Làng Đình Quán xưa có tên nôm là Kẻ Diễn thuộc xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đình Quán là một làng Việt cổ có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, được thể hiện qua các di chỉ khảo cổ học được phát hiện quanh khu vực như: di chỉ Ngọa Long với các hiện vật có niên đại cách ngày nay khoảng 2000 năm và các di tích lịch sử văn hóa như đình, chùa, miếu… được xây dựng khá sớm.
Đình Quán là một làng nhỏ, năm 1920 cả làng chỉ có hơn 50 hộ
và 73 suất đinh với 25 mẫu 8 sào ruộng, nên cả làng phải làm thêm nghề phụ như:
gò hàn, mua bán đồng nát, lông gà, vịt.
Giữa làng có ngôi đình mang tên làng. Tương truyền xưa có một
vị quan to xây cho làng ngôi đình vì dân ít và nghèo nên gọi là Đình Quan. Về
sau gọi chệch ra là Đình Quán nên trở thành tên làng. Đầu hồi đình có con đường
chạy dọc cắt làng ra làm hai giáp Đông Quán và Tây Quán.
Có thể đình làng Đình Quán do hoàng thân Trạc Quận Công xây
dựng đời Lê Thuần Tông (1732 - 1735) thờ Thành hoàng có vị hiệu là Tuy dụ Diễn
Khánh đại vương. Hiện nay trong đình có 171 đạo sắc phong của các vua Lê Cảnh
Hưng năm thứ 4 (1783), Quang Trung thứ 5 (1792), Cảnh Thịnh thứ 4 (1796), Minh
Mệnh thứ 2 (1821), Thiệu Trị 2 đạo (1845), Tự Đức 2 đạo (1850 - 1881), Đồng
Khánh (1887), Duy Tân (1909), Khải Định (1924).
Đáng chú ý là trong đình hiện còn tấm bia đá lớn, cao 1,70m
và rộng 0,80m; tấm bia có rồng chầu mặt nguyệt. Bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 17
Bính Tý (1756) do vua Lê Hiển Tông viết văn bia. Nhà vua soạn bài ký ghi trên
bia hậu thần viết về vị hoàng thần triều trước là Tham đốc được phong tặng Đô
hiệu điểm, lại được gia phong Thái bảo, Trạc Quận Công, được ban tên thuy là Cẩn
Tín. Đó là người em con bà phi của vua cha Lê Thuần Tông. Bà phi Chiêu Nghi quê
ở làng Đình Quán.
Sau đây là bản dịch một đoạn trích trong “Hậu thần bi ký” ở
đình làng Đình Quán:
“Bài ký bia hậu thần” (trích):
“Nghĩ rằng: Thuận dưỡng bản tính con người, quạt gió hòn ở
nơi tám cõi, dựng đặt sửa sang phép tắc cho dân để thờ cúng ngàn năm. Lòng người
tha thiết với đạo hiểu là như vậy đó...
Nay thôn Đình Quán, xã phú Diễn, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Đại là quê
hương của ông Thân Ý. Lúc ông còn sống (đối với ông) cũng có nhiều ân nghĩa, vậy
nên mọi người trong thôn tôn ông làm hậu thần. Xét lúc sinh thời ông có lòng tốt
nên nay mới báo đáp ơn sâu. Sau khi ông mất lại tăng thêm ân điển để an ủi vong
linh ông nơi chín suối.
Bản xã bèn dùng 12 mẫu ruộng tốt, 230 quan tiền để phụng thờ
ông ở các tiết trong năm. Lễ vật ở các lần tế tự theo nghi thức đã quy định phải
sửa biện cho đầy đủ. Mọi điều lệ được ghi lại rõ ràng để chiếu sáng cho muôn đời
vĩnh cửu. Lại soạn văn bia khắc vào đá để lưu lại trăm đời bất hủ.
Than ôi, bút đẹp trang hoàng tên ông trường tồn với trăng
sao! Bia cao sừng sững vĩnh viễn không mất.
Bia do Khâm sai tả phiên án lại Cai hợp Huyện thừa, Hoè Lộc
tử Phạm Dung vâng mệnh viết chữ.
Hàng năm, lễ hội đình Đình Quán được mở vào ngày 11 tháng
hai âm lịch. Đình Đình Quán đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến
trúc nghệ thuật năm 1996.
Làng Định Quán còn có một ngôi chùa cổ kính, linh thiêng -
Chùa Đình Quán. Chùa Đình Quán, nay thuộc tổ dân phố số 4, phường Phúc Diễn, quận
Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Chùa nằm ở phía Tây Thành phố, cách trung tâm Thủ
đô khoảng 12km.
Chùa Đình Quán có tên cũ là “Bà Bông tự”, sau đổi thành
“Phúc Quang tự”, các công trình kiến trúc của chùa bố cục hài hòa trong khuôn
viên rộng, xung quanh có tường bao bọc. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ
“Đinh”, bao gồm: tam quan, tòa tam bảo (chùa chính), tiếp đến là hai dãy nhà giải
vũ, nhà thờ Tổ và nhà Mẫu.
Cổng chùa Đình Quán, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm
Cổng chùa được xây kiểu bỏ trụ, ngoài cùng là hai trụ lớn,
kiểu trụ lồng đèn, đỉnh mỗi trụ đắp nổi hình bốn con chim phượng, đuôi chụm vào
nhau, đầu quay bốn hướng tạo thành hình trái dành cách điệu. Qua cổng tam quan
là khoảng vườn rộng bao quanh các công trình kiến trúc chính của Chùa.
Chùa chính bao gồm tiền đường và thượng điện. Nhà tiền đường
năm gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay gai, mái lợp ngói mũi hài cổ, bờ nóc đắp
kiểu bờ đinh, giữa bờ nóc đắp nổi bình nước cam lộ, phía dưới trổ hàng hoa
chanh chạy suốt bờ đinh, giữa bờ đinh đắp ba đại tự, đề ba chữ Hán vuông vức
“Phúc Quang tự”.
Hai đốc mái đắp hình rồng miệng ngậm bờ nóc, đuôi rồng uốn
cong. Bên trong các vì kèo đỡ mái kết cấu theo kiểu vì kèo cầu quá giang trốn
hàng cột phía trước. Mái phân thượng tam hạ tứ, nền nhà lát gạch vuông. Tại tòa
tiền đường đặt các bộ tượng Đức Ông, Thánh Tăng, Hộ Pháp giống như cách bài trí
phổ biến của các ngôi chùa khác ở miền Bắc nước ta.
Nối liền với tiền đường là tòa thượng điện, gồm các nếp nhà
bốn gian chạy dọc phía sau tạo thành hình chữ “Đinh”. Nhà được xây tường hồi
bít đốc, các vì kèo đỡ mái làm kiểu kèo cầu quá giang vỉ ruồi mái phân thượng
tam hạ tứ. Mái lợp ngói mũi hài cổ, đốc mái đắp hình rồng ngậm miệng bờ nóc,
trên dải tường hậu đắp các trụ nhỏ, đỉnh trụ đắp hình chim phượng và các bình
nước nhỏ.
Phía trong tòa thượng điện là hệ thống năm lớp tượng được
bài trí mang đặc trưng của Phật giáo Đại thừa Bắc tông, tuân thủ theo quy định
nghiêm ngặt của đạo Phật. Hàng trên cùng cao nhất của phật điện là bộ tượng Tam
thế Phật thường trụ diệu pháp thân, Phật của quá khứ, hiện tại và vị lai. Lớp
thứ hai là bộ tượng Di Đà Tam Tôn, chính giữa là pho tượng A Di Đà, hai bên là
tượng Quan thế âm và Đại thế chí bồ tát. Lớp thứ ba là tượng Quan âm Chuẩn Đề,
hai bên là tượng văn Thù Bồ Tát và tượng Phổ Hiền Bồ Tát. Lớp tượng ngoài cùng
của Phật điện là tòa Cửu Long và tượng Thích Ca sơ sinh.
Tượng Thích ca đứng trên tòa sen ba lớp cánh, tay trái chỉ
lên trời, tay phải chỉ xuống đất. Tòa Cửu Long trang trí chín hình rồng phun nước
tắm cho đức Phật lúc ngài mới ra đời, điểm xuyết chín hình rồng là 18 pho tượng
Phật được sắp xếp theo thứ tự như tòa Tam bảo thu nhỏ.
Sát tường hậu thượng điện bên phải là bệ tượng Quan Âm Tọa
Sơn, bên trái là tượng Quan Âm Tống Tử (hay còn gọi là tượng Quan Âm Thị kính).
Các pho tượng Phật đều thuộc phong cách nghệ thuật thế kỷ thứ XVIII-XIX. Phía
sau Tam bảo, qua một khoảng sân gạch khá rộng là nhà Tổ, nhà Mẫu và dãy nhà Giải
vũ.
Tam bảo chùa Đình Quán, phường Phúc Diễn
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, có giá trị về
lịch sử và nghệ thuật điêu khắc, đặc biệt 3 pho tượng Phật, 13 tấm bia đá, các
hoành phi câu đối… trong đó tiêu biểu là quả chuông lớn “Bà Bông tự”, đúc năm
Gia Long thứ 18 (1819); ba tấm bia ghi việc trùng tu chùa trong các niên hiệu
Vua: Quang Hưng (1578-1599), Chính Hòa (1680-1705), Gia Long (1802-1819).
Đặc biệt, có bài văn bia của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan
(1527-1613). Đây là nguồn tư liệu quý góp phần nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử,
phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân địa phương.
Trong các bia trùng
tu có bia ghi: “…Chùa được xây dựng từ thời Trần”; có bia ghi “…chùa là đại
danh lam…”. Có những chứng tích để giúp ta có thể khẳng định đây là ngôi chùa rất
cổ. Đó là: Đầu tháng 3 năm 1984, cách chùa chừng vài chục mét về phía Bắc, người
đào làng ao đã tìm thấy ngôi mộ cổ trong quan ngoài quách. Toàn bộ quan tài được
phủ một lớp than dày 40cm. Đây là nét đặc biệt trong cấu trúc mộ quách gỗ quý
được biết xưa nay.
Đồ tùy táng trong mộ chủ yếu là đồ trang sức: một vòng chuỗi
làm bằng đá mã não được trau chuốt tinh vi đẹp mắt; sáu vòng tay, một hộp thuốc
có nắp đậy, một chiếc trâm cài đầu và một số cúc áo bằng kim loại màu vàng…Với
tư liệu hiểu biết trên dưới mười ngôi mộ cổ cùng loại được khai quật và nghiên
cứu ở Việt Nam thì có thể khẳng định ngôi mộ cổ ở Đình Quán có niên đại thuộc
thời Trần (thế kỷ XIII-XIV).
Lần đầu tiên ngôi mộ thuộc thời Trần được biết đến ở Hà Nội.
Người ta đoán rằng, có một nàng công chúa con vua Trần đã ra xây dựng ngôi chùa
này rồi tu ở đó đến khi mất.
Đến khoảng thời Lê Sơ (1482-1533) có một bà vãi quê ở làng
Bông Cởi, huyện Thanh Oai, Hà Nội (Hà Tây cũ) lên chùa ở và bỏ công đức ra tu sửa,
mua ba mẫu ruộng hậu vào chùa và ở chùa cho đến khi mất. Nhân dân địa phương nhớ
ơn bà, đổi tên chùa là Bà Bông, tạc tượng bà thờ phụng ở phía Bắc trong Tam bảo.
Đến cuối thế kỷ XVI, chùa lại được trùng tu, khởi công năm
1588, khánh thành năm 1592, mời Trạng Bùng viết văn bia, đã ghi tên chùa là Bà
Bông. Đến đời Gia Long (1819), khi đúc quả chuông cổ còn lại đến nay cũng ghi
là chùa Bà Bông. Văn bia của Phùng Khắc Khoan đã nếu lên vị trí của ngôi chùa,
về triết lý đạo Phật, về tam giáo đồng nguyên và biểu dương những người đã giúp
góp tiền của làm công việc công đức. Sau đây là trích bản dịch văn bia:
“Bài ký trên bia ghi việc tu tạo chùa Bà Bông, thờ Phật ở
Chùa. Việc đó đã có từ lâu, nay chùa Bà Bong làn nơi danh thắng vào bậc nhất xã
Phú Diễn trong huyện (Từ Liêm). Sửa chữa xây dựng lại tất phải đợi loại cây đàn
lớn…(đoạn này chi tên 10 người đứng lên hưng công)…Nhà sư trụ trì chùa là Lê
Pháp Đăng, tự Mậu Hóa, quê ở huyện Quảng Xương, phủ Tĩnh Gia, Thừa Tuyên, Thanh
Hóa, xuất gia theo Đạo Lớn và mọi người lớn nhỏ trong thông Đình Quán, các vị
tín thí này cùng nhau để tâm làm điều thiện, mở rộng lòng thiện, tu sửa chùa
vào tháng giêng năm Mậu Tý (1529), chùa được tu sửa các phòng trong ngoài, trên
dưới, tô lại tượng Phật…các đồ tế lễ. Nay việc sửa chữa đã hoàn thành, các vị lại
mua đặt ruộng đất, ao hồ hiến vào làm đất Tam bảo, nhờ ta viết ra để mọi người
biết việc này…”.
Với những giá trị về kiến trúc và lịch sử, chùa Đình Quán đã
được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa ngày 13/12/1995 và được Bộ
Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích
kiến trúc nghệ thuật ngày 27/8/1996.
Trải qua nhiều thế kỷ, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong
nhiều năm qua chính quyền địa phương cùng nhà chùa, nhân dân địa phương và quý
khách thập phương đã đầu tư kinh phí trùng tu, sửa chữa Tam bảo, nhà Mẫu, Tam
quan, dựng lại nhà Tổ, xây thêm nhà bia, làm mới nhà khách…
Năm 2018, UBND quận Bắc Từ Liêm đã tiếp tục trùng tu Tam bảo
của chùa từ nguồn ngân sách Quận và hiện nay khu vực Thiền đường cũng đang được
tu bổ tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Chính vì lý do đó mà chùa Đình Quán
ngày càng khang trang, đẹp đẽ, mãi mãi tồn tại cùng thời gian và lịch sử, xứng
đáng là một ngôi chùa cổ đẹp nổi tiếng của vùng ven sông Nhị.
Ngày nay, chùa Đình Quán trở thành điểm đến của nhiều Phật tử.
Bên cạnh việc chiêm bái, lễ Phật, nhiều người tìm đến chùa để tham gia vào các
hoạt động thiện nguyện do nhà chùa tổ chức. Hàng năm, cứ mỗi dịp đầu tháng bảy,
chùa Đình Quán lại sắp xếp những “phòng trọ” miễn phí, mở rộng đón những thí
sinh và người thân trở về Hà Nội dự thi Đại học.
Vì lẽ đó, từ lâu cái tên chùa Đình Quán đã trở nên quen thuộc,
gần gũi với nhân dân địa phương và du khách thập phương xa gần. Đến với chùa
Đình Quán là tìm đến chốn thanh tịnh, xua tan đi mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc
sống và khám phá những nét đẹp về văn hóa, truyền thống nơi đây./.
Nguồn: Chùa Định Quán