Thần tích được lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội ghi lại: Lâm Xá thờ 3 vị thánh là Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Từ Đạo Hạnh và 10 vị thần - thành hoàng: Cao Sơn, Quý Minh, Nam Hải, Bản Vực, Tuấn Cao, Hưng Nghĩa, Nhạc Lĩnh, Thiên Triều, Thiên Đức và Quốc Mẫu. Trong đó, vị thần thứ bảy là người dân trong làng, ông Nhạc Lĩnh, tức Bùi Cương Trung là nhân thần.
Truyền thuyết kể rằng vào thời Trần, khi ông Trung 24 tuổi,
làm cai xã, một hôm ông đi cày ở xứ Đồng Chùa, thấy có đám lính đi về làng mà
không có thông báo của Tri huyện. Lúc bấy giờ giặc giã luôn luôn, vì thế nêu
cao tinh thần cảnh giác, ông tháo trâu ra lấy bắp cày đánh trả. Sau này ông bị
Triều đình bắt, xử trảm.
Trước khi xuống đao, ông xin nguyền rằng nếu ông biết đó là
lính Triều đình mà vẫn đánh thì khi bị chém, đầu trôi xuôi dòng nước; còn nếu
ông phải oan, nhầm tưởng lính Triều đình là giặc nên đánh trả, đầu ông sẽ trôi
ngược dòng nước. Quả nhiên khi ông chết mang thủ cấp của ông thả xuống dòng
nước thì thủ cấp trôi ngược lên đầu nguồn... Triều đình biết đã chém nhầm người
trung nghĩa nên sau đó đã phong sắc cho ông và cho phép dân làng thờ phụng như
một thành hoàng làng.
Sau này ghi nhớ công lao của Nhạc Lĩnh, ngày 18 tháng 11 năm
Thành Thái thứ nhất (1889) triều đình đã ban sắc cho dân Lâm Xá tiếp tục thờ
phụng thành hoàng Nhạc Lĩnh. Ba vị thánh còn lại đều được 3 dòng họ lớn nhất
trong làng là họ Trần, Hoàng, Mạc thờ chung. Người làng Lâm Xá còn kể lại, tất
thẩy 13 vị thần, thánh được thờ phụng đều tỏ rõ linh ứng. Khi mùa màng bị hạn
hán thì cho làm gió mưa ngập tràn đồng ruộng, nhân dân cấy cày đúng thời vụ,
các vị thần còn giúp dân đuổi thú giữ, diệt trừ ngoại xâm...
Kể từ năm 1987 đến nay làng Lâm Xá thường tổ chức lễ tế thần
vào ngày 12 tháng giêng và 13 tháng 11 âm lịch. Ba dòng họ Trần, Mạc, Hoàng
cũng ấn định lễ truy ân 3 vị thánh từ ngày 20 đến ngày 27 tháng giêng và ngày
17 tháng chạp. Các lễ tế thần, lễ truy ân đều được chuẩn bị rất chu đáo. Lễ tế
thần, làng phân công cắt cử 29 người theo danh sách trong sổ làng sửa soạn lễ
vật.
Trong những ngày tế lễ, trừ những người đang có tang, còn
lại mọi người con Lâm Xá dù đi đâu, ở đâu cũng trở về làng dự. Lễ truy ân luôn
có 6 ông thợ đại diện cho 3 dòng họ đứng ra lo toan, hằng năm vào dịp tháng
giêng tốp thợ cũ giao ban với tốp thợ mới để bàn giao và cũng là để họp bàn
công việc tổ chức trong năm.
Không giống như các cụm di tích khác, Cụm đình, nghè, miếu
Lâm Xá được phân bổ trên toàn bộ các thôn của xã Hồng Thái Tây. Trải qua thời
gian hiện chỉ còn lại đình Lâm Xá, nghè Mả Khế, nghè Cả, nghè Quai Mang
và miếu gò Đám Bạc, miếu Gianh.
Đình Lâm Xá thờ thành hoàng, nằm ở trung tâm xã và cũng là
trung tâm của các nghè, miếu thờ. Đình cũ đã bị đổ nát hoàn toàn chỉ còn lại
dấu vết của nền đình và rất nhiều đá tảng kê chân cột. Hiện nay đình đã được
dựng mới song chưa hoàn chỉnh, kiến trúc theo kiểu chữ đinh gồm 3 gian tiền
đường và 1 gian hậu cung...
Do việc thờ cúng các vị thành hoàng chỉ bằng ngai, không có
mũ áo, bia đai, kiếm hốt nên các hiện vật của di tích còn tồn tại đến ngày nay
không nhiều. Duy nhất tại nghè Cả còn lại một ngai thờ bằng gỗ, sơn son thếp
vàng. Theo anh Nguyễn Hải Trường, Phó Phòng Nghiệp vụ văn hoá (Sở VH, TT &
DL), Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam hiện đang lưu giữ bộ thần tích,
thần sắc của làng Lâm Xá với 12 sắc phong. Ngoài ra 3 dòng họ Hoàng, Mạc, Trần
cũng có đầy đủ bộ đồ tế lễ như đòn rồng, bành hậu, nhang án, sập chân quỳ,
trống, mâm... song đều là những thứ mới được làm cả.
Cụm di tích lịch sử, văn hoá đình, nghè, miếu Lâm Xá ghi đậm
dấu ấn một thời dựng làng, lập xã, biến rừng núi hoang hoá trở thành làng quê
trù phú. Đây là nơi giáo dục thế hệ trẻ nhớ về nguồn cội và tích cực góp sức
mình xây dựng và bảo vệ quê hương...