Đình Cao Đà thờ Ngũ vị thành hoàng gồm: Nam Hải Đại vương, Câu Mang Đại vương, Nguyễn Du Dược (Trung quân Đại tướng), Nguyễn Phổ Tế (Thủy sư Đại tướng) và thánh Lỗ Ban (ông tổ nghề mộc).
Theo tư liệu được lưu giữ nơi đình làng (dịch từ thần phả
đình Cao Đà): Từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, vào ngày 24/2, ông bà họ
Trương ở phủ Hà Trung, Thanh Hóa sinh được một người con trai diện mạo khác thường.
Ông bà nghĩ đến mộng thấy rắn hổ mang nên đặt tên là Hổ
Mang. Khi ông Hổ Mang lớn lên, cha mẹ lần lượt qua đời, ông lo liệu báo hiếu
chu tất. Vua Thục An Dương Vương cầu người hiền tài ra giúp nước, ông Hổ Mang
được trọng dụng, phong làm Tham tán Trưởng lý binh mã.
Có lần ông Hổ Mang đi kinh lý qua đất Cao Đà, thấy đất đẹp,
nhân dân chất phác, hiền lành, ông ở lại dạy dân làm ruộng, giáo hóa làm điều
nhân nghĩa. Tại Cao Đà có gia đình có hai anh em trai văn võ song toàn tên là
Du Dược và Phổ Tế. Thân phụ hai ông mất sớm, thân mẫu đã già yếu. Khi Triệu Đà
đem quân xâm chiếm nước ta, ông Hổ Mang dìu dắt hai anh em trở thành những vị
tướng tài.
Ông Hổ Mang được phong làm Đô đốc. Du Dược được phong làm Tướng
Trung quân. Phổ Tế được phong làm Thủy sư Đại tướng. Ba ông chỉnh đốn binh mã
vây hãm quân giặc, đánh bại âm mưu xâm chiếm nước ta của Triệu Đà. Ít lâu sau,
vào ngày 15/5, ông Hổ Mang qua đời được truy phong là Câu Mang Đại vương thượng
đẳng thần. Hai ông Du Dược và Phổ Tế đem thần hiệu của ông về Cao Đà thờ phụng.
Thời gian sau, khi Thục An Dương Vương chủ quan, khinh địch,
mất cảnh giác đã chấp thuận lời cầu hôn của Trọng Thủy (là con trai của Triệu
Đà) với công chúa Mỵ Châu. Can ngăn không được, hai ông Du Dược và Phổ Tế xin từ
quan về quê phụng dưỡng mẹ già. Khi mẹ mất, hai ông xây đền thờ trên khu lăng để
thờ phụng.
Năm 205 trước Công nguyên, Thục An Dương Vương thất bại chạy
vào vùng Diễn Châu, Nghệ An rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Nghĩ tình quân vương,
dân làng Cao Đà lập đền thờ tưởng niệm.
Khi Triệu Đà đánh thắng nhà Thục, tự xưng là Nam Việt Vương,
sắc chỉ về tìm hai ông Phổ Tế và Du Dược ra cộng sự. Giữ trọn tấm lòng trung
thành với vua, với nước, hai ông đã khước từ. Biết không thoát khỏi tay của
Triệu Đà hai ông nhảy xuống sông tự vẫn. Cảm phục tấm lòng trung nghĩa của hai
ông, dân làng lập đền thờ cùng Nam Hải Đại vương.
Thờ Linh Lang Đại Vương
Hồi đó, giặc Vĩnh Trinh đem quân quấy phá, cướp bóc vùng Sơn Nam Hạ, gây nhiều thảm hại cho nhân dân. Thái Tử Linh Lang đã đem quân về đây đánh giặc cứu dân. Nên địa phương lập đền thờ tự để ghi sâu công đức của ông.
Đình Cao Đà thờ tổ lập làng và Tổ nghề mộc có công xây dựng quê hương.
Vào thời Trần, do cảnh loạn lạc của giặc Mông- Nguyên làng Cao Đà xóm làng sơ xác tiêu điều, nhân dân thiếu cơm ăn áo mặc. Lúc đó quan Hành Khiển Trương Hán Siêu đi qua đất Cao Đà, ông thấy ở đây địa thế cao ráo, tiếp cận với sông Châu, phong cảnh hữu tình lên ở lại cư trú. Ông Trương Hán Siêu đã cấp tiền của cho nhân dân sửa sang nhà cửa, mua sắm dụng cụ sản xuất, cho lập kho chứa thóc dự trữ phòng khi mùa màng thất bát. Hiện nay, kho thóc xưa không còn, nhưng địa danh xóm Kho ở phái nam làng Cao Đà vẫn còn đã ghi nhận công ơn của ông với địa phương. Ông Trương Hán Siêu còn tìm thầy dạy học, mở mang dân trí, sửa sang đền chùa…đáp ứng đời sống tinh thần và hướng dẫn nghề mộc cho nhân dân Cao Đà. Ngày 15-2 ông rời Cao Đà lên chùa Quỳnh Lâm và không về đây nữa. Khi được tin ông mất, nhân dân Cao Đà vô cùng thương tiếc đã lập đền thờ phụng tỏ lòng ngưỡng mộ ông. Hiện nay, tại đình Cao Đà còn một đôi câu đối nói về công ơn của ông
Đình Chùa Cao Đà là một quần thể di tích gồm 11 tòa và 42 gian được xây dựng hoàn toàn theo phong cách dân tộc. Phần lớn các công trình kiến trúc ở đây là di sản văn hóa thời Lê, lại do chính bàn tay người thợ địa phương làm ra nên giá trị kiến trúc nghệ thuật càng thêm ý nghĩa.
Lịch sử cách mạng:
Trên mảnh đất có bề dày lịch sử truyền thống đấu tranh bảo vệ quê hương, giành độc lập. Trong hai cuộc kháng chiến Đình và Chùa là nơi hội tụ cơ sở cách mạng. Hội họp thành lập đội vũ trang bảo vệ làng xã. Đình làng đã lưu giữ đôi lọ độc bình. Đôi lọ đã bỏ tài liệu bí mật cách mạng từ nước ngoài về nước năm 1932. Hiện đang lưu giữ tại Viện bảo tàng cách mạng số hiệu BTCM 4886/76.
Với quan hệ thiện cảm với cách mạng, việc Hòa thượng Thanh Đoan trong đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam đến thăm chủ tịch Hồ Chí Minh. Hòa thượng đã được Bác Hồ tặng lụa và chụp ảnh chung (là ngày 30-01-1958). Đây cũng nói lên uy tín của nhà Chùa Cao Đà với cách mạng Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thời kì chiến tranh chống Mỹ Đình Chùa là nơi sơ tán của các cơ quan của tỉnh.
Trong hai cuộc kháng chiến nhân dân Cao Đà đã đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp giành độc lập.
Dưới mái đình cổ kính này đã tiễn bao trai làng ra đi đánh giặc cứu nước nhiều người con của quê hương đã vĩnh viễn không về nữa, hy sinh trong lúc tuổi thanh xuân hiến dâng đời mình để giành độc lập. Trong một thôn đã có được 124 huân huy chương chống Pháp, chống Mỹ, một bà mẹ anh hùng, tô thêm truyền thống giữ nước của quê hương.
Lế hội đình và chùa làng Cao Đà, đã có truyền thống từ lâu đời.
Năm nào cũng vậy, làng tổ chức lễ tế mở hội (khai hội) vào ngày 22/2 (âm lịch).
Đội tế nam tế ở đình, đội tế nữ tế ở phủ mẫu (nơi thờ thân mẫu hai ngài Du Dược
và Phổ Tế).
Trước hội làng cả tuần, người dân tổ chức dọn vệ sinh trong
nội tự đình, chùa và đường làng, ngõ xóm sạch sẽ. Cùng với đó, các hộ thống nhất,
tự nguyện góp một số tiền nhất định để sắm lễ tế chung. Ngoài ra, các ngõ xóm,
tộc sắm lễ riêng mang đến tế ở đình.
Ngày 23/2, tầm bẩy giờ sáng, làng tổ chức rước kiệu quanh
làng (khoảng 6km), người tham dự lễ rước rất đông vui. Trước kia, trong lễ rước
có múa sư tử. Mười năm trở lại đây, trong lễ hội có đội múa rồng.
Chiều ngày 23/2, làng tổ chức tế chính. Nội dung văn tế là cầu
mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu... Tối ngày 23/2, tại sân
đình có biểu diễn văn nghệ, người dân tới xem rất đông. Ngày 24/2, là ngày
chính hội, mọi người cùng nhau tưởng nhớ, ôn lại công lao của những người đã có
công với làng xóm, quê hương, đất nước.
Bên cạnh phần lễ trọng thể, linh thiêng là phần hội vui
tươi, náo nhiệt được tổ chức từ ngày 21/2 với môn bóng chuyền hơi, thi cờ tướng;
cùng với đó là các trò chơi dân gian như: bắt vịt, đi cầu kiều, kéo co, bịt mắt
bắt dê, bịt mắt đánh trống...
Bao năm qua, hội làng Cao Đà là nét đẹp văn hóa cộng đồng,
là món ăn tinh thần không thể thiếu với người dân nơi đây. Tham gia hội làng,
những muộn phiền, lo lắng trong cuộc sống thường nhật của mọi người như được giải
tỏa, cởi bỏ; niềm tin, niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp được nhân lên.
Đặc biệt, hội làng Cao Đà còn là dịp để giáo dục thế hệ tiếp
nối lòng tự hào, tự tôn dân tộc; lòng biết ơn, sự thành kính đối với thế hệ đi
trước, những người đã có công giúp dân, giúp nước, từ đó nỗ lực hơn, cố gắng
hơn trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước thời kỳ đổi mới.