung chuyển cán bộ thương binh của ta từ vùng tự do Liên
khu III tới tả ngạn sông Hồng, nên địa phương đã bị giặc Pháp càn quét nặng nề.
Từ những ngày đầu kháng chiến, cụm di tích đã trở thành trạm
trung chuyển, sơ cứu thương binh từ Nam Định theo dọc sông Châu Giang về Vĩnh
Trụ để chữa trị. Đồng thời còn là nơi đưa tiễn hàng trăm thanh niên địa phương
lên đường nhập ngũ.
Đình cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao
như hát chèo, tuồng cổ, chầu văn, trong những ngày lễ hội tổ chức các trò chơi
như đấu vật, cờ người, bơi chải...
Không gian thờ tự bên trong chùa Tầu Giang
Ngoài những giá trị về kiến trúc, điêu khắc thì đình, đền,
chùa Tầu Giang còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, hiện vật quý hiếm mang phong cách
nghệ thuật thời Hậu Lê và Nguyễn gồm nhiều loại chất liệu như: đồng, sành, sứ,
gỗ... Tiêu biểu nhất phải kể đến là các hoành phi, câu đối, sắc phong, cửa
võng, ngai, tráp quả, bát hương, chân nến... Lưu giữ tại chùa là hệ thống tượng
thờ, chuông khánh cổ.
Hàng năm tại cụm di tích thường tổ chức những đợt sinh hoạt
văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo cộng đồng gắn liền với các hoạt động vui chơi
dân gian. Việc tổ chức lễ hội hằng năm để tưởng nhớ tới công lao của các vị Thần,
Phật và Thành hoàng làng được thờ để kỷ niệm, tri ân nhân dịp đản sinh, hóa nhật
đó là một truyền thống tốt đẹp mà ở thôn Tầu Giang từ lâu lệ làng đã đề ra, quy
định những kỳ đại lệ, tiểu lệ sau: (tính theo âm lịch):
Tại Đình:
- Lễ đầu xuân: Ngày mồng 4 tháng Giêng (tổ chức bơi thuyền
trải đầu xuân).
- Lễ Thượng điền: Ngày 10 tháng 2.
- Lễ Kỳ an: Ngày rằm tháng 4.
- Tết Đoan Ngọ: Ngày mồng 5 tháng 5.
- Lễ Khánh hạ: Ngày 10 tháng 6.
- Ngày hóa Câu Mang: Ngày 20 tháng 6. Ngày làng vào đám để
tri ân, tưởng niệm ngày mất của Ngài Câu Mang (lễ chính).
- Ngày sinh Câu Mang: Ngày mồng 8 tháng 8.
- Ngày đồng sinh của hai ngài Cao Sơn, Đức Chính: Ngày 10
tháng 11. Ngày làng vào đám để kỷ niệm ngày sinh của hai ngài.
- Ngày đồng hóa của hai ngài Cao Sơn, Đức Chính: Ngày 10
tháng 10 (lễ chính).
Tại Đền:
- Ngày hóa Từ Nhân công chúa: Ngày 10 tháng 12.
Tại Chùa:
Hàng năm vào các
ngày sóc, ngày vọng; ngày mồng 5 tháng giêng âm lịch; ngày Phật đản 15 tháng 4;
ngày tết Vu Lan 15 tháng 7 âm lịch, dân làng, sư trụ trì và quý phật tử thường
tổ chức tụng kinh niệm phật và làm cỗ chay để lễ Phật và cầu bình an cho dân
làng.