Đình, chùa thôn Cam thuộc xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, thờ phụng thành hoàng làng là danh tướng Ả Lã Nàng Đê triều đại Hai Bà Trưng và thái tử Chiêu Dương thời Lý.
Cổ Bi là xã nằm ở bờ nam sông Đuống gồm 3 thôn: Cam, Vàng, Hội.
Trước năm 1945, đất xã Cổ Bi thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.
Sau này đặt là xã Trung Thành, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; từ năm 1961 thuộc
Hà Nội, năm 1965 xã Trung Thành đổi gọi là xã Cổ Bi.
Cổ Bi là vùng đất đế vương có lịch sử phát triển và tạo dựng
rất lâu đời. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", Cổ Bi thời vua Hùng thuộc
bộ Vũ Ninh nổi tiếng với 3 địa danh được gọi là "Tam Cổ" (trong dân
gian có câu: “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp”). Đến thời Lý thì
thuộc đất Long Biên, phủ Thuận Đức; thời Trần thuộc lộ Bắc Giang, phủ Thuận An
đạo Diên Bắc; thời Lê thuộc trấn Kinh Bắc; thời Nguyễn thuộc trấn Bắc Ninh, sau
đổi là tỉnh Bắc Ninh.
Đây từng là nơi đóng đại bản doanh quân đội của 5 triều đại
cổ: Hai Bà Trưng, nhà Tiền Lý, nhà Ngô, nhà Trần, nhà Lê. Nơi đây xưa có 99 gò
đống, thấy Cổ Bi có thế đất đẹp, Chúa Trịnh Cương (1709 - 1729) cho xây hành cung Cổ Bi, đặt tên là phủ Kim
Thành, thậm chí định cho dời đô về đây, đến năm 1755, chúa Trịnh Doanh
(1740 -1767) cho sửa sang lại cung cũ Cổ Bi, dự định rời đô từ Thăng Long sang
Cổ Bi song ý đồ không thực hiện được.
Cổ Bi xưa kia nổi tiếng vì đất đế vương và trong kháng chiến
chống thực dân Pháp, lại nổi tiếng vì đã 2 lần kiên cường chống địch càn quét,
bảo vệ xóm làng góp phần vào chiến thắng của nhân dân Thủ đô.
Đình thôn Cam thờ phụng 2 vị phúc thần là Ả Lã Nàng Đê công
chúa - vị nữ tướng mưu lược và anh dũng đã có công phò giúp nhị vua Hai Bà Trưng dẹp
tan giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Bà là biểu tượng cao đẹp, một tấm
gương sáng về hình tượng người phụ nữ Việt Nam anh hùng.
Vị thần hoàng thứ 2 là Thái tử Chiêu Dương - vị công thần có
công lao với đất nước, một thái tử có đức tính hiền lành thiên tư sáng suốt,
thương dân được gia phong là thần tướng đại vương. Trang Cổ Bi là nơi thái tử
sinh ra nên yêu mến mảnh đất này, khi trưởng thành ngài xin vua cha cho trang Cổ
Bi làm ấp thang mộc.
Trước cửa đình có 1 giếng nước, tương truyền được đào từ thời
làm đình. Giếng sâu khoảng 7-8m, đáy giếng có đặt 1 phiến gỗ lim. Phía dưới được
xếp 9 lượt cối đá, mỗi lượt cao 40cm; trên lớp cối đá là lớp gạch xây.
Thời kỳ 1960-1980, dân làng đã lấp giếng cùng với sân đình để
làm sân phơi hợp tác xã. Hiện nay, dân làng đã cho khơi lại giếng cũ và thau rửa
giếng mỗi năm một lần vào dịp hội làng.
Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, ngôi
đình thôn Cam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn là nơi
ghi đậm tích lịch sử trọng đại của nhân dân Cổ Bi.
Ngày 18 tháng giêng năm 1947, thực dân Pháp điên cuồng dùng
một lực lượng quân đội với cả xe tăng, máy bay để tàn phá làng. Tại nơi đây, giặc
Pháp đã gây tội ác với dân làng, chúng bắn chết hơn 100 người dân và tàn phá
xóm làng khốc liệt. Trong trận càn quét này, ngôi đình cổ khang trang lộng lẫy
bao đời đã bị chúng đốt phá.
Năm 2004, được sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự
công đức của nhân dân địa phương, ngôi đình làng đã được trùng tu tôn tạo theo
lối kiến trúc cũ bề thế, khang trang.
Hiện nay, kiến trúc của đình Cam gồm: Tam quan, Đại đình, gồm
Tiền tế và Hậu cung, hai bên là dãy nhà Tả mạc, Hữu mạc.
Cách đình làng không xa là chùa thôn Cam có tên chữ là “Sùng
Nghiêm tự” với quy mô kiến trúc bề thế được quy hoạch hài hoà trong một cảnh
quan thiên nhiên tĩnh lặng.
Chùa quay về mạn đê sông Đuống ở phía đông bắc. Cổng xây
kiểu tam quan 2 tầng giả với 3 cửa mở ra đường làng. Hai bên cửa chính có
cặp tượng hộ pháp và 2 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán. Hai bên cửa phụ
là 2 toà tháp cửu phẩm 9 tầng cao 14m, các ô đều có tượng Phật. Sau cổng
là sân tiền, hai bên có 2 nhà giải vũ. Toà tiền đường 5 gian 2 dĩ, xây
tường hồi bít đốc và kết nối với thượng điện thành hình “chữ Đinh”.
Trong tiền đường có 6 hàng chân cột, các vì kèo làm theo kiểu “thượng
chồng rường, hạ kẻ bẩy hiên”.
Phía sau tiền đường là sân hậu và nhà Tổ, nhà Mẫu. Tất
cả các mái đều lợp ngói ri. Khuôn viên chùa khá bề thế với chiều dài
khoảng 80m có trồng xen kẽ nhiều cây cối um tùm, xung quanh lại có tường
cao, tạo nên một không gian tĩnh lặng với dáng vẻ nghệ thuật kiến trúc
cuối thời Nguyễn. Năm 2020, nhà chùa tập trung vật liệu xây dựng để chuẩn
bị cho một đợt trùng tu mới.
Hiện di tích còn lưu giữ bộ sưu tập tượng tròn gồm 28 pho được
tạo tán công phu tỷ mỷ; các di vật văn hoá quý như: bia niên hiệu Chính Hoà
(1783), chuông đồng Cảnh Thịnh (1800), bài vị, cửa võng, cuốn thư, hoành phi...
Đây là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo mang phong cách nghệ thuật thế kỷ
XVII, XVIII, XIX.
Đình và chùa thôn Cam đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng
là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng
và Di tích tập 02
Nguồn: Người Hà Nội