Đình Khê Hồi, thuộc xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội thờ phụng thành hoàng làng là Cao Sơn Đại vương, húy Cao Hiển. Chùa Khê Hồi thờ Phật, Cụm di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia năm 2000.
Khê Hồi trước 1945 thuộc xã Hà Hồi, tổng Hà Hồi, huyện
Thường Tín, tỉnh Hà Đông, ngôi làng duy nhất trong huyện có những trụ đặt đèn lồng
ven những đường ngõ chính để soi sáng lúc ban đêm.
Đây cũng là một vùng quê trù phú và giàu truyền thống
hiếu học với nhiều tên tuổi còn ghi trong văn chỉ. Nổi tiếng có tiến sĩ
Từ Đạm đỗ năm ất Mùi (1895), làm quan đến chức tuần phủ Ninh Bình, từng
cho khắc vào đá 4 câu thơ và lưu vết chân mình ở núi Non Nước.
Đình Khê Hồi thờ thành hoàng Cao Sơn đại vương, húy Cao
Hiển. Theo thần tích lưu tại đền Phương Quế (tức miếu Tổng, ngôi miếu chung
của tổng Hà Hồi), ngài hạ phàm vào thời Trần Thuận Tông (1388-1398), sang
Trung Hoa thi đỗ và làm quan thời nhà Minh. Những truyền thuyết khác cho rằng,
ngài là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, sau hạ phàm làm bộ tướng và là anh em kết
nghĩa với Sơn thánh Tản Viên, cai quản dãy Ba Vì, là thần núi ở Phụng Hóa.
Năm 2000, đình Khê Hồi được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ
thuật quốc gia.
Đình và chùa Khê Hồi có cổng chung hoành tráng, 3 tầng 8
mái, gác trên có cửa tròn và đắp nổi hình rồng, phượng. Gần cổng cụm di
tích là giếng tròn to có thành bao quanh xây bằng đá ong và gạch Bát Tràng,
tựa như một tấm gương lớn nằm chếch phía bắc ngôi đình cổ kính. Bao quanh mặt trước và mặt bên cụm di tích là
một hồ lớn hình lưỡi liềm.
Một cây cầu rộng uốn cong với hai hàng lan can xây bằng
gạch, dài khoảng 20 mét, chia đôi hồ dẫn đến cổng chính cụm di tích, thẳng hướng
tây bắc.
Hồ đình và những cây đại, nhãn, muỗm cổ thụ ven bờ tạo
thành vành đai sinh thái ngăn cách cụm di tích với bụi đường. Hồ cũng
chính là điểm diễn trò thuỷ chiến trong dịp hội làng.
Sau tam quan là sân đình với hai dãy tả hữu mạc 7 gian.
Tiền đường rộng 5 gian 2 chái, kết nối với hậu cung thành hình "chữ
Đinh".
Đình còn lưu giữ tấm bia đá khắc chữ Hán mang niên hiệu
Cảnh Hưng (1740-1786), ghi sự kiện hưng công xây dựng. Trên chính điện treo
bức hoành phi ghi 4 chữ 寶山毓靈 (Bảo Sơn dục linh: núi Bảo Đài nuôi dưỡng thần linh),
một minh chứng xuất thân Thiên thần của Ngài Cao Hiển.
Tại đình còn lưu bản Hương ước tham gia lễ hội của các xã
thuộc tổng Hà Hồi cũ. Hội làng tôn vinh Thần Cao Sơn đại vương của các làng
thuộc tổng Hà Hồi, diễn ra từ ngày 14 đến 17 tháng Ba âm lịch hàng năm. Từ
1954 tại Khê Hồi không tổ chức lễ hội. Mãi đến năm 1994 mới khôi phục được
tục lệ truyền thống mang nét riêng của làng.
Chùa Khê Hồi, tên chữ là "Hoa Lâm thiền tự" 華 林 禪 寺, thuộc xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, thành phố
Hà Nội. Chùa được xây dựng vào cuối
thời Hậu Lê, niên hiệu Cảnh Hưng 23 (1762). Đây vốn là một trong các Tổ
đình của thiền phái Lâm Tế.
Chùa Khê Hồi, theo văn bia còn lưu tại được xây dựng trên thế
đất rồng chầu hổ cuốn, bên trái là núi Thiên Mã bảo vệ, bên phải là sông Kim
Ngưu bao bọc. Trong thôn có chùa, bên cạnh đền thờ, phía trước chùa chầu về sao
Kim, phía sau gối lên sao Ấn, tên chữ của chùa là Hoa Lâm tự.
Chùa đã trải qua nhiều lần sửa chữa lớn nhỏ. Dưới
thời Nguyễn, chùa được đại trùng tu vào năm 1884 niên hiệu Kiến Phúc và
giữ nguyên kiến trúc đến ngày nay.
Ngày 12/7/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Công văn số 2943/BVHTTDL-DSVH gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đồng ý về
thỏa thuận chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích chùa Khê Hồi, thuộc xã Hà Hồi, huyện
Thường Tín. Ngày 24/3/2019, chùa, nhân dân và chính quyền địa phương long
trọng tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích này.
Ngôi chùa đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc
gia tại Quyết định số 06 QĐ/BVHTT ngày 13-4-2000 của Bộ Văn hóa và Thông tin.
Kiến trúc
Tam quan chùa Khê Hồi nhìn hướng tây bắc, xây tách rời
cổng chính với tả môn và hữu môn. Qua khoảng sân chùa là phương đình 2
tầng 8 mái thanh thoát và các bia đá. Chùa có kết cấu "nội Công
ngoại Quốc". Phương đình giáp liền thềm tiền đường rộng 7 gian, nối
liền với gian Ống muống và thượng điện 4 gian.
Hai gian đầu hồi Tòa tiền đường giáp hai dãy hành lang
7 gian, kiến trúc mở kéo dài đến nhà ngang. Nhà ngang rộng 9 gian và
cũng có kiến trúc mở, giữa hai tầng mái là cổ diềm để lấy ánh
sáng và khí trời. Quanh sân trong nhà Hạ, nhà thờ Tổ, nhà Ni và điện thờ Mẫu.
Phía sau hậu đường là một vườn tháp mộ lớn.
Di sản
Chùa Khê Hồi lưu giữ được nhiều cổ vật quý giá như 37 pho
tượng Phật bằng gỗ, nghệ thuật điêu khắc mang phong cách thời Lê Trung Hưng và
thời Nguyễn, 1 chuông đồng đúc từ thời Nguyễn, tấm bia đá ghi niên đại thời
Lê, thời Nguyễn và một số ấn chỉ bằng gỗ. Đặc biệt vườn tháp phía sau
chùa với mấy chục ngôi mộ, cho thấy tổ đình Lâm Tế Hoa Lâm đào tạo
được rất nhiều danh tăng.
Chùa còn lưu giữ khoảng 700 bộ ván khắc các bản Kinh, lưu
giữ trong hai tủ đặt ở hai gian giáp đầu hồi Tòa tiền đường. Theo nội
dung văn bia "Trùng Tu Công Đức Bi Ký" đặt tại chùa, năm Giáp Thân
đời vua Minh Mệnh ( năm 1824), thiền sư Chiếu Thường (Từ Hòa) cho san khắc những
bộ kinh sách như Truy Môn Cảnh Huấn, Văn Thù Chỉ Nam, Tây Phương Công Cứ, Minh
Ty Tướng Công, hoàn thành vào năm Đinh Hợi (1827), theo bản giấy in trước đó của
thiền sư Viên Trí ở chùa Ngọa Vân.
Ngoài ván sách chữ Hán còn có những ván sách chữ Nôm như “Lý
tướng công minh ti lục” đã được PGS Nguyễn Tuấn Cường ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm
và thầy Thích Đồng Dưỡng giới thiệu kỹ lưỡng.
Ảnh: Vietlandmarks
Nguồn: https://www.360.hncity.org/