Đình, chùa thôn Vàng thuộc địa phận xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đình thờ phụng Đô Hồ Dương Võ Phù Tộ đại vương, danh tướng thời Hùng Vương đã có công gìn giữ giang sơn, âm phù các vị vua đời sau chống giặc ngoại xâm. Chùa thôn Vàng thờ Phật.
Xã Cổ Bi nằm ở bờ nam sông Đuống. Đây nguyên là đất xã Cổ
Bi, tổng Đăng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh trước 1945. Sau này được đặt gọi
là xã Trung Thành, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, đến 1961 thuộc đất Hà Nội, năm
1965 xã Trung Thành đổi tên là xã Cổ Bi.
Đình - chùa thôn Vàng nằm sát cạnh nhau ngay ở đầu thôn Vàng
là một trong 3 thôn của xã Cổ Bi.
Theo văn tự hiện còn lưu giữ được ở di tích và theo lời truyền
kể của dân làng thì chùa thôn Vàng được dựng để thờ Phật, đình thờ một vị tướng
võ thuộc thời kỳ Hùng Vương. Người được dân làng suy tôn thành hoàng làng là
“Đô Hồ Dương Võ Phù Tộ đại vương”, một vị tướng có công lớn trong buổi đầu dựng
nước và giữ nước của dân tộc. Lúc sinh thời, Người đã tung hoành mang võ công của
mình giữ gìn giang sơn. Khi mất lại thường hiển linh giúp vua các đời sau chống
giặc.
Trong cuộc khởi nghĩa Mê Linh, khi Nhị vua Hai Bà Trưng tiến
vào trang Cổ Bi, thấy địa hình đẹp, tiến thoái đều thuận lợi, bèn cho quân sĩ
nghỉ lại. Đêm mồng 10 tháng 3, vào cuối canh tư, trong giấc ngủ mơ màng, Bà thấy
có một ông già, mũ áo chỉnh tề, hình dung kỳ dị từ bên kia đường lại, xưng là
Linh thần và nói ” Ta vốn dòng dõi Hùng Vương, chịu mệnh thiên đình, trấn giữ đất
này, nay gặp đại quân đi làm việc nghĩa, ta xin trợ giúp. Nếu sau này hiển
vinh, xin cùng phối hưởng”.
Bà biết đó là thổ thần báo mộng liền làm lễ tạ rồi dẫn binh
tiến thẳng đến Lũy Lâu, trung tâm cai trị Giao Châu của nhà Đông Hán. Đại binh
tiến đánh dữ dội, buộc thái thú Tô Định phải chạy trốn, thu lại được 65 thành.
Hai Bà lên ngôi, nhớ công đức của Thần đã gia phong mỹ tự "Trung quốc hùng
trấn uy linh ngưng hưu chi thần".
Các triều đại sau này đều ban sắc phong đặt mỹ tự:
Năm Thiên Phúc thời Lê Đại Hành gia phong cho bản thành
hoàng "Đức bác bộ hộ quốc đại vương".
Thời Trần, Trần Quốc Tuấn cũng đến cầu đảo tại Đền, bình
xong giặc Nguyên, vua Trần gia phong "Linh ứng anh thiết hiển hưu trợ thuận
đại vương".
Vua Lê gia phong " Phổ tế cương nghị anh linh".
Thời Lê Cảnh Hưng gia phong "Diên hy tích khảnh".
Thời Cảnh Thịnh gia phong "Dực chính khai bình".
Thời Nguyễn gia phong "Âm phù linh ứng dực bảo trung
hưng".
Các triều đại đời sau cũng sắc chỉ cho dân Cổ Bi được hương
lửa muôn đời thờ phụng.
Đình thôn Vàng nhìn hướng tây nam, có quy mô khang trang,
bao ngũ môn, tảo mạc, bình phong, sân
đình. Đại đình bao gồm tòa Đại đình, Trung đường và Hậu cung.
Đại đình gồm bẩy gian, mái lợp ngói vảy hến, bờ nóc chạy thẳng
không trang trí, bờ giải xây giật ba cấp, đầu hồi bít đốc tay ngai có gắn sứ chạm
rồng. Qua một bậc cửa chạy suốt ba gian giữa là Đại đình. Nền lát gạch hoa, gạch
chỉ và Bát Tràng, gian giữa được thiết kế theo kiểu lòng thuyền.
Đại đình có kiến trúc khá vững chắc được làm theo kiểu vì chồng
rường giá chiêng, bốn hàng chân cột gian giữa có đường kính 60cm đứng vững chãi
trên chân đá tảng.
Không gian của đại đình thoáng, rộng để phục vụ các nghi lễ
thờ phụng thành hoàng và là nơi hội họp sinh hoạt văn hoá tâm linh. Đại đình
trước kia hệ thống cửa làm theo kiểu “thượng sơ hạ mật” chấn song con tiện,
trong chiến tranh đã bị phá hỏng nay được thay thế bằng cửa ván ở ba gian giữa
và tường xây ở bốn gian hai bên.
Gian giữa đại đình đặt một nhang án lớn, phía trên là bức cửa
võng sơn son thiếp vàng với bốn chữ lớn “Thánh cung vạn tuế” hai bên là hai bộ
bát bửu và một đôi câu đối lòng máng chạm văn triện.
Qua ba cửa vòm cuốn ở gian giữa và hai cửa lớn ở gian hai
bên là trung đường. Trung đường với mái lợp ngói vảy hến, hai tầng tạo thành bốn
mái dài bốn mái ngắn. Các con kìm của mác tạo thành đao cong và hai vỉ ruồi. Bờ
nóc chạy thẳng, để trơn không trang trí. Giữa hai lớp mái có hàng chấn song con
tiện chạy suốt bốn bên để lấy ánh sáng cho trung đường và hậu cung.
Liền kề với trung đường là hậu cung gồm có ba gian, mái lợp
ngói vảy hến, bờ nóc trang trí rồng gắn men sứ chầu mặt trời lửa. Sát bờ giải đắp
hai con nghé. Giữa hai lớp mái có trang trí rồng, bờ giải xây giật bốn cấp (hai
mái trên, hai mái dưới).
Gian giữa hậu cung là bệ lớn đặt khám thờ, long ngai bài vị
Thành hoàng. Hai bên đặt hai ban thờ nhỏ. Trang trí trên kiến trúc của hậu cung
chủ yếu ở hai cốn hồi với các đề tài rồng, hoa lá cách điệu.
Mọi chạm khắc của kiến trúc được tập trung ở gian giữa đại
đình với bốn đầu dư chạm rồng mang phong cách cuối Lê đầu Nguyễn đỡ lấy quá
giang. Rồng được chạm sinh động mắt lồi, mũi nở, bờm uốn thành hình đao mác. Hệ
thống cốn trong và ngoài đại đình được chạm cầu kỳ với đề tài hoa lá, long, ly,
quy, phượng, trúc diều, hòm sách, cá hoá rồng…
Đình thôn Vàng còn lưu giữ được những di vật văn hoá có giá
trị cao bao gồm:
– Một bản sao cuốn thần phả gốc do Hàn lâm viện bộ lễ đại học
sĩ Nguyễn Bính phụng soạn.
– Một sắc niên hiệu Khải Định 9 (1924) cho phép thôn Vàng được
thờ phụng bản cảnh thành hoàng đô hộ tôn thần có công phù giúp bảo vệ dân làng
quanh năm.
– Một bộ bát bửu, ngai bài vị, kiệu bát cống, ngựa gỗ, đôi hạc
gỗ, một bộ cửa võng, hoành phi…
Nằm sát cạnh đình là chùa Vàng, sân chùa rộng, chùa bao gồm
gồm Tiền đường, Hậu cung và nhà Tổ.
Tiền đường gồm 6 gian có kết cấu vì chồng rường, 2 đầu dư
phía ngoài chạm rồng đỡ quá giang, phía trong không chạm rồng mà tạo hình 2 con
nghê chầu. Qua bốn cánh cửa bức bàn chấn song con tiện là gian Hậu cung của
chùa.
Đình và chùa Vàng đã bảo lưu được nét đẹp trong nghệ thuật
xây dựng đình - chùa và nghệ thuật tạc tượng của cha ông ta xưa. Hệ thống tượng
của chùa có đủ các bộ tượng chính với 21 pho tượng Phật. Nổi bật bộ tượng Tam
thế Phật gồm 3 pho ngồi thiền định trên toà sen, tóc bụt ốc nổi giữa đỉnh đầu,
tai chảy dài. Tiếp theo là pho tượng A Di Đà trên bệ cao, chạm khắc tỷ mỉ, sống
động mang phong cách nghệ thuật thời Lê.
Cụm di tích Đình chùa thôn Vàng còn lưu giữ những tấm bia đá
khắc Hán với các niên đại khác nhau, ghi lại những sự kiện đã diễn ra, những lần
trùng tu lớn và những người đã công đức, đồng thời là những tác phẩm nghệ thuật
có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
Cụm di tích có 37 tấm bia, sớm nhất có niên đại Long Đức 3
(1734) cho thấy, cụm di tích được khởi dựng được gần 300 năm. Do địa hình sát
ngay cạnh sông nên những năm nước to cụm di tích thường bị ngập lụt khiến đình
chùa bị hư hỏng và mất mát nhiều cổ vật. Thời Tự Đức, cụm đình - chùa đã phải
di chuyển lớn một lần, cách đây 70 năm do sông lở, lại phải di chuyển di tích một
lần nữa vào vị trí hiện nay. Mặc dù vậy nhưng người dân địa phương vẫn cố gắng
gìn giữ kiến trúc và hiện vật như thời mới khởi dựng.
Đình, chùa thôn Vàng
đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995.
Nguồn: Di tích lịch sử văn hóa Hà Nội